Từng ao nuôi Cá Tra được mã hóa như thế nào?

Xuất khẩu cá tra chính ngạch sang thị trường Trung Quốc đặt ra các điều kiện mới, trong đó có việc cấp mã số để có thể truy xuất nguồn gốc. Hiệp hội cá tra Việt Nam (VINAPA) cho biết, trong 2 năm qua ở ĐBSCL hoàn tất cấp mã số ao nuôi cá tra.

 

Theo người nuôi cá tra và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản ở ĐBSCL, việc mã hóa ao nuôi cá tra là điều kiện bắt buộc cần có trước khi ký hợp đồng liên kết sản xuất.

Thu hoạch cá tra từ vùng nuôi được kiểm soát tốt.

 

Điều kiện cần

Đến tháng 8/2019, theo số liệu Tổng cục Thủy sản, việc tiến hành xác định cấp mã số ao nuôi cá tra tại ở các tỉnh ĐBSCL đạt hơn 5.200/5.400 ha ao nuôi.

Ông Trần Thanh Phong, Phó Tổng thư ký Hiệp hội cá tra Việt Nam (VINAPA) cho biết, đến nay Chi cục Thủy sản các tỉnh, thành phố trong vùng hoàn tất cấp mã số ao nuôi cá.

Hoạt động nghề nuôi cá tra bắt đầu SX theo kế hoạch. Vào đầu mỗi vụ nuôi được cập nhật, kiểm soát chặt chẽ từng ao nuôi về tiến độ thả giống cho đến cuối vụ số ao nuôi cá sắp thu hoạch. Mỗi tháng nhu cầu số lượng con giống, sản lượng cá sắp thu hoạch được thống kê và điều tiết nhịp độ SX cung cầu theo thị trường để có dự báo tốt hơn. Đặc biệt qua truy xuất nguồn gốc cá tra được nuôi trong môi trường có kiểm soát tốt càng tạo thêm niềm tin và uy tín với khách hàng.

Ông Trần Văn Hai nuôi cá tra ở Cù lao Tân Lộc và ao cá 1 ha đã cấp mã số ao nuôi.

 

Theo chuỗi giá trị SX, khâu đầu tiên là con giống. Ông Nguyễn Ngọc Hải, chủ cơ sở SX giống thủy sản, chuyên ương dưỡng cá tra giống cá giống tại quận Ô Môn, TP Cần Thơ, cho biết: Điều kiện trước nhất là cơ sở SX phải có giấy phép kinh doanh và vùng ao nuôi đạt điều kiện tiểu chuẩn, được Chi cục Thủy sản địa phương cấp mã số ao. Quá trình kiểm tra nếu SX đạt tiêu chuẩn chất lượng sẽ cấp giấy chứng nhận.

Đối với các cơ sở ương dưỡng giống nhập cá bột, nguồn gốc từ cơ sở nào cũng phải có giấy chứng nhận. Hồ sơ ghi nhận từng đợt SX cá giống sẽ được các hộ nuôi cá hay DN thu mua cá giống SX cá tra thương phẩm sau này căn cứ vào đó để biết rõ sản phẩm đạt chất lượng hoặc truy nguyên nếu phát hiện sự cố xảy ra ở khâu nào.

 

Cung cách làm ăn mới

Nhiều năm qua cá tra là một trong những mặt hàng thủy sản chủ lực quốc gia. Ở ĐBSCL ngành hàng cá tra hình thành chuỗi giá trị sản xuất từ vùng nuôi đến nhà máy chế biến, đảm bảo sản phẩm an toàn vệ sinh thưc phẩm tới bàn ăn. Mối liên kết SX định hình cung cách làm ăn mới. Hiện có hàng ngàn hộ nuôi cá tra theo hợp đồng liên kết với nhà máy chế biến.

Cá tra Việt Nam đã xuất khẩu hiện diện trên thị trường 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó các thị trường chủ lực như Mỹ, EU và Trung Quốc – Hồng Kông mới nổi lên, tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây. Đặc biệt Trung Quốc đang áp dụng truy xuất nguồn gốc các mặt hàng thủy sản, trong đó có cá tra.

Theo các hộ nuôi cá tra thương phẩm hợp đồng liên kết với công ty Sao Mai-IDI kèm theo yêu cầu bắt buộc SX theo tiêu chuẩn VietGAP: Ao nuôi cá phải nằm trong quy hoạch vùng nuôi thủy sản và đã cấp mã số. Nếu không đáp ứng các điều kiện trên, phía công ty sẽ không ký hợp đồng.

Ông Út Anh, chủ hộ nuôi cá tra ở Cù lao Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, nói: “Tôi có 5 ao nuôi cá ký kết hợp đồng liên kết với công ty Sao Mai-IDI.

Mỗi ao nuôi cá phải áp dụng theo đúng quy trình kỹ thuật, từ loại thức ăn đến cách dùng thuốc phòng ngừa bệnh cá phải đúng theo hướng dẫn của công ty.

Hơn một năm qua cán bộ thủy sản địa phương đến khảo sát và cấp mã số gắn thẻ cho mỗi ao với tên chủ hộ nuôi cá. Tôi cho đây là điều kiện tốt để hướng tới làm ăn bài bản hơn, không chỉ đáp ứng yêu cầu từ phía công ty mà bảo vệ quyền lợi cho cho người nuôi cá.

Qua mã số định vị và công nghệ số là phương thức kiểm soát từng ao nuôi, cốt yếu bảo vệ uy tín sản phẩm và danh tiếng cá tra trên thị trường xuất khẩu thế giới”.

Thu hoạch cá tra

 

Ông Trần Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ, cho biết: Từ năm 2018 Chi cục bắt đầu tiến hành khảo sát, kiểm tra cấp mã số ao nuôi cá tra và đến nay đã hoàn tất gần 600 ha ao nuôi cá tra trên địa bàn thành phố.

Đa số các hộ nuôi về thủy sản có hiểu biết luật, chấp hành quy định quản lý nhà nước và đáp ứng các quy định, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở nuôi cá tra trong ao – điều kiện bảo đảm vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường và ATTP.

Khi đã chuẩn hóa vùng nuôi sẽ kiểm soát, quản lý và theo dõi tình hình dịch bệnh ở vùng nuôi tốt hơn. Các DN chế biết thủy sản xuất khẩu ở ĐBSCL cũng thừa nhận: Trên thực tế việc cấp mã số, chuẩn hóa vùng nuôi không khó thực hiện để đáp ứng theo yêu cầu và hiện đã có nhiều DN đáp ứng đủ điều kiện XK cá tra chính ngạch vào TQ.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

146 tỷ đồng sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao

UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, vừa ban hành kế hoạch thực hiện “Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao, giai đoạn 2018 – 2025”, nhằm đáp ứng nhu cầu nuôi cá ở địa phương và các tỉnh vùng ĐBSCL.

Theo đó, tỉnh Đồng Tháp xây dựng 4 vùng sản xuất giống cá tra chất lượng cao tập trung, với tổng diện tích 400ha ở các huyện: Hồng Ngự, Châu Thành, Cao Lãnh và thị xã Hồng Ngự.

Đề án được chia làm 2 giai đoạn: từ năm 2018 – 2020 và từ 2021 – 2025 nhằm cung cấp nhu cầu cá tra giống chất lượng cao trong tỉnh Đồng Tháp; đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất giống cá tra; tập trung ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo quy mô công nghiệp đảm bảo điều kiện sản xuất giống và kiểm soát được chất lượng con giống…

Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho đề án là khoảng 146 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách Trung ương khoảng 50,5 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 21,5 tỷ đồng, vốn vay tín dụng 30 tỷ đồng, vốn tự có và vốn huy động của các tổ chức, cá nhân khoảng 44 tỷ đồng…

Nguồn: Tổng hợp, duyệt bởi Farmtech Vietnam

Giá cá tra tăng cao nhất trong 20 năm: Lo kiểm soát nguồn cá giống

Giá cá tra đang ở mức cao nhất từ trước đến nay, việc này khiến cho người dân, các doanh nghiệp và nhà quản lý lĩnh vực thuỷ sản đều rất vui mừng. Tuy nhiên, xen lẫn với niềm vui, cũng có không ít nỗi lo về nguy cơ bùng phát diện tích nuôi và chất lượng con giống để đáp ứng nhu cầu của hộ nuôi đang tăng cao.Lãi 10.000 đồng/kg

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, ông Nguyễn Ngọc Hải  – Chủ nhiệm hợp tác xã cá tra Thới An (quận Ô Môn, TP.Cần Thơ) cho biết: “Hiện giá cá tra đã ở mức 34.000 – 35.000 đồng/kg (đối với loại  trọng lượng từ 0,7 – 1,2kg), cao hơn từ 1.500 – 2.000 đồng/kg so với tháng trước. Với mức giá này, nông dân lãi đến 10.000 đồng/kg nếu ao nuôi được quản lý tốt, không dịch bệnh làm tăng chi phí nuôi”.

Ông Hải nói thêm: “Trải qua nhiều năm thăng trầm, giá cá hiện nay mới là giá thật của nó. Trước đây, giá không thật vì nó không vượt qua giá thành nuôi, người nuôi bị thua lỗ”.

“Do giá cá tra tăng cao nên nhu cầu mở rộng diện tích nuôi của người dân ngày càng cao. Sở đã và đang phối hợp với các địa phương tiến hành rà soát, điều chỉnh bổ sung lại quy hoạch cá tra trên địa bàn tỉnh cho phù hợp tình hình thực tế và nhu cầu phát triển của các địa phương”. Ông  Nguyễn Văn Công -Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp

Theo ông Hải, nguyên nhân giá cá tăng có phần do người dân, doanh nghiệp có ý thức nâng cao chất lượng cá nguyên liệu, nhu cầu nhập khẩu của một số quốc gia khó tính như Mỹ tăng lên.

“Tới đây, giá cá có thể tăng hơn nữa do từ nay đến cuối năm 2018, các quốc gia nhập khẩu nhập hàng để chuẩn bị cho tết, trữ trong mùa đông, lễ hội, Noel. Hơn nữa, nhiều quốc gia chuyển sang mùa lạnh khó nuôi loại cá này nên cũng có nhu cầu mua vào” – ông Hải dự đoán.

Ông Huỳnh Thanh Bình (ấp Vĩnh Thọ, xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Thạnh, TP.Cần Thơ) cũng khẳng định, hiện nay giá cá tra nguyên liệu bán ra đang ở mức khá cao nên lợi nhuận của người dân thu được rất phấn khởi. Ông Bình nhấn mạnh: “Với giá này thì người nuôi có thể đến 10.000 đồng/kg cá bán ra”.

Khác với ông Hải, ông Bình lo sợ mức giá khó giữ được lâu trong thời gian tới, bởi “cách đây không lâu, giá cá lên mức 31.000-32.000 đồng rồi lại rơi xuống 24.000-25.000 đồng/kg”.

Không riêng gì ở TP.Cần Thơ, người dân nhiều địa phương có diện tích thả nuôi cá tra lớn như An Giang, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang cho biết, chưa bao giờ giá cá tra tăng cao ở mức kỷ lục như vậy. Nhờ giá bán này, nhiều hộ dân đã có cơ hội trả nợ ngân hàng, tiền thuê ao, thức ăn cho các đại lý, đồng thời có vốn để củng cố ao nuôi, liên kết với doanh nghiệp để rộng đầu ra sản phẩm, tránh lệ thuộc vào các thương lái nhỏ lẻ.

Theo ông Lê Chí Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản tỉnh An Giang, Ủy viên thường trực Hiệp hội Cá tra Việt Nam, giá cá tra tăng cao do nguồn cá nguyên liệu phục vụ cho chế biến xuất khẩu đang bị thiếu hụt. Vùng cá nguyên liệu tự thả nuôi của các doanh nghiệp không còn nhiều nên buộc phải ra bên ngoài tìm mua cá tra của nông dân, đẩy giá tăng cao để thu mua được cá…

Chủ nhiệm hợp tác xã cá tra Thới An cho hay, một trong những lo lắng của hợp tác xã nói riêng và người nuôi cá tra nói chung ở ĐBSCL là chất lượng cá tra giống. “Quá trình sản xuất cá tra giống hiện cực kỳ khó khăn so với những năm trước do thời tiết ngày càng khó khăn và nguồn cá bố mẹ bị thoái hoá” – ông Nguyễn Ngọc Hải chia sẻ.

Ông Hải nói: “Thật ra, bài toán cá tra giống đã tính cách nay 10 năm rồi nhưng vẫn chưa giải xong. Phần lớn người dân vẫn tự làm cá giống nuôi hoặc mua trôi nổi ngoài thị trường. Cây lúa có Viện Lúa ĐBSCL, cây ăn trái có Viện Cây ăn quả miền Nam hỗ trợ về giống, còn con cá tra mặc dù sản lượng xuất khẩu khá lớn nhưng không có đơn vị lớn hỗ trợ chuyên cứu, chuyển giao con giống chất lượng. Còn đề án giống cá tra 3 cấp có rồi nhưng cũng mới hình thành, quy mô chưa cao”.

Ông Hải cho hay, do giống cá tra ít mà nhu cầu nhiều nên giá đã lên mức 70.000 – 80.000 đồng/kg, trong khi vài năm trước đây chỉ ở mức từ 20.000-30.000 đồng/kg.

Theo Chi cục Thuỷ sản tỉnh An Giang, thời gian qua, đa số các cơ sở ương, dưỡng giống cá tra chưa thực hiện việc ghi chép hồ sơ theo dõi quá trình ương, dưỡng làm ảnh hưởng đến công tác quản lý truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra, có  một số cơ sở mua cá tra bột trôi nổi (ngoài tỉnh) về ương dưỡng làm xuất hiện tình trạng cá giống có tỷ lệ dị hình cao gây thiệt hại cho hộ nuôi. Đây là vấn đề thách thức đối với nghề ương cá tra giống trong thời gian tới.

Tránh tình trạng người dân mở rộng diện tích nuôi cá tra khi giá tăng cao, Chi cục Thuỷ sản tỉnh An Giang phối hợp với các ngành chức năng có liên quan kiểm tra, hướng dẫn người dân thực thả nuôi theo quy hoạch của UBND tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp cho hay, toàn tỉnh này hiện có 1.228 cơ sở sản xuất, kinh doanh cá tra giống, năm trước số cơ sở trên đáp ứng được nhu cầu con giống trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2018 tình hình thời tiết diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến tỷ lệ sống cá tra giống ương nuôi, gây ra tình trạng thiếu giống cục bộ vào thời điểm các cơ sở nuôi thương phẩm thả nuôi đồng loạt.

Mặt khác, các cơ sở sản xuất giống hiện chỉ dựa vào kinh nghiệm sản xuất và hướng dẫn lẫn nhau, không có bằng cấp chuyên môn theo đúng quy định. Các cơ sở này còn sử dụng quá nhiều thuốc, hóa chất, kháng sinh trong khâu sản xuất.

Tìm hiểu của phóng viên, diện tích nuôi cá tra ở Đồng Tháp đã trên 1.800ha, tăng 2,4% so với 9 tháng đầu năm 2017. Sản lượng cá tra đạt 319.000 tấn (tăng 14.000 tấn so với cùng kỳ năm trước). Hầu hết các hộ nuôi  đều có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, nuôi gia công hoặc liên kết với các doanh nghiệp để đảm bảo được đầu ra. Do giá cá tăng cao nên dự báo diện tích thả nuôi loại cá da trơn này trong thời gian tới sẽ tăng nhiều.

Nguồn: Tổng hợp, duyệt bởi Farmtech Vietnam

Được Mỹ công nhận tương đương, cá tra vẫn có thể bị áp thuế chống phá giá

Khi được công nhận tương đương, cá tra Việt Nam vẫn có nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá khi vào thị trường Mỹ, và không phải doanh nghiệp nào cũng được xuất khẩu vào thị trường này.

Được công nhận tương đương hệ thống sản xuất, kiểm soát của Mỹ, nhưng cá tra vẫn có thể tiếp tục bị áp thuế chống bán phá giá. Trong ảnh là sản phẩm cá tra phi lê được đưa vào mạ băng.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết với việc Cục Thanh tra an toàn thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đề nghị Văn phòng đăng ký Liên bang Mỹ công nhận tương đương cho ngành cá tra Việt Nam trong chương trình thanh tra cá da trơn (cá thuộc họ Siluriformes), ngành hàng này của Việt Nam đã tương đương với Mỹ về hệ thống sản xuất và kiểm soát.

Theo ông Hòe, trong vòng 30 ngày từ ngày đăng công báo trên Liên bang Mỹ, nếu không bị phản đối, ngành cá tra Việt Nam sẽ chính thức được công nhận tương đương. Tuy nhiên, cá tra Việt vẫn có thể tiếp tục bị áp thuế chống bán phá giá.

“Ngay cả khi được công nhận tương đương, không phải doanh nghiệp nào cũng được xuất khẩu vào Mỹ, mà FSIS sẽ xét duyệt dựa trên cơ sở các nhà máy đã đăng ký đủ điều kiện xuất khẩu theo chương trình thanh tra cá da trơn”, ông Hòe nhấn mạnh.

Câu chuyện áp thuế chống bán phá giá, theo ông Hòe, không liên quan đến việc ngành cá tra được công nhận tương đương, mà là câu chuyện bán dưới giá thành và điều này được giám sát bởi Bộ Thương mại Mỹ (DOC). Hiện Việt Nam chưa được Mỹ công nhận có nền kinh tế thị trường nên giá thành sản xuất cá tra được xác định trên cơ sở giá trị thay thế của một quốc gia khác có nền kinh tế thị trường với điều kiện kinh tế tương đương Việt Nam.

“Một cơ sở khác để Mỹ xem xét áp thuế chống bán phá giá là khi nước xuất khẩu cố tình bán dưới giá thành vào thị trường Mỹ và gây thiệt hại, gây nguy hiểm đến ngành công nghiệp nội địa”, ông Hòe nói thêm.

Trước đó, vào giữa tháng 9-2018, DOC đã công bố mức thuế sơ bộ đối với thuế chống bán phá giá cá tra trong kỳ xem xét hành chính lần 14 (POR14), giai đoạn 1-8-2016 đến 31-7-2017, giảm mạnh so với kết quả cuối cùng kỳ của kỳ POR13. Cụ thể, mức thuế sơ bộ đối với hai bị đơn bắt buộc là 0 và 1,37 đô la/kg; mức thuế cho các bị đơn tự nguyện là 0,41 đô la/kg và mức thuế suất toàn quốc là 2,39 đô la/kg.

Nguồn: Tổng hợp, duyệt bởi Farmtech Vietnam

Thiếu hụt trầm trọng giống cá Tra

Cuốn theo cá tra xuất khẩu đang hút hàng ở ĐBSCL, từ sau tết đến nay cá giống tăng giá mạnh. Người nuôi gọi tìm mua cá giống khắp nơi.

Tìm mua cá giống

Ông Chương Văn Khanh (Út Anh), theo đuổi nghề nuôi cá tra 18 năm qua, với 5ha ao nuôi ở cù lao Tân Lộc, phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, cho hay: Do mấy tháng cuối năm vừa qua thị trường xuất khẩu tốt nên các doanh nghiệp tiêu thụ cá được giá cho người nuôi. Phần tôi nuôi cá cung ứng theo hợp đồng liên kết với Cty Sao Mai-IDI nuôi gia công lấy công làm lời. Nhưng đối với một số ít người nuôi cá tra riêng lẻ, nếu hộ nào có cá xuất ao lúc này có bao nhiêu doanh nghiệp mua hết bấy nhiêu. Cá tra đang có giá cao kỷ lục 29.000 đ/kg, người nuôi có lãi từ mức 6.000 đ/kg trở lên.

Được mệnh danh “cù lao cá”, dân nuôi cá tra ở Tân Lộc từng chịu nhiều cảnh thăng trầm, nhất là mấy năm qua cá tra dội chợ, xuống dốc. Cú sốc lỗ lã khiến nhiều người nợ nần bỏ ao chuyển sang nghề khác. Số còn trụ lại chiếm phần nhiều là các hộ tính đường “cầm chắc” theo hợp đồng gia công với doanh nghiệp. Bây giờ thị trường cá tra sống dậy, người nuôi thấy ham nhưng ít có mấy người dám phiêu lưu, vì ngại vốn đầu tư lớn, rủi ro cao. Hơn nữa lúc này tìm mua được cá giống đạt chất lượng thật chẳng dễ.

Một chủ hộ nuôi cá tra ở phường Thới An, quận Ô Môn cho biết, trước tết một số hộ nuôi cá dọc theo bờ sông Hậu thu hoạch xong, vệ sinh ao chờ qua mùng ba tết gọi điện các trại giống thân quen, tìm tới cơ sở ương nuôi cá tra đặt mua. Nơi nào cũng nhẹ nhàng từ chối vì không đủ số lượng cung cấp. Thậm chí một số ao nuôi trong vùng “tự chủ” nguyên liệu của các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu còn cho người chạy ra ngoài tìm cá giống mua thêm. Vậy mà họ không tìm mua đủ cá giống nên vẫn còn ao để không. Trước tết giá cá giống 50.000 đ/kg (cỡ cá 30 con/kg) đến nay tăng vọt lên 70.000 đ/kg.

Chuyển biến chậm

Từ nhiều năm trước, hầu hết các hộ nuôi cá tra trong vùng mua cá giống chủ yếu từ các cơ sở ương nuôi cá ở 2 tỉnh đầu nguồn Đồng Tháp và An Giang. Trải qua những năm tháng khi đắt hàng lúc dội chợ, vì khó đoán để bắt nhịp nguồn cung nên thường xảy ra tình trạng cá giống mất cân đối cung – cầu. Có lúc cá tra giống dư thừa, từ cá bột ương nuôi tới lớn 2 – 3 phân mà không có người mua. Mặt khác về yếu tố chất lượng con giống phụ thuộc rất lớn vào đàn cá bố mẹ. Vì vậy đã có một số người giỏi nghề có xu hướng tản mát về một số tỉnh vùng hạ lưu như Vĩnh Long, Tiền Giang, Cần Thơ, Hậu Giang tìm thuê ao nuôi mới để lấy nguồn nước ít ô nhiễm, nâng cao tỉ lệ ương nuôi con giống có chất lượng.

Ông Út Anh nuôi cá tra ở cù lao Tân Lộc, Thốt Nốt (Cần Thơ)

Ông Trần Ngọc Hải, người nuôi cá tra có nghề ở phường Thới An, quận Ô Môn hiện nay cùng nhóm bạn thân hữu thuê đất 20ha ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ lập trại sản xuất giống cá tra, chạch bùn, trê vàng… Qua mấy mùa sản xuất ổn định với mức bình quân xuất 100 tấn cá tra giống/năm (5 – 10 tấn/tháng).

Ông Hải nhìn nhận: Cá tra giống vào thời điểm nào cũng có xuất bán, còn hiện nay giá tăng cao và không đủ bán là do nguồn cung ít. Nhu cầu tái thả cá sau khi thu hoạch ở một số địa phương đang tăng lên. Ngoài ra thêm một nguyên nhân khác nữa, tỉ lệ ương nuôi cá bột lên cá giống hiện đạt rất thấp, khoảng 5 – 7% và có đạt lắm cũng chỉ từ 10% trở xuống. Thông thường vào mùa khô tỉ lệ cá ương nuôi đạt cao hơn vào những tháng mùa mưa.

Ai cũng hiểu rằng nuôi cá tra điều kiện đầu tiên phải có giống tốt. Trong khi người nuôi cá thương phẩm vẫn còn than vãn tình trạng chất lượng cá tra giống kém dẫn tới hao hụt tỷ lệ cao tới 30 – 50% càng đặt ra vấn đề sớm hình thành những trung tâm sản xuất, tạo nguồn cung cá giống chất lượng cao. Các nhà chuyên môn lĩnh vực thủy sản nước ngọt phân tích, muốn đảm bảo chất lượng con giống tốt cần có nhiều yếu tố. Trước tiên là thị trường tiêu thụ cá tra giống tương đối ổn định theo quy hoạch, kế hoạch sản xuất từ vùng nuôi. Từ đó có thể dự đoán, cân đối nguồn cung. Bên cạnh đó cần có sự hỗ trợ từ các cơ quan chuyên ngành nghiên cứu thủy sản để cung cấp nguồn con giống bố mẹ khỏe và thiết kế vùng ao nuôi, ương cá có nguồn nước ao tốt, sạch…

Trong thời gian qua ở một số địa phương trong vùng đã tính toán, quy hoạch vùng sản xuất cá tra bắt nhịp đồng điệu từ trung tâm giống – mạng lưới cơ sở nhân giống – nuôi cá thương phẩm. Thế nhưng chuyển biến còn rất chậm.

Ông Trần Thái Nghiêm, Phó giám đốc Trung tâm giống cây trồng vật nuôi, thủy sản TP Cần Thơ: Hiện nay Trung tâm có vùng SX giống 20ha, vừa nhập giống cá tra bố mẹ từ Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II về cho sinh sản, ương nuôi. Dự kiến từ tháng 5 đến tháng 6/2018 sẽ cung ứng giống ra thị trường. Năng lực sản xuất ước khoảng 8 triệu con giống/năm.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), dự kiến năm 2018 xuất khẩu cá tra đạt kim ngạch khoảng 1,85 tỷ USD. Năm 2017 xuất khẩu cá tra đạt 1,78 tỷ USD, tăng 4,3% so năm 2016.

Nguồn: Nông Nghiệp Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Thu tiền tỷ từ nghề chế biến bong bóng cá tra xuất khẩu

Nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh đang ăn nên làm ra nhờ chế biến mặt hàng từ phế phẩm bong bóng cá tra. Đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán lượng hàng bong bóng cá phơi khô xuất khẩu càng gia tăng.

Ông Trần Văn Ngây giới thiệu quy trình chế biến bong bóng cá tra

Ông Trần Văn Ngây, 48 tuổi, chủ cơ sở Ngây ở ấp Trung Bình, xã Thoại Giang, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang đã sản xuất mặt hàng bong bóng cá phơi khô mang lại hiệu quả vô cùng phấn khởi. Từ những phụ phẩm không có gì đáng giá nhưng với bàn tay khéo léo, cần cù và tinh thần sáng tạo của người chế biến, cơ sở Ngây đã tạo ra một loài thực phẩm cao cấp “bong bóng cá” có thể chế biến thành nhiều món ăn bổ dưỡng được nhiều khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng.

Ông Ngây cho biết, cơ sở ông bắt đầu hoạt động từ năm 2009. Gần 10 năm gắn bó với nghề, ông đã tích lũy nhiều vốn liếng và kinh nghiệm. Nhờ vậy mà cơ sở ngày một phát triển, mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư thêm trang thiết bị và chủ động tìm đối tác ký hợp đồng thu mua phế phẩm và hợp đồng tiêu thụ. Nhờ năng động và nắm bắt nhu cầu của thị trường nên chất lượng sản phẩm của ông làm ra ngày càng nâng cao được nhiều khách hàng tin cậy.

Hiện nay, bình quân mỗi tuần cơ sở ông thu mua 2,5 tấn bong bóng cá tươi với giá 38.000 đ/kg từ các doanh nghiệp chế biến thủy sản đông lạnh trong và ngoài tỉnh. Nếu làm đúng quy trình kỹ thuật, bình quân cứ 5kg bong bóng cá tươi sẽ cho ra 1kg bong bóng khô. Giá bán hiện nay là 210.000 đ/kg bong bóng thành phẩm.

Ông Ngây cho biết, quá trình chế biến bong bóng cá rất công phu và tỉ mỉ, đòi hỏi người làm phải nắm vững kỹ thuật, từ khâu lột bỏ mỡ, rửa sạch, lộn ngược bong bóng cho đến công đoạn ướp muối sao cho thật sạch và trắng trong. Công đoạn quan trọng nhất là nong bong bóng cá vào ống cao su và phơi khô. Nếu gặp những hôm trời mưa phải xử lý bằng lò sấy.

Sau khi phơi khô, sản phẩm được bảo quản trong một môi trường nhiệt độ thích hợp. Ông Ngây cho biết bong bóng cá sau khi thành phẩm được chuyển lên TP Hồ Chí Minh để xuất qua Thái Lan và Trung Quốc theo đường tiểu ngạch.

Ngoài lợi nhuận gia đình, cơ sở chế biến bong bóng cá còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động tại địa phương (lúc cao điểm lên đến 30 người). Hầu hết người làm công đều được tính thù lao theo sản phẩm với giá 6.000 đ/kg bong bóng tươi. Một người làm giỏi mỗi ngày có thể hơn 20kg. Ngoài ra ông còn đóng góp cho địa phương xây cất nhà tình thương và các hoạt động xã hội khác.

Bong bóng cá thành phẩm chuẩn bị xuất khẩu

Về hiệu quả, ông Ngây cho biết, trước đây hai năm lợi nhuận rất cao. Nay đã giảm dần vì giá nguyên liệu tăng gấp rưỡi, giá điện nước cũng tăng, trong khi giá bán ra vẫn như cũ. Do vậy mà trong năm 2017 doanh thu chỉ đạt khoảng 10 tỷ đồng, trừ hết các chi phí còn lời trên 1 tỷ đồng.

Từ kết quả đó, ông đã nhận được Bằng khen của UBND tỉnh An Giang “Đã có thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” và Bằng khen của Hội Nông dân tỉnh An Giang “Đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua SXKD giỏi”.

Nguồn: Thủy sản Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Cá Tra ĐBSCL: Niềm vui nối tiếp niềm vui

Những ngày đầu năm 2018, tình hình nuôi cá tra ở nhiều tỉnh, thành khu vực ĐBSCL có nhiều khởi sắc khi giá cá tăng, thị trường tiêu thụ có nhiều thuận lợi.

Nuôi cá tra ở ĐBSCL có nhiều khởi sắc 

Niềm vui từ giá

Nhiều hộ nuôi cá tra ở thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang năm nay sẽ ăn tết lớn vì trúng đậm cá tra; bởi, thời điểm này, giá cá tra đã đạt mức 28.000 đồng/kg. Tại Hậu Giang, địa phương có diện tích nuôi cá cũng thuộc hàng nhất nhì tại khu vực ĐBSCL, hoạt động sản xuất cá tra đầu năm 2018 khá nhộn nhịp nhất là tại HTX Nuôi thủy sản Đại Thắng (xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy). Theo Phó Giám đốc HTX Phạm Hùng Minh cho biết, năm trước, giá cá rớt thê thảm tưởng chừng ai cũng thua lỗ. Nhưng nhờ HTX duy trì được hợp đồng cung ứng thức ăn, làm các dịch vụ nên phần nào hỗ trợ cho các thành viên không bị lỗ hoặc ít bị lỗ. Các thành viên được nợ 50% số tiền thức ăn với công ty; 15 hộ duy trì được ao cá, chỉ có 4 hộ treo ao hoặc cho hộ khác thuê nuôi. Một hội viên HTX chia sẻ, những năm trước, ông hùn vốn nuôi cá chung với một người bà con trên diện tích 2.000 m2. Tuy nhiên, do năm rồi thua lỗ nên người bà con đã rút vốn khiến ông không đủ tiền đầu tư. Nhận thấy khó khăn của ông, HTX Đại Thắng đã đứng ra bảo lãnh cho ông được mua nợ 50% tiền thức ăn của công ty và trợ vốn nuôi cá. Năm nay, được HTX cho mượn vốn mua thức ăn, cá giống nên ông vẫn tiếp tục thả nuôi, ước sản lượng khoảng 30 tấn, thương lái đã đặt giá 28.000 đồng/kg.

Theo thống kê, diện tích nuôi cá tra của thị xã Ngã Bảy đến thời điểm này là 40,6 ha, tăng 4 ha so năm trước. Mặc dù, tình hình nuôi cá có nhiều biến động, nhưng HTX Đại Thành vẫn cố gắng vượt khó bằng nhiều việc làm cụ thể thông qua các dịch vụ, liên kết. Đồng hành cùng hộ chăn nuôi, ngành chức năng luôn quan tâm hỗ trợ HTX, người nuôi cá tìm kiếm thị trường tiêu thụ, tập huấn kỹ thuật mới… để người nuôi có lợi nhuận. Đồng thời, HTX cũng thường xuyên cập nhật tình hình giá cả thị trường, kỹ thuật nuôi để giúp người nuôi cá mang lại hiệu quả. Cách làm này cũng là sự động viên, khích lệ tinh thần cho bà con nuôi cá tra tiếp tục có động lực gắn bó với nghề.

Yếu tố thị trường

Năm 2017, xuất khẩu cá tra gặp nhiều thách thức ở các thị trường truyền thống như EU hay Mỹ, nhưng cơ hội đã rộng mở ở những thị trường mới, như Trung Quốc. Bởi, giá trị và cấu trúc thị trường xuất khẩu cá tra Việt Nam vào thị trường này ngày có xu hướng tăng. Theo thống kê, năm 2014, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc chiếm 6,4%, năm 2015 là 10,3%, 2016 là 17,8% và năm 2017 tới 40%.

Mặt khác, việc đa dạng hóa sản phẩm cá tra cũng được các doanh nghiệp chú trọng, nhất là sản phẩm từ phụ phẩm cá tra. Điển hình như sản phẩm Dầu ăn cao cấp Ranee của Tập đoàn Sao Mai đã chinh phục được thị trường tiêu dùng tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Hay DNTN Cỏ May (trụ sở ở Đồng Tháp) được phía Singapore và châu Âu đề nghị mua da cá tra làm sản phẩm ăn liền (snack).

Nếu trước đây giá phụ phẩm chỉ 6.000 – 8.000 đồng/kg thì khi bán cho các doanh nghiệp chế biến thực phẩm giá đã tăng 71,4% (giá nhập tại kho); nếu có thêm chi phí đóng gói, cấp đông… thì có thể tăng gấp 3 lần, khoảng 22.000 -24.000 đồng/kg; Snack da cá tra tại thị trường Singapore hiện có giá 8 SGD (khoảng 136.000 đồng) cho gói nhỏ 230 g. Mỗi tháng Cỏ May xuất sang thị trường Singapore 50 – 60 tấn da cá. Năm 2018, phía Cỏ May sẽ mở rộng nhà máy, nâng công suất lên cao hơn. Hiện tại lượng hàng xuất đi đã đến mức cung không đủ cầu.

Một trong những yếu tố quan trọng khác trong việc phát triển ngành hàng cá tra trong năm 2018 chính là vấn đề chất lượng con giống. Đến nay cả nước có 230 cơ sở sản xuất cá tra giống, hơn 4.000 hộ ương dưỡng cá giống với diện tích hơn 2.250 ha, sản xuất khoảng 25 – 28 tỷ con cá bột (hơn 2,2 tỷ cá tra giống), tập trung chủ yếu ở các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Tiền Giang.

Theo kế hoạch của Bộ NN&PTNT, mục tiêu đến năm 2020, cung cấp khoảng 50% nhu cầu giống cá tra và đến năm 2025 cung cấp 70% nhu cầu giống cá tra tương đương gần 2,5 – 2,8 tỷ giống cá tra cung cấp cho các địa phương tại khu vực ĐBSCL. Điều này cho thấy tạo được nguồn giống tốt là rất quan trọng trong chuỗi sản xuất cá tra, do đó việc phải hoàn thiện liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp để tạo ra giống có chất lượng có tính di truyền chọn lọc có khả năng tăng trưởng nhanh, kháng bệnh, chất lượng thịt tốt… phục vụ cho nuôi thương phẩm là điều cấp thiết hiện nay, để phát huy tiềm năng, thế mạnh và phát triển bền vững thị trường cá tra. Được biết, Bộ NN&PTNT đang phối hợp với tỉnh An Giang thực hiện Đề án sản xuất giống cá tra 3 cấp; nhằm chủ động cung ứng nguồn giống chất lượng cho sản xuất cá tra. Hiện, Đề án đã thu hút sự tham gia của một số doanh nghiệp như Tập đoàn Việt – Úc, Công ty CP XNK Thủy sản An Giang (Agifish)…

Nguồn: Thủy sản Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Đổ xô đào ao ương Cá Tra giống

Năm 2017 giá thu mua cá tra giống khá cao nên diện tích đào ao ương cá bột lên giống tăng mạnh tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười (Long An).

Theo khảo sát của Sở NN-PTNT Long An, đến cuối tháng 12/2017, các huyện vùng Đồng Tháp Mười có trên 631ha ao ương cá giống. Chỉ riêng tại huyện Tân Thạnh, diện tích ao ương cá giống tăng từng ngày. Xã Tân Hòa có hơn 50 hộ SX trên diện tích ao ương 50ha; xã Nhơn Ninh cũng có 18 hộ với 21ha ao ương…

Ông Lê Văn Dấn, Tổ trưởng Tổ hợp tác SX thủy sản Tân Hòa chia sẻ: Người miền Tây có câu vè “Giàu nuôi cá, khá nuôi heo, nghèo nuôi vịt đẻ”. Để nuôi cá đầu tư rất cao, tiền đào ao 100 triệu đồng/ha; tấm bạt giáp vòng bờ và hệ thống cấp thoát nước khoảng 30 triệu/ha. Giống cá bột thì tùy theo giá cả thị trường, hiện giá 5 – 6 triệu đồng/1 triệu con bột.

Tùy theo thời tiết, môi trường và chất lượng con giống mà thu hoạch. Trung bình lượng cá giống đạt 10% lượng cá bột thả là đã thành công. Với 30 – 35 con/kg thì thu được hơn 20 tấn/ha. Giá thu mua loại 30 con/kg là 60.000 – 70.000 đồng/kg. Chi phí đầu tư khoảng 20.000 đồng/kg cá, người nuôi kém chỉ đạt 10 tấn/ha thì lợi nhuận cũng đạt cả trăm triệu. Nếu trồng lúa thì phải 5 – 7ha mới được mức thu nhập đó. Đó chính là lý do bùng phát nuôi cá tra bột tại các huyện thuộc vùng Đồng Tháp Mười”.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Tân Hòa cho biết, mọi năm thời điểm này giá cá tra giống 30.000 đồng/kg là đã “ngon”. Tháng 4 năm rồi, cá giống chỉ bán được 21.000 đồng/kg. Mấy hôm nay loại giống 30 con/kg không đủ cung cấp, giá tăng lên 70.000 đồng/kg. Hiện tượng này chưa bao giờ xảy ra.

Ông Hùng cho biết thêm, theo quy luật thị trường thì đến tháng 3,4 giá cá giống sẽ giảm dần cho đến tháng 9, 10 mới tăng lên lại. Việc tìm đầu ra cho tra giống cũng như cá tra thương phẩm không đơn giản. Tổ hợp tác SX thủy sản Tân Hòa đảm bảo ương cá bột thành cá giống đúng quy định, xã đã kết nối doanh nghiệp Vạn Đức thu mua cá tra giống cho các hộ.

Ông Lê Văn Dấn chia sẻ, hiện tượng bùng phát đào ao ương cá giống từng diễn ra vào năm 2011, khi đó giá mua 50.000 đồng/kg loại 30 con/kg. Hiện SX có lợi nhuận trên 50% nên nhiều hộ không có vốn cũng đi vay mượn để đào ao ương cá giống.

Theo số liệu báo cáo từ các huyện Đồng Tháp Mười, đến ngày 27/12/2017 đã có thêm 433 hộ ương với diện tích 633,09ha. Trong đó, nhiều nhất là huyện Tân Hưng (5 xã với 408 hộ) diện tích ao ương tăng 593,99ha.

Bà Đinh Thị Phương Khanh, PGĐ Sở NN-PTNT Long An cho biết, trước tình hình bùng phát đào ao ương cá bột thành cá tra giống, Sở đã cử nhiều đoàn công tác đến các địa phương thu thập số liệu và đánh giá. Nhìn chung là diện tích đào ao nằm trong vùng quy hoạch phát triển thủy sản đến năm 2020 đã được tỉnh phê duyệt từ 2016.

Nguồn nước cấp và thải chưa ảnh hưởng diện tích lúa xung quanh, ao nuôi nằm gần sông, kênh nên thuận lợi quá trình cấp thoát nước. Cá bột được mua từ các tỉnh An Giang, Cần Thơ và Đồng Tháp sau đó ương cá giống cho các hộ nuôi thương phẩm tại địa phương.

Đáng lo ngại là hầu hết ao ương mới đều do người từ các tỉnh An Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp sang thuê đất để sản xuất, đa phần chưa có kinh nghiệm, chưa biết các quy định pháp luật về việc sử dụng đất trồng lúa sang nuôi thủy sản, quản lý giống thủy sản, TĂCN, thuốc thú y thủy sản và vật tư nuôi trồng thủy sản.

Nguồn: Nông Nghiệp được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật nuôi cá tra và cá basa trong bè

Cá basa được nuôi khá nhiều ở Việt Nam lại có giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên để cá nhanh lớn đạt chất lượng tốt cần đảm bảo kỹ thuật nuôi tốt

1. Thiết kế và xây dựng bè.

Bè nuôi cá ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long thường được kết hợp vừa là bè cá vừa là nhà ở.

Dựa vào thời gian sử dụng mà chia ra 2 nhóm bè: bè kiên cố và bè tạm thời.

Nhóm bè tạm thời thường nhỏ và được đóng bằng tre hoặc loại gỗ chịu nước kém.

Bè cỡ trung và cỡ lớn thường nằm trong nhóm bè kiên cố. Các bè này được đóng bằng gỗ tốt và chịu nước như gỗ sao, vên vên, căm xe, chò chỉ, dầu, bằng lăng. Loại bè này đủ sức chịu đựng được với điều kiện sóng gió, nước chảy và khá bền, có khi tới 50 năm Việc đóng mới các loại bè kiên cố hiện nay cũng gặp khó khăn do khan hiếm các loại gỗ tốt. Vì vậy có một số bè mới được thiết kế bằng các loại vật liệu mới như bè ximăng lưới thép …

Bè nuôi cá thường có dạng hộp chữ nhật, ngoại trừ một số bè cỡ nhỏ dùng cho ương cá giống thì có dạng hộp vuông. Người nuôi cá bè cho rằng dạng bè hộp chữ nhật dễ dàng trong chọn gỗ thiết kế và quản lý sử dụng. Ngoài ra dạng này cũng phù hợp cho việc làm nhà trên bè theo truyền thống và cũng là nơi chế biến thức ăn, nhà kho, chuồng chăn nuôi…

Đầu tư đóng một bè nuôi khá tốn kém, vì vậy nguồn vốn là yếu tố quyết định cho việc đóng cỡ bè lớn hay nhỏ. Thời gian vừa qua đa số bè của các cơ sở quốc doanh do được đầu tư cao nên kích thước bè đóng khá lớn (thường là bè cỡ lớn, 500 đến 1000 mét khối). Bè lớn thì thuận lợi cũng như thích hợp cho nuôi các loài cá kích thước lớn và bơi nhanh như cá tra, basa.

Các bộ phận chính của bè gồm có:

– Khung bè: gồm có trụ đứng, đà dọc, đà ngang và cây chéo (cây xiên tả). Khung bè được kết cấu bằng gỗ tốt, kích thước thanh gỗ phù hợp để đảm bảo không bị biến dạng bởi sóng nước trong thời gian sử dụng.

– Mặt bè:được đóng kín bằng thanh nẹp gỗ, có chứa 2-3 cửa để cho cá ăn, chăm sóc và thu hoạch cá. Cửa mặt bè có nắp đậy và nâng hạ được, kích thước 1m x 2m. Nẹp gỗ đóng theo chiều ngang của bè, cách nhau 1-,5cm.

– Hông bè: được ghép bằng ván gỗ ở phía trong trụ đứng, khe hở giữa các tấm ván cách nhau 1 – 1,5cm để cá không thoát ra ngoài, đôi khi khoảng cách này còn tùy thuộc vào tốc độ dòng chảy. Nếu dòng chảy qua bè quá mạnh làm cá luôn hoạt động sẽ tốn năng lượng và kém ăn, ngược lại, nếu nước qua bè quá chậm sẽ làm cá thiếu oxy, các chất cặn bã, phù sa tích tụ trong bè có thể gây ô nhiễm và dễ làm cho cá nhiễm bệnh.

– Đầu bè: đóng bằng lưới kẽm, lưới đồng hoặc lưới Inox có kích thước mắt nhỏ hình vuông (1,5 x 1,5 – 2 x 2cm). Các bè nhỏ thì đầu bè đóng bằng các thanh nẹp gỗ phía bên trong trụ đứng, chỉ chừa một khoảng ở giữa để đóng lưới Inox.

– Đáy bè: đóng ván khép kín (chừa khe hở 1 – 1,5cm) để tránh thất thoát thức ăn và cho các loài cá nuôi ghép ăn đáy tận dụng hết thức ăn thừa.

– Phần nổi: ghép bằng các thùng phuy (200 lít), hoặc bằng cây tre hay thùng nhựa PVC. Thùng phuy phải được sơn chống rỉ sét và dầu hắc. – Neo bè: để cố định bè, gồm mỏ neo, dây neo nylon có đường kính 2-3cm. Có thể neo 4 góc bè hoặc 2 dây neo và 2 dây cột vào trụ cố định. Hiện nay có nhiều kích cỡ bè khác nhau, kích cỡ truyền thống và phổ biến chủ yếu như sau:

Loại Kích thước ( dài x rộng x cao) (m) Loài cá thả Độ sâu nước (m) Thể tích bè m3
Cở nhỏ (6-8) x (3-5) x (2,5 – 3,5) Tra, Chày 2 20-100
Trung bình (9-12) x (4-9) x (3,0-3,5) Tra, basa, hú 2,5-3 100 – 500
Bè lớn (12-30) x (9-12) x (4-4,5) Tra, basa, hú 3,5-4 500 – 1600

Các công cụ và phương tiện cần thiết phục vụ cho nuôi cá bè gồm có:

– Động cơ để quạt nước (mô tơ điện hoặc máy diezen) hỗ trợ dòng chảy trong bè, nhất là từ giữa đến cuối mùa khô, nước chảy chậm, phù sa và cặn bã tích tụ trong bè, gây thiếu oxy cho cá.

– Thuyền, ghe lắp máy để vận chuyển thức ăn, mua nguyên vật liệu và hổ trợ bơm nước. – Lò nấu thức ăn.

– Máy xay, trộn và ép thức ăn.

2. Vị trí để đặt bè nuôi cá.

Bè được đặt nổi và neo cố định tại một điểm trên sông, vì vậy phải lựa chọn những vị trí thích hợp nhiều mặt, tiện lợi cho nuôi cá, nhưng không làm cản trở giao thông và hạn chế sự ô nhiễm môi trường nước.

Bè được đặt gần bờ dọc theo chiều nước chảy, nơi thoáng, có dòng chảy liên tục, lưu tốc thích hợp (0, 2 -,5m/giây), mực nước sông ít thay đổi theo thủy triều và độ sâu tối thiểu phải cao hơn chiều cao ngập nước của bè 0,5 – 1m để tránh cho bè không bị đội lên mặt nước.

Nước sông nơi đặt bè không ảnh hưởng trực tiếp nước phèn, trong mùa khô khi nước bị nhiễm mặn thì độ mặn cho phép cá chịu đựng được và không thay đổi đột ngột. Nguồn nước lưu thông tương đối trong sạch, không bị ô nhiễm, nhất là gần các cống nước, thải đô thị, nước thải các nhà máy sử dụng hóa chất, nhà máy giấy, nhuộm, tẩy rửa và chứa các độc tố, các khu ruộng lúa sử dụng thuốc sát trùng … Tránh nơi có luồng nước ngầm, nơi khúc quanh của sông, nơi sông bồi tụ, xói lở, nơi có nhiều rong cỏ, nơi dòng nước có quá nhiều phù sa.

Ngoài ra, bè nuôi cá nên đặt gần nguồn cung cấp thực phẩm nuôi cá, vị trí thuận tiện giao lưu, gần các trục lộ giao thông thủy bộ để việc vận chuyển thức ăn, cá giống và buôn bán cá thịt được dễ dàng thuận lợi. Khi chọn vị trí đặt bè phải xem xét nhiều mặt, cân nhắc hợp lý các điều kiện và các tiêu chuẩn trên để quyết định chính xác, vì việc di chuyển bè rất khó khăn, tốn kém và ảnh hưởng đến cá nuôi và kết quả nuôi. Tuy nhiên, lưu tốc dòng chảy, chất lượng nước và nguồn nguyên liệu thức ăn là những yếu tố quan trọng hàng đầu.

Nguồn: Tép Bạc được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật nuôi Cá Ba Sa trong ao đạt chất lượng cao

Để có được kỹ thuật nuôi cá basa trong ao đúng cách đạt năng suất và chất lượng tốt không phải ai cũng làm được. Bởi vì nó còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố chủ quan và khách quan.

1. Thiết kế và xây dựng ao

Lựa chọn vị trí

Việc đầu tiên trong kỹ thuật nuôi cá basa trong ao là phải lựa chọn vị trí nên nuôi cá basa ở đâu cho thích hợp. Nên chọn những ao gần sông và kênh mương lớn để tiện cho việc lấy nước. Tuy nhiên mực nước sông ít thay đổi và có độ sâu tối thiểu 1,5m. Bên cạnh đó nguồn nước đó không bị nhiễm phèn, hay bị ô nhiễm bởi các chất thải từ các nhà máy, khu dân cư và các chất độc hại khác….Ngoài ra nên xây dựng ao nuôi ở gần nguồn cung cấp thức ăn dành cho cá basa, nơi thuận lợi để vận chuyển và buôn bán cá sau khi thu hoạch.

Chuẩn bị ao

Thông thường, nên chọn ao nuôi cá basa có diện tích khoảng trên 500m2, mực nước có độ sâu từ 2-3m. Bờ ao phải chắc chắn và có cống để giúp thoát nước dễ dàng cho ao. Lưu ý về các tiêu chí của môi trường ao như: nước có nhiệt độ từ 26-30 độ C, pH thích hợp từ 7-8, và hàm lượng oxy hòa tan trên 2mg/lít. Trước khi tiến hành thả cá vào ao, nên dọn ao thật sạch sẽ, vét bớt bùn, tát cạn nước, dọn dẹp cỏ và bắt hết các loại cá tạp. Sau đó rải vôi ở bờ và đáy ao để khử độc cũng như điều chỉnh độ pH thích hợp. Tiếp tục phơi ao trong vòng 2-3 ngày, cuối cùng bơm nước vào sao cho mực nước đạt yêu cầu rồi tiến hành thả giống. Đây là những yêu cầu cơ bản trong kĩ thuật nuôi cá basa trong ao.

2. Mùa vụ nuôi

Trước đây, nguồn giống thường phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên nên bà con nông dân thường chỉ nuôi 2 mùa chính, vụ 1 (tháng 4-6), vụ 2 (tháng 11-12), thu hoạch cá thịt vào tháng 5-6 hoặc tháng 12-1 năm sau đó.

Tuy nhiên, ngày nay với công nghệ hiện đại, đã chủ động được con giống sinh sản nhân tạo nên mùa vụ thả giống có thể nuôi quanh năm.

3. Chọn cá giống với kỹ thuật nuôi cá basa trong ao

Chọn cá giống là khâu cực kì quan trọng trong kỹ thuật nuôi cá basa trong ao, khi chọn giống phải là những con khỏe mạnh, màu sắc tươi sáng, không có dấu hiệu bệnh tật hay xây xát và có kích cỡ đều nhau để tránh tình trạng tăng trưởng không đồng đều. Thường thì cá basa có chiều dài từ 10-12cm.

Nên thả cá ở mật độ từ 15-20 con/m2.

Trước khi tiến hành thả cá, cần tắm cho cá tầm 5-6 phút với nước muối 2% để khử trùng. Nên thả từ từ, nhẹ nhàng để cá thích nghi dần với môi trường mới.

4. Thức ăn nuôi cá basa

Các loại thức ăn

Đối với kỹ thuật nuôi cá basa trong ao có 2 loại thức ăn là thức ăn tự chế biến và thức ăn công nghiệp. Do giá thành thức ăn công nghiệp khá cao nên hiện nay, các hộ nuôi cá basa thường sử dụng thức ăn tự chế biến, bởi nguyên liệu rẻ và dễ kiếm, dễ tận dụng. Tuy nhiên, loại thức ăn này lại ít hàm lượng dinh dưỡng và mất nhiều thời gian chế biến. Trong khi đó thức ăn công nghiệp hàm lượng dinh dưỡng ổn định, vừa dễ sử dụng, bảo quản cũng như vận chuyển dễ dàng. Nếu dùng thức ăn công nghiệp thì trong 2 tháng đầu mới thả nuôi, nên cho ăn loại thức ăn có hàm lượng đạm 28-30%, các tháng tiếp theo giảm dần hàm lượng đạm còn khoảng 25-26%.

Hai tháng cuối cùng chỉ sử dụng thức ăn có hàm lượng đạm 20-22%. Còn đối với thức ăn tự chế biến thì nguyên liệu gồm có cá tạp, cá khô tạp, bột cá, đậu nành, cám gạo, tấm, rau xanh và một số phụ phẩm khác. Nên trộn thêm premix khoáng và vitamin C để kích thích cá ăn nhiều và sức đề kháng tốt hơn.

Chế biến thức ăn

Ở kĩ thuật nuôi cá basa trong ao này, thức ăn cho cá nên được trộn đều và xay thật nhuyễn rồi nấu chín. Thức ăn viên công nghiệp thường có cả dạng chìm và nổi, được tính toán và phối chế cân đối, hợp lý các thành phần và hàm lượng dinh dưỡng phù hợp cho cá. Lưu ý đối với cả 2 loại thức ăn phải tuân theo quy định không được chứa các loại hóa chất, nấm mốc, hoặc kháng sinh đã bị cấm, đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Phương pháp cho ăn

Nên vo thức ăn lại thành các viên tròn nhỏ rồi rải từ từ cho cá ăn từng ít một để cá sử dụng một cách triệt để.

Mỗi ngày cần chia ra 2 lần để cho cá ăn, buổi sáng từ 6-10 giờ, buổi chiều từ 16-18 giờ. Thường xuyên quan sát và theo dõi tình hình ăn và tăng trưởng của cá để tính toán điều chỉnh lượng thức ăn cho hợp lý, không để cá ăn thiếu hoặc dư thừa thức ăn. Không cho cá ăn thức ăn quá hạn sử dụng. Ngoài ra, luôn vệ sinh sạch sẽ thường xuyên hàng ngày nơi chế biến thức ăn cũng như các thiết bị, dụng cụ chế biến thức ăn. Ở kỹ thuật nuôi cá basa trong ao, đòi hỏi phải có phương pháp cho ăn đúng thì cá mới có thể tăng trưởng nhanh và đạt chất lượng tốt.

5. Quản lý chăm sóc

Quản lý ao

Đối với kỹ thuật nuôi cá basa trong ao thì việc dành thời gian quan sát, kiểm tra ao là không thể thiếu. Bởi để kịp thời phát hiện và xử lý các hiện tượng bất thường như bờ ao bị sạt lở, cống bọng bị rò rỉ, hư hỏng…

Quản lý chất hóa học

Không được dùng thuốc và hóa chất cấm mà phải cập nhật thông tin thường xuyên về thuốc và hóa chất sử dụng trong ngành thủy sản qua đào tạo. Nên theo hướng dẫn trên nhãn sản phẩm thuốc, hóa chất để sử dụng một cách hợp lý về liều dùng, nơi bảo quản, thời kỳ hết hạn sử dụng. Không sử dụng sản phẩm thuốc, hóa chất không rõ nguồn gốc hay hết hạn sử dụng.

Quản lý chất thải và môi trường

Đây là việc cực kì quan trọng và không thể thiếu trong kĩ thuật nuôi cá basa trong ao. Cần phải thay nước mới hàng ngày, để cá có môi trường sống sạch, tránh bị bệnh. Không thả các loại chất thải xuống ao nuôi cá. Nước thải ra từ ao nuôi phải được xử lý khoa học trước khi thải ra sông để tránh làm ô nhiễm môi trường xung quanh và ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng.

Quản lý dịch bệnh

Khi phát hiện có hiện tượng cá nổi đầu khác với bình thường, nhanh chóng xác định nguyên nhân, tìm hiểu bệnh và có biện pháp xử lý kịp thời. Để phòng bệnh cho cá và khử trùng nước ao, có thể dùng vôi bột hòa nước và rải đều khắp ao với liều lượng 1,5-2kg/100m3 nước ao. Hoặc có thể dùng các loại chế phẩm vi sinh hoặc formol để xử lý và khử trùng nước ao nuôi.

Trên đây là toàn bộ kỹ thuật nuôi cá basa trong ao mà bà con có thể áp dụng cho hộ gia đình mình. Tình hình nuôi cá basa ở Việt Nam chuyển biến tốt dần dần. Cá basa khá dễ nuôi nhưng nếu không biết cách thì sẽ không thể đem lại được hiệu quả như mong muốn. Vì vậy nên tìm hiểu thật kỹ càng mô hình kỹ thuật nuôi cá basa trong ao đúng cách để có một vụ mùa bội thu.

Nguồn: Tepbac.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.