Kỳ vọng nông nghiệp công nghệ cao

Hiroki Iwasa, một doanh nhân công nghệ thông tin 40 tuổi với bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh (MBA), đang có trong tay 7 ngôi nhà kính trồng dâu bằng kỹ thuật công nghệ cao.

Ở đó, các máy tính tự đặt nhiệt độ và độ ẩm để tối ưu các điều kiện phát triển và bảo đảm các hàng rào được phun nước vào những thời điểm chính xác… Iwasa đã tiếp thị thương hiệu dâu mang tên “Migaki Ichigo” trực tiếp đến các cửa hàng bách hóa ở Tokyo, cũng như đến các khách hàng ở Hồng Công, Singapore, Đài Loan và Thái Lan.
Trang trại dâu của anh Iwasa nằm ở quê nhà Yamamoto ven biển ở vùng Đông Bắc tỉnh Miyagi, nơi từng bị ảnh hưởng sóng thần tháng 3-2011. Sau thảm họa đó, anh đã nghĩ đến một cơ hội kết hợp kỹ năng công nghệ với bí quyết chuyên môn trồng dâu của nông dân địa phương. Bằng cách thuê lại đất đai xung quanh, Iwasa đã mở rộng trang trại của anh đến 2ha, gấp 10 lần kích thước trung bình của một trang trại trồng dâu ở Nhật Bản. Giờ đây, anh là chủ Công ty GRA Inc, có 20 nhân viên toàn thời gian và 50 nhân viên bán thời gian. Theo Iwasa, trực giác và kinh nghiệm của người nông dân không phải lúc nào cũng mang đến kết quả thu hoạch tốt. Vì thế, điều quan trọng là phải nắm bắt được vững kiến thức về công nghệ và tự động hóa để sử dụng nó tăng năng suất.
Theo Kazunuki Ohizumi, Giáo sư danh dự của Đại học Miyagi, người đã nghiên cứu xu hướng nông nghiệp Nhật Bản trong nhiều thập kỷ qua, những doanh nghiệp nông nghiệp với quy mô lớn như vậy sử dụng công nghệ chính là tương lai của nông nghiệp Nhật Bản. “Những người nông dân quy mô lớn” là những người có thể tái tạo, phục dựng nền nông nghiệp Nhật Bản và sẽ thay đổi đáng kể. Nhật Bản đang có sự thay đổi hướng đến các trang trại có công ty quản lý. Số lượng này đã tăng từ 8.700 trong năm 2005 lên đến 20.800 trong năm ngoái.
Tất nhiên, số lượng thanh niên làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp cũng đang tăng. Giáo sư Ohizumi dự đoán, doanh số từ các trang trại quy mô lớn – trên 50 triệu yên – sẽ tăng được 3/4 vào năm 2030, tức tăng 41% từ năm2015. Đặc biệt, trong vòng hai năm trở lại đây, hàng loạt công ty danh tiếng trong ngành công nghệ cao và sản xuất máy móc công nghiệp tại Nhật Bản đã đồng loạt tham gia lĩnh vực nông nghiệp như nhà sản xuất đồ điện tử Nhật Bản Fujitsu đã tạo nên bước đột phá trong công nghệ trồng rau siêu sạch, khi cải tạo một nửa nhà máy sản xuất chất bán dẫn ở tỉnh Fukushima thành nhà máy trồng rau…

Nhật Bản là một nước công nghiệp, tuy nhiên Thủ tướng Shinzo Abe trong chính sách phát triển kinh tế đặt ra mục tiêu tăng gấp đôi giá trị xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp và gấp đôi thu nhập của nông dân Nhật Bản trong vòng 10 năm cũng như đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao. Những thay đổi như vậy đã góp phần thúc đẩy cải cách nền “nông nghiệp ẩn náu” của Nhật, nơi mà chỉ phát triển ưu thế ở các khu đất nhỏ và những người nông dân có độ tuổi trung bình trên 66 tuổi và sự đóng góp của ngành này cho nền kinh tế đã giảm đến 25% kể từ khi lên đến đỉnh điểm vào năm 1984. Nông dân Nhật Bản tin rằng công nghiệp hóa ồ ạt sẽ dẫn đến tình trạng thiếu lương thực trên phạm vi toàn cầu và với việc đầu tư vào nông nghiệp ngay lúc này, Nhật Bản có thể chuẩn bị cho những kịch bản xấu trong các thập kỷ sắp tới.

Nguồn: Báo Saigongiaiphong được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Hiệu quả mô hình nuôi hàu bám đơn

Từ năm 2003 – 2004, TS Lê Minh Viễn – Giám đốc công ty Nuôi trồng thủy sản và thương mại Viễn Thành – đã nghiên cứu thành công đề tài “sản xuất Hàu giống bám đơn bằng sinh sản nhân tạo và nuôi hàu thương phẩm” . Đề tài đã được Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM nghiệm thu trong năm 2004. Đây là công nghệ tiên tiến được một vài quốc gia trên thế giới ứng dụng thành công chỉ trong vài thập niên gần đây. Điểm mấu chốt của phương pháp này là dựa vào đặc tính sinh học sinh sản độc đáo của loài Hàu khi biến thái từ cuộc sống ấu trùng bơi lội sang hạ đáy bám giá thể, loài Hàu chỉ bám một lần và sống tại giá thể đó đến suốt đời (tức là không thay đổi giá thể). Lợi dụng đặc tính này, thay vì cho bám lên các vật bám có kích thước lớn như ngoài môi trường tự nhiên, tác giả đã cho ấu trùng bám lên các loại hạt chuyên dùng được chế tạo đặc biệt có kích thước từ 300 – 600 micron, tạo ra những con Hàu giống bám rời, khác với tập quán Hàu bám chùm ngoài thiên nhiên thường gặp, nhằm chủ động đáp ứng nguồn giống phục vụ nghề nuôi hàu khu vực phía nam.

Hàu bám đơn

Phương pháp này cho ra những con hàu có thân hình gọn, đẹp, dễ coi, sâu lòng, đồng kích cỡ, vỏ mỏng, tỷ lệ thịt/ vỏ cao (25%) và mức hao hụt khi khai thác Hàu thương phẩm thấp (3 -5%). Hàu bám đơn ra đời nhằm giải quyết những yêu cầu thực tế sau:

  • Đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng: Hàu chủ yếu được sử dụng dưới dạng ăn uống cùng với Wasabi hoặc đút lò chín tái nửa mảnh vỏ nên cần dạng Hàu có tên gọi làHàu sữa, tức khi con Hàu được nuôi khoảng 12 tháng tuổi, tuyến sinh dục căng phồng có màu trắng sữa, chuẩn bị đẻ, thịt hàu lúc bấy giờ có vị béo, mùi thơm, thịt nhiều, màu sắc đẹp, kích thước vừa phải, đồng cỡ, hình dạng bên ngoài gọn, đẹp, hấp dẫn và bắt mắt khi bày lên bàn tiệc. Do đó, để có nguồn Hàu sữa sử dụng quanh năng nhằm đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng chỉ có thể bằng cách người nuôi Hàu chủ động được nguồn giống nuôi gối đầu qua từng tháng theo tiến độ mỗi tháng xuống giống một lần.
  • Yêu cầu về vệ sinh thực phẩm:  Ở các nước tiên tiến, đối với những loại thực phẩm có liên quan đến việc sử dụng dạng sống hoặc tái chín, bắt buộc nhà sản xuất phải đưa toàn bộ sản phẩm qua hệ thống xử lý sạch, có quy trình khử trùng nghiêm ngặt trước khi xuất bán cho người tiêu dùng. Song theo tập quán nuôi Hàu ở nước ta cho đến nay, chưa có nơi nào thực hiện công đoạn này trước khi đưa Hàu ra thị trường. Hơn nữa, đại bộ phận giá thể dùng cho ấu trùng Hàu thiên nhiên bám hiện nay đều được người dân tận dụng từ những  tấm lợp Fibro phế thải – một vật liệu đáng lẽ không được dùng do có thành phần Amiant độc hại, nguy cơ gây bệnh ung thư cao, đã cấm sử dụng trên thế giới  – nên khi tách Hàu thương phẩm thường còn dính theo các mảnh vỡ Fibro hoặc vỏ nhuyễn thể gây trở ngại cho quá trình vệ sinh xử lý sạch qua khe.
  • Tiết kiệm chi phí vận chuyển: Nhờ vỏ mỏng nên việc vận chuyển hàu đơn ít tốn kém hơn, tiết kiệm được từ 15 – 20% chi phí so với hàu bám chùm. Lợi ích này càng rõ nét khi thực hiện vận chuyển bằng đường hàng không.
  • Giảm tỷ lệ hao hụt trong khai thác chỉ còn từ 3 – 5%: Hàu đơn thương phẩm khắc phục được tình trạng ghè tách trong khai thác, theo số liệu thống kê đối với Hàu bám, tỷ lệ hao hụt qua ghè tách vào khoảng 40 – 50%.

Hàu bám đơn

Hiện nay, công ty TNHH NTTS và TM Viễn Thành đang xây dựng một trung tâm sản xuất giống theo ông nghệ sinh sản nhân tạo với đầy đủ trang thiết bị trên một khuôn viên rộng 2,3 h tại vùng nước Long Sơn thuộc tỉnh bà Rịa – Vũng Tàu. Giá bán con giống dao động từ 150 – 450 đồng/ con tùy thuộc kích cỡ con giống. Công ty cũng dự kiến triển khai cung cấp con giống và thu mua lại với giá từ 1.000 – 1.200 đồng/ con tương phẩm. Hy vọng trong tương lai, nơi đây có thể là địa điểm tin cậy để cung cấp giống Hàu nuôi đơn chất lượng cao phục vụ cho khu vực phía nam.

Nguồn : Sở nông nghiệp TPHCM, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Nuôi biển ở Sông Cầu, Phú Yên- Phần 1 : tràn lan nhưng thiếu hiệu quả.

Thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên có vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông được bao bọc bởi các đảo và bán đảo nên mặt biển ít động, rất phù hợp để phát triển nuôi lồng bè trên biển. Từ lâu nơi đây đã phát triển ngành nuôi trồng thủy sản biển, nhưng càng lúc càng nhiều làm ô nhiễm vùng nuôi và khó quản lý.

Những tồn tại, yếu kém trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản mặt nước biển.

Trong thời gian qua, nghề nuôi tôm hùm đã được UBND thị xã quan tâm chỉ đạo và đưa ra nhiều giải pháp nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững, như: các vùng nuôi tôm hùm trọng điểm đều đã được quy hoạch phân vùng gắn với thành lập Ban quản lý vùng nuôi và các Tổ quản lý cộng đồng NTTS để sắp xếp, bố trí và quản lý số lượng lồng nuôi; định kỳ hàng tháng thông báo kết quả quan trắc môi trường và hướng dẫn nuôi trồng thủy sản; hướng dẫn, triển khai hoàn thành công tác đăng ký, đánh số lồng, bè NTTS mặt nước biển; thường xuyên tổ chức tập huấn kỹ thuật NTTS cho người nuôi…

Tôm hùm chết do mưa bão

Tuy nhiên công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản mặt nước biển trên địa bàn thị xã còn nhiều tồn tại, yếu kém; nhất là Công tác quản lý, sắp xếp lồng, bè nuôi trồng thủy sản gặp nhiều khó khăn, không có giải pháp hiệu quả để kiểm soát sự gia tăng số lượng lồng nuôi, dẫn đến tình trạng thả nuôi tràn lan, mật độ lồng bè một số vùng nuôi dày đặc, thả nuôi ngoài vùng quy hoạch, số lượng lượng lồng nuôi đã vượt gấp nhiều lần so với quy định của Phương án phân vùng đã được phê duyệt, ô nhiễm môi trường tại các vùng nuôi ngày càng nghiêm trọng; đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình hình dịch bệnh trên tôm hùm nuôi xảy ra thường xuyên trong thời gian qua.

Hiện trạng nuôi trồng thủy sản mặt nước biển lồng, bè:

Trên địa bàn thị xã hiện có 2.142 hộ nuôi tôm hùm với 1.229 bè (có đăng ký).

Theo thống kê của các xã, phường trong 6 tháng đầu năm 2017 có 7.700 lồng ươm tôm hùm giống các loại, trong đó tôm hùm bông 3.200 lồng và các loại tôm hùm khác (như tôm xanh, tôm sỏi, tôm đỏ,…) 4.500 lồng.

Đối với tôm hùm thịt nuôi từ năm 2016 chuyển sang: trong 6 tháng đầu năm 2017 đã xuất bán 6.600 lồng tôm hùm thịt các loại với sản lượng đạt 190 tấn (bằng 66,7% so với cùng kỳ và bằng 31,7 % so với kế hoạch); số lượng lồng tôm hùm thịt niên vụ 2016 – 2017 còn lại 8.900 lồng tôm các loại (Sản lượng, năng suất tôm hùm giảm mạnh so cùng kỳ là do ảnh hưởng bởi đợt mưa, lũ cuối năm 2016 và  sự cố tôm hùm nuôi chết hàng loạt từ cuối tháng 5/2017).

Đối với tôm hùm thịt thả nuôi trong 6 tháng đầu năm 2017 (từ lồng ươm giống tôm hùm sang lồng nuôi tôm hùm thịt) là 12.000 lồng, trong đó tôm hùm bông 5.800 lồng và tôm hùm khác 6.200 lồng, bằng 2,26 lần so với cùng kỳ. Nguyên nhân nguồn tôm giống nhập từ nước ngoài về nhiều trong khi tôm giống không xuất bán được và được người nuôi chuyển sang nuôi thịt.

Về Nuôi thủy sản mặt nước biển khác: Nuôi cá bớp lồng, bè 250 lồng; nuôi hầu, vẹm xanh xen với ghép trong các vùng nuôi tôm hùm ước khoảng 50 ha; nuôi ốc hương có 5 ha.

Từ giữa năm 2016 đến nay, nghề nuôi tôm hùm lồng, bè ở Sông Cầu bị thiệt hại nặng nề do thiên tai, dịch bệnh và sự cố ô nhiễm môi trường vùng nuôi. Cụ thể:

+ Đợt nắng nóng vào tháng 6/2016 ở vùng nuôi xã Xuân Phương thiệt hại 24.849 kg (tương đương 31.061 con tôm hùm bông), 14.394 kg (tương đương 47.980 con tôm hùm xanh);

+ Đợt mưa, lũ tháng 11 năm 2016: Có 598 hộ nuôi tôm hùm bị thiệt hại 751.423 con (trong đó 21.355 tôm bông/ tương đương 399 lồng và 730.068 tôm các loại/ tương đương 4.675 lồng) và 33 hộ nuôi cá bị thiệt hại 8.463 con.

+ Đợt dịch bệnh sữa trên tôm hùm nuôi ở các xã Xuân Cảnh, Xuân Thịnh, Xuân Phương từ tháng 1-3 năm 2017 đã làm thiệt hại 20% tổng đàn tôm hùm nuôi.

+ Đặc biệt sự cố tôm hùm, cá nuôi chết hàng loạt từ cuối tháng 5/2017 ở 02 xã, phường (Xuân Phương, Xuân Yên) có 1.100 người nuôi thủy sản bị thiệt hại với 2.325.242 con tôm hùm chết, 32.358 con cá (mú, bớp).

Tôm hùm chết do dịch bệnh

Nguyên nhân của việc nuôi nhiều nhưng kém hiệu quả

Để xảy ra tồn tại, yếu kém nêu trên, ngoài nguyên nhân khách quan do thời tiết, thì nguyên nhân chủ quan là do trách nhiệm quản lý của các cơ quan nhà nước và ý thức, trách nhiệm của người nuôi tôm hùm.

Trách nhiệm quản lý nhà nước:

– Chưa có Qui hoạch chi tiết nuôi trồng thủy sản mặt nước biển và chưa ban hành qui định trình tự, thủ tục giao, cho thuê mặt nước biển để NTTS.

– Chưa có giải pháp hiệu quả để kiểm soát sự gia tăng số lượng lồng, bè nuôi, nhất là không kiểm soát được số lượng giống tôm hùm rất lớn từ nước ngoài, dẫn đến nguồn tôm giống thả nuôi không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, đây là nguyên nhân chính làm gia tăng nhanh số lượng lồng nuôi và gây ra dịch bệnh trên tôm nuôi trong thời gian qua.

– Chưa triển khai quyết liệt công tác vận động, tuyên truyền cho người dân nhận thức việc tuân thủ các quy định về nuôi trồng thuỷ sản và vấn đề bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thuỷ sản mặt nước biển.

– Chưa quản lý được việc mua, bán thức ăn tươi sống cho hoạt động NTTS, nhất là tình trạng các xe tải chở thức ăn mua, bán công khai ở các tuyến đường giao thông trên địa bàn thị xã.

– Các Tổ quản lý cộng đồng NTTS đã được thành lập, nhưng chưa thường xuyên chỉ đạo để củng cố, kiện toàn, dẫn đến hoạt động không hiệu quả, nên vùng nuôi chưa được quản lý chặt chẽ theo qui chế đã đề ra, nhất là chưa quản lý được số lượng lồng nuôi, mật độ và bảo vệ môi trường vùng nuôi, nhất là việc thu gom, xử lý chất thải từ hoạt động NTTS.

– Công tác phổ biến, truyền đạt thông tin về hoạt động nuôi trồng thủy sản chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là các thông tin về quan trắc môi trường, cảnh báo dịch bệnh, hướng dẫn NTTS, chưa được truyền đạt kịp thời, sâu rộng đến với người nuôi.

Bè nuôi kín mặt vịnh Xuân Đài

Trách nhiệm của người nuôi tôm hùm.

– Ý thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường vùng nuôi còn nhiều yếu kém là nguyên nhân cơ bản gây nên tình hình dịch bệnh trên các vật nuôi thủy sản trong những năm qua.

– Người nuôi chưa tuân thủ các quy định về nuôi trồng thuỷ sản; nhất là:

+ Công tác quản lý số lượng lồng nuôi, mật độ nuôi chưa được người nuôi quan tâm, làm gia tăng nhanh số lượng lồng nuôi thời gian qua.

+ Nhiều hộ dân tự phát cắm cọc tre, sử dụng lốp xe để nuôi vẹm, hàu làm cản trở quá trình lưu thông nước.

+ Hầu hết các hộ nuôi trồng thủy sản đều không kê khai, đăng ký hoạt động NTTS ban đầu tại UBND các xã, phường theo qui định; làm khó khăn trong công tác quản lý và xác định mức độ thiệt hại để hỗ trợ do thiên tai, dịch bệnh gây ra.

– Công tác tập huấn hướng dẫn kỹ thuật nuôi và phòng, trị bệnh tôm hùm chưa được người nuôi quan tâm, tỉ lệ người tham dự các buổi tập huấn nuôi tôm hùm đều rất thấp so với số lượng triệu tập; sau khi tập huấn không thực hiện theo qui trình kỹ thuật đã được hướng dẫn.

Tầm bóp từ rau dại trở thành loài cây trồng đầy hứa hẹn

Một cô gái cùng cộng sự ở Lâm Đồng đang thực hiện dự án trồng cây tầm bóp và dự tính thu cả tỷ đồng lợi nhuận/năm trong bối cảnh dư luận đang xôn xao về loại cây dại này.

Vừa qua, mạng xã hội gây xôn xao câu chuyện một loài cây dại ở Việt Nam nhưng lại có giá bán đắt đỏ ở Nhật Bản (700.000 đồng/ kg) và Đức (300.000-700.000 đồng/kg).

Quả tầm bóp được bày bán trong siêu thị ở Nhật Bản

Quả tầm bóp có vị chua giúp lợi tiểu, thanh nhiệt, tiêu đờm và trị nhiều bệnh như: nôn, ho nhiều đờm, cẩm sốt, yết hầu sưng, nấc… Những người hay lênh đênh sông nước nên ăn quả này thường xuyên vì lượng vitamin C và B1, tiền vitamin A trong quả tầm bóp rất cao nên rất tốt cho cơ thể, có thể chữa bệnh Scorbut (một bệnh do thiếu hụt vitamin C) vì trên biển không có hoa quả. Ngoài ra, lá và rễ của chúng còn có công dụng chữa nhiều bệnh khác.

Trái cây tầm bóp khi chín

Đặc biệt, trên thế giới, tầm bóp được bán rất nhiều dưới dạng tinh dầu, bột, trái tươi… với giá trên trời. Với hàm lượng dinh dưỡng cao và tốt cho sức khỏe, chúng được sử dụng như một món ăn sống, làm mứt, thạch, ăn kèm bánh nướng và làm kem.

Mứt và bánh ngọt từ trái tầm bóp

Trong một cuộc thi về khởi nghiệp tại TP HCM cuối tháng 9/ 2017 đã xuất hiện loại cây này. Chủ dự án là bạn Bùi Thị Nga, sinh năm 1989, cựu sinh viên Nông Lâm. Nga cùng cộng sự đang trong quá trình thực hiện dự án trồng cây tầm bóp để bán cho các cửa hàng rau quả, các công ty hương liệu, xuất khẩu trái cây.

Cây tầm bóp

Dự án của cô gái Lâm Đồng hiện đang thực hiện ở giai đoạn thứ 2 trong 4 giai đoạn mà cô trình bày với ban giám khảo. Cô cùng cộng sự đang ươm 500 cây tại Bảo Lộc, Lâm Đồng.

Những trái tầm bóp vừa mới thu hoạch được Nga đưa đến cuộc thi

Theo tính toán của nhóm, khi trồng thương mại trên diện tích khoảng 1 hecta, tức đến tháng 4/2019, nhóm sẽ bán ra khoảng 1.200 kg/tháng. Giá bán sỉ ước tính là 150.000 đồng/kg và bán lẻ là 250.000 đồng/kg. Với mức giá như vậy, mỗi năm dự án sẽ có doanh thu khoảng 2 tỷ đồng, trừ chi phí 1 tỷ đồng ra, lợi nhuận sẽ là khoảng 1 tỷ đồng.

Nga cho rằng nhiều người có ý tưởng kinh doanh từ tầm bóp nhưng theo hiểu biết của cô thì cô chưa thấy ai “làm tới”. Phía Bắc có Hoa Ban Food đã bán trái tầm bóp nhưng họ chỉ đi thu mua loại quả dại, chưa đầu tư vào trồng. Đây hứa hẹn là một loài cây mới, đem lại thu nhập cao cho nông dân.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Nhân giống thành công dưa pepino bằng phương pháp dâm cành

Dưa Pepino là một loại dưa ngoại nhập có hương vị thơm ngon và được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Dưa đã được trồng ở Đà Lạt vừa đưa ra thị trường từ năm 2016, tuy nhiên đến nay dưa mới được nhiều người biết đến vì bày bán khắp thị trường chứ không phải chỉ ở được bày bán ở một số cửa nhất định.

Đây là một loại cây dễ trồng, thích hợp với khí hậu mát mẻ và có giá trị kinh tế cao. Anh Nguyễn Định (30 tuổi), ở phường 8, TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đã thành công trong việc đưa loài dưa này về Việt Nam và trồng thương phẩm.

Nông trại dưa của anh Nguyễn Định ở Đà Lạt

Dưa pepino được anh Định trồng trong nhà kính theo phương pháp ứng dụng công nghệ cao. Dưa được trồng trên luống cao 20 cm, rộng 1,5 m, mỗi luống 2 hàng. Vườn được trang bị gồm hệ thống tưới nhỏ giọt (cắm vào từng gốc dưa) và phun sương (trên lá mục đích làm mát khi trời nắng nóng).

Các chất dinh dưỡng cung cấp để nuôi cây dưa pepino đều được anh nhập từ nước ngoài, pha trực tiếp vào nước, tưới qua hệ thống nhỏ giọt. Phương pháp này, theo anh, vừa tiết kiệm được nước tưới, vừa giúp cây hấp thụ hết chất dinh dưỡng, không gây lãng phí, cây dưa lại phát triển đồng đều

Dưa Pepino sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt

Nhằm tiết kiệm chi phí và thời gian, anh Định đã nghiên cứu thành công phương pháp nhân giống dưa Pepino bằng phương pháp giâm cành.

Những cây dưa Pepino được nhân giống bằng phương pháp giâm cành

Nếu trồng bằng hạt, dưa Pepino phải mất từ 6 – 8 tháng mới cho ra trái, trong khi trồng bằng giống giâm cành chỉ khoảng 3 tháng là bắt đầu có trái. Từ đó rút ngắn thời gian cây cho ra trái xuống tới 2/3 thời gian so với giống ươm bằng hạt.

Sử dụng dưa Pepino từ giống giâm cành, ngoài tiết kiệm được thời gian, công sức và tiền của, nhà vườn còn kiểm soát được chất lượng giống hiệu quả. Bởi, những cây dùng để nhân giống đều được tuyển chọn từ ngọn cây khỏe mạnh, cho trái nhiều và chất lượng đã được kiểm chứng. Cây giống kế thừa được tố chất từ cây chọn dùng để nhân giống sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nhà nông.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam

 

Tasmania là nơi có trại sản xuất tôm hùm giống đầu tiên trên thế giới

Trường đại học Tasmania  hợp tác với công ty nuôi trồng thủy sản biển PFG đang tìm cách thương mai hóa nghiên cứu sản xuất giống tôm hùm đá và mở trại sản xuất giống tôm hùm đầu tiên trên thế giới.

Tôm hùm đá có giá trị kinh tế cao nhưng do vòng đời dài và phức tạp đã gây khó khăn cho việc sản xuất giống thương mại. Tuy nhiên Viện nghiên cứu biển và Nam Cực (IMAS) thuộc trường đại học Tasmania được hỗ trợ bởi trung tâm nghiên cứu ARC về phát triển thương mại hệ thống nuôi tôm hùm đang tìm cách vượt qua những thử thách này.

PFG đã đầu tư vào một công ty công nghệ spin-out để đảm bảo quyền cấp phép của Úc  cho nghiên cứu này.

Phó giáo sư trường đại học Brigid Heywood cho biết nghiên cứu thành công sẽ trở thành biểu tượng của trường đại học Tasmania, dưới sự lãnh đạo của cựu sinh viên – Michael Sylvester, Tổng giám đốc của PFG – đã đồng ý giúp đỡ thực hiện dự án 15- cộng với nhiều năm làm.

“Chúng tôi rất đam mê với vai trò của nghiên cứu trong việc cung cấp một nền tảng cho đổi mới kinh tế và tạo ra các lĩnh vực hoàn toàn mới. Đây là một ví dụ rất hay về hành động”.

Heywood cho biết: “Sự hợp tác này mở đường cho Tasmania trở thành nơi sinh ra một ngành công nghiệp nuôi tôm hùm đá trên toàn cầu”.

Trong hai năm tiếp theo, các nhà khoa học làm việc tại IMAS Taroona sẽ hoàn thành công việc hai năm cuối cùng của trung tâm dưới sự hỗ trợ của Hội đồng Nghiên cứu Úc, tập trung vào việc tối ưu hóa công nghệ để tiến tới sản xuất số lượng lớn.

Cam kết của PFG bao gồm việc xây dựng trại sản xuất giống quy mô thương mại.

Sylvester cho biết “Quan hệ đối tác sẽ tạo cơ hội cho các sản phẩm và dịch vụ hiện có trong đó mở ra những thị trường xuất khẩu hoàn toàn mới. Bên cạnh đó, việc ngành công nghiệp sản xuất giống thành công sẽ tạo ra việc làm cho người dân Tasmania và cho phép chúng tôi xuất khẩu tài nguyên trí tuệ của mình ra toàn thế giới”.

PFG dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất thương mại đầu tiên tại cơ sở sản xuất giống mới trong vòng bốn năm tới.

Nguồn: Seafoodsource được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam

 

Ngư dân Nha Trang trúng mùa cá cơm

Các ngư dân tại Hòn Rớ, Nha Trang – Khánh Hòa phấn khởi cho biết mùa cá cơm năm nay đạt sản lượng cao hơn năm ngoái, thu nhập của bạn ghe (người đi biển cùng chủ ghe) từ 6 -8 triệu đồng/10 ngày.

Tháng 6 và tháng 7 Âm lịch được xem là tháng cao điểm thu hoạch cá cơm, sản lượng cá bắt đầu thưa dần cho đến tháng Chạp. Thông thường, các ghe sẽ rời cảng từ 1 – 2 giờ sáng để ra hòn Nội, hòn Ngoại cách bờ biển Nha Trang khoảng 10 hải lý để đánh bắt và trở về cảng vào khoảng 8 giờ sáng. Trung bình mỗi chuyến đi ghe cá thu hoạch khoảng 800kg đến 1 tấn vào giai đoạn này.

Hiện tại khu vực Hòn Rớ có khoảng 25 ghe chuyên đánh bắt cá cơm.


Khi ghe vào bờ, các ngư dân sẽ dùng thanh tre nhỏ phía đầu có gắn xốp đập mạnh vào lưới, cá rớt xuống tấm mành để thu hoạch.


Cá cơm dính lưới bị hất tung khi bị thanh tre đập mạnh.


Do cá được đánh bắt trong buổi sáng nên tươi rói, cong cứng. Nhiều con vẫn khỏe búng tách tách.

Hiện giá cá cơm bán tại cảng tầm 16 -18 nghìn đồng/kg.


Theo các ngư dân, các đầu nậu thu mua cá chủ yếu sấy khô để bán, chỉ một số ít làm nước mắm.


Một số ít người mua cá tại cảng để về bán lẻ ở các chợ. Giá bán cá cơm lẻ từ 20 – 22 nghìn đồng/kg


Ông Kiệt, một ngư dân tại đây cho biết, mùa cá cơm năm nay có sản lượng cao hơn năm ngoái nên ai cũng phấn khởi.

Vào mùa này, ghe “no” có thể thu hoạch trên 1 tấn, ghe “đói” cũng vài tạ.

Các ngư dân kỳ vọng mùa cá cơm năm nay sẽ đem lại cho họ cuộc sống tốt hơn.


Công việc rũ cá thường kết thúc vào khoảng 10h30, sau khoảng thời gian này các ngư dân vá lưới, rửa ghe để chuẩn bị cho chuyến đi vào sớm mai.

Nguồn : Internet, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Nuôi tôm thẻ chân trắng thành công bằng vi sinh + tỏi

Trong điều kiện như hiện nay, việc nuôi tôm (đặc biệt là tôm thẻ chân trắng) ngày càng khó, nhiều người trắng tay trước những biến động của thời tiết, mùa vụ. Tuy nhiên, cũng không ít người thành công sau nhiều phen mạo hiểm mang đầm tôm ra “thử nghiệm”.

Farmtech Vietnam xin chia sẻ kinh nghiệm của anh Nguyễn Ngọc Tuấn (Tấm) ở ấp Trí Đồ, xã Bình Đông, thị xã Gò Công, Tiền Giang  đã nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT) thành công bằng vi sinh kết hợp với chanh và tỏi.


Tỏi là chất kích thích miễn dịch tự nhiên cho tôm, với rất nhiều hoạt tính kháng vi khuẩn gram âm và dương, hoạt tính kháng virus, kháng nấm, tăng cường hệ miễn dịch cho động vật thủy sản. Tỏi kích thích quá trình thực bào, đại thực bào. Việc bổ sung tinh dầu tỏi cho động vật thủy sản nuôi có thể gia tăng chỉ số hồng cầu, lượng hemoglobin, bạch cầu và tiểu cầu. Như vậy tỏi dùng trong nuôi thủy sản có thể coi như một chất thay thế kháng sinh và các yếu tố trị liệu hóa học.

Allin và Allicinase là hai chất có sẵn trong tỏi, khi tỏi bị đập dập, hai chất này sẽ kết hợp với nhau tạo thành chất Allicin (một kháng sinh tự nhiên có khả năng kháng khuẩn và nấm). Allicin có khả năng kháng khuẩn bằng 1/5 thuốc Peniciline và bằng 1/10 thuốc Ocytetracylin. Ngoài ra, thành phần của tỏi còn chứa diallyl disulfide, chất này có tác dụng nhanh và mạnh hơn hai dòng kháng sinh Erythromycin và Ciprofloxacin. Bên cạnh đó, tỏi còn có công hiệu trị sán, giun kim, các bệnh nấm.

Sử dụng tỏi để phòng và trị bệnh trên tôm an toàn, hiệu quả

Phương pháp sử dụng

Phòng bệnh phân trắng và chết sớm bằng tỏi

Lấy 10 kg tỏi, lột sạch vỏ rồi giã nhuyễn, để trong 24 giờ đến khi tỏi có màu vàng nghệ. Lấy 10 kg rượu 450 trộn chung với tỏi rồi xay nhuyễn, sau đó cho vào bình đậy kín nắp, 7 ngày sau vắt lấy nước cho tôm ăn. Liều lượng: 10 ml/kg thức ăn, ngày 3 cữ, cho ăn từ lúc mới thả giống đến khi thu hoạch.

Phần bã tỏi trộn với vi sinh E.M và rỉ đường. Liều lượng: 6 kg bã tỏi + 1 lít E.M gốc +1,5 kg rỉ đường, cho vào bình 20 lít, rồi đổ đầy nước sạch. Sau 30 ngày, vắt lấy nước cho tôm ăn với liều lượng 20 ml/kg thức ăn/ngày. Sau quá trình nuôi tôm sử dụng tỏi, thấy đường ruột tôm lớn, tôm không mắc bệnh chết sớm và bệnh phân trắng, TTCT 88 ngày đạt kích cỡ 45 con/kg; tỷ lệ sống 100%, năng suất 15 tấn/ha.

Phòng đục cơ cong thân bằng trái chanh

Chanh có chứa nhiều chất có lợi như axit xitric, canxi, magiê, Vitamin C, flavonoid sinh học, pectin, limonin, kali 248 ml các chất hỗ trợ miễn dịch và kháng khuẩn. Cách sử dụng: Dùng khoảng 50 g chanh trộn với 3 kg thức ăn (hoặc lấy 5 ml nước cốt chanh trộn với 1 kg thức ăn) cho tôm ăn ngày 3 lần.

Vi sinh E.M: E.M là tập hợp các loại vi sinh vật gồm khoảng 80 – 120 loài cả kỵ khí và hiếu khí thuộc 10 chi khác nhau. Chúng bao gồm các vi khuẩn quang hợp (tổng hợp chất hữu cơ từ CO2 và H2O), vi khuẩn cố định Nitơ (sử dụng chất hữu cơ của vi khuẩn quang hợp để chuyển N2 trong không khí thành các hợp chất hữu cơ), xạ khuẩn (sản sinh chất kháng sinh ức chế vi sinh vật gây bệnh và phân giải chất hữu cơ), vi khuẩn Lactic (chuyển hóa thức ăn khó tiêu thành dễ tiêu), nấm men (sản sinh vitamin và các axit amin), các vi sinh vật trong E.M tạo ra một hệ thống vi sinh thái với nhau, chúng hỗ trợ lẫn nhau, cùng sinh trưởng và phát triển.

Trị tảo lam: Sử dụng 30 lít E.M cấp 2 + 10 kg rỉ đường dùng cho 2.000 m3, xử lý 3 ngày liên tục.

Cách làm E.M cấp 2: Sử dụng 1,5 lít E.M cấp 1 + 3 kg rỉ đường cho vào bình chứa 30 lít, để trong mát 7 ngày. Hạn sử dụng E.M cấp 2 từ 3 đến 6 tháng và E.M cấp 1 từ 6 đến 12 tháng.

Để giảm khí độc NH3, H2S và ổn định môi trường nước, sử dụng 30 lít E.M cấp 2 + 6 kg rỉ đường dùng cho 2.000 m3, 2 ngày/lần. Sau khi thu hoạch tôm thấy lượng bùn đáy giảm. Phân tích thấy mật độ vi khuẩn có lợi nhiều, ức chế sự phát triển của vi khuẩn có hại.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam

Hiện tượng nước biển nóng lên làm kích cỡ cá biển giảm

Kích cỡ cá biển dự kiến sẽ giảm từ 20% đến 30% nếu nhiệt độ nước biển tiếp tục tăng do biến đổi khí hậu.

Một nghiên cứu mới của các nhà nghiên cứu tại Đại học British Columbia đã đưa ra một giải thích sâu hơn về lý do tại sao cá dự kiến ​​giảm kích thước.

Phó giáo sư William Cheung, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết, các loài cá không thể điều chỉnh được nhiệt độ cơ thể của chúng, khi môi trường nước nóng lên, sự trao đổi chất của chúng sẽ tăng lên và chúng cần thêm oxy để duy trì các chức năng của cơ thể.

Daniel Pauly, tác giả chính của nghiên cứu này và là nhà nghiên cứu chính của Sea Around Us tại Viện Hải dương học, cho biết khi cá phát triển đến độ trưởng thành, nhu cầu oxy tăng lên vì khối lượng cơ thể của chúng lớn hơn. Tuy nhiên, diện tích bề mặt của mang cá – nơi nhận oxy – không phát triển ở tốc độ giống như phần còn lại của cơ thể. Theo ông, nhóm nguyên tắc này giải thích tại sao cá dự kiến giảm kích cỡ.

Chẳng hạn, khi một con cá giống như cá tuyết có tăng trọng lượng cơ thể đạt đến 100%, thì mang cá chỉ tăng đến 80% hoặc ít hơn. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, quy luật sinh học này củng cố dự báo kích thước cá sẽ giảm và thậm chí còn nhỏ hơn so với các nghiên cứu trước đây.

Nước nóng lên làm nhu cầu oxy của cá tăng nhưng biến đổi khí hậu sẽ dẫn đến lượng oxy ít hơn trong các đại dương. Điều này có nghĩa là mang cá sẽ nhận ít oxy hơn để cung cấp cho cơ thể đang phát triển với tốc độ nhanh. Các nhà nghiên cứu cho biết điều này buộc cá ngừng phát triển và dừng lại ở kích thước nhỏ hơn để có thể đáp ứng nhu cầu với lượng oxy giảm.

Một số loài có thể bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi sự kết hợp của các yếu tố này, trong đó có cá ngừ.

Kích cỡ cá giảm sẽ ảnh hưởng đến sản xuất thủy sản cũng như sự tương tác giữa các sinh vật trong hệ sinh thái.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam

Bình Định: Nâng tầm tôm nuôi công nghệ cao

Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nuôi tôm, đã và đang được một số doanh nghiệp ở Bình Định thực hiện mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Kiểm tra hàm lượng ôxy trong ao nuôi tôm của Công ty Thủy Sản Xanh

Nuôi tôm gắn máy… lạnh

Không giống cách đầu tư nuôi tôm thường thấy, khu nuôi tôm thương phẩm công nghệ cao rộng gần 8 ha của Công ty TNHH Nuôi trồng, chế biến Thủy Sản Xanh tại thôn Tân Thắng, xã Cát Hải, Phù Cát được xây dựng tường rào kiên cố; người và phương tiện ra vào khu nuôi tôm đều được tiêu độc, khử trùng. Mọi hoạt động trong khu nuôi tôm được giám sát bởi hệ thống camera và các thiết bị hiện đại khác được lắp đặt tại nhà điều hành gần cổng ra vào.

Chủ doanh nghiệp Phan Đắc Uy dẫn chúng tôi tham quan khu nuôi tôm và giới thiệu quy trình đầu tư: Năm 2015, Công ty xây dựng 7 hồ và đến nay số hồ nuôi tôm đã tăng 17 hồ. Mỗi hồ rộng 2.500 m2, sâu 2 – 2,6 m đều được xây dựng bằng bê tông xi măng, đáy hồ được trải bạt bằng cao phân tử tổng hợp. Nước trong hồ được xử lý bằng vi sinh và luôn hiện diện vi khuẩn có lợi với mật độ cao, có khả năng đồng hóa chất thải hữu cơ (trong đó có thức ăn và chất thải tôm nuôi), chuyển thành sinh khối của vi khuẩn rất giàu protein. Các vi khuẩn có lợi được giữ lơ lửng trong nước và kết dính với nhau thành những hạt nhỏ, gọi là hạt floc. Trên hạt floc, ngoài các vi khuẩn có lợi, còn có nhiều sinh vật khác, như nấm, tảo, động vật phù du, có giá trị dinh dưỡng cao, là nguồn thức ăn tốt cho tôm, nên đã giảm được khoảng 30% lượng thức ăn cho tôm hàng ngày.

Nước trong ao luôn có màu vàng rơm và luôn chuyển động để hạt floc trôi theo nước. Trước đây ông Uy thả tôm giống với mật độ 400 con/m2, nhưng nay đã tăng lên 600 con/m2, tỷ lệ tôm sống 98%. Mỗi hồ được trang bị máy sục khí và hệ thống máy làm lạnh hoạt động liên tục, nhằm đảm bảo nước luôn ở nhiệt độ 280C. Sau khoảng 2 tháng thả nuôi, ông thu tỉa 30 – 40% tổng lượng tôm thả nuôi, đảm bảo tôm trong hồ phát triển tốt nhất, vừa có chi phí tiền thức ăn, tiền điện… Một tháng sau, tiến hành tháo nước sang hồ chuyên chứa nước để thu hoạch tôm nuôi, sau đó lại đưa nước trở lại hồ cũ để thả tôm vì nguồn nước cũ rất có giá trị. Với cách nuôi này, vấn đề môi trường xanh, sạch luôn được đảm bảo, tôm nuôi rất an toàn. Từ năm 2015 đến nay, bình quân mỗi năm Công ty cho doanh thu 6 – 8 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam chi nhánh Bình Định 3 tại xã Mỹ An và Công ty CP Việt – Úc Bình Định tại xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) cũng đã thành công trong sản xuất tôm giống thẻ chân trắng bằng công nghệ cao. Ông Chế Thanh Hưng, Giám đốc Công ty CP Việt – Úc Bình Định cho biết, khu nuôi tôm giống cao nghệ cao khép kín của Công ty luôn được bảo vệ nghiêm ngặt. Tôm bố mẹ được nhập từ Mỹ và Australia đạt tiêu chuẩn quốc tế. Công ty đầu tư các hiện đại để xử lý nước trước khi thả tôm bố mẹ và sản xuất tôm giống. Trong quá trình nuôi, không dùng bất kỳ một loại hóa chất, kháng sinh nào mà chủ yếu sử dụng tảo, ấu trùng làm thức ăn, đảm bảo môi trường cho tôm post phát triển tốt nhất. Tôm giống do Việt – Úc sản xuất và cung cấp đảm bảo chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của người dân. 6 tháng đầu năm 2017, Công ty cung cấp 609,219 triệu con tôm giống cho người dân trong và ngoài tỉnh.

Theo các doanh nghiệp, nuôi tôm công nghệ cao giúp chủ đầu tư chủ động hoàn toàn về lịch thời vụ, con giống, mật độ tôm thả nuôi, chăm sóc và thu hoạch. Sản lượng tôm nuôi và hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều lần so với với nuôi tôm truyền thống. Với quy trình đầu tư, xử lý nguồn nước và thức ăn, chất thải tôm nuôi, đặc biệt, mô hình này không gây ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn.

Phát triển vùng nuôi

Ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định cho biết, diện tích mặt nước sử dụng nuôi tôm phân tán và nhỏ lẻ, cơ sở hạ tầng tại các vùng nuôi chưa được đầu tư đúng mức. Tại nhiều địa phương, hệ thống thủy lợi được sử dụng chung cho sản xuất nông nghiệp và nuôi tôm, nên môi trường nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Hơn nữa, kinh phí đầu tư và ý thức cộng đồng trong nuôi tôm cũng như công tác quản lý dịch hại còn hạn chế, nên thu nhập từ tôm nuôi rất bấp bênh. Lượng thức ăn thừa và chất thải tôm nuôi hàng năm chưa được xử lý đang gây ô nhiễm môi trường tại các vùng nuôi.

Với quyết tâm phát triển bền vững ngành nghề nuôi, tỉnh Bình Định đã quy hoạch vùng nuôi tôm công nghệ cao tại xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ), diện tích 460 ha, tại xã Cát Thành (huyện Phù Cát), diện tích 150 ha; khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư tại các vùng nuôi đã quy hoạch.

Tại xã Mỹ Thành, Công ty CP Việt – Úc Bình Định đang triển khai dự án nuôi tôm thương phẩm siêu thâm canh công nghệ cao khép kín trên diện tích 300 ha với tổng vốn đầu tư khoảng 800 tỷ đồng. Còn tại xã Cát Thành, Công ty TNHH Thành Ly cũng đã thực hiện dự án nuôi tôm công nghệ cao với vốn đầu tư hơn 284 tỷ đồng trên diện tích 48 ha. Ngoài ra, Công ty TNHH Nam Việt Bình Định, Công ty TNHH Thành Hiệp; Công ty TNHH Thạnh Vân, Công ty TNHH nuôi trồng, chế biến Thủy Sản Xanh cũng đã hoàn thành các thủ tục cần thiết chuẩn bị thực hiện dự án nuôi tôm thương phẩm công nghệ cao tại xã Cát Thành.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam