Phương pháp trồng dưa leo thủy canh

Khi thực phẩm bẩn là một trong những mối lo ngại của người dân hiện nay thì mọi người có xu hướng tìm đến rau an toàn.

Thủy canh là phương pháp trồng rau an toàn không còn xa lạ với nhiều ưu điểm: không cần đất, không cần tưới, trồng được nhiều vụ, sản phẩm sạch…Sau đây Fman xin giới thiệu phương pháp trồng thủy canh không hồi lưu cây dưa leo:

Cây dưa leo trồng theo phương pháp thủy canh

1.Chuẩn bị vật liệu

  • Hộc thủy canh

Hộc thủy canh dưa leo có thể làm bằng gạch, hộp xốp đựng trái cây hoặc những vật liệu tương tự. Hộc có bề dày từ 5 – 6 cm để giữ cho nhiệt độ dung dịch được thấp.

  • Nắp hộc

Nắp hộc (nắp đậy) là nơi đặt giá thể trồng cây, nắp hộc được đục lỗ tròn tương ứng với kích thước của rọ nhựa. Vật liệu sử dụng nhẹ như tấm xốp, hoặc nhựa tổng hợp,…

  • Túi để cây (rọ nhựa)

Giá thể được sử dụng là vỏ trấu hoặc vermiculite. Rọ nhựa có đục lỗ cho rễ mọc ra và để chìm trong dung dịch dinh dưỡng chừng 1 – 3 mm để giữ ẩm cho giá thể, tạo điều kiện cho cây hô hấp.

  • Lưới bao quanh hệ thống thủy canh

    Cây trồng thủy canh được bố trí trong nhà lưới đảm bảo hạn chế tối đa ảnh hưởng của điều kiện ngoại cảnh như mưa gió, sâu bọ, côn trùng gây hại,…

  • Thiết bị tự động điều khiển mực nước

    Thiết bị phao nổi: Dung dịch dinh dưỡng được chứa trong hộc hoặc thùng xốp (50 x 35 x 35cm). Dung dịch dinh dưỡng được cung cấp đầy đủ bên trong thùng xốp, rễ cây được hoàn toàn chìm trong đó. Phao nổi được đặc cách mặt thùng từ 3-4 cm, để khi dung dịch đã giảm đi vài centimet, nước sẽ được cung cấp tự động từ nguồn nước để khôi phục lại mực nước ban đầu.

Thiết bị phao nổi là một giải pháp để khắc phục nhược điểm của hệ thống thủy canh không hồi lưu.

  • Môi trường thủy canh

  • Hạt giống

Dưa leo chỉ cần 2 tuần để nẩy mầm từ hạt. Kể từ khi cấy đến khi tạo quả là 30 ngày. Thời gian thu hoạch là 90 ngày sau đó.

Khi gieo, tốt nhất nên để hạt nằm sâu trong giá thể nhưng không nên quá sâu làm cản trở sự nẩy mầm của hạt. Trước khi gieo, hạt nên được bao quanh bởi mẩu giấy hoặc bông thấm nước, nó sẽ giúp nhiệt độ quanh hạt được ổn định. Nhiệt độ tốt nhất để hạt nẩy mầm là 24ºC (29ºC hạt sẽ chết).

2. Cách tiến hành:

  • Chuẩn bị mặt bằng, giá đỡ

Có thể đặt thùng thủy canh trực tiếp trên nền xi măng, ban công, sân nhà…hoặc làm giá bằng tre, gỗ, nhựa và cũng có thể bằng xốp. Tuy nhiên khi chọn địa điểm để trồng nên chọn nơi có ánh nắng mặt trời càng nhiều càng tốt.

  • Chuẩn bị hộc trồng

Hộc trồng hoặc hộp xốp phải có sơn đen bên trong hoặc lót ni long đen để đựng dung dịch (nhằm tránh ánh sáng khuếch tán tác động lên bộ rễ).

Hộc trồng được sơn đen

  • Khoan lỗ nắp đậy

Dùng ống nước bằng nhựa (có đường kính tương đương miệng rọ) đục lỗ trên nắp hộp khoảng cách các lỗ khoảng 5-10cm

Đục lỗ trên nắp đậy

2.4 Chuẩn bị rọ gieo hạt

Dùng xơ dừa nhồi dưới đáy rọ, nhồi tro trấu bên trên, đặt rọ vào các lỗ đã đục trên nắp hộp.

Rọ nhựa và gieo hạt

2.5 Pha dung dịch dinh dưỡng

Dinh dưỡng cô đặc đựng trong chai, lắc thật đều đổ vào thùng xốp,thêm đủ lượng nước theo hướng dẫn, sau đó khuấy đều. Mực nước cách miệng thùng ít nhất 2 cm
Pha dung dịch dinh dưỡng

2.6 Gieo hạt

Gieo 2-3 hạt vào mỗi rọ ở độ sâu khoảng 1cm hoặc cấy cây con vào

Gieo hạt

Cấy cây con

2.7 Kết thúc

Đặt nắp hộp có sẵn rọ nhựa đã gieo hạt lên trên hộp xốp chứa dụng dịch dinh dưỡng, sao cho đáy rọ nhựa ngập trong dung dịch từ 1-2 cm.

Kiểm tra mực nước

Chú ý: lắp thêm ống thông hơi để đảm bảo thông thoáng cho hệ rễ của cây, theo dõi mực nước trong hộp xốp, cần pha dinh dưỡng thêm vào khi mực nước thấp hơn bộ rễ

Theo dõi và chăm sóc

  • Từ khi gieo đến khi rễ cây có khả năng hút dung dịch cần chú ý phun tưới thường xuyên để giữ đủ ẩm cho hạt nảy mầm. Nếu trời quá lạnh, có xương muối hoặc quá nắng nóng đều phải che phủ cho cây.
  • Khi cây bắt đầu bén rễ có khả năng hút dinh dưỡng thì có thể bổ sung dinh dưỡng vào thùng, khuấy cho dinh dưỡng phân tán.
  • Nếu có điều kiện mỗi tuần một lần tiến hành sục khí làm thoáng dung dịch khi cây còn nhỏ và 4-5 ngày khi cây lớn, cây sẽ phát triển tốt hơn. Cần chú ý không để bong bóng khí quá lớn có thể gây tổn thương rễ ảnh hưởng đến sự phát triển của cây.

  • Trong suốt quá trình phát triển của cây cần thường xuyên thăm nom quan sát tình hình sâu bệnh hại để phát hiện và có biện pháp phòng trừ sớm.
  • Trong quá trình chăm sóc rau chúng ta phải thường xuyên kiểm tra hộp trồng rau để tránh rò rỉ dung dịch dinh dưỡng; cần bổ sung nước sạch cho đến khi thu hoạch, cần bổ sung thêm lượng dinh dưỡng bằng 30% lượng dinh dưỡng dung dịch mẹ cho ban đầu sau mỗi lần thu hoạch
  • Theo dõi hàng ngày nếu có sâu thì bắt bằng phương pháp cơ học; bổ sung và thay thế những cây xấu, kém, những cây chết, chuyển đổi vị trí cho rau đủ ánh sáng và dinh dưỡng; cắt bỏ lá gốc, lá vàng, tỉa nhánh rễ, vệ sinh hộp sau mỗi lần thu hoạch, mùa hè cần che nắng bằng lưới đen từ 10 giờ đến 16 giờ

Nguồn: tổng hợp bởi Farmtech VietNam

Nuôi lươn đồng trong can nhựa

Nuôi lươn trong can nhựa là một mô hình nuôi mới vẫn còn xa lạ với người dân. Tuy vậy, mô hình này lại có những ưu điểm vượt trội với chi phí đầu tư rất thấp, ít hao hụt và lợi nhuận khá cao mà ai cũng có thể áp dụng.

Kỹ thuật nuôi lươn trong can nhựa

Đối với những hình thức nuôi lươn khác, việc chăm sóc, quản lý vật nuôi rất khó vì người nuôi không biết được chính xác số lượng trong bể nuôi, quản lý nguồn thức ăn không tốt, dịch bệnh vẫn hay xảy ra, chi phí đầu tư lại không hề thấp. Đối với hình thức nuôi lươn trong can nhựa này, việc quản lý lươn sinh trưởng rất dễ, ít bị bệnh, tỷ lệ hao hụt gần như bằng 0, chất lượng thịt lại đạt tiêu chuẩn an toàn (vì thịt rất sạch) đầu tư ban đầu cực kỳ thấp. Mỗi đợt thu hoạch có thể đạt doanh thu lên đến vài chục triệu đồng.

