Khuyến cáo nuôi tôm hùm sông Cầu

Kết quả quan trắc môi trường các vùng nuôi tôm hùm tại TX Sông Cầu của Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản tỉnh Phú Yên cho thấy một số chỉ tiêu nằm ngoài ngưỡng cho phép.

Nhiều vùng nuôi tôm hùm ở Sông Cầu có các chỉ tiêu ngoài ngưỡng cho phép

Trung tâm đã khuyến cáo người nuôi tôm hùm vùng Phú Dương – Xuân Thịnh dịch chuyển lồng nuôi đến nơi có dòng chảy hoặc nâng lồng nuôi lên từ 0,5 – 1m, bảo đảm độ mặn tối thiểu 30‰.

Bên cạnh đó, hàm lượng DO tại vùng này (nước tầng đáy 4,9mg/l) cũng thấp dưới ngưỡng cho phép. Vì vậy, đề nghị các hộ di dời lồng bè đến nơi có dòng chảy, độ sâu thích hợp hoặc nâng lồng nuôi cách tầng đáy 1,5m.

Tại vùng nuôi Phước Lý – Xuân Yên chỉ tiêu H2S (nước tầng đáy) vượt ngưỡng giới hạn cho phép. Các hộ nên dịch chuyển lồng nuôi đến nơi có dòng chảy, nâng lồng nuôi tôm cách tầng đáy 1 – 1,5m, bảo đảm độ mặn tối thiểu 30‰.

Ngoài ra, hàm lượng Vibrio spp tổng số vượt ngưỡng giới hạn cho phép tại nuôi Phước Lý – Xuân Yên (nước tầng đáy). Cần tăng cường vệ sinh lồng nuôi sạch sẽ, không để hàu, hà… bám vào lồng.

Đồng thời Trung tâm lưu ý các hộ thu gom vỏ tôm lột, vỏ nhuyễn thể làm thức ăn cho tôm hùm, hệ thống cây làm bè đã hư hỏng nên thu gom, các bao đựng thức ăn đưa vào đất liền không nên xả thải vào Vịnh. Tăng cường sức khỏe của tôm hùm nuôi bằng cách sử dụng thức ăn tươi, đảm bảo chất lượng và bổ sung các chế phẩm sinh học, vitamin, khoáng chất nhằm giúp tôm giảm stress và tăng sức đề kháng trong điều kiện thời tiết thay đổi và tác nhân gây bệnh.

Hiện thời tiết vẫn còn đang phức tạp, nước ngọt từ thượng nguồn vẫn tiếp tục đổ vào vịnh. Do đó, các hộ nuôi cần chú ý dòng chảy, có khả năng độ mặn xuống thấp cục bộ một số vùng nuôi làm ảnh hưởng đến tôm hùm, cần thường xuyên kiểm tra độ mặn để có giải pháp ứng phó.

Đề nghị UBND các xã, phường và các tổ đồng quản lý thông báo kết quả quan trắc môi trường qua hệ thống loa phát thanh để các hộ nuôi tôm hùm biết và có giải pháp xử lý kịp thời.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

“Thủ phủ” tôm hùm tan tác

Thiệt hại nặng nhất về tài sản do cơn bão số 12 phải kể đến những người nuôi tôm hùm. Chỉ riêng 2 tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên, hàng ngàn tỉ đồng của bà con đã bị cuốn trôi ra biển

Ông Võ Hoàn Hải – Bí thư Huyện ủy Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa – ngày 11-11 cho biết hàng ngàn hộ nuôi tôm hùm ở đây đã trắng tay chỉ sau 1 đêm bão số 12 đổ bộ. Toàn huyện với trên 12.400 lồng nuôi tôm hùm, trên 350 ha nuôi thủy sản giờ chỉ như một bãi chiến trường trên nước.

Nợ nần, trắng tay…

“Ngư dân nuôi tôm chưa bao giờ rơi vào cảnh khốn đốn như lúc này. Đa số tôm hùm, hải sản đều chuẩn bị thu hoạch, vậy mà tan nát hết. Hộ ít thì vài trăm triệu, hộ nhiều đến vài chục tỉ…, số tiền thiệt hại ước khoảng 3.888 tỉ đồng. Đó là chưa kể số tàu bè chìm, hư hỏng” – ông Hải chua xót.

Người dân huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa bán tháo tôm hùm với giá chỉ bằng 1/3-1/2 so với ngày thường.

Chúng tôi đã không cầm được nước mắt khi đến xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh – nơi bị thiệt hại nặng nề về người và cả tài sản trong cơn bão vừa qua. Một phụ nữ ôm đứa con nhỏ vào lòng ngồi thất thần bên thềm nhà giờ đã tan hoang. Một người trong xóm bảo đó là vợ anh Lê Hồng Linh, một trong những người tử nạn trong cơn bão số 12.

“Gia đình ấy cũng khá, dồn hết vốn liếng, vay thêm ngân hàng đầu tư cho bè tôm hùm trị giá hàng tỉ đồng. Tôm chuẩn bị thu hoạch lấy tiền trả nợ nhưng không ngờ tai ương ập đến, tài sản thì mất hết, còn chồng thì cũng mất… Chỉ một đêm, gia đình tan nát” – một phụ nữ cám cảnh.

Nhiều hộ nuôi tôm hùm với số lượng lớn, ước thiệt hại hơn 100 tỉ đồng như gia đình ông Tám Tuân (Vạn Giã), ông Dương, ông Nhà, Mười Châu (xã Vạn Hưng)… Khuôn mặt thất thần, bà Nguyễn Thị Loan (thị trấn Vạn Giã) nghẹn ngào: “Gần 14.000 con tôm chuẩn bị thu hoạch đã trôi ra biển, thiệt hại gần 30 tỉ đồng. Bây giờ gia đình tay trắng, nợ nần chồng chất”.

Tại Phú Yên, 2 “thủ phủ” tôm hùm lớn nhất là thị xã Sông Cầu và Vũng Rô (huyện Đông Hòa) cũng tan tác trong bão số 12. Trong đó, nặng nhất là vùng Vịnh Hòa, xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu. Những ngày này, khi về Vịnh Hòa, chúng tôi cứ nghe tiếng rưng rức khóc từ đầu đến cuối xóm. Không còn cảnh táo tác chạy bão, những bóng người chúng tôi gặp trên đường cứ liêu xiêu, uể oải, lặng lẽ như vô hồn. Tài sản của họ – cả những khoản nợ khổng lồ từ người thân, ngân hàng – đều đã bị cuốn trôi theo bão.

Khó khăn lắm mới có một người chịu nói chuyện. Chị là Trần Thị La, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Xuân Thịnh. “Cả làng này xem như trắng tay. Mất hết rồi anh à…” – chị vỡ òa trong nước mắt. Chị La kể riêng vợ chồng chị đã đổ hết vốn, vay nợ thêm hơn 1 tỉ đồng để thả nuôi 49 lồng tôm hùm, trong đó 19 lồng đã đến kỳ thu hoạch nhưng không còn được 1 con. “Ngay khi bão vừa tan, chồng tôi ra kiểm tra. Không còn lồng nào. Không còn con tôm nào sống hết…” – chị La lấy tay quệt nước mắt.

Dự kiến khoanh nợ 5-7 năm

Những ngày qua, tại thị trấn Vạn Giã, hàng chục ngư dân, chủ bè vớt vát số tôm hùm chết hoặc yếu bán chạy lỗ. Giá tôm hùm giờ chỉ còn 150.000 – 800.000 đồng/kg, chỉ bằng 1/3-1/2 so với ngày thường.

Theo ông Võ Hoàn Hải, huyện Vạn Ninh đang kiểm đếm, thống kê các trường hợp thiệt hại, đồng thời sẽ làm việc với các ngân hàng đề nghị có kế hoạch khoanh nợ, giãn nợ giúp người dân. “Với số lượng lồng bè thiệt hại, vựa tôm hùm Vạn Ninh gần như xóa sổ. Rất khó để phục hồi được trong thời gian tới, do đó ngư dân rất cần tỉnh, bộ, ngành có kế hoạch, chính sách hỗ trợ tái sản xuất” – ông Hải bày tỏ.

Theo thống kê bước đầu của thị xã Sông Cầu, hơn 3.900 lồng với gần 900.000 con tôm hùm ở đây đã mất sạch, thiệt hại ước tính trên 175 tỉ đồng. “Nói về giá trị thiệt hại thì ở Phú Yên, có lẽ Sông Cầu là nặng nhất. Tuy nhiên, khổ một điều là thiệt hại về tôm hùm và tài sản nói chung khó lay động lòng người như thiệt hại về nhân mạng…”- ông Lương Công Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu, nhìn nhận.

Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, cho biết tỉnh đang thống kê thiệt hại của người nuôi tôm hùm. “Chỉ mới bước đầu đã thấy thiệt hại quá lớn. Chúng tôi đang thống kê để đề nghị trung ương hỗ trợ theo Nghị định 02 của Chính phủ. Đối với ngân hàng, chúng tôi cũng đề nghị Chính phủ có chỉ đạo giãn nợ, khoanh nợ giúp người nuôi tôm hùm gượng dậy chứ năm nay thiệt hại quá” – ông Phương băn khoăn.

Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Hoài Chiểu, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Khánh Hòa, cho rằng nếu các tổ chức tín dụng chỉ giãn nợ, giảm lãi suất thì khó mà giúp doanh nghiệp và người dân gượng dậy được sau bão. “Ngày 14-11, chúng tôi sẽ triệu tập các ngân hàng để lấy ý kiến, tìm phương án giúp đỡ đồng bào. Chúng tôi dự kiến sẽ thống nhất khoanh nợ 5-7 năm cho các cá nhân, tổ chức vay vốn ngân hàng bị thiệt hại. Tuy nhiên, việc khoanh nợ phải xin ý kiến Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ. Chúng tôi sẽ có tờ trình kiến nghị các giải pháp sau khi bàn bạc thống nhất” – ông Chiểu nói.

Hiện 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa vẫn chưa thống kê hết con số thiệt hại từ người nuôi tôm hùm nhưng ước tính lên đến hàng ngàn tỉ đồng.

Nguồn: Báo Người lao động được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

10.000 lồng tôm hùm tan nát sau bão số 12

Cơn bão số 12 Damrey đã đi qua nhưng những thiệt hại mà nó để lại hậu quả khá nặng nề. Thiệt hại nặng nhất là đối với những người ngư dân nuôi trồng thuỷ sản. Hàng trăm gia đình ở xã Xuân Thịnh (thị xã Sông Cầu, Phú Yên) mất trắng mùa tôm hùm, thiệt hạị hàng trăm tỷ đồng sau khi bão số 12.

Tàu thuyền bị dạt vào trong bờ sau trận bão lịch sử

Nguồn: Zing.vn

Dù không phải là nơi tâm bão đổ bộ nhưng người dân vịnh Xuân Đài vẫn chịu thiệt hại lớn khi hàng nghìn lồng nuôi tôm hùm từ 4 – 7 tháng tuổi, chuẩn bị thu hoạch bị sóng đánh hư hỏng, mất tôm.

Hàng nghìn lồng tôm bị hư hỏng nặng sau cơn bão số 12

Nguồn: Zing.vn

Sau khi bị sóng đánh hư hỏng, nhiều lồng tôm trôi ra biển, dạt vào vách núi và vào bờ thôn Vịnh Hảo, xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu. Có lồng tôm bị gió hất lên cành cây, vào nhà dân sống cạnh biển.

Theo anh Nguyễn Văn Thể (thôn Vịnh Hảo, xã Xuân Thịnh), bão số 12 đánh hư tất cả các lồng, số ít còn sót lại được người dân vá lưới để thả lại xuống biển tiếp tục nuôi lại tôm hùm. Mỗi người dân trung bình nuôi 20-30 lồng tôm, có nhà nuôi đến 70-80 lồng. Người dân xã Xuân Thịnh chỉ biết chắt chiu các lồng cũ để vớt vát chút tôm còn sót lại sau khi bão đánh tan cả 1 vùng nuôi tôm lớn ở vịnh Xuân Đài.

Ngư dân mang lồng tôm bị hư hỏng còn sót lại lên bờ vá lưới

Nguồn: Zing.vn

Anh Nguyễn Văn Thể bưng lồng tôm bị hư hỏng lên bờ vá lưới, buộc thép trước khi thả lại xuống biển. “Vụ tôm hùm vừa qua tôi thả nuôi 1.000 con tôm giống. Tôm nuôi được 7 tháng rồi. Cơn bão ập đến đã cuốn đi tất cả. Tính cả tiền giống, tiền chi phí thức ăn, làm lồng bè thì nhà tôi đã mất khoảng 1 tỷ đồng”, anh Thể nói. Theo người dân, lâu nay chưa có cơn bão nào đổ bộ làm lồng tôm hư hỏng, mất sạch tôm như năm nay. Những năm trước trời mưa, lụt lớn nước ngọt đổ ra vịnh thì tôm chết. Lần này tôm vừa mất mà lồng còn hư hỏng, thiệt hại lớn, có nhà mấy tỷ đồng.

Hình ảnh người dân vá lưới

Nguồn: Zing.vn

“Chỉ còn 1 đến 2 tháng nữa gia đình tôi đã thu hoạch tôm hùm rồi, giờ bão cuốn đi sạch. Vừa mất không có tiền bán tôm còn không biết lấy tiền đâu trả ngân hàng. Cả nhà mong còn 1,2 lồng nhưng tìm hoài không còn, mất sạch rồi”, anh Lê Khánh (45 tuổi, thôn Vịnh Hảo) buồn bã. Cũng theo anh, người dân chỉ biết chắt chiu lại những lồng hư hỏng nhẹ để vá lưới, buộc thép thả lại xuống biển tiếp tục nuôi tôm. Nhiều nhà buộc phải làm lại lồng nuôi tôm mới với giá 5-7 triệu/lồng.

Hình ảnh hàng nghìn lồng tôm hùm dính chặt vào nhau cùng trôi dạt vào bờ biển ai cũng quặn lòng

Nguồn: Zing.vn

Theo news.zing.vn được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.

Vì sao tôm chậm lớn?

Tôm chậm lớn hay tôm còi ảnh hưởng rất lớn đến năng suất của vụ nuôi do vậy cần theo dõi trọng lượng tôm hằng ngày để phát hiện kịp thời nguyên nhân làm tôm chậm lớn từ đó đưa ra giải pháp kịp thời.

Tác hại của tôm chậm lớn

1. FRC của tôm cao tốn kém thức ăn.

2. Tôm chậm lớn kéo dài thời gian thu hoạch làm tăng chi phí nuôi.

3. Làm giảm giá trị tôm nuôi, giảm năng suất sản lượng tôm nuôi.

Nguyên nhân và cách phòng bệnh của tôm chậm lớn

1. Chất lượng con giống kém

Nếu nguồn giống bố mẹ cho đẻ càng nhiều lần thì chất lượng tôm giống càng kém hoặc tôm giống kém chất lượng do quá trình chăm sóc, vận chuyển chưa đúng cách. Do vậy phải lựa chọn tôm giống có chất lượng, tuyệt đối không thả giống trôi nổi trên thị trường.

Phương pháp lựa chọn tôm giống: Lựa chọn con giống của nhà sản xuất có uy tín. Xét nghiệm PCR và test khuẩn trên môi trường thạch. Nếu tôm không đạt chuẩn kiên quyết loại bỏ.

2. Tôm mắc bệnh còi MPV (Monodon Baculovirus) và HPV (Hepatopancreatic virus)

Dấu hiệu tôm bắt mồi kém, vỏ sậm màu, bơi lội lờ đờ, dễ bị ký sinh trùng hoặc rong bám, nặng hơn chết rải rác trong thời gian nuôi.

Chưa có biện pháp trị: Ngay khi phát hiện tôm bệnh phải bắt bỏ những con tôm bị còi ra khỏi ao bằng cách đặt chà ( dùng rò tre nhỏ bỏ cành cây lá khô, dụ bắt tôm còi)

Biện pháp phòng:

+ Không dùng tôm giống có nhiễm mầm bệnh MBV.

+ Tẩy dọn ao, bể nuôi như phương pháp phòng chung. Thường xuyên diệt khuẩn môi trường ao nuôi.

+ Nuôi tôm đúng mùa vụ, quản lý chăm sóc tốt, cung cấp đầy đủ thức ăn về chất và lượng. Không để tôm sock trong quá trình nuôi.

+ Kiểm dịch nguồn tôm bố mẹ trước khi cho đẻ.

+ Xử lý nước nguồn nước kỹ trước khi ấp trứng thì có thể sản xuất được đàn tôm Postlarvae không nhiễm virus MBV.

3. Tôm bị bệnh phân trắng

Sau khi tôm bị mắc bệnh phân trắng nếu không kịp thời chữa trị tôm yếu dần khả năng hấp thu chất dinh dưỡng kém làm cho tôm bị chậm lớn.

Khi phát hiện tôm bị bệnh phân trắng cần có biện pháp điều trị kịp thời.

4. Vi bào từ trùng

Enterocytozoon hepatopenaei (EHP) ký sinh trong tế bào gan tụy của tôm, chúng sử dụng dinh dưỡng, năng lượng dự trữ trong gan tụy khiến cho tôm nuôi không đủ dinh dưỡng cho sự tăng trưởng và lột xác.

Phòng: Xét nghiệm con giống trước khi thả nuôi, tuyệt đối không để cua còng vào ao, diệt giáp xác thật kỹ khi thả nuôi.

Khuyến cáo: sử dụng vôi nóng (CaO) xử lý ao để có thể đạt độ pH đáy ao trong quá trình cải tạo cao hơn 11 – 12 để làm chết mầm bệnh EHP.

5. Mật độ quá dày, sinh khối lớn

Khi nuôi tôm mật độ quá dày, những chất dinh dưỡng cần thiết cung cấp cho tôm không đủ để tôm phát triển và lột xác.

Khuyến cáo: nuôi tôm thâm canh thì mật độ thích hợp là dưới 100con/m2. Định kỳ bổ sung khoáng vào thức ăn tôm và khoáng tạt vào ao nuôi. Nếu đánh khoáng nên đánh vào buổi tối.

6. Lạm dụng kháng sinh trong phòng, trị bệnh

Người dân thường sử dụng kháng sinh để phòng bệnh cho tôm và dùng quá liều kháng sinh khi trị bệnh giảm khả năng chuyển hóa thức ăn của tôm làm tôm chậm lớn.

Lưu ý khi sử dụng kháng sinh phòng bệnh cho tôm: dùng đúng liều đúng chu trình 5-7 ngày tránh lờn thuốc. Sau đó cần bổ sung sorbitol 2g/1kg thức ăn nhằm giúp tôm đào thải kháng sinh, sau khi dùng men vi sinh 3 ngày phải cho tôm ăn men đường ruột.

>> Không sử dụng kháng sinh phòng bệnh cho tôm giống và tôm nuôi, vì sẽ gây lờn thuốc và giảm khả năng chuyển hóa thức ăn của tôm.

7. Thức ăn kém chất lượng, chất lượng nước ao nuôi xấu

Thức ăn kém chất lượng cũng là nguyên nhân làm tôm chậm lớn do tôm không đủ dinh dưỡng để tăng trưởng. Do đó phải bảo quản thức ăn đúng nơi quy định. Không được để bao thức ăn dưới sàn đất.

Thường xuyên theo dõi các yếu tố môi trường nước (Độ kiềm, Fe, NO2, NH3..) trong ao để nhanh chóng điều chỉnh.

Không được sử dụng thuốc trừ sâu để cải tạo ao.

Trên đây là những nguyên nhân phổ biến làm cho tôm bị chậm lớn, chúc bà con một vụ mùa bội thu.

Nguồn: Tepbac.com được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Phương pháp phát hiện sớm bệnh trên tôm với chi phí rẻ

Một công ty công nghệ sinh học Nhật Bản đang hợp tác với các nhà nghiên cứu tại Đại học Tohoku để phát triển một giải pháp có thể phát hiện nguyên nhân gây hội chứng tử vong sớm (EMS) ở tôm nuôi và các bệnh khác trên tôm. Được thực hiện tại ao, nhanh chóng và chính xác nhưng chi phí cực kỳ hợp lý.

Tohoku Bio-Array, còn được gọi là Công ty TBT và Đại học Tohoku ở thành phố Sendai, Nhật Bản, sẽ cùng nhau phát triển xét nghiệm di truyền để cho phép phát hiện sớm các bệnh truyền nhiễm trong tôm nuôi, được báo cáo trên Nippon Keizai Shimbun vào ngày 5/6 vừa qua. Mục đích chính của phương pháp này là nhanh chóng phát hiện ngay tại ao nuôi tôm.

Để sử dụng bộ kit, tôm được nghiền sau đó pha trộn rồi đưa qua phản ứng PCR được gắn nhãn để khuếch đại gen của virut. PCR là một kỹ thuật sao chép một vài bản sao của một đoạn DNA, để sản xuất hàng ngàn (hoặc hàng triệu bản sao). Sau đó, một dải thử nghiệm – một màng có dãy DNA in trên nó – được nhúng trong dung dịch, và một đường màu xanh xuất hiện nếu kết quả dương tính, và có thể được xác nhận trực quan. Các xét nghiệm cho ba hoặc bốn bệnh, bao gồm cả EMS, có thể được bao gồm bằng 1 xét nghiệm duy nhất.

Một máy xử lý là cần thiết để khuếch đại gen, nhưng giá mỗi lần xét nghiệm dự kiến sẽ chỉ khoảng 5-10 USD (từ 4,50 đến 9 EUR). Việc chẩn đoán có thể được thực hiện trong khoảng một giờ để nông dân có cơ hội thu hoạch ao sớm hoặc dừng ao nuôi mới nhằm giảm tổn thất nếu có kết quả dương tính.

Xét nghiệm di truyền chuẩn đoán bệnh trên tôm không phải là mới. Nó đã có thể được thực hiện với chi phí cao hơn một chút so với các thử nghiệm này. Và phương pháp thông thường vận chuyển mẫu đến phòng thí nghiệm để thử nghiệm thì nông dân phải đợi ít nhất vài ngày mới có kết quả.

Nguồn: Tepbac.com được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Những khoáng chất nào cần cho tôm?

Khoáng có vai trò hết sức quan trọng đối với động vật thủy sản, vì nó tham gia trực tiếp vào các quá trình sinh tổng hợp diễn ra bên trong cơ thể vật nuôi.

Do đó, làm thế nào để giúp động vật thủy sản hấp thu đủ lượng khoáng, luôn là vấn đề quan tâm của người nuôi. Khoáng là một nhóm các chất cần thiết và vật nuôi chỉ cần một lượng nhỏ, nhưng nếu thiếu chúng sẽ gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh trưởng và phát triển của vật nuôi. Hiện nay, người ta đã xác định được 16 nguyên tố khoáng đa lượng (Cu, Fe, Mn, Zn, Sn…) và 6 nguyên tố khoáng vi lượng (Ca, Mg, P, Na, K, Cl). Do động vật thủy sản sống trong môi trường nước, có thể hấp thu khoáng qua mang hoặc da, nên rất khó xác định chính xác nhu cầu khoáng. Tuy nhiên, nhu cầu khoáng của động vật thủy sản phụ thuộc vào 3 yếu tố:

• Tình trạng dinh dưỡng  của vật nuôi

• Thành phần và hàm lượng khoáng trong thức ăn

• Nồng độ khoáng trong môi trường nước.

Vai trò một số nguyên tố  Khoáng đối với động vật thủy sản

Trong nuôi trồng thủy sản, nhu cầu về các nguyên tố khoáng Sắt (Fe), Đồng (Cu), Kẽm (Zn), Canxin (Ca), Magie (Mg), Phosphorus (P) được quan tâm nhiều hơn.

Fe

Là thành phần cấu tạo nên Hemoglobin, đóng vai trò vận chuyển máu và hô hấp trên cá. Cá có thể hấp thu Fe qua môi trường, còn nếu bổ sung nên chọn muối có chứa ion Fe 2+ vì sẽ giúp cá dễ  hấp thu hơn. Thiếu sắt sẽ làm số lượng tế bào hồng cầu giảm, gan cá bị vàng. Các loại muối Fe được dùng phổ biến là Sắt (II) choloride (FeCl2), Sắt (II) Sulfat (FeSO4).

Cu

Là thành phần cấu tạo nên Hemocyanin, đóng vai trò vận chuyển máu và hô hấp trên Tôm, góp phần hình thành nên sắc tố melanin.Thiếu Cu tôm sẽ giảm sinh trưởng, giảm lượng Cu trong máu và gan tụy. Tôm có thể hấp thu Cu qua môi trường nước và trong bột cá. Loại muối bổ sung Cu được dùng phổ biến là CuSO4.

Zn

Kẽm giúp tăng khả năng vận chuyển CO2 trên động vật thủy sản, kích thích tiết acid chlohyride (HCl). Thiếu kẽm vật nuôi sẽ giảm sinh trưởng, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Loại muối thường dùng để bổ sung Zn là ZnSO4.

Ca

Là thành phần chủ yếu hình thành nên khung xương cá , duy trì áp suất thẩm thấu, tham gia cấu tạo vào chất dẫn truyền thần kinh. Cá có thể hấp thu Ca từ nước qua mang da, thiếu Ca sẽ làm giảm chức năng sinh sản trên cá. Cùng với Mg, Ca tham gia vào quá trình lột xác của tôm, nếu thiếu thì sẽ dẫn đến tôm không lột xác được, chậm lớn. Các muối thường dùng để bổ sung Ca là Calcium lactate (C6H10O6), Tri basic Calcium phosphate (Ca3(PO4)2), Calcium Cacbonate (CaCO3)…

Mg

Là chất xúc tác trong một số phản ứng quan trọng trong hệ thống enzyme. Tôm cá biển dễ hấp Mg từ môi trường nước. Thiếu Mg vật nuôi sẽ giảm ăn, tỉ lệ chết cao. Người ta sử dụng các muối MgSO4.7H2O, K2SO4.2MgSO4 để bổ sung khoáng cho vật nuôi.

P

Tham gia vào quá trình trao đổi năng lượng, sinh trưởng, sinh sản và duy trì sự ổn định của pH trong ao nuôi. Cá tôm không thể hấp thu P qua môi trường nước mà hấp thu trực tiếp từ thức ăn. Khi thiếu P, vật nuôi sẽ giảm sinh trưởng, giảm hiệu quả sử dụng thức ăn, và làm tôm bị mềm vỏ. Do đó người nuôi hết sức lưu ý để bổ sung đủ lượng P cho tôm, cá. Các muối thường dùng để bổ sung P là: KH2PO4, NaH2PO4.

Kết luận

Tùy vào từng giai đoạn phát triển của vật nuôi mà nhu cầu khoáng cho từng giai đoạn sẽ khác nhau. Người nuôi cần chú ý sử dụng các muối có chứa các nguyên tố khoáng ở dạng dễ tan, để giúp vật nuôi hấp thu tốt hơn.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Viet Nam.

Nuôi biển ở Sông Cầu, Phú Yên – Phần 2 : Giải pháp phát triển bền vững

Nhận ra được những nguyên nhân dẫn tới việc nuôi biển không hiệu quả, tỉnh đã đề ra những giải pháp để nuôi trồng thủy sản mặt nước biển bền vững như sau :

Triển khai lập Qui hoạch chi tiết nuôi trồng thủy sản mặt nước biển, trên cơ sở đó triển khai công tác giao, cho thuê mặt nước biển nuôi trồng thủy sản gắn với việc quản lý chặt chẽ mật độ lồng, bè nuôi và môi trường vùng nuôi.

 – Lập Quy hoạch chi tiết nuôi trồng thủy sản mặt nước biển phù hợp với quy hoạch khu du lịch quốc gia để có cơ sở giao, cho thuê mặt nước biển nuôi trồng thủy sản gắn với việc quản lý chặt chẽ các vùng nuôi.

– Trong khi chờ lập các quy hoạch nêu trên, kiến nghị với UBND Tỉnh cho chủ trương tiếp tục quản lý nuôi trồng thủy sản mặt nước biển theo 06 Phương án phân vùng đã được phê duyệt.

Quy hoạch lại vùng nuôi là điều cần thiết

Chỉ đạo triển khai các giải pháp nhằm kiểm soát sự gia tăng về lồng, bè NTTS mặt nước biển.

– Tập trung kiểm soát chặt chẽ nguồn giống tôm hùm từ bên ngoài nhập về thị xã Sông Cầu (nhất là nguồn giống nhập từ nước ngoài),

+  Rà soát, thống kê toàn bộ các hộ kinh doanh giống tôm hùm trên địa bàn để tăng cường công tác quản lý giống tôm hùm nhập về theo quy định pháp luật.

+ Phổ biến, tuyên truyền các hộ nuôi không nên mua, thả giống tôm hùm không rõ nguồn gốc và tuân thủ việc thả nuôi tôm hùm với mật độ thả nuôi trong lồng và mật độ lồng tối đa là 60 lồng trên 01 hecta mặt nước biển.

+ Thường xuyên kiểm tra các đầu mối nhập tôm hùm giống về địa phương theo quy định của pháp luật.

+ Kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và PTNT không cho phép nhập tôm hùm giống trái vụ.

– Kiểm soát chặt chẽ việc đóng mới bè, lồng nuôi trồng thủy sản.

+ Kiểm soát chặt chẽ việc đóng mới lồng, bè nuôi trồng thủy sản, không để phát sinh thêm lồng, bè và hộ nuôi mới.

+ Triển khai quản lý đối với lồng, bè nuôi trồng thủy sản phân cấp của UBND tỉnh Phú Yên;

– Vận động, hướng dẫn người nuôi tuân thủ các quy định về nuôi trồng thuỷ sản.

Củng cố, kiện toàn Ban Quản lý vùng NTTS mặt nước biển và các Tổ quản lý cộng đồng NTTS ở tất cả các vùng nuôi, đảm bảo hoạt động hiệu quả để quản lý chặt chẽ vùng nuôi theo qui chế đã đề ra.

–  Trong Quy chế quản lý vùng nuôi cần lưu ý đến chế độ thông tin, báo cáo kịp thời diễn biến tình hình thả nuôi các đối tượng thủy sản và dịch bệnh trên vật nuôi thủy sản.

Củng cố, kiện toàn các Tổ quản lý cộng đồng NTTS ở tất cả các vùng nuôi để thực hiện các nhiệm vụ: Quản lý và bảo vệ môi trường vùng nuôi; quản lý về mật độ nuôi, mật độ lồng nuôi; đảm bảo an ninh trật tự vùng nuôi; hỗ trợ giúp nhau phát triển sản xuất, phòng, chống dịch bệnh, cung cấp kịp thời các thông tin về NTTS, quan trắc môi trường… của các cơ quan quản lý nhà nước đến người nuôi thủy sản biết để thực hiện.

Vùng nuôi tránh xâm lấn vùng vịnh du lịch

Triển khai quyết liệt các giải pháp về Bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thuỷ sản mặt nước biển

– Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hoạt động gây ô nhiễm môi trường biển.

– Phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh, trung ương thực hiện tốt công tác quan trắc môi trường, cảnh báo dịch bệnh và hướng dẫn các biện pháp ứng phó nhằm giảm thiểu tác hại do ô nhiễm môi trường gây ra đối với NTTS mặt nước biển.

Triển khai quyết liệt công tác vận động, tuyên truyền cho người dân nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thuỷ sản mặt nước biển. Trong đó:

+ Trách nhiệm của người nuôi: gom chất thải NTTS hàng ngày và để trên bè của mình để tàu đến thu gom; nộp tiền hàng tháng để chi trả cho đội tàu thu gom chất thải;

+ Trách nhiệm của nhà nước: Qui hoạch các điểm tập kết chất thải trên bờ  và Bãi chứa chất thải. Huy động xe rác của thị xã tiến hành thu gom và chuyển chất thải về các bãi chứa rác thải.

Tuân thủ các quy định về nuôi thủy sản để phát triển bền vững

Vận động, hướng dẫn người nuôi tuân thủ các quy định về nuôi trồng thuỷ sản

– Vận động, sắp xếp nuôi theo đúng phương án phân vùng đã được phê duyệt, đảm bảo số lượng lồng nuôi và mật độ tôm nuôi theo qui định (với mật độ thả nuôi trong lồng tối đa 40 con/lồng tôm có kích cỡ ≥ 0,3 kg / 01 lồng nuôi và mật độ lồng tối đa là 60 lồng trên 01 hecta mặt nước biển).

– Kê khai, đăng ký hoạt động NTTS ban đầu tại UBND các xã, phường theo qui định..

– Vận động, hướng dẫn người nuôi phải tuân thủ các quy định về lịch thời vụ, quy trình nuôi bền vững, về phòng chống dịch bệnh cho động vật thủy sản, về vệ sinh an toàn thực phẩm… do các cơ quan quản lý Nhà nước ban hành.

– Người nuôi phải tham dự đầy đủ và thực hiện đúng nội dung đã hướng dẫn tại các buổi tập huấn kỹ thuật, phòng trừ dịch bệnh NTTS.

– Không tư ý cắm cọc tre, sử dụng lốp xe… để nuôi vẹm, hàu và các vật nuôi thủy sản khác làm cản trở quá trình lưu thông nước của vùng nuôi.

– Cung cấp đầy đủ và trung thực các thông tin về số lượng lồng nuôi, về môi trường, bệnh dịch cho cán bộ kỹ thuật và các cơ quan chức năng khi được yêu cầu. Khi có bệnh dịch xảy ra, phải kịp thời báo cáo và phối hợp chặt chẽ với UBND xã, phường hoặc Trạm Chăn nuôi và Thú y để xử lý kịp thời.

– Thu gom rác thải, chất thải để tại nơi được quy định. Tuyệt đối không được vứt chất thải (đặc biệt là xác vật nuôi thủy sản bị chết) ở trong vùng nuôi. Kịp thời ngăn chặn và phản ảnh với UBND các xă, phường khi phát hiện những cá nhân có hành vi sai phạm.

Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm tôm hùm.

Xúc tiến thành lập Hiệp Hội tôm hùm thị xã Sông Cầu, nhằm liên kết giữa đại diện người nuôi với các doanh nghiệp thu mua, chế biến và tiêu thụ tôm hùm để tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, chia sẻ lợi nhuận cũng như rủi ro và phát triển tôm hùm bền vững, an toàn môi trường và an toàn thực phẩm.

– Phối hợp với Cục sở hữu Trí truệ và sở KHCN Phú Yên xây dựng nhãn hiệu tôm hùm bông của thị xã Sông Cầu.

Nuôi biển ở Sông Cầu, Phú Yên- Phần 1 : tràn lan nhưng thiếu hiệu quả.

Thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên có vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông được bao bọc bởi các đảo và bán đảo nên mặt biển ít động, rất phù hợp để phát triển nuôi lồng bè trên biển. Từ lâu nơi đây đã phát triển ngành nuôi trồng thủy sản biển, nhưng càng lúc càng nhiều làm ô nhiễm vùng nuôi và khó quản lý.

Những tồn tại, yếu kém trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản mặt nước biển.

Trong thời gian qua, nghề nuôi tôm hùm đã được UBND thị xã quan tâm chỉ đạo và đưa ra nhiều giải pháp nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững, như: các vùng nuôi tôm hùm trọng điểm đều đã được quy hoạch phân vùng gắn với thành lập Ban quản lý vùng nuôi và các Tổ quản lý cộng đồng NTTS để sắp xếp, bố trí và quản lý số lượng lồng nuôi; định kỳ hàng tháng thông báo kết quả quan trắc môi trường và hướng dẫn nuôi trồng thủy sản; hướng dẫn, triển khai hoàn thành công tác đăng ký, đánh số lồng, bè NTTS mặt nước biển; thường xuyên tổ chức tập huấn kỹ thuật NTTS cho người nuôi…

Tôm hùm chết do mưa bão

Tuy nhiên công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản mặt nước biển trên địa bàn thị xã còn nhiều tồn tại, yếu kém; nhất là Công tác quản lý, sắp xếp lồng, bè nuôi trồng thủy sản gặp nhiều khó khăn, không có giải pháp hiệu quả để kiểm soát sự gia tăng số lượng lồng nuôi, dẫn đến tình trạng thả nuôi tràn lan, mật độ lồng bè một số vùng nuôi dày đặc, thả nuôi ngoài vùng quy hoạch, số lượng lượng lồng nuôi đã vượt gấp nhiều lần so với quy định của Phương án phân vùng đã được phê duyệt, ô nhiễm môi trường tại các vùng nuôi ngày càng nghiêm trọng; đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình hình dịch bệnh trên tôm hùm nuôi xảy ra thường xuyên trong thời gian qua.

Hiện trạng nuôi trồng thủy sản mặt nước biển lồng, bè:

Trên địa bàn thị xã hiện có 2.142 hộ nuôi tôm hùm với 1.229 bè (có đăng ký).

Theo thống kê của các xã, phường trong 6 tháng đầu năm 2017 có 7.700 lồng ươm tôm hùm giống các loại, trong đó tôm hùm bông 3.200 lồng và các loại tôm hùm khác (như tôm xanh, tôm sỏi, tôm đỏ,…) 4.500 lồng.

Đối với tôm hùm thịt nuôi từ năm 2016 chuyển sang: trong 6 tháng đầu năm 2017 đã xuất bán 6.600 lồng tôm hùm thịt các loại với sản lượng đạt 190 tấn (bằng 66,7% so với cùng kỳ và bằng 31,7 % so với kế hoạch); số lượng lồng tôm hùm thịt niên vụ 2016 – 2017 còn lại 8.900 lồng tôm các loại (Sản lượng, năng suất tôm hùm giảm mạnh so cùng kỳ là do ảnh hưởng bởi đợt mưa, lũ cuối năm 2016 và  sự cố tôm hùm nuôi chết hàng loạt từ cuối tháng 5/2017).

Đối với tôm hùm thịt thả nuôi trong 6 tháng đầu năm 2017 (từ lồng ươm giống tôm hùm sang lồng nuôi tôm hùm thịt) là 12.000 lồng, trong đó tôm hùm bông 5.800 lồng và tôm hùm khác 6.200 lồng, bằng 2,26 lần so với cùng kỳ. Nguyên nhân nguồn tôm giống nhập từ nước ngoài về nhiều trong khi tôm giống không xuất bán được và được người nuôi chuyển sang nuôi thịt.

Về Nuôi thủy sản mặt nước biển khác: Nuôi cá bớp lồng, bè 250 lồng; nuôi hầu, vẹm xanh xen với ghép trong các vùng nuôi tôm hùm ước khoảng 50 ha; nuôi ốc hương có 5 ha.

Từ giữa năm 2016 đến nay, nghề nuôi tôm hùm lồng, bè ở Sông Cầu bị thiệt hại nặng nề do thiên tai, dịch bệnh và sự cố ô nhiễm môi trường vùng nuôi. Cụ thể:

+ Đợt nắng nóng vào tháng 6/2016 ở vùng nuôi xã Xuân Phương thiệt hại 24.849 kg (tương đương 31.061 con tôm hùm bông), 14.394 kg (tương đương 47.980 con tôm hùm xanh);

+ Đợt mưa, lũ tháng 11 năm 2016: Có 598 hộ nuôi tôm hùm bị thiệt hại 751.423 con (trong đó 21.355 tôm bông/ tương đương 399 lồng và 730.068 tôm các loại/ tương đương 4.675 lồng) và 33 hộ nuôi cá bị thiệt hại 8.463 con.

+ Đợt dịch bệnh sữa trên tôm hùm nuôi ở các xã Xuân Cảnh, Xuân Thịnh, Xuân Phương từ tháng 1-3 năm 2017 đã làm thiệt hại 20% tổng đàn tôm hùm nuôi.

+ Đặc biệt sự cố tôm hùm, cá nuôi chết hàng loạt từ cuối tháng 5/2017 ở 02 xã, phường (Xuân Phương, Xuân Yên) có 1.100 người nuôi thủy sản bị thiệt hại với 2.325.242 con tôm hùm chết, 32.358 con cá (mú, bớp).

Tôm hùm chết do dịch bệnh

Nguyên nhân của việc nuôi nhiều nhưng kém hiệu quả

Để xảy ra tồn tại, yếu kém nêu trên, ngoài nguyên nhân khách quan do thời tiết, thì nguyên nhân chủ quan là do trách nhiệm quản lý của các cơ quan nhà nước và ý thức, trách nhiệm của người nuôi tôm hùm.

Trách nhiệm quản lý nhà nước:

– Chưa có Qui hoạch chi tiết nuôi trồng thủy sản mặt nước biển và chưa ban hành qui định trình tự, thủ tục giao, cho thuê mặt nước biển để NTTS.

– Chưa có giải pháp hiệu quả để kiểm soát sự gia tăng số lượng lồng, bè nuôi, nhất là không kiểm soát được số lượng giống tôm hùm rất lớn từ nước ngoài, dẫn đến nguồn tôm giống thả nuôi không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, đây là nguyên nhân chính làm gia tăng nhanh số lượng lồng nuôi và gây ra dịch bệnh trên tôm nuôi trong thời gian qua.

– Chưa triển khai quyết liệt công tác vận động, tuyên truyền cho người dân nhận thức việc tuân thủ các quy định về nuôi trồng thuỷ sản và vấn đề bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thuỷ sản mặt nước biển.

– Chưa quản lý được việc mua, bán thức ăn tươi sống cho hoạt động NTTS, nhất là tình trạng các xe tải chở thức ăn mua, bán công khai ở các tuyến đường giao thông trên địa bàn thị xã.

– Các Tổ quản lý cộng đồng NTTS đã được thành lập, nhưng chưa thường xuyên chỉ đạo để củng cố, kiện toàn, dẫn đến hoạt động không hiệu quả, nên vùng nuôi chưa được quản lý chặt chẽ theo qui chế đã đề ra, nhất là chưa quản lý được số lượng lồng nuôi, mật độ và bảo vệ môi trường vùng nuôi, nhất là việc thu gom, xử lý chất thải từ hoạt động NTTS.

– Công tác phổ biến, truyền đạt thông tin về hoạt động nuôi trồng thủy sản chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là các thông tin về quan trắc môi trường, cảnh báo dịch bệnh, hướng dẫn NTTS, chưa được truyền đạt kịp thời, sâu rộng đến với người nuôi.

Bè nuôi kín mặt vịnh Xuân Đài

Trách nhiệm của người nuôi tôm hùm.

– Ý thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường vùng nuôi còn nhiều yếu kém là nguyên nhân cơ bản gây nên tình hình dịch bệnh trên các vật nuôi thủy sản trong những năm qua.

– Người nuôi chưa tuân thủ các quy định về nuôi trồng thuỷ sản; nhất là:

+ Công tác quản lý số lượng lồng nuôi, mật độ nuôi chưa được người nuôi quan tâm, làm gia tăng nhanh số lượng lồng nuôi thời gian qua.

+ Nhiều hộ dân tự phát cắm cọc tre, sử dụng lốp xe để nuôi vẹm, hàu làm cản trở quá trình lưu thông nước.

+ Hầu hết các hộ nuôi trồng thủy sản đều không kê khai, đăng ký hoạt động NTTS ban đầu tại UBND các xã, phường theo qui định; làm khó khăn trong công tác quản lý và xác định mức độ thiệt hại để hỗ trợ do thiên tai, dịch bệnh gây ra.

– Công tác tập huấn hướng dẫn kỹ thuật nuôi và phòng, trị bệnh tôm hùm chưa được người nuôi quan tâm, tỉ lệ người tham dự các buổi tập huấn nuôi tôm hùm đều rất thấp so với số lượng triệu tập; sau khi tập huấn không thực hiện theo qui trình kỹ thuật đã được hướng dẫn.

Tasmania là nơi có trại sản xuất tôm hùm giống đầu tiên trên thế giới

Trường đại học Tasmania  hợp tác với công ty nuôi trồng thủy sản biển PFG đang tìm cách thương mai hóa nghiên cứu sản xuất giống tôm hùm đá và mở trại sản xuất giống tôm hùm đầu tiên trên thế giới.

Tôm hùm đá có giá trị kinh tế cao nhưng do vòng đời dài và phức tạp đã gây khó khăn cho việc sản xuất giống thương mại. Tuy nhiên Viện nghiên cứu biển và Nam Cực (IMAS) thuộc trường đại học Tasmania được hỗ trợ bởi trung tâm nghiên cứu ARC về phát triển thương mại hệ thống nuôi tôm hùm đang tìm cách vượt qua những thử thách này.

PFG đã đầu tư vào một công ty công nghệ spin-out để đảm bảo quyền cấp phép của Úc  cho nghiên cứu này.

Phó giáo sư trường đại học Brigid Heywood cho biết nghiên cứu thành công sẽ trở thành biểu tượng của trường đại học Tasmania, dưới sự lãnh đạo của cựu sinh viên – Michael Sylvester, Tổng giám đốc của PFG – đã đồng ý giúp đỡ thực hiện dự án 15- cộng với nhiều năm làm.

“Chúng tôi rất đam mê với vai trò của nghiên cứu trong việc cung cấp một nền tảng cho đổi mới kinh tế và tạo ra các lĩnh vực hoàn toàn mới. Đây là một ví dụ rất hay về hành động”.

Heywood cho biết: “Sự hợp tác này mở đường cho Tasmania trở thành nơi sinh ra một ngành công nghiệp nuôi tôm hùm đá trên toàn cầu”.

Trong hai năm tiếp theo, các nhà khoa học làm việc tại IMAS Taroona sẽ hoàn thành công việc hai năm cuối cùng của trung tâm dưới sự hỗ trợ của Hội đồng Nghiên cứu Úc, tập trung vào việc tối ưu hóa công nghệ để tiến tới sản xuất số lượng lớn.

Cam kết của PFG bao gồm việc xây dựng trại sản xuất giống quy mô thương mại.

Sylvester cho biết “Quan hệ đối tác sẽ tạo cơ hội cho các sản phẩm và dịch vụ hiện có trong đó mở ra những thị trường xuất khẩu hoàn toàn mới. Bên cạnh đó, việc ngành công nghiệp sản xuất giống thành công sẽ tạo ra việc làm cho người dân Tasmania và cho phép chúng tôi xuất khẩu tài nguyên trí tuệ của mình ra toàn thế giới”.

PFG dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất thương mại đầu tiên tại cơ sở sản xuất giống mới trong vòng bốn năm tới.

Nguồn: Seafoodsource được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam

 

Ồ ạt nuôi trồng thủy sản ven bờ

Tình trạng nuôi trồng thủy sản (NTTS) tự phát, ngoài khu vực quy hoạch đang để lại nhiều hệ lụy về môi trường trên vịnh Cam Ranh.

Lồng bè nuôi trồng thủy sản trên vịnh Cam Ranh

Dày đặc ô lồng vùng nước ven bờ

Lâu nay, người dân TP. Cam Ranh và nhiều địa phương lân cận thường đến vịnh Cam Ranh để đầu tư NTTS. Ông Mai Tiều – người dân ở thị trấn Cam Đức (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa), đầu tư nuôi cá trên vùng biển vịnh Cam Ranh cho biết: “Tôi từ Cam Đức vào phường Cam Phúc Nam (TP. Cam Ranh) để đầu tư nuôi cá bớp được mấy năm nay. Những năm trước, việc nuôi trồng khá thuận lợi, hiệu quả mang lại cao nên lồng bè giăng kín một góc vịnh Cam Ranh. Mấy năm gần đây, tuy điều kiện thời tiết khắc nghiệt, môi trường vùng nuôi không đảm bảo nhưng số bè nuôi không có dấu hiệu giảm”.

Ông Hoàng Đình Minh – Chủ tịch Hội Nông dân phường Cam Phúc Nam cho biết: “Thời gian gần đây, số lồng bè NTTS, nhất là nuôi tôm hùm xanh trên vùng biển Cam Phúc Nam tăng đột biến. Hiện nay, toàn phường có 364 bè NTTS, với 4.416 lồng; trong đó số bè nuôi của người dân vãng lai là 59 bè. Nguyên nhân là do tôm hùm xanh đang cho hiệu quả và giống rất rẻ nên người dân đổ xô nuôi”. Cũng theo ông Minh, theo quy hoạch, vùng nước Cam Phúc Nam không còn phát triển NTTS, các chủ bè phải di dời về vùng biển xã Cam Bình. Tuy nhiên, người dân ít lưu tâm mà vẫn vô tư thả nuôi, không chịu di dời nên rất khó quản lý.

Đứng ở ven biển phường Cam Linh, phóng tầm mắt ra vài trăm mét là có thể thấy hàng nghìn ô lồng nuôi tôm hùm san sát, các ghe thuyền phục vụ NTTS phải khó khăn lắm mới có thể luồn lách ra bè. Trên bờ, nhiều lồng nuôi tôm hùm xanh vẫn tiếp tục được làm mới chất đầy đường. Theo ngư dân phường Cam Linh, đầu tư nuôi tôm hùm xanh chi phí ít hơn nhiều so với tôm hùm bông. Tôm hùm xanh giống rẻ, ít dịch bệnh, giá bán khá cao.

Theo bà Nguyễn Thị Châu Pha – Chủ tịch Hội Nông dân phường Cam Linh, cách đây 2 năm, trên địa bàn phường chỉ khoảng 1.500 lồng NTTS, nhưng hiện nay đã lên đến trên dưới 6.500 lồng. Theo quy hoạch, vùng nước khu vực Cam Linh không được NTTS lồng bè. Chính quyền địa phương đã tăng cường tuyên truyền, vận động nhưng người dân vẫn ồ ạt NTTS tại khu vực này.

Không riêng gì ở Cam Linh mà nhiều địa phương khác ven vịnh Cam Ranh cũng có chung tình trạng trên.

Những hệ lụy

Ông Lê Minh Hải – Trưởng phòng Kinh tế TP. Cam Ranh cho biết, thành phố hiện có hơn 33.100 lồng NTTS, trong đó có hơn 80% là lồng nuôi tôm hùm xanh, tăng gần 4.000 lồng so với thời điểm đầu năm 2017, gấp nhiều lần so với quy hoạch phát triển NTTS trên vịnh Cam Ranh. Theo số liệu tổng hợp giám sát dịch bệnh của Trạm Chăn nuôi và Thú y Cam Ranh, từ đầu năm 2017 đến nay, tình hình dịch bệnh trên tôm hùm nuôi tại Cam Ranh diễn biến khá phức tạp. Vào thời điểm tháng 3, tỷ lệ tôm hùm chết (chủ yếu có độ tuổi từ 3 đến 5 tháng) ở một số vùng nuôi lên đến 30%. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do khu vực nuôi lồng bè gần bờ, mật độ nuôi dày, chưa có các quy định hay quy chế vệ sinh chung cho vùng nuôi nên gây ô nhiễm vùng nuôi, dẫn đến phát sinh dịch bệnh trên thủy sản nuôi.

Theo lãnh đạo UBND TP. Cam Ranh, vấn đề cần quan tâm nhất hiện nay đối với NTTS trên vịnh Cam Ranh là yếu tố môi trường. Thực tế, nhu cầu NTTS của người dân rất lớn, trong khi quy hoạch vùng nuôi tại Cam Bình diện tích chỉ 187ha, không đáp ứng được nhu cầu của người dân. Mặt khác, các hộ NTTS cho rằng khu vực quy hoạch xa, nước sâu, sóng gió lớn, trong khi kết cấu lồng bè chưa đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, do chưa có chế tài cụ thể, một số địa phương còn buông lỏng công tác quản lý nên tình trạng NTTS tự phát vẫn diễn ra.

Được biết, hiện nay, TP. Cam Ranh đã triển khai cắm mốc, vận động người dân di dời lồng bè đến vùng quy hoạch ở xã Cam Bình nhưng các hộ NTTS chưa thực hiện. Để giải quyết tình trạng này, UBND TP. Cam Ranh đã đề nghị bổ sung vào Quy hoạch phát triển ngành Thủy sản tỉnh giai đoạn 2016 – 2025, tầm nhìn đến năm 2035 thêm 200ha đến 300ha mặt nước ven bờ phục vụ NTTS.

Theo Đề án Quy hoạch phát triển ngành Thủy sản tỉnh giai đoạn 2016 – 2025 và định hướng đến năm 2035 được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh, đến năm 2020, nuôi thủy sản biển trên vịnh Cam Ranh sẽ tập trung vào các đối tượng chính gồm: tôm hùm 28.000 lồng, cá biển 2.000 lồng. Đối với các vùng nuôi ven bờ sẽ di dời toàn bộ diện tích nuôi lồng bè hiện có ở phía tây vịnh Cam Ranh ra khu vực Cam Lập, Cam Bình; khuyến khích các hộ nuôi chuyển sang nuôi lồng bè công nghiệp khu vực phía đông xã Cam Lập…

Nguồn: tổng hợp bởi Farmtech VietNam