Chuẩn bị can nuôi và trang thiết bị cần thiết

Ông Thịnh đang đục lỗ và xỏ các thanh tre vào can nhựa

Lựa chọn can nuôi có thể tích là 30lit. Trên thân can đục nhiều lỗ cỡ khoảng 1cm hoặc 0,6cm. Dùng các thanh tre đã được vót tròn, vừa với kích thước của lỗ, kích thước thanh tre có thể là 4,5cm. Mục đích là cho lươn quấn vào thanh cây này để phát triển.

Một can nhựa để nuôi lươn hoàn chỉnh

Phía trên can nhựa cũng đục nhiều lỗ để lưu thông không khí vào bên trong cho lươn có đủ oxy để thở.

Đặc điểm nuôi lươn trong can nhựa này không cần xây bể hay dùng bùn gì cả, chỉ cần có một dòng nước tự nhiên là có thể nuôi được.

Chính vì thế, những can nhựa này thường đường đặt ở vị trí cố định trên một thanh tre hay gỗ nằm ở dưới nước. Để giữ cho phần trên của can nhựa nằm trên mặt nước (25cm) (cho có oxy vào bên trong), thanh gỗ chứa các can nhựa phải được đặt cách mặt nước 0,5m.

Mỗi can cách nhau khoảng 2cm

Chi phí đầu tư ban đầu: tổng chi phí khi tính cho 24 can nhựa tổng chi phí khoảng 1,8 triệu đồng (giá bao gồm lươn giống, can, cây tre…)

Thuần hóa con giống

Ông Thịnh đang thực hiện quy trình thuần lươn bằng thuốc nam do ông tự nghiên cứu

Yếu tố quan trọng nhất để thành công trong mô hình này là con giống. Lươn giống nuôi theo mô hình này nên là giống lươn đồng, được thuần hóa trước khi cho vào can nuôi. Vì giống ngoài tự nhiên nên lươn rất khỏe và hầu như ít bị bệnh.

Thức ăn cho lươn và cách cho ăn

Thức ăn cho nuôi theo hình thức này cũng không khác nhiều so với những hình thức khác. Cũng cho chúng ăn những thức ăn tươi sống như cá tạp, tôm, nhuyễn thể …

Túi vải đựng thức ăn của lươn

Việc cho lươn nuôi trong can nhựa ăn cũng rất đơn giản. Có thể dùng vải để may một chiếc túi khoảng 30-40cm chiều dài, gắn cố định với nắp can nhựa. Trên thân túi đục nhiều lỗ để khi cho thức ăn vào lươn có thể ăn từ những lỗ đó. Thức ăn sẽ không bị rơi vãi ra bên ngoài, làm dư thừa và làm bẩn nguồn nước đối với những hình thức nuôi khác). Sau khi lấy túi vải đựng thức ăn ra ngoài nhớ phải giặt lại sạch.

Mỗi khi muốn cho ăn thì mở nắp can và cho thức ăn vào

Với cỡ lươn giống 30-40 con/kg, thức ăn nuôi lươn lươn là hỗn hợp thịt ốc xay nhuyễn trộn với thức ăn viên nuôi cá có độ đạm 30-40%, cho ăn 1 lần/ngày vào buổi chiều.

Nhờ ưu điểm nuôi tại nguồn nước tự nhiên, không phải thay nước (vì nước luôn luôn chảy chứ không đọng lại) nên dù thức ăn có rơi ra 1 lượng ít thì nước trong can vẫn không bị nhiễm bẩn.

Với phương pháp nuôi thân thiện với môi trường này mà lươn trong can nhựa sinh trưởng theo hướng tự nhiên, thịt sạch, không bệnh, tăng trưởng đều.

Chăm sóc và theo dõi

Nuôi lươn trong can khá an nhàn. Người chăn nuôi không phải cần quá nhiều thời gian để chăm sóc và theo dõi chúng.

Con lươn đồng phát triển tự nhiên, có màu vàng và bóng

Khi lươn trong can được khoảng 0,3-0,4kg/con là có thể xuất bán. Mỗi can có thể thả được 1kg lươn giống. Khi xuất bán có thể đạt khoảng 15-16kg lươn thành phẩm. Trung bình lợi nhuận/can vào khoản gần 1 triệu đồng.

Thường xuyên kiểm tra lượng thức ăn lươn tiêu thụ, nếu lươn bỏ ăn có thể bổ sung vitamin hoặc dưỡng chất khác tùy thuộc vào tình trạng của lươn để xử lý.

Nguồn: Danviet được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam

Phòng trừ sâu bệnh trên bắp cải

Thời tiết mưa nắng đan xen tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển các loại rau, trong đó có cây cải bắp. Bà con nông dân cần chú ý cách phòng trừ.

Các loài sâu gây hại

– Sâu tơ: thường tập hợp ở mặt dưới lá.

– Sâu xanh bướm trắng: thường ẩn nấp mặt dưới lá.

– Bọ nhảy sọc cong vỏ lạc: gây hại nặng nhất ở thời kỳ cây con mới mọc nếu mật độ 1 – 2 con/cây kết hợp trưởng thành hại lá có thể làm cây chết.

Sâu tơ hại bắp cải.

Phòng trừ:

– Biện pháp canh tác: Thu dọn tàn dư cây trồng sau khi thu hoạch. Cuốc lật đất cày sâu 10 – 15 cm, phơi ải từ 10 – 15 ngày trước khi trồng (hoặc lên luống rồi phủ ni-lông trên bề mặt từ 3 – 5 ngày để diệt ấu trùng sau đó gieo trồng bình thường). Bón phân đầy đủ và cân đối, sử dụng phân hữu cơ hoai mục. Thường xuyên luân canh với các cây khác họ. Gieo trồng tập trung đúng thời vụ.

-Biện pháp hoá học:

+ Đối với sâu tơ: Khi mật độ sâu trên 20 con/m2 (giai đoạn cây con) và trên 30 con/m2 (cây lớn) thì sử dụng thuốc: Oncol 20EC, Cyperkill 10EC, 25EC, 5EC, Pegasu 500SC, Reasgant 1,8EC, 3,6EC, Sokupi 0,36AS, Catex 1,8EC, 3,6 E…

+ Đối với sâu xanh bướm trắng: Khi mật độ sâu non trên 6 con/m2 sử dụng thuốc Ratoin 10EC, Delfin WG (32BIU), Biocin 16WP, Cymerin 10EC…

+ Bọ nhảy: Khi mật độ trên 20 con/m2 sử dụng thuốc Actara 25WG, Sokupi 0,36 AS, 0,5AS….

Chú ý: Khi phòng trừ phải phun theo hướng dẫn kỹ thuật trên vỏ bao bì, tuân theo nguyên tắc “4 đúng”, ưu tiên sử dụng thuốc sinh học và thuốc thảo mộc và bảo đảm đúng thời gian cách ly.

Bệnh thối nhũn

Có 2 nguyên nhân gây ra ( do nấm thối hạch và do vi khuẩn thối nhũn gây ra). Cần nhận biết và phân biệt rõ vỡi những triệu chứng sau:

Thối nhũn do nấm

– Do nấm tồn tại trong đất trồng, tàn dư gây ra.

– Vết bệnh lúc đầu là những chấm nhỏ, mất màu sau đó nhũn ra.

– Bệnh gây thối từng lớp lá từ trên xuống dưới.

– Gặp độ ẩm không khí cao thấy có lớp tơ màu trắng bao phủ vết bệnh. Không có mùi khẳn.

– Thuốc trị bệnh: Validacin3L, Rovral50WP, Anvil5SC, Bennomyl 50WP…

Bắp cải bị thối nhũn

Thối nhũn do vi khuấn

– Do vi khuẩn tồn tại trong đất trồng, tàn dư gây ra

– Lúc đầu thấy xuất hiện một số lá bị héo vào buổi trưa, tươi lại buổi chiều.

– Bệnh làm thối mềm phần trong của cây (lõi) rồi sau đó làm thối nhũn cả bắp.

– Độ ẩm cao, thối nhũn càng nặng và ngửi vết bệnh thấy có mùi khẳn đặc trưng của hiện tượng thối nhũn do vi khuẩn.

– Không có thuốc trị bệnh mà chỉ có thuốc phòng: Kasumin 2L, Starner 20WP, New Kasuran 16,2 WP, Rovral 50WP.

Chú ý: Khi gặp thời tiết có mưa, để phòng bệnh thối nhũn cải bắp, người trồng không nên xới xáo làm đứt rễ cây hoặc vặt lá gốc cây. Đồng thời, cần trừ sâu ăn lá (sâu xanh) nếu có sâu gây hại. Khi ruộng bị nhiễm bệnh, không nên tưới nước vào chiều mát.

Bệnh đốm lá do nấm

Vết bệnh hình tròn, có màu tím đậm sau chuyển nâu có viền vàng hoặc nâu đen. Vết bệnh già có màu đen, đôi khi thấy có một lớp bột màu đen che phủ lên bề mặt vết bệnh. Vết bệnh điển hình nhìn như đốm mắt cua.

Bệnh đốm lá

Thuốc phòng và trị bệnh: Score, Anvil 5SC, Antracol 70WP, Rovaral 50WP…

Bệnh cháy lá bã trầu do vi khuẩn

Vết bệnh có màu đỏ, ẩm thì nhũn ra, khô hanh thì giòn. Cây bị bệnh thường các lá bị cháy từ bìa lá cháy vào. Vết bệnh thường có hình tam giác mà đỉnh là gân lá.

Vi khuẩn tồn tại trong hạt giống và xác cây bị bệnh, không tồn tại trong đất trồng. Các vết thương như các sẹo lá, vết thương do côn trùng, vết thương cơ học, vết bệnh do các mầm bệnh khác,… là các cửa ngõ cho vi khuẩn xâm nhập.

Bệnh cháy lá bã trầu

Bệnh nhiễm nặng hơn trong điều kiện có mưa và nhiệt độ cao và có thể lây nhiễm từ cây bệnh sang cây mạnh trong khi vận chuyển sau thu hoạch hoặc trong khi tồn trữ.

Bệnh sưng rễ

Trồng bắp cải chỉ sau 3 tuần bắt đầu tạo củ – đây là bệnh gây sưng rễ cải bắp.
Triệu chứng:
Bệnh sưng rễ cải bắp (hay còn gọi là bệnh nốt sần rễ cải bắp) là một trong những đối tượng bệnh nguy hiểm. Bệnh không chỉ gây hại trên cải bắp mà còn gây hại trên cả su hào, cải bẹ, cải củ và các cây rau họ thập tự khác. Đặc điểm của bệnh là tạo thành các nốt sần, các u bướu trên rễ cây. Các cây bị bệnh lá héo vàng, bắp không phát triển hoặc không hình thành bắp.

A : Bệnh sưng rễ. B : vườn bắp cải bị sưng rễ

Nguyên nhân:
Gây sưng rễ cải bắp được xác định là do nấm Plasmodiophora brassicae Wor. Nấm gây bệnh là một loại ký sinh chuyên tính và chỉ phát triển trong tế bào cây đang sống. Bào tử ngủ nghỉ ở trong đất, đến khi gặp điều kiện thuận lợi thì phát triển thành các du động bào tử có một lông roi ở phía đầu. Các du động bào tử này xâm nhập vào cây qua các lông rễ để gây bệnh. Sau khi xâm nhập vào rễ cây các du động bào tử biến thành các khối chất nguyên sinh hình cầu, sau đó các khối này lại phân chia thành nhiều du động bào tử đơn bội thể giao phối với nhau và tạo thành các khối nhị bội thể. Vào cuối giai đoạn sinh trưởng của cây, dưới tác động của các vi sinh vật trong đất, các nốt sần ở rễ cây vỡ ra, bào tử nấm rơi vào đất và là nguồn lây bệnh cho vụ sau.
Điều kiện phát sinh phát triển của bệnh:
Bào tử nấm nảy mầm trong phạm vi nhiệt độ từ 6 – 28 C, độ ẩm đất vào khoảng 50 – 97%; nhưng nhiệt độ thích hợp cho bào tử nảy mầm là từ 18 – 25 C và ẩm độ đất là từ 75 – 90%. Trong đất không phải tất cả các bào tử đều nảy mầm một lúc; khả năng sống của bào tử nấm từ 6 – 7 năm. Nấm lan truyền từ ruộng này sang ruộng khác cùng với cây giống, cũng có thể qua dòng nước tưới, qua giun và các loại côn trùng sống trong đất.
Biện pháp phòng trừ bệnh:
+ Gieo trồng các giống cây chống bệnh.
+ Không trồng cải bắp và cây họ hoa thập tự 2 – 3 năm liên tiếp trên cùng mảnh ruộng.
+ Loại bỏ cây con bị bệnh trước khi mang ra ruộng trồng.
+ Trên chân đất chua cần bón bổ sung vôi.
+ Vun gốc cho cải bắp sau mỗi lần bón thúc và tưới nước để cải bắp ra thêm rễ mới giúp cây phát triển tốt hơn.
+ Tích cực diệt trừ cỏ dại đặc biệt là cỏ dại họ hoa thập tự vì nấm có thể tích luỹ ở rễ các loại cây này.
+ Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, khi phát hiện cây bệnh kịp thời nhổ bỏ cả cây lẫn rễ và mang tiêu huỷ.
+ Có thể sử dụng chế phẩm nấm đối kháng Trichoderma trộn với phân chuồng khô từ 10 – 15 ngày sau đó bón vào rãnh trước khi trồng cây.

Tổng hợp bởi Farmtrch Vietnam

Kỹ thuật trồng bắp cải tím

Bắp cải tím đang ngày càng được ưa chuộng vì những lợi ích mà nó mang lại. 

Trong bắp cải tím có chứa nhiều vitamin C và vitamin K tốt cho làn da cùng với hàm lượng chất chống ô xy hóa cao, giúp làn da trở nên mềm mại và đàn hồi.

Sở dĩ bắp cải tím có màu như vậy là vì nó có hàm lượng cao polyphenol anthocyanin. Chất anthocyanin có tính kháng viêm. Ngoài ra, chất này có tác dụng như kem chống nắng, bảo vệ các tế bào khỏi những tổn hại do các tia cực tím gây ra cho da, thậm chí còn có các chất dinh dưỡng thực vật nhiều hơn so với một bắp cải xanh.

Bắp cải tím có nguồn gốc từ vùng Địa Trung Hải, thích hợp với những vùng có khí hậu ôn đới, ở Việt Nam, loại rau này được trồng nhiều ở Đà Lạt. Kỹ thuật trồng loài cây này tương đối đơn giản gần giống với loại bắp cải xanh truyền thống của ta.

Chuẩn bị

  • Chọn đất canh tác: Cách xa các khu công nghiệp, bệnh viện, nhà máy, … (không gần nguồn nước ô nhiễm và nước thải của các nhà máy, bệnh viện).
  • Đất tơi xốp, nhẹ, nhiều mùn, tầng canh tác dày, thoát nước tốt.
  • Vệ sinh vườn, dọn sạch các tàn dư thực vật của vụ trước
  • Ở những vườn các vụ trước đã trồng bắp cải cần xử lý đất bằng Flusulfamide hay Methyl Bromide để hạn chế bệnh sưng rễ.

Gieo hạt và trồng cây

  • Đặc điểm hạt giống bắp cải tím là dễ nứt vỏ nên không cần ngâm ủ. Sau khi làm đất thì rải đều hạt lên trên mặt,phủ thêm một lớp đất mỏng. Để giữ đất ẩm lâu hơn bạn nên rải thêm một lớp rơm rạ hoặc trấu lên phía trên.
  • Tưới nước: Sau khi gieo hạt phải tưới nước liên tục 3 – 5 ngày đầu, 1 – 2 lần vào sáng sớm và chiều mát. Khi hạt đã nảy mầm ngừng tưới 1 – 2 ngày, sau đó cách 1 ngày tưới 1 lần. Trước khi nhổ cây đem trồng, ngừng tưới nước 3 – 4 ngày để luyện cây con. Trước khi nhổ cây trồng phải tưới nước trước 4 – 5 giờ để khi nhổ cây không bị đứt rễ.
  • Bón phân thúc: Sau khi cây có 2 lá thật dùng phân chuồng ủ mục ngâm nước pha loãng tưới cho cây con (lượng phân 1,5 – 2,0 tấn/ha).
  • Tỉa cây: Khi cây có 1 lá thật thì tỉa lần 1 ở những chỗ cây quá dày. Khi cây có 3 lá thật tỉa lần 2, để cây cách cây 5 – 6 cm.
  • Mật độ trồng: Cây trồng hai hàng kiểu nanh sấu.Mật độ 30.000 – 35.000 cây/ha, khoảng cách 60 x 40 cm.

Chăm sóc và bón phân

  • Tưới nước: Sau khi trồng, tưới đủ ẩm vào buổi sáng và chiều mát cho đến khi cây hồi xanh. Sau khi vun, bón thúc đợt 1 và 2, tưới rãnh cho nước ngấm 2/3 rãnh, sau đó tháo hết nước.
  • Lượng phân và cách bón:
    – Lượng phân bón cho 1ha: 20 – 25 tấn phân chuồng hoai mục, 350 – 400 kg super lân, 300 kg đạm urê, 200 kg phân kali.
    – Bón lót: Toàn bộ phân chuồng, phân lân. Rạch hai hàng trên mặt luống bón phân, sau đó lấp đất hoặc bón theo hốc trồng cây.
    – Bón thúc lần 1: Thời kỳ hồi xanh, sau trồng 7 – 10 ngày, bón 70 kg urê và 60 kg kali sunfat hoà tưới vào gốc kết hợp xới vun làm cỏ vét rãnh.
    – Bón thúc lần 2: Thời kỳ trải lá bàng, sau trồng 20 – 25 ngày, bón 150 kg urê và 80 kg kali sunfat, bón cách gốc 20 cm kết hợp xới xáo làm cỏ lấp phân.
    – Bón thúc lần 3: Thời kỳ cuốn bắp, sau trồng 30 – 35 ngày, bón nốt lượng phân còn lại, có thể bón vào gốc hoặc hòa nước tưới.

Chú ý vị trí cây phải cung cấp đủ ánh sáng để cây đậm màu.

  • Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sâu xám, giết các ổ trứng sâu khoang, sâu xanh,dùng thuốc trừ sâu với sâu tơ và rệp.
  • Khi xuất hiện các bệnh sương mai, thối nhũn, nhổ bỏ cây bị bệnh, vệ sinh đồng ruộng tránh lây lan.

Thu hoạch

Sau khoảng 3 tháng, bạn có thể thu hoạch được cây. Loại bỏ lá già, lá ngoài, lá giập nát, không ngâm nước.

Nguồn: tổng hợp bởi Farmtech VietNam

Cách bón phân cho bắp cải

Bắp cải là loại rau ăn lá, cho nên có nhu cầu đối với các nguyên tố dinh dưỡng khá cao. Với năng suất 30 tấn/ha bắp cải, cây lấy đi từ đất 125kg N, 33 kg P2­­O5, 109 kg K2O. Hiện nay ở một số cơ sở sản xuất , nông dân đã đạt đuợc các năng suất 80-100tấn/ha bắp cải, thì lượng các chất dinh dưỡng được hút đi từ đất lại càng nhiều hơn rất nhiều. Ngoài các nguyên tố đa lượng, cải bắp cũng hút đi từ đất một lượng canxi đáng kể: với mức năng suất 30 tấn/ha, cây lấy đi 2 kg CaO/ha.

Bón phân cho bắp cải

Đối với bắp cải, nông dân thường sử dụng phân bón không hợp lý về liều lượng, chưa phù hợp về chủng loại, không đúng về thời gian làm ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất và phẩm chất bắp cải. Thường nông dân sử dụng lượng phân bón khá cao, nhất là phân đạm. Phân hữu cơ thường được bón tươi không ủ. Phân đạm được bón không cân đối với phân lân và kali. Các loại phân thường được bón quá muộn.
Phân hữu cơ rất cần thiết đối với bắp cải để nâng cao năng suất và chất lượng bắp cải. có nhiều người cho rằng chỉ bón phân hữu cơ thì có thể hạn chế được việc tích luỹ nitrat trong lá bắp cải. Nhưng thực ra càng bón nhiều phân hữu cơ thì khả năng tích luỹ nitrat( NO3) trong đất và trong bắp cải càng lớn.
Việc sử dụng đạm vô cơ không đúng cũng tạo ra nguy cơ tích luỹ nitrat trong lá bắp cải. Vì vậy, vấn đề sử dụng phân đúng liều lượng, đúng lúc và cân đối đối với bắp cải rất quan trọng.

Ruộng bắp cải

Để đảm bảo cho cải bắp đạt năng suất cao cần cung cấp cho cây 250-300kg N/ha. Trong đó khoảng 30-40% N được lấy từ phân hữu cơ(20-25 tấn/ha). Các loại phân hữu cơ đều tốt cho bắp cải, tuy nhiên phân hữu cơ cần được ủ hoai mục trước khi bón để tiêu diệt các nguồn trứng giun và vi sinh vật gây bệnh.
Bón cân đối đạm-kali là một trong những yêu cầu cần thiết để nâng cao chất lượng bắp cải. Tăng liều lượng phân đạm làm tăng năng suất bắp cải, song cũng làm tăng lượng nitrat trong lá bắp cải, đặc biệt là khi bón cao hơn mức 200kgN/ha.

Chăm sóc bắp cải

Bón kali làm tăng năng suất không nhiều(8-12%) nhưng lại nâng cao đáng kể chất lượng bắp cải: giảm tỷ lệ thối nhũn, tăng độ chặt và giảm đáng kể hàm lượng nitrat trong lá cải bắp. Kali đặc biệt phát huy tác dụng tốt khi đạm được bón với liều lượng cao. Lượng kali trung bình bón cho cải bắp là 100-150 kg K2O/ha. Ở mức bón kali này, hàm lượng nitrat trong lá bắp cải không vượt qua ngưỡng cho phép ( 500mg/kg bắp cải).
Với bắp cải: Phân hữu cơ và phân lân cần được bón lót toàn bộ. Phân đạm được chia ra để bón 3 lần: bón lót, bón thúc vào thời kỳ trải lá bàng và lúc bắt đầu cuộn bắp.
Bón thúc phân cho cải bắp có thể thực hiện đến lần thứ 3, nhưng nhất thiết phải kết thúc vào trước thời gian thu hoạch là 15-20 ngày, để đảm bảo hàm lượng nitrat trong bắp cải không vượt quá giới hạn cho phép.
Phân bón cho bắp cải, nhất là bón thúc, cần được vùi sâu vừa đảm bảo tăng hiệu quả sử dụng phân của cây, vừa làm giảm khả năng đạm trong phân chuyển sang dạng nitrat.
Lượng phân bón thông thường được khuyến cáo cho bắp cải là:
Phân chuồng: 20-25 tấn/ha
N: 180-200kg/ha
P2O5 : 80-100kg/ha
K2O: 100-150 kg/ha.

Theo Khuyến nông Việt Nam, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Những hình ảnh cho thấy chúng ta đã ăn ngô, dưa hấu biến đổi gen từ cả nghìn năm nay

Trước khi có thuyết tiến hóa của Darwin thì người nông dân đã biết lựa chọn những đặc tính riêng để lai tạo ra những giống mới mà mình mong muốn.

Bạn có bao giờ thắc mắc về tổ tiên của chúng trước đây như thế nào không? Những hình ảnh sau chắc chắn sẽ khiến bạn không khỏi ngạc nhiên và thích thú.

Dưa hấu

2.000 năm TCN, dưa hấu được phát hiện ra ở vùng đông bắc Châu Phi sau đó lan dần sang Địa Trung Hải. Theo các sách cổ miêu tả lại: Lúc chín, ruột dưa có màu vàng cam, sau đó bằng cách lai giống chọn lọc, kết hợp gen màu đỏ và gen quyết định lượng đường mà mà ruột dưa đã dần chuyển sang màu đỏ như ngày nay.

Chuối

Lịch sử của chuối có thể từ 7.000 đến 10.000 năm trước đây tại khu vực Đông Nam Á. Chuối ngày nay có nguồn gốc từ chuối rừng và chuối hột , quả ngắn và hạt to cứng hơn bây giờ.

Cà rốt

Cà rốt được tìm thấy lần đầu tiên ở Ba Tư và Tiểu Á vào thế kỷ 10. Lúc đầu, nó được cho là có màu tím hoặc trắng với gốc nhỏ, bị tách đôi. Dần dần nó mất sắc tố và chuyển thành màu vàng, củ phình to, mọng nước hơn.

Cà tím

Cà tím ngày nay có tổ tiên là những quả tròn màu vàng, xanh, trắng, tím và có gai. Chúng được trồng rất sớm bởi những người Trung Quốc và hiện nay phiên bản cà tím đã hoàn toàn khác xa với tổ tiên chúng.

Bắp ngô

Tiền thân là cây teosinte hầu như không ăn được nhưng nhờ lai tạo được bởi những người Bắc Mỹ 7.000 năm TCN.

Kích thước ngô ngày nay gấp 1.000 lần và dễ dàng bóc hạt hơn, ngoài ra nó cũng chứa 6.6% lượng đường, cao hơn hẳn so với ngô tự nhiên chỉ có 1.9%.

Hình dáng cây cũng khác nhau

Bắp cải, súp lơ, su hào có nguồn gốc từ cây mù tạt dại

Trước khi có thuyết tiến hóa của Darwin thì người nông dân đã biết lựa chọn những đặc tính riêng để lai tạo ra những giống mới mà mình mong muốn.

Do vậy, từ một cây mù tạt hoang dã, họ đã cho ra thành công các loại súp lơ, cải xoăn, cải bắp và su hào như hiện nay.

Nguồn: tổng hợp bởi Farmtech VietNam

Kinh nghiệm “vàng” khi trồng bắp cải sớm

Cải bắp vụ sớm thường hay bị bệnh thối nhũn do vi khuẩn, muốn hạn chế được bệnh này cho cây người trồng phải làm tốt tất cả các khâu.

Chọn và xử lý giống

Vụ sớm, cải bắp không phát triển thuận lợi được vì thời tiết không ưu tiên. Vì vậy, người trồng cần phải lựa chọn các giống có khả năng chịu nhiệt như Takii (T40); KK Cross, Thúy Phong, Roma hoặc bắp cải tím Sakata.

Chọn mua các túi giống mới được SX hoặc trong hạn sử dụng. Hạt giống trước khi đem gieo nên xử lý bằng nước ấm (3 sôi 2 lạnh) trong thời gian 20 phút hoặc xử lý bằng thuốc trừ nấm bệnh. Sau đó ngâm nước lạnh 8 – 10 tiếng rồi mới đem gieo.

Tốt nhất nên gieo hạt giống trong hộp xốp hoặc khay bầu để đảm bảo hạt mọc đều, cây con không bị thất thoát do nắng nóng hay mưa lớn. Lượng hạt phù hợp là 2 gr/m2.

Chọn giá thể và đất trồng

Giá thể trong khay hoặc hộp xốp bao gồm 40% đất, 30% trấu mục, 30% phân chuồng hoặc phân hữu cơ vi sinh + 0,1% vôi tả hoặc 0,01% nấm đối kháng Trichodecma (Biobus). Hạt giống được ươm trong nhà lưới, nhà màn hoặc che đậy lúc mưa lớn, nắng nóng.

Nếu thời tiết có nắng mưa xen kẽ kéo dài nên phòng bệnh chết rũ cho cây con bằng cách tưới chế phẩm Biobus có tác dụng vừa phòng bệnh cho cây lại kích thích bộ rễ phát triển.

Đồng thời cần bổ sung 1 – 2 lần các chế phẩm phân bón trung vi lượng qua lá giúp cây khỏe mạnh và đủ tiêu chuẩn ra đồng.

Đất trồng cải bắp tốt nhất là đất thịt nhẹ, cát pha hoặc đất phù sa bồi có độ pH trung tính 5,5 – 6. Vụ sớm hay có mưa to cần lên luống cao và hẹp hơn các vụ khác (luống rộng 0,8 – 1 m, cao 25 – 30 cm, rãnh rộng 30 – 35 cm), lên luống theo hình mai rùa để thoát nước tốt. Đất trồng cải bắp vụ sớm không nên làm quá kỹ và đập luống chặt.

Cải bắp vụ sớm thường hay bị bệnh thối nhũn do vi khuẩn, muốn hạn chế được bệnh này cho cây người trồng phải làm tốt tất cả các khâu.

Với đất trồng tốt nhất nên xử lý bằng chế phẩm nấm đối kháng Trichodecma bằng cách trộn đều vào phân chuồng bón lót với lượng như khuyến cáo của nhà SX. Nếu không có nấm đối kháng thì có thể dùng vôi tả hoặc thuốc gốc đồng để xử lý đất trước khi trồng.

Trồng và chăm sóc

Vụ sớm không nên trồng cây con non quá sẽ dễ bị chột, chết, tốt nhất nên để cây có 6 – 7 lá thật rồi mới cấy chuyền.

Mật độ trồng thích hợp là 50 x 35 – 40 cm. Đất cần được bón lót trước khi trồng với lượng 400 kg phân chuồng mục hoặc hữu cơ vi sinh thay thế (40 kg) + 6 – 8 kg NPK 16:16:8+ 0,8 – 1 kg siêu vi lượng.

Vụ này không nên bón lót phân đơn vì dễ bị thất thoát do rửa trôi hoặc bay hơi. Lượng đạm và kali dùng để bón thúc chia làm 3 lần bón (lúc cây bén rễ, trải lá bàng và bắt đầu cuốn) có thể hòa nước tưới khi trời râm mát hoặc trộn đều bón vùi cách gốc 10 cm khi gặp mưa hoặc nắng nóng.

Để tăng chất lượng bắp cải sau này và tăng khả năng kháng sâu bệnh, chống chịu bất lợi thời tiết, ngoài việc cung cấp phân bón gốc, nông dân cần bổ sung phân bón lá trung vi lượng cho cây nhất là thời kì cuốn bắp theo liều lượng khuyến cáo trên bao bì.

Xới xáo, tưới nước

Cải bắp vụ sớm hay bị mưa to làm dí rẽ luống nên cần phải xới xáo và vun gốc cho cây 2 – 3 lần/vụ để cây phát triển thuận lợi. Tuyệt đối không nên xới xáo luống đất khi trời có mưa hay ruộng quá ẩm sẽ dễ làm cây bị thối rễ chết do vi khuẩn và nấm xâm nhập.

Cải bắp có bộ lá lớn nên cần được tưới dưỡng ẩm thường xuyên sao cho độ ẩm luống đất luôn đạt 75 – 80% (đất còn nguyên khối khi nắm chặt trong tay và không có nước rỉ ra ngoài).

Nếu gặp mưa kéo dài cần phải có những bịên pháp tác động tích cực như khơi thông mương máng, nạo vét dõng luống, đào hố góc ruộng cho nước róc nhanh, bón phân lân supe hoặc phân bón siêu ra rễ để cây nhanh hồi phục.

Thời kỳ cây cuốn bắp nếu gặp thời tiết bất thuận cần bổ sung một lượng phân bón siêu kali + vi lượng để phun qua lá cho rau định kì 1 tuần/lần nhằm giúp cho bắp cuốn thuận lợi hơn.

Bảo vệ thực vật

Các đối tượng như rệp muội, sâu xanh, sâu tơ và vi khuẩn thối nhũn thường hay phát sinh và gây hại cải bắp vụ sớm.

Nông dân cần thực hành phòng trừ tổng hợp, coi trọng dùng giống khỏe, luân canh, xen canh cây trồng, bón phân cân đối, tưới tiêu hợp lý mới nhằm giảm thiểu được mối nguy do dịch bệnh gây nên.

Sử dụng thuốc hóa học khi cần thiết theo nguyên tắc 4 đúng, chú trọng đến thuốc sinh học để đảm bảo cho rau được an toàn.

* Chú ý:

– Không bón đạm urê quá muộn hoặc lạm dụng đạm cho cải bắp sẽ làm cây giảm chất lượng, sâu bệnh nhiều và nguy hại cho sức khỏe người sử dụng. Nếu trong vụ có nhiều mưa nên giảm lượng đạm bón, đồng thời tăng cường kali và vi lượng cho rau.

– Nên trồng xen cà chua hoặc hành tỏi cùng với cải bắp để hạn chế sâu tơ gây hại.

– Nếu mưa kéo dài cần tưới nấm đối kháng vào vùng rễ cây định kỳ 1 tuần/lần để hạn chế cây chết rũ.

Theo: Nông nghiệp Việt Nam được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam

Quy trình sản xuất rau bắp cải an toàn

An toàn thực phẩm là một vấn đề nhức nhối và được xã hội quan tâm. Xu hướng càng ngày càng có nhiều người tìm đến nguồn rau sạch, an toàn cho sức khỏe.

Khác với sản xuất rau thông thường, sản xuất rau an toàn (RAT) đòi hỏi yêu cầu khắt khe trong cả quá trình sản xuất. Ngoài việc đảm bảo các tiêu chuẩn về đất trồng, nước tưới, khâu giám sát đầu vào, quy trình gieo trồng chăm sóc, đến khâu thu hoạch tiêu thụ sản phẩm đều phải đảm bảo theo các tiêu chuẩn quy định, vi vậy đòi hỏi phải có một mô hình trồng RAT thích hợp mới đảm bảo được các tiêu chuẩn quy định.

 1. Điều kiện sản xuất rau an toàn:

  • Chọn đất không bị ô nhiễm, không chịu ảnh hưởng của chất thải công nghiệp, bệnh viện và các nguồn ô nhiễm khác.
  • Nguồn nước tưới là nước sạch: nước sông có dòng chảy luân chuyển không bị ô nhiễm hoặc nước giếng khoan sạch.
  • Không sử dụng phân chuồng tươi hoặc nước phân tươi để bón hoặc tưới.
  • Thu hoạch đảm bảo thời gian cách ly sau khi phun thuốc bảo vệ thực vật.

2. Qui trình sản xuất:

2.1. Thời vụ :

  • Các tỉnh phía Bắc có 3 thời vụ:

– Vụ sớm: Gieo hạt vào tháng 7, trồng tháng 8.
– Vụ chính: Gieo hạt tháng 8, trồng tháng 9.
– Vụ muộn: Gieo hạt tháng 11, trồng tháng 12.

  • Các tỉnh phía Nam, gieo tháng 10, trồng tháng 11.

2.2. Vườn ươm và yêu cầu kỹ thuật:

  • Đất vườn ươm: chọn đất thịt nhẹ, cao, dễ thoát nước. Tiến hành dọn sạch cỏ dại, làm đất kỹ. Lên luống cao 25 cm, rộng 0,8 – 1m, rãnh rộng 25 cm.
  • Bón lót phân: Mỗi ha bón 20 – 25 tấn phân chuồng mục và 10 – 15 kg phân lân super, phân rải đều khắp mặt luống, dùng cào đảo đều trộn lẫn phân với đất. Vét đất ở rãnh lấp phủ lên mặt luống một lớp đất dày 1,5 – 2 cm.
  • Lượng hạt giống: hạt giống có tỷ lệ nảy mầm > 85%, gieo 0,28 – 0,30 kg hạt và thu được 3 – 4 vạn cây đủ trồng cho 1 ha. Lượng hạt gieo 1,5 – 2,0g/m2.
  • Gieo hạt: Gieo hạt xong cào nhẹ hoặc dùng tay xoa nhẹ, đều trên mặt luống cho đất phủ kín hạt. Dùng trấu phủ kín mặt luống, tưới nước đủ ẩm.

  • Tưới nước: Sau khi gieo hạt phải tưới nước liên tục 3 – 5 ngày đầu, 1 – 2 lần vào sáng sớm và chiều mát. Khi hạt đã nảy mầm ngừng tưới 1 – 2 ngày, sau đó cách 1 ngày tưới 1 lần. Trước khi nhổ cây đem trồng, ngừng tưới nước 3 – 4 ngày để luyện cây con. Trước khi nhổ cây trồng phải tưới nước trước 4 – 5 giờ để khi nhổ cây không bị đứt rễ.
  • Bón phân thúc: Sau khi cây có 2 lá thật dùng phân chuồng ủ mục ngâm nước pha loãng tưới cho cây con (lượng phân 1,5 – 2,0 tấn/ha).
  • Tỉa cây: Khi cây có 1 lá thật thì tỉa lần 1 ở những chỗ cây quá dày. Khi cây có 3 lá thật tỉa lần 2, để cây cách cây 5 – 6 cm.
  • Tiêu chuẩn cây giống tốt: cây con 25 – 30 ngày tuổi, có 5 – 6 lá thật, phiến lá tròn, đốt sít, mập, lùn.

2.3. Làm đất, trồng, chăm sóc bắp cải:

  • Yêu cầu đất trồng: Đất tơi nhỏ, sạch cỏ; luống rộng 100 – 120 cm, cao 15 – 20 cm, rãnh luống 20 – 30 cm. Vụ sớm, làm mặt luống mui luyện để thoát nước. Vụ chính và vụ muộn, làm luống phẳng.
  • Mật độ trồng: Cây trồng hai hàng kiểu nanh sấu.
    – Vụ sớm: mật độ 33.000 – 35.000 cây/ha, khoảng cách 60 x 40 cm.
    – Vụ chính và vụ muộn: mật độ 27.000 – 30.000 cây/ha, khoảng cách 60 x 50 cm.
  • Lượng phân và cách bón:
    – Lượng phân bón cho 1ha: 20 – 25 tấn phân chuồng hoai mục, 350 – 400 kg super lân, 300 kg đạm urê, 200 kg phân kali.
    – Bón lót: Toàn bộ phân chuồng, phân lân. Rạch hai hàng trên mặt luống bón phân, sau đó lấp đất hoặc bón theo hốc trồng cây.
    – Bón thúc lần 1: Thời kỳ hồi xanh, sau trồng 7 – 10 ngày, bón 70 kg urê và 60 kg kali sunfat hoà tưới vào gốc kết hợp xới vun làm cỏ vét rãnh.
    – Bón thúc lần 2: Thời kỳ trải lá bàng, sau trồng 20 – 25 ngày, bón 150 kg urê và 80 kg kali sunfat, bón cách gốc 20 cm kết hợp xới xáo làm cỏ lấp phân.
    – Bón thúc lần 3: Thời kỳ cuốn bắp, sau trồng 30 – 35 ngày, bón nốt lượng phân còn lại, có thể bón vào gốc hoặc hòa nước tưới.

Chú ý: Trước khi thu hoạch 30 ngày ngừng bón phân đạm.

  • Tưới nước: Sau khi trồng, tưới đủ ẩm vào buổi sáng và chiều mát cho đến khi cây hồi xanh. Sau khi vun, bón thúc đợt 1 và 2, tưới rãnh cho nước ngấm 2/3 rãnh, sau đó tháo hết nước.

  • Bảo vệ thực vật: Thực hiện các biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM).
    – Trước khi trồng cây phải vệ sinh đồng ruộng, cày lật đất sớm để diệt nguồn sâu non và nhộng của các loại sâu khoang, sâu xám, sâu xanh.
    – Có thể trồng xen với cà chua hoặc hành tỏi để giảm mật độ sâu tơ.
    – Luân canh với lúa nước (2 vụ lúa và 1 vụ rau), nếu ở vùng chuyên canh rau nên luân canh với cây họ đậu, họ cà và họ bầu bí để tránh bệnh sương mai và thối nhũn.
    – Trước khi trồng cây: xử lý đất bằng thuốc hạt Basudin với liều lượng 25 kg/ha; xử lý cây giống bằng dung dịch thuốc Sherpa 20EC nồng độ 0,1% hoặc Regent 800 WG nồng độ 1g/10 lít nước, trong 5 – 10 giây rồi vớt ra để khô nước mới đem trồng.
    – Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sâu xám, giết các ổ trứng sâu khoang, sâu xanh.
    – Nếu có nhiều sâu tơ và rệp, sử dụng luân phiên giữa các nhóm thuốc: thuốc sinh học (BT, Delfin 32 BIU, Dipel 3.2WP, Aztron 700 DBMU, Xentari 35 WDG…); thuốc hoá học (Sherpa 20 EC, Atabrron 5EC, Regent 800WG, Pegasus 500SC) và thảo mộc (HCĐ 95 BTN, Rotenone, Nembon A-EC, Nimbecidin 0,03EC…) để tránh sự quen thuốc của sâu. Khi xuất hiện các bệnh sương mai, thối nhũn, nhổ bỏ cây bị bệnh, vệ sinh đồng ruộng tránh lây lan.


– Ngừng phun thuốc bảo vệ thực vật trước khi thu hoạch 20 ngày.

2.4. Thu hoạch và bảo quản:

– Thu hoạch khi bắp cuốn chắc, khối lượng trung bình 1 – 2,5 kg/cây, tuỳ theo giống, đủ độ tuổi sinh trưởng. Loại bỏ lá già, lá ngoài, lá giập nát, không ngâm nước.
– Cải bắp bảo quản nhiệt độ 0 – 2 độ C, độ ẩm 92 – 95% trong thời gian 4 – 8 ngày.

Nguồn: Trung tâm Khuyến nông Quốc gia

Nuôi tôm trên cạn: Mô hình tương lai

Khoa học công nghệ ngày càng phát triển giúp chúng ta phát minh ra những mô hình mới hiện đại và không tưởng. Nuôi tôm trên cạn hứa hẹn là một là một mô hình tương lai đầy hứa hẹn thay đổi diện mạo ngành nuôi trồng thủy sản toàn cầu vì tính bền vững và hiệu quả.

Một số nước trên thế giới đã thực hiện mô hình này và có những kết quả tốt như: công ty Blue Oasis, trang trại Karlanea Brown…của Mỹ, Công ty Camanor Produtos Marinhos Ltda của Brazil

Nuôi tôm trên cạn tại Mỹ

Trại nuôi tôm trong nhà của Blue Oasis có hệ thống kiểm soát nhiệt độ chặt chẽ

Bắt đầu nuôi tôm siêu sạch trên cạn cách đây 5 năm, đến nay, Công ty Blue Oasis đã tạo dựng tên tuổi trên thị trường tôm Las Vegas bằng những sản phẩm sạch và bền vững nhất.

Trại nuôi tôm của Blue Oasis Pure Shrimp được xây dựng trên mảnh đất khô cằn giữa hoang mạc Mojave, cách Las Vegas 30 dặm. Mỗi lứa, trại nuôi hàng ngàn tôm thẻ giống Thái Bình Dương bằng bể chứa nước mặn trong nhà kín có hệ thống kiểm soát nhiệt độ hiện đại. Nhiều người từng nghĩ, mô hình này quá viển vông và mạo hiểm vì Majave không phải là mảnh đất thích hợp để nuôi trồng. Tuy nhiên, Kevin McManus, Giám đốc diều hành Blue Oasis khẳng định trại nuôi tôm sẽ thành công nhờ công nghệ nuôi hiện đại, độc đáo. Đối tượng khách hàng mà Công ty nhắm tới là các chuỗi nhà hàng, khách sạn hạng sang ở Las Vegas. Với khách hàng này, giá cả không phải là điều tiên quyết, mà tôm phải đảm bảo 3 tiêu chí: bền vững, sinh thái và nội địa.

Nói về quy trình, Kevin chia sẻ: Trại chỉ nuôi tôm trong 120 ngày nhưng luôn kiểm soát chặt chẽ nhiệt độ 800F. Tôm được nuôi bằng hỗn hợp tảo biển và đạm thủy sản, tối đa 12 cữ ăn/ngày; năng suất trung bình 450.000 pound/năm. Blue Oasis tái sử dụng toàn bộ nguồn nước trong quá trình nuôi để tiết kiệm nước tối đa. Công ty sẽ mở rộng trại nuôi tôm ở New York, Dallas, Chicago và những thành phố chính ở Mỹ.

Tôm thẻ chân trắng Thái Bình Dương là đối tượng nuôi thích hợp nhất

Nhân viên kỹ thuật loại bỏ váng bẩn trên mặt bể nuôi

Cho tôm ăn

Giám đốc điều hành Kevin McManus đang kiểm tra nồng độ ôxy hòa tan trong nước

Tôm trưởng thành tại Blue Oasis, thịt săn chắc, thơm và ngọt

Tuy nhiên, hướng tiếp cận nuôi tôm bền vững như mô hình của Brown cũng có hạn chế: hệ thống tái tuần hoàn thường phải sử dụng bột cá làm thức ăn. Nguyên liệu chế biến bột cá chủ yếu từ các loài cá nhỏ, sống theo đàn như cá mòi, cá cơm ngoài khơi biển Thái Bình Dương thuộc Nam Mỹ – vốn được khai thác bằng lưới kéo hoặc các ngư cụ mang tính hủy diệt. Như vậy, đây là nguồn thức ăn nuôi tôm không bền vững. Và để khắc phục tình trạng này, các trại nuôi tôm tại đây không ngừng nghiên cứu để tìm ra nguồn thức ăn thay thế có nguồn gốc thực vật như tảo hoặc đậu nành, côn trùng.

Nuôi tôm trên cạn tại Brazil

Mô hình nuôi tôm trên cạn mật độ cao có thể tái chế nước, không sử dụng kháng sinh của Công ty Camanor Produtos Marinhos Ltda, Brazil được nhiều chuyên gia đánh giá cao và khuyến cáo các quốc gia có điều kiện tự nhiên tương tự nghiên cứu, học hỏi.

Đóng tại Barra – thủ phủ của nghề nuôi tôm Brazil – Công ty Camanor trong quá trình phát triển luôn phải loay hoay nghiên cứu, ứng dụng nhiều mô hình nuôi để đối phó với vấn đề sản xuất tôm không hiệu quả, tôm chết hàng loạt. Năm 2013, Công ty cho ra đời một công nghệ nuôi tôm AquaScience.

Công nghệ AquaScience được phát triển dựa trên sự tích hợp nhiều hệ thống và ý tưởng như sản xuất tôm nước mặn, sản xuất cá rô phi phụ phẩm, tái chế, khử trùng và tái sử dụng nước. Tất cả chúng được kết nối trong một hệ thống nuôi trồng, trong khi vẫn tồn tại độc lập. Với nó, bạn có thể nuôi tôm trên cạn mật độ cao, tái sử dụng nước nhiều lần trong khi vẫn hạn chế được tác hại tới môi trường cũng như việc sử dụng chất hóa học và kháng sinh.

Hệ thống AquaScience gồm khoảng 4.000m2 mặt nước được che bằng lớp lót nhựa PAED, một cống thoát chính, không có sự trao đổi nước. Việc tái chế và tái sử dụng nước diễn ra giữa các chu kỳ nuôi, sử dụng công nghệ biofloc. Việc xử lý chất thải hữu cơ như thức ăn thừa, phân… được thực hiện thông qua quá trình phân rã và phân hủy bởi vi khuẩn. Hệ thống này tái sinh hỗn hợp nitrogen bằng các quá trình sinh học nitrat hóa và khử nitơ, đồng thời tái chế hỗn hợp phốtpho bằng vi khuẩn và tảo.

Điểm đặc biệt của hệ thống này là các chỉ số nước đều rất ổn định. “Sự biến động của ôxy hòa tan chỉ ở mức 0,5mg/L và độ pH là 0,3 trong hơn 24 giờ. Điều này cho phép ao nuôi tránh các tác nhân gây bệnh. Nhiệt độ ao được giữ ở mức 27-280C trong bóng mát” – Werner Jost – Giám đốc điều hành Camanor – nói.

Theo ông Jost, để sản xuất một kilôgam tôm, nếu trang trại nuôi tôm kiểu cũ cần 19.000 lít nước thì hệ thống mới chỉ cần 240 lít. “Trong năm 2013, chúng tôi sản xuất 10 tấn/ha, mỗi con tôm nặng 12g, tỷ lệ sống sót là 90%. Mật độ nuôi là 100 tôm giống/m2. Đến tháng 2/2015, chúng tôi đã sản xuất được 48,5 tấn/ha mỗi chu kỳ nuôi, mỗi con tôm nặng 22g. Mật độ nuôi là 230 con/m2 và tỷ lệ sống sót 95%” – Jost nói. Năm 2016, năng suất tôm đã đạt trên 50 tấn/ha.

Werner Jost cũng cho biết thêm: “Với công nghệ mới này, mỗi năm chúng tôi có thể sản xuất được 4 vụ, nuôi trồng được 300 con/m2”. Trong mô hình này, nước thoát ra từ ao tôm sẽ được xử lý khử nitơ để sau đó đưa vào ao nuôi cá rô phi. Khử nitơ và phốtpho là hai vấn đề khó giải quyết nhất trong hệ thống nuôi tôm; nhưng với AquaScience, kể cả tới lần nước thứ năm sau tái chế, nồng độ nitơ và phốtpho vẫn được bảo đảm. Hơn nữa, mô hình này còn giúp người nuôi quản lý các loại virus gây bệnh cho tôm một cách dễ dàng hơn, tránh được những thiệt hại đáng tiếc.

Với công nghệ này, năm 2016, Camanor đã được Hiệp hội Nuôi trồng thủy sản thế giới trao giải thưởng Người lãnh đạo và đổi mới sáng tạo nghề nuôi trồng thủy sản thế giới.

Nguồn: tổng hợp bởi Farmtech VietNam

Công nghệ ozone cho nuôi tôm

Công nghệ ozone từ lâu đã được sử dụng trong nuôi tôm với những tác dụng hữu ích trong sản xuất giống, nuôi vỗ bố mẹ, thuần dưỡng tôm giống, nuôi tôm thương phẩm…

Sử dụng công nghệ ozone trong sản xuất tôm giống

Lợi ích

Ozone là chất khí có công thức hóa học là O3 có khả năng ôxy hóa cực mạnh, tốc độ diệt khuẩn cao gấp 3.100 lần so với Clo. Nhờ đó, mà nó có thể phá vỡ màng tế bào và phá hủy enzyme của vi sinh vật. Khả năng khử trùng của O3 cũng rất rộng, chúng có thể xử lý cả vi khuẩn, virus, nấm men, nấm mốc và các bào tử. Hơn nữa, O3 lại là chất không bền vững, phân hủy rất nhanh trong không khí và nước để tạo thành ôxy phân tử nên tôm cá ít bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, O3 còn có khả năng làm vô hiệu hóa các chất vô cơ và các kim loại nặng trong nước như sắt, mangan… Do đó, O3 được sử dụng trong nuôi trồng thủy sản với những hiệu quả chính như:

• Tiêu diệt vi khuẩn, loại bỏ virus gây bệnh, khử màu các chất vô cơ và hữu cơ;

• Khử mùi hóa chất có trong nước, mùi chất hữu cơ lên men hôi thối, mùi tanh của động vật thủy sản

• Tăng nhanh môi trường ôxy hóa giúp môi trường nước không còn ô nhiễm

• Tăng tốc độ sinh trưởng, diệt mầm bệnh, giảm chất hữu cơ trong nước

• Tăng hiệu suất sử dụng thức ăn của tôm nuôi

• Sát khuẩn; tiêu độc; làm sạch; điều chỉnh độ pH

• Hạn chế thay nước, giúp tránh rủi ro do mầm bệnh từ ngoài đưa vào

• Giúp giảm lượng khí NH3, H2S dưới đáy ao và gia tăng lượng khí ôxy hòa tan

• Giúp giảm thiểu sử dụng hóa chất hay các chế phẩm khác

Việc sử dụng khí O3 trong nuôi trồng thủy sản đã được sử dụng phổ biến tại Mỹ, Hàn Quốc và Ấn Độ… Tuy nhiên, công nghệ O3 chưa được áp dụng rộng rãi trong nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam bởi công nghệ này có giá bán rất đắt (Một máy ozone có công suất 3 – 4g O3/giờ (xử lý 3 m3 nước/giờ) lắp ráp tại Mỹ để dùng cho một trại tôm giống có quy mô trung bình 10 – 15 bể, có giá bán khoảng 10.000 USD, loại công suất 5 g O3/giờ là 12.000 USD.

Các ứng dụng trên tôm

Sản xuất tôm giống

O3 hoàn toàn có thể thay thế Chlorine dùng để khử trùng trại giống và xử lý nước trong các bể ương nuôi. Theo Thạch Thanh và cộng sự (2003), ozone hoàn toàn có thể thay thế Chlorine trong xử lý nước  trước khi thả ương ấu trùng. Tuy nhiên, cần phải được lắng lọc kỹ càng trước khi xử lý. Nếu nước biển có độ đục cao thì có thể kết hợp O3 với Chlorine liều nhẹ (7 – 15 ppm) để làm trong nước nhanh và khử trùng hiệu quả. Sử dụng O3 xử lý nước có thể thay thế hóa chất, kháng sinh, hạn chế dịch bệnh, chất lượng nước được cải thiện rõ rệt, ấu trùng tôm cá phát triển nhanh, đồng đều, nâng cao chất lượng con giống.

Ozone còn ứng dụng xử lý nước bể đang ương ấu trùng bằng cách, kết hợp Ozone với bộ tách đạm trong hệ thống tuần hoàn và xử lý định kỳ 1 – 2 ngày/lần trực tiếp vào bể ương ấu trùng. Mục đích duy trì chất lượng nước nhờ khả năng ôxy hóa các chất thải của tôm và thức ăn dư thừa trong bể ương đồng thời hạn chế sự phát triển của mầm bệnh. Ngoài việc khử trùng nước, ozone cũng được dùng để khử trùng không gian trong trại giúp hạn chế lây lan vi khuẩn gây bệnh trong không khí trên bề mặt bể ương nuôi.

Phương pháp xử lý nước cho các trại sản xuất tôm, cá giống bằng công nghệ ozone đã được áp dụng nhiều nơi trên thế giới. Tại nước ta, Trung tâm Nghiên cứu Thủy sản III đã áp dụng thành công công nghệ ozone xử lý nguồn nước đầu vào và công nghệ sinh học trong suốt quá trình sản xuất tôm giống cho kết quả khả quan, tôm post to và khỏe hơn so với phương pháp truyền thống. Thực tế thử nghiệm tại Đại học Cần Thơ cũng cho thấy các chỉ tiêu chất lượng nước trong sản xuất tôm giống được cải thiện rõ rệt. Ấu trùng tôm biến thái, chuyển giai đoạn đồng loạt hơn.

Nuôi vỗ tôm mẹ

Trong nuôi tôm, cá bố mẹ, O3 xử lý nước giúp hạn chế được dịch bệnh do virus, vi khuẩn gây ra. Tuy nhiên, ứng dụng ozone trong nuôi vỗ tôm mẹ đến nay vẫn chưa được phổ biến mà mới chỉ dừng ở các thử nghiệm. Tại trại sản xuất tôm giống thực nghiệm của Khoa Thủy sản – Đại học Cần Thơ bước đầu cho thấy trên sử dụng O3 để xử lý các bệnh trên tôm bố mẹ như ký sinh trùng, mòn đuôi, hoại tử, đen mang so với sử dụng hóa chất (formaline…) có kết quả tốt hơn. Tôm mẹ nuôi vỗ có xử lý ozone cũng có biểu hiện bên ngoài rất tốt so với tôm nuôi vỗ thông thường.

Nuôi tôm thương phẩm

Đối với nuôi tôm thương phẩm, O3 làm tăng lượng ôxy hòa tan, phân hủy độc tố trong nước (NH3, H2S) và hạn chế tối đa việc thay nước. Có thể đưa khí O3 vào đường hút khí của máy thổi khí nhằm tạo ra bọt khí O3 nhỏ để tăng diện tích tiếp xúc và thời gian lơ lửng trong nước giúp sát trùng được hiệu quả. Tuy nhiên, do giá thành máy cao, việc ứng dụng ozone chỉ có thể thực hiện trong hình thức nuôi tôm công nghiệp. Xử lý nước ao nuôi tôm thịt có thể tiến hành một cách có hiệu quả bằng cách đưa khí O3 vào đường hút khí của máy thổi Ventury dùng trong ao tôm (còn gọi là máy ôxy nhủi hay máy hỏa tiễn).

Nguyên tắc chung là phải tạo bọt khí ozone càng nhỏ càng tốt để tăng hiệu quả tiếp xúc và lơ lửng trong nước. Một máy ozone 4 g/giờ được thiết kế để sục cho 2.500 m3 nước ao nuôi tôm công nghiệp. Cho đến nay, vẫn chưa có cứ liệu khoa học đầy đủ cho việc ứng dụng ozone trong hệ thống nuôi tôm thâm canh.

Tại Thái Lan, một số thử nghiệm ban đầu cho thấy khi sục ozone vào ao nuôi tôm biển ở mức 0,1 – 2 ppm trong khoảng thời gian 18 giờ/ngày, sẽ làm giảm tổng số vi khuẩn, NO2- và NO3- trong nước ao và tăng trọng của tôm nuôi tỷ lệ thuận với liều lượng ozone sục vào ao.

Tại nước ta, Công ty Cổ phần Ứng dụng và Phát triển công nghệ mới ADNT đã triển khai mô hình thí nghiệm nuôi tôm càng xanh thương phẩm có ứng dụng công nghệ ozone tại Nam Định. Với diện tích ao nuôi 750 m2, mật độ thả 40 con/m2, sử dụng công nghệ O3 xử lý nước trước và trong quá trình nuôi. Kết quả thu được: Tỷ lệ tôm sống cao, sau 3,5 tháng tỷ lệ tôm sống đạt tới 70%; Sản lượng ước tính đạt 550 kg tương đương với năng suất 7.000 kg/ha; Chi phí cho con giống, thức ăn, điện vào khoảng 16 triệu đồng với năng suất nêu trên lợi nhuận đạt được 17 triệu đồng/750 m2. Đây là năng suất tôm cao chưa từng có từ trước đến nay tại địa bàn tỉnh Nam Định cũng như các địa phương khác trong cả nước.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam