Cảnh báo sâu bệnh tổng hợp trong tuần (28/11 – 4/12)

Bọ trĩ, sâu năn, dòi đục nõn hại chủ yếu trên lúa Đông Xuân giai đoạn mạ – đẻ nhánh. Rầy, sâu đục thân, bạc lá hại lúa Mùa giai đoạn chín – thu hoạch.

1. Các tỉnh phía Bắc

Cây ngô: Sâu đục thân, bắp, rệp, chuột tiếp tục tăng.

Rau màu: Bọ nhảy, sâu ăn lá, rệp tiếp tục phát sinh gây hại.

Cây mía: Bệnh chồi cỏ tiếp gây hại và có xu hướng tăng.

Cây cam, chanh, bưởi: Bệnh chảy gôm, loét, sẹo, ruồi đục quả tiếp tục gây hại các vườn cây già cỗi.

Cây nhãn: Nhện lông nhung tiếp tục phát sinh gây hại.

Cây sắn: Nhện đỏ, rệp sáp, bọ phấn gây hại cục bộ trên đồng ruộng. Châu chấu lưng vàng tiếp tục gây hại tại Nghệ An, Thanh Hóa.

2. Các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên

Cây lúa: Bọ trĩ, sâu năn, dòi đục nõn hại chủ yếu trên lúa Đông Xuân giai đoạn mạ – đẻ nhánh. Rầy, sâu đục thân, bạc lá hại lúa Mùa giai đoạn chín – thu hoạch. Bệnh bạc lá vi khuẩn hại cục bộ trên các giống nhiễm vùng ổ dịch. Ốc bươu vàng di chuyển và lây lan theo nguồn nước .

Cây ngô và rau màu: Sâu tơ, sâu xanh, bọ nhảy hại rải rác; bệnh xoăn lá cà chua tiếp tục gây hại.

Cây cà phê: Rệp sáp, rệp vảy, khô cành tiếp tục gây hại.

Cây tiêu: Rệp sáp, bệnh chết chậm tiếp tục gây hại.

Cây điều: Sâu đục thân, bọ xít muỗi, bệnh nấm hồng tiếp tục gây hại.

Cây mía: Bệnh trắng lá do phytoplasma,… gây hại cục bộ mía vùng ổ dịch.

3. Các tỉnh phía Nam

Cây lúa: Rầy nâu phổ biến tuổi 4,5, trưởng thành, cần theo dõi diễn biến của rầy nâu trên đồng ruộng để có biện pháp xử lý kịp thời. Đối với những diện tích chuẩn bị xuống giống lúa Đông Xuân khuyến cáo vệ sinh tốt đồng ruộng, làm đất kỹ, gia cố bờ bao, tăng cường bơm rút nước, đặc biệt phải theo dõi bẫy đèn để tập trung xuống giống đồng loạt, né rầy. Bệnh đạo ôn lá và bệnh bạc lá tiếp tục phát triển ở nhiều địa phương trên lúa giai đoạn đẻ nhánh đến đòng trỗ.

Cây thanh long: Bệnh đốm nâu tăng diện tích nhiễm.

Cây hồ tiêu: Bệnh chết nhanh và chết chậm tăng diện tích nhiễm.

Cây điều: Diện tích nhiễm bọ xít muỗi tăng.

Cây dừa: Diện tích nhiễm bọ cánh cứng và diện tích nhiễm bọ vòi tăng.

Cây cà phê: Rệp sáp tăng nhẹ diện tích nhiễm.

Nguồn: Cục bảo vệ thực vật được tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

“Đột nhập” trang trại rau sạch

Trang trại trồng rau rộng hơn 4.000m2 nhưng chỉ có 2 công nhân phụ trách chăm sóc, thu hoạch; muốn vào thăm phải qua nhiều lớp cửa, phải khử trùng giày dép bằng vôi bột; vừa tham quan vừa vặt rau, trái thưởng thức ngay tại vườn, không cần rửa… Đó là những trải nghiệm của chúng tôi sau một ngày ở Trang trại trồng rau sạch công nghệ cao Vifarm (48, đường en Biển, phường 12, TP.Vũng Tàu).

Anh Cao Xuân Mạnh, một trong hai người đồng sáng lập Vifarm kiểm tra chỉ số dinh dưỡng cung cấp cho rau cải.

Ăn rau không cần rửa

Theo đúng hẹn, 7 giờ 30, chúng tôi có mặt tại Vifarm. Chị Trần Ngọc Trinh, kỹ sư của Vifarm dẫn chúng tôi đi qua 3 lớp cửa – trong đó có một đoạn rắc vôi bột – mới vào được nơi trồng rau. Chị Trinh giải thích, vôi bột để diệt vi khuẩn, mầm bệnh từ ngoài theo giày, dép của khách vào. Bình thường, trang trại có 2 công nhân đảm nhận các khâu chăm sóc, thu hoạch rau, nhưng hôm chúng tôi đến, chỉ có một người làm vì khoảng 1/3 diện tích đang trong giai đoạn khử trùng để chuẩn bị cho mùa rau Tết.
Trước mắt chúng tôi là hệ thống 52 giàn chữ A trồng rau thủy canh hồi lưu. Mỗi giàn đều có bảng ghi đầy đủ thông tin như: tên cây trồng, xuất xứ, ngày ngâm hạt, ngày gieo, ngày lên giàn (dự kiến), ngày thu hoạch (dự kiến), mã vạch truy xuất… Chị Trinh cẩn thận kiểm tra từng giàn cây, ghi chép các thông số vào sổ. Thấy một cây xà lách Ý có biểu hiện sâu trên lá, chị Trinh lật qua lật lại lá rau và bắt được con sâu gần bằng đầu đũa rồi chị tách cây riêng ra vị trí khác để theo dõi. Sau đó, chị cẩn thận lật từng lá của những cây xà lách xung quanh để kiểm tra đến khi thấy “an toàn” mới thôi.

Chị Nguyễn Thị Tài thu hoạch dưa leo tại trang trại Vifarm.

Sau khi thăm quan khu vực trồng rau thủy canh, chúng tôi đến khu vực trồng rau theo công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel. Khoảng 100 gốc dưa leo Hà Lan và 500 gốc cà chua bi đang ra trái. Dưa leo đã trồng được hơn 1 tháng, nhiều cây trĩu quả, đạt trọng lượng chừng hơn 200 gram/trái. Chị Nguyễn Thị Tài, công nhân của trang trại cho biết, nếu để thêm vài ngày nữa khi hoa ở cuống trái rụng, dưa leo có thể đạt trọng lượng 300 gram/trái. Tuy nhiên, thời điểm này trang trại đã thu hoạch vì dưa đang rất ngon. Chị Tài mời tôi nếm thử một số rau, trái trong vườn mà không cần rửa. Thấy khách chần chừ, chị Trinh đưa trái dưa leo lên ăn trước, như để chứng minh cho khách rằng rau, quả ở đây bảo đảm an toàn tuyệt đối. Xong, chị bốc nắm đất trồng cải cầu vồng để kiểm tra độ ẩm. “Trồng theo phương pháp tưới nhỏ giọt, cải cầu vồng phát triển tốt hơn, năng suất cao hơn và nhìn bắt mắt hơn. Chúng tôi tiếp tục thử nghiệm để đưa ra phương án trồng tốt nhất”, chị Trinh vừa ghi vào cuốn sổ tay vừa cho biết.

Học sinh tham quan trang trại Vifarm.

Hướng đến thị trường xuất khẩu

Khác với cách trồng rau thông thường, ở Vifarm, rau được trồng trong nhà lưới, nhà màng với hệ thống tưới tiết kiệm bán tự động bằng công nghệ của Israel. Rau được trồng trên giá thể xơ dừa hoặc thủy canh hồi lưu, không sử dụng bất kỳ loại thuốc bảo vệ thực vật hay hóa chất nào. Việc bổ sung dinh dưỡng cho rau được tính toán trên máy vi tính, căn cứ vào công thức đã tính toán xong, kỹ thuật viên mới đưa dưỡng chất vào nước cung cấp cho rau. Thời gian từ khi gieo hạt đến khi thu hoạch rau từ 30-60 ngày như phương pháp trồng rau truyền thống. Trồng rau công nghệ cao có mức đầu tư ban đầu khá cao, nhưng bù lại, năng suất ổn định, ít bị sâu bệnh, được giá và dễ tiêu thụ. Hiện nay, trung bình mỗi tháng, 3 cơ sở của Vifarm cung cấp 10 tấn rau, trái cho 500 khách hàng, là các hộ gia đình tại BR-VT và một số công ty cung cấp suất ăn chất lượng cao, nhà hàng tại TP.Hồ Chí Minh. Không tiết lộ tổng chi phí đầu tư ban đầu, nhưng anh Cao Xuân Mạnh, một trong hai người đồng sáng lập Vifarm lạc quan, sau 2 năm trang trại có thể thu hồi vốn và bắt đầu có lãi.
Anh Mạnh chia sẻ, vì lo ngại trước tình trạng thực phẩm bẩn ngày càng gia tăng, năm 2015, anh cùng người bạn là Cao Nhật Anh Tú – kỹ sư của một công ty dầu khí – rủ nhau làm trang trại trồng rau sạch để sử dụng trong gia đình. Sau nhiều ngày tìm hiểu, bàn thảo, hai người quyết định chọn công nghệ trồng rau của Israel, đặt mua hệ thống thiết bị tự động điều chỉnh ánh sáng, nhiệt độ, tưới tự động và nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế tại Vũng Tàu. Xơ dừa được mua từ các tỉnh miền Tây, một số loại hạt giống của Việt Nam, còn lại đa số phân vi sinh và hạt giống đều được nhập khẩu. Anh cũng thuê kỹ sư nông nghiệp phụ trách kỹ thuật. Vừa làm vừa học hỏi và tự rút kinh nghiệm nên việc trồng rau của các anh khá thuận lợi. “Ban đầu, chúng tôi trồng thử nghiệm một số loại rau để xem có phù hợp với điều kiện tự nhiên hay không, có đạt năng suất như kỳ vọng hay không, khi thấy hiệu quả mới mở rộng và trồng đại trà”, anh Mạnh chia sẻ. Từ ý tưởng ban đầu là trồng rau sạch tự cung tự cấp cho gia đình, anh Mạnh và anh Tú đã quyết định mở rộng diện tích trồng rau để cung cấp cho thị trường. Theo đó, năm 2016, họ đã mở thêm cơ sở tại xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu (2ha) và năm 2017 mở thêm cơ sở tại tỉnh Kon Tum (30ha, đang canh tác 2.600m2).
Trồng rau hiệu quả, anh Mạnh, anh Tú cũng chủ động thuê người quản lý và giới thiệu, bán sản phẩm qua mạng Internet. Ngoài facebook, zalo, Vifarm còn có website riêng: vifarm.org, giới thiệu quy trình trồng rau, các sản phẩm hiện có và giá thành của hơn 20 sản phẩm trên các trang web này để người tiêu dùng nắm được và đặt hàng. “Các sản phẩm của Vifarm được truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đạt tiêu chuẩn rau an toàn, được kiểm nghiệm và xác nhận bởi Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TP.Hồ Chí Minh và Sở NN-PTNT. Sản phẩm có mã vạch để khách hàng có thể truy xuất nguồn gốc và quá trình tăng trưởng của cây. Chúng tôi đang làm thủ tục để sản phẩm của Vifarm được cấp chứng nhận GlobalGAP (bộ tiêu chuẩn về Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt toàn cầu). Chúng tôi đã làm việc với các đối tác tại Singapore, Nhật Bản, Mỹ để sau khi được cấp chứng nhận GlobalGAP, sẽ xuất khẩu rau ra nước ngoài”, anh Mạnh cho biết.
Giá rau của Vifarm từ 35.000-100.000 đồng/kg, tùy loại. Một số mặt hàng đã có thương hiệu như: cải bó xôi, cải Kale, cải cầu vồng, xà lách Ý, cà chua bi socola, cà chua đen… Ngoài cung ứng rau, Vifarm còn nhận lắp đặt giàn rau thủy canh hồi lưu, hệ thống trồng tưới nhỏ giọt cho rau, cây ăn trái cho các hộ gia đình. Đặc biệt, chỉ cần liên hệ trước, các cơ quan, đơn vị, trường học, có thể đến thăm quan, tìm hiểu mô hình trồng rau theo công nghệ tiên tiến tại Vifarm.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Đưa tỏi Nhật vào trồng ở Lý Sơn, vì sao?

Từ lâu, thương hiệu tỏi Lý Sơn đã vươn xa khắp nước và ra nhiều nơi trên thế giới. Với việc đưa tỏi Nhật vào trồng “cạnh tranh” trực tiếp với tỏi Lý Sơn trên hòn đảo có diện tích đất trồng tỏi rất ít ỏi này, cơ may tồn tại và phát triển của tỏi Lý Sơn trở nên mong manh hơn bao giờ hết.

Vùng trồng tỏi ở Lý Sơn

UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa thống nhất chủ trương cho phép nghiên cứu khảo sát để đưa giống tỏi voi của Nhật Bản ra trồng trên đảo Lý Sơn. Cụ thể, Phó chủ tịch thường trực Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đã có buổi làm việc với Công ty TNHH CAN Holdings (Nhật Bản). Ông Tadashi Yoshii, Tổng giám đốc công ty này giới thiệu giống tỏi voi có năng suất khoảng 4-5 tấn/ha, giá mỗi kg khoảng 180 ngàn đồng.

Trao đổi với phóng viên, nhà nông học Lê Tiến Dũng (nguyên trưởng khoa Nông học – ĐH Nông lâm Huế) tỏ ra rất bất ngờ trước thông tin Quảng Ngãi sẽ cho phép giống tỏi voi Nhật Bản vào trồng tại huyện đảo Lý Sơn.

Theo ông Dũng, tỏi Lý Sơn là đặc sản, nổi tiếng không chỉ trong nước. Đây là giống tỏi quý chỉ có điều kiện tự nhiên của Lý Sơn mới sản sinh ra được. Phải qua nhiều đời, người dân đảo Lý Sơn mới tuyển chọn được giống tỏi quý này. Trong đó, đặc biệt nhất là loại tỏi “cô đơn” một củ, có giá trị rất cao, có thời điểm lên tới 2 – 3 triệu/kg. Đây là một trong những giống địa phương tốt nhất hiện nay cần được bảo vệ và phát triển. Việc cho chủ trương trồng tỏi Nhật Bản trên đảo Lý Sơn, theo nhà nông học này, đó là xu hướng chung hiện nay ở nước ta là thích “của ngoại” và thường nghĩ rằng giống ngoại là tốt nhất.

Tiến sỹ, nhà nông học Lê Tiến Dũng.

Nhập đâu thì nhập nhưng nhập vào Lý Sơn thì không nên. Nếu nhập giống tỏi voi Nhật Bản vào sẽ làm mất tỏi Lý Sơn. Hậu quả là con cháu chịu hết, sẽ không còn những sản vật quý nữa”, TS Dũng nói. Bởi theo ông, tỏi Nhật Bản năng suất cao hơn, tỏi Lý Sơn sẽ mất đi vị trí vì không thể cạnh tranh nổi, dần dần sẽ bị diệt vong như các cây trồng khác hiện nay. “Xây dựng một thương hiệu rất khó nhưng để đánh mất một thương hiệu lại rất dễ. Trong thực tế chúng ta đã có những bài học đắt giá về giống. Đơn cử như lúa de An Cựu giờ muốn ăn cũng chịu”.

Là người lâu năm trong nghiên cứu nông học, ông Dũng chia sẻ: Nhiều chuyên gia nông nghiệp của Nhật Bản mà ông từng làm việc đã từng cảnh báo về việc chúng ta quá say sưa nhập giống của nước ngoài, trong đó có giống của Nhật Bản. Trong khi người Nhật bản đi thu thập giống của Việt Nam về để dùng. Còn việc Việt Nam có giống tốt thì không dùng mà đi làm điều ngược lại.

Ở các nước phát triển, chính sách bảo hộ nông sản rất được coi trọng. Các nước xem quỹ gen là nguồn tài sản quý, vô giá của quốc gia nên đầu tư kinh phí rất lớn để lập các ngân hàng quỹ gen. Các nước thu thập các nguồn gen không chỉ trong nước và cả nước ngoài để làm tài sản quốc gia và rất được coi trọng. Còn tại nước ta hiện nay, lãnh đạo các địa phương ít chú trọng việc này mà chỉ quan tâm đến những vấn đề khác, trong đó có lợi ích kinh tế trước mắt. Việc này để lại hậu quả là thế hệ con cháu mất những sản vật quý, đặc sản, đặc trưng chỉ có ở những vùng miền.

Theo ông Dũng việc nhập các giống cây trồng, nguyên tắc chung phải được nhà nước thông qua bằng các nghị định thư, các hiệp định trao đổi sản phẩm khoa học… Các nước muốn trao đổi phải có nghị định thư trao đổi các sản phẩm khoa học. Việc nhập một giống mới phải qua con đường khảo nghiệm giống. Nhà nước kiểm nghiệm từ các khâu và phải qua kiểm dịch thực vật. Sau đó sẽ theo dõi giống đó về đâu, theo dõi, đánh giá và báo cáo thường xuyên. Thông qua Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp sẽ đánh giá cho phép sản xuất chứ không được tùy tiện.

“Muốn đưa giống tỏi voi Nhật Bản vào Việt Nam phải qua con đường khảo nghiệm, được nhà nước và vùng sản xuất chấp nhận thì mới mở rộng sản xuất. Cơ quan khảo nghiệm sẽ là trọng tài đồng ý cho phép sản xuất. Hội đồng đánh giá nhà nước có văn bản đánh giá đồng ý cho phép thì mới cho phép sản xuất ở vùng đó”, nhà nông học Lê Tiến Dũng nhấn mạnh.

Quy định là vậy, tuy nhiên theo TS Dũng, gần đây một số giống cây trồng các địa phương tự nhập về bỏ qua khâu khảo nghiệm. “Phép vua thua lệ làng”, về mặt quản lý nhà nước phải đứng bên ngoài, tiếng nói do địa phương quyết định.

“Nếu nhà nước cho phép, giống tỏi Nhật Bản đưa vào vùng khác của Quảng Ngãi thì được. Riêng Lý Sơn thì đừng. Nếu tỏi Lý Sơn mất thì mất một thương hiệu, mất một dư địa chí cho sản phẩm đặc sản. Diện tích eo hẹp như vậy thì nên độc nhất một giống tỏi Lý Sơn”, ông Dũng cho biết.

Nguồn: Kinhtenongthon.com.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Danh mục công nghệ hạn chế và cấm chuyển giao trong lĩnh vực nông nghiệp

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa ban hành công văn đề xuất danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao, công nghệ hạn chế chuyển giao và công nghệ cấm chuyển giao trong nông nghiệp.

Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao:

I.  Công nghệ chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam và trong lãnh thổ Việt Nam

a) Lĩnh vực Bảo vệ thực vật:

–  Sản xuất các giống cây trồng nhiễm sinh vật gây hại (sậu, bệnh) nặng trong sản xuất.

–  Công nghệ, quy trình sản xuất sử dụng nhiều hóa chất (phân bón, thuốc BVTV hóa học)

b) Lĩnh vực Chăn nuôi

–  Các giống vật nuôi bản địa.

c) Lĩnh vực Thủy sản

–  Công nghệ máy móc, thiết bị kèm công nghệ sản xuất các loại ngư cụ có tính chọn lọc thấp, có khả năng gây hại môi trường.

–  Công nghệ sử dụng hóa chất độc hại trong nuôi trồng thủy sản và bảo quản thủy sản.

–  Công nghệ tạo giống thủy sản bằng phương pháp biến đổi gien.

–  Công nghệ chế biến bột cá dạng hở.

d) Lĩnh vực Lâm nghiệp

–  Công nghệ sản xuất ván sợi theo phương pháp ướt.

–  Công nghệ sản xuất trang sức đồ gỗ, lâm sản chứa lưu huỳnh hoặc tồn dư hợp chất hữu cơ dễ bay hơi hàm lượng cao.

–  Công nghệ sản xuất thuốc bảo quản lâm sản chứa thạch tín (arsenic).

đ) Lĩnh vực Trồng trọt

–  Công nghệ sử dụng các loài vi sinh vật phi bản địa bao gồm động vật, thực vật và vi sinh vật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, bảo vệ thực vật và các lĩnh vực khác.

–  Công nghệ tạo giống cây trồng, vật nuôi bằng phương pháp biến đổi gien trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp.

–  Công nghệ nuôi trồng, sản xuất, chế biến thực phẩm sử dụng chất bảo quản thực phẩm, chất kích thích tăng trưởng chưa được thử nghiệm độ an toàn.

II. Công nghệ chuyển giao từ Việt Nam ra nước ngoài

a) Lĩnh vực Thủy sản

–  Công nghệ sản xuất giống, nuôi, trồng thủy sản thuộc sản phẩm xuất khẩu có giá trị kinh tế

b) Lĩnh vực Trồng trọt

–  Công nghệ sản xuất, nhân giống các loại cây trồng thuộc danh mục quý hiểm hạn chế xuất khẩu

Danh mục công nghệ cấm chuyển giao

a) Lĩnh vực Bảo vệ thực vật:

– Công nghệ nhân, nuôi sinh vật gây hại cây trồng.

– Công nghệ sản xuất phân bón, thuốc BVTV cấm sử dụng ở Việt Nam ảnh hưởng tới sức khỏe và môi trường.

b) Lĩnh vực Chăn nuôi

–   Các giống vật nuôi, nguồn gien quý hiếm (cấm xuất khẩu).

c) Lĩnh vực Lâm nghiệp

–  Công nghệ sản xuất keo dán gỗ Urea-Formaldehyhe (UF), Melamine Urea-Formaldehyhe (MUF) và Phenol-Formaldehyde có hàm lượng Formaldehyde tự do vượt quá giới hạn (Formaldehyde class > E2).

–  Công nghệ sản xuất thuốc bảo quản lâm sản chứa Pentachlorophenol (PCP), DDT.

–  Công nghệ sử dụng các loài sinh vật ngoại lai (động vật, thực vật và vi sinh vật) thuộc danh mục các loài ngoại lai xâm hại.

d) Lĩnh vực Trồng trọt

–  Công nghệ sử dụng các loài vi sinh vật phi bản địa bao gồm động vật, thực vật và vi sinh vật thuộc Danh mục các loài ngoại lai xâm hại.

–  Công nghệ sản xuất phân bón hỗn hợp NPK theo phương pháp thủ công (chảo quay, trộn thô).

Nguồn: Khuyennongvn.gov.vn được tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Dự báo sâu bệnh tổng hợp trong tuần (20.11.2017)

Ở các tỉnh thành phía Nam, rầy nâu phổ biến tuổi 3 – 5, rải rác có rầy trưởng thành di trú do lúa thu đông đang thu hoạch rộ.

Bệnh đạo ôn phát triển, có thể gia tăng nhiễm trên trà lúa đông xuân giai đoạn đẻ nhánh – đòng trỗ. Ngoài ra, cần lưu ý ốc bươu vàng đối với các trà lúa mới gieo sạ, bệnh bạc lá ở giai đoạn đẻ nhánh – làm đòng.

1. Các tỉnh phía Bắc

– Cây ngô, rau màu: Các đối tượng gây hại phát sinh nhẹ đến trung bình.

– Cây mía: Bệnh chồi cỏ có xu hướng tăng.

– Cam, chanh, bưởi: Bệnh chảy gôm, loét, sẹo… gây hại các vườn cây già cỗi, chăm sóc kém.

– Cây nhãn: Nhện lông nhung tiếp tục gây hại.

– Cây sắn: Nhện đỏ, rệp sáp, bọ phấn… hại cục bộ trên đồng ruộng.

2. Các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên

– Cây lúa: Trên lúa đông xuân cực sớm, lúa mùa đẻ nhánh – làm đòng, bệnh đạo ôn hại lúa nhẹ. Bệnh bạc lá vi khuẩn hại cục bộ trên các giống nhiễm vùng ổ dịch. Ốc bươu vàng di chuyển và lây lan theo nguồn nước và gây hại diện rộng sau mưa lũ.

– Cây trồng khác: Cây cà phê rệp sáp, rệp vảy, bệnh khô cành, gỉ sắt, đốm mắt cua,… hại tăng. Cây tiêu: Rệp sáp, bệnh chết chậm… hại tăng. Cây điều: Sâu đục thân, bọ xít muỗi, nấm, thán thư… tiếp tục gây hại. Cây mía: Bệnh trắng lá do phytoplasma… hại cục bộ vùng ổ dịch. Cây dừa: Bọ cánh cứng, đốm lá, thối nõn… tiếp tục gây hại. Cây sầu riêng: Bệnh nứt thân xì mủ, nấm hồng, thán thư… tiếp tục gây hại.

3. Các tỉnh phía Nam

– Cây lúa: Rầy nâu phổ biến tuổi 3 – 5, rải rác có rầy trưởng thành di trú do lúa thu đông đang thu hoạch rộ. Bệnh đạo ôn phát triển, có thể gia tăng nhiễm trên trà lúa đông xuân giai đoạn đẻ nhánh – đòng trỗ. Ngoài ra, cần lưu ý ốc bươu vàng đối với các trà lúa mới gieo sạ, bệnh bạc lá ở giai đoạn đẻ nhánh – làm đòng.

– Cây trồng khác: Cây thanh long bệnh đốm nâu tăng diện tích nhiễm. Cây hồ tiêu: Tuyến trùng hại rễ, bệnh chết nhanh và chết chậm tăng diện tích nhiễm. Cây điều: Bệnh thán thư tăng. Cây cà phê: Rệp sáp tăng nhẹ diện tích nhiễm.

Nguồn: Cục bảo vệ thực vật được tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Vén màn bí mật màu sắc tím, đỏ, xanh, đen… của các loại khoai tây

Có hay không các loại khoai tây màu tím, màu đỏ, màu xanh, màu đen, khoai tây vàng nghệ,… Hay chúng chỉ là sản phẩm của photoshop? Hãy cùng khám phá màu sắc lạ lùng trong thế giới các loại khoai tây này.

Khoai tây tím

Những củ khoai tây với màu tím nổi bật có thể làm giúp cho bàn ăn của bạn thêm nhiều màu sắc hấp dẫn. Bên cạnh đó, khoai tây tím còn rất có lợi cho sức khỏe do sự phong phú hợp chất chống oxy hóa.

Khoai tây tím có nguồn gốc ở Hồ Titicaca nằm trong vùng đồng bằng cao và sườn núi Peru, Bolivia. Chúng là một trong hàng ngàn giống khoai tây được gieo trồng có lịch sử 8.000 năm phát triển ở vùng Andes của Peru, Bolivia, Ecuador.

Hiện tại, khoai tây tím được trồng ở khu vực trồng khoai tây ở Nam Mỹ, Bắc Mỹ và Châu Âu. Các nhà hàng thường nhập khoai tây tím về chế biến cho các thực đơn của mình. Khoai tây tím được bán quanh năm.

Những củ khoai tây với màu tím nổi bật có thể làm giúp cho bàn ăn của bạn thêm nhiều màu sắc hấp dẫn. Bên cạnh đó, khoai tây tím còn rất có lợi cho sức khỏe do sự phong phú hợp chất chống oxy hóa.

Khoai tây đỏ

Loại khoai này có vỏ màu đỏ, ruột màu vàng. Vị khoai rất đậm nên cũng khá được yêu thích khi chế biến món ăn.

Khoai tây đỏ khi đã nấu chín có kết cấu cứng giống như sáp nên thích hợp để chế biến các món luộc, chiên đút lò và cắt lát làm salad.

Khoai tây xanh

Thực tế, màu xanh xuất hiện trên củ khoai tây chứng tỏ có sự hiện diện của một chất độc có hại trong khoai tây chứ không phải chất độc tạo ra màu xanh này. Vì vậy mà các bà nội trợ Việt Nam thường rất ít khi chọn những củ khoai tây xanh. Màu xanh lá cây trên khoai tây chính là một chất diệp lục.

Chất diệp lục này không gây hại cho sức khỏe nhưng nó là dấu hiệu cho thấy củ khoai tây đó đã tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá nhiều. Sự tiếp xúc này sẽ khiến củ khoai tây sản sinh ra một chất độc tự nhiên (solanine) có thể gây hại cho sức khỏe.

Việc sản sinh chất độc solanine chính là một cơ chế phòng vệ tự nhiên của khoai tây nhằm để tránh nấm và sâu bệnh. Chất độc solanine cũng sẽ sản sinh khi khoai tây bị bầm dập, thâm tím. Do đó, nếu củ khoai tây đã bị bị hư hại thì bạn nên loại bỏ chúng.

Đây cũng là lý do mà bà nội trợ không bao giờ cất khoai tây ở nơi có ánh sáng; chỉ nên lưu trữ chúng ở nơi thoáng mát và có nhiều bóng tối thì càng tốt.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của trái khoai tây “chuẩn” xanh mà không hề độc hại, vẫn sử dụng được như các loại khoai tây thông thường thì các bà nội trợ sẽ phải dè chừng.

Khoai tây đen

Khoai tây đen là một thuật ngữ được sử dụng cho các loại khoai tây sẫm màu đến đen sì.

Khoai tây có nhiều màu sắc và kích cỡ khác nhau, nhưng một loại khác sẽ làm bạn ngạc nhiên nhất và đó là màu đen. Bởi vì chúng hiếm hơn cả màu vàng và màu đỏ, những loại khoai có thể được tìm thấy ở nhiều nơi. Màu đen là kỳ lạ đến nỗi hầu hết mọi người không thể tưởng tượng chúng là khoai tây thực sự.

Khoai tây đen là một loại không bình thường. Họ có hình bầu dục điển hình của khoai tây truyền thống, nhưng điều  thú vị nhất của nó là màu sắc.

Ruột khoai lại có màu vàng pha đen tạo nên màu sắc rất đẹp mắt và thú vị.

Khoai tây dây leo độc dị nhất thế giới (Khoai tây vàng nghệ)

Khoai tây không khí hay còn gọi là khoai tây dây leo là một thành viên của gia đình khoai mỡ có nguồn gốc ở Châu Á và Châu Phi cận sa mạc Sahara. Theo nghiên cứu gần đây nhất của các nhà khoa học, giống khoai tây không khí này có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Những năm 1905, giống khoai này được gửi đến Florida (Mỹ) để nghiên cứu như là một cây thuốc và bây giờ nó có thể được tìm thấy ở nhiều nơi trên khắp Florida, Louisiana, Mississippi, Texas, Hawaii, Puerto Rico và ngay cả ở Việt Nam.

Giống khoai này giống như một loài khoai dại. Nhìn bề ngoài, chúng có hình dáng khá giống với khoai tây Đà Lạt. Tuy nhiên, nếu để ý kỹ sẽ thấy lớp vỏ bên ngoài của giống khoai này khá cứng, có thể lột ra được, sau đó đến lớp da có màu xanh và gọt lớp màu xanh đó thì có thể sử dụng được.

Ngoài ra, nhiều người còn truyền miệng nếu hái trái khoai này và để ở chỗ mát một thời gian lâu thì khi nấu, ăn rất dẻo, khoai cũng có mùi vị riêng.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Phòng trừ sâu đục thân ngô

Ở nước ta sâu đục thân ngô (bắp) thường gây hại rất nặng cho bắp quanh năm và ở mọi vùng trồng bắp. Ở khu vực ĐBSCL sâu thường tập trung hại nặng vào vụ hè thu từ tháng 5 đến tháng 9 vì vào dịp này thời tiết mưa nhiều, độ ẩm cao, lá bắp rậm rạp tạo điều kiện cho sâu phát triển.

Sâu đục thân gây hại cho cây bắp từ giai đoạn cây được 1 tháng đến suốt thời kỳ sinh trưởng cho đến kỳ thu hoạch. Bị hại nhiều nhất là từ khi cây trổ cờ đến hình thành bắp. Ruộng bắp bị sâu đục thân nặng làm số cây bị hại có khi lên  80-90%, dẫn đến năng suất bị giảm sút nghiêm trọng. Khi lớn sâu đục vào thân và ăn hết phần mềm trong cây, thải phân ra ngoài qua các vết đục.

Sâu đục thân gây hại cho ngô

Thân rỗng làm cho quá trình vận chuyển chất dinh dưỡng và nước bị nhưng trệ làm cây suy yếu, còi cọc, nếu gặp gió to cây sẽ bị gẫy ngang. Cây thường bị gãy ở ngay trên hoặc dưới bắp, nếu cây bị gãy dưới bắp thì cây đó coi như thất thu hoàn toàn. Nếu cây gãy trên bắp sẽ làm bắp kém phát triển, hạt bị lép, làm giảm năng suất và chất lương hạt do không còn chất khô quang hợp từ lá vận chuyển về hạt. Khi bắp hình thành, chúng cắn râu làm quá trình thụ phấn bị ảnh hưởng và chui vào bắp cắn phá khiến bắp bị cong queo, hạt không chắc.

Thành trùng cái sâu đục thân dài khoảng 12-15 mm, sải cánh rộng 25-30 mm, cánh trước mầu vàng nhạt. Con trưởng thành đực nhỏ hơn, mầu nâu đến nâu vàng. Ban ngày thường ẩn nấp trong bẹ lá hay trong nõn lá non và hoạt động về đêm. Con cái đẻ trứng thành từng ổ ở mặt sau của những lá bánh tẻ gần gân chính, mỗi ổ có vài chục trứng, đôi khi lên đến hàng trăm trứng. Một con cái có thể đẻ đến hàng ngàn trứng, khi mới đẻ trứng có mầu trắng sữa.

Sâu nở phá hoại cây ngô rất nghiêm trọng

Trứng sâu nở sau một tuần, trứng thường nở vào buổi sáng. Khi còn nhỏ sâu non cắn nõn lá non hay cuống hoa đực, khi lá mở ra sẽ thấy trên lá có những lỗ thủng thẳng hàng nhau. Nếu bị hại nặng sẽ làm rách lá. Khi sâu lớn chui vào thân cây và ăn phần mô mềm trong thân và thải phân ra ngoài, chúng làm thân cây bị rỗng. Quan sát trên cây ngô sẽ thấy nhiều lỗ thủng sâu chui vào kèm theo nhiều cục phân sâu thải ra bám quanh lỗ thủng. Sâu non của loài sâu này có 5 tuổi. Khi gần hóa nhộng sâu dài trên 20 mm, chúng hóa nhộng ở trong đường đục trong thân cây hoặc trong bẹ lá, lõi bắp, lá bao.

Biện pháp phòng trừ:

Kiểm tra đồng ruộng nếu thấy mật độ trứng cao (khoảng 0,3-0,4 ổ/m²) thì nên dùng một trong số các loại thuốc sau: Sherpa 0,1%, Sumidicin 0,1%, Nuvacron polytril 440 Regent 800WG 0,08-0,12% hoặc một số thuốc đặc hiệu khác để phun với liều lượng 0,5-1 lít/ha.

Theo khuyến cáo của Viện Nghiên cứu Ngô, nếu mức hại của sâu chưa đến ngưỡng thì không phải trừ bằng thuốc hóa học mà có thể đi bắt bằng tay. Nếu mức hại đã quá ngưỡng cho phép (cấp hại 5, số lá bị hại 4, đường kính lỗ đục 5mm, điểm 2,25) thì có thể phun Nuvacron 0,1-0,15% để diệt sâu, song phải phun trước khi ngô trổ cờ ít nhất 10 ngày (trong trường hợp để giống). Tốt nhất cần xác định thời điểm sâu nở để phun thuốc có hiệu quả nhất. Trong trường hợp ngô thu hoạch để làm rau thì ngừng phun thuốc trước khi ngô nhú bắp ít nhất 5-10 ngày.

Luân canh với cây trồng nước như lúa, các loại rau trồng nước… để cắt đứt nguồn thức ăn liên tục của sâu trên đồng ruộng. Ở những vùng thường xuyên bị sâu gây hại nặng nên chọn những giống ngô có khả năng ít bị nhiễm sâu đục thân…

Không nên trồng nhiều vụ bắp liên tục trong năm để cắt đứt vòng đời của sâu. Không trồng bắp cùng với những cây ký chủ khác như kê, cao lương, đay… trên một cánh đồng vì sẽ luôn duy trì nguồn sâu trên đồng.

Sau khi thu hoạch, sử dụng thân cây ngô cho trâu bò ăn, làm chất đốt càng sớm càng tốt, để tiêu diệt những con sâu, con nhộng còn nằm bên trong thân cây, hạn chế sâu truyền qua vụ sau.

Ngắt ổ trứng sâu trên ruộng rồi tiêu hủy.

Theo nhanong.com.vn được kiểm duyện bởi Farmtech Vietnam.

Trồng lúa GlobalGAP

Những câu hỏi người dân luôn đặt ra là làm sao để làm ra hạt gạo chất lượng cao? Làm sao để thay đổi thói quen SX nông nghiệp không còn phụ thuộc vào thuốc BVTV hóa học? Làm sao để nhân rộng ý thức “hạt gạo sạch” cho chính những người làm ra?

Những hạt gạo sạch được tạo ra từ mô hình trồng lúa theo tiêu chuẩn GlobalGAP

SX nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn toàn cầu (GlobalGAP) chính là câu trả lời của Cty TNHH Thương mại Tân Thành. Tại huyện Tri Tôn (An Giang), Tân Thành thực hiện mô hình liên kết với nông dân làm 40ha lúa sạch. Đây là một trong 4 điểm đầu tiên tại ĐBSCL liên kết cùng Cty quyết tâm áp dụng hướng SX an toàn.

Từ vụ lúa ĐX 2013 đến nay, việc áp dụng công nghệ mới vào quy trình SX đã dần dần đi sâu vào nhận thức của người nông dân và thực sự mang lại hiệu quả rõ nét. Đây chính là nguồn động lực cho Cty tiếp tục mở rộng hướng SX GlobalGAP.

Trồng lúa GlobalGAP  mang lại hiệu quả rõ nét cho bà con ngư dân

Một trong những minh chứng cụ thể là nông dân liên kết cùng Cty tham gia áp dụng công nghệ sinh thái trồng hoa trên bờ ruộng. Mô hình tận dụng những bờ ruộng thường bỏ trống để trồng các loại hoa sao nhái, hướng dương, đậu bắp… có sắc rực rỡ dễ thu hút các thiên địch trong tự nhiên đến ruộng lúa. Trên những cánh đồng lúa GlobalGAP, thuốc BVTV hóa học được kiểm soát, ưu tiên sử dụng sản phẩm sinh học nhằm bảo vệ các thiên địch.

Những bờ ruộng đầy hoa thu hút thiên địch đến tiêu diệt các dịch hại trên đồng ruộng, góp phần giảm hoạt động sử dụng thuốc BVTV hóa học. Qua đây có thể thấy sự liên kết chặt chẽ giữa GlobalGAP và công nghệ sinh thái trong hoạt động SX nông nghiệp. Đây là bước đột phá, thay đổi thói quen canh tác và SX chạy theo sản lượng để chuyển hướng chuyên canh theo chiều sâu. Sản lượng ít nhưng giá trị vượt trội, đáp ứng nhu cầu sử dụng gạo đúng chất “sạch” của người tiêu dùng.

Vụ lúa ĐX 2015 – 2016 sắp kết thúc, trên cánh đồng SX GlobalGAP lại chuẩn bị hạt giống, ươm cây hoa con cho vụ mùa hoa tiếp theo.

Cây lúa đơm hoa trĩu hạt chuẩn GlobalGAP

Bà Trần Thị Bích Trân, Trưởng phòng Kỹ thuậ,t Cty TNHH Thương mại Tân Thành cho biết, ban đầu Cty liên kết thực hiện SX lúa theo tiêu chuẩn GlobalGAP tại Tri Tôn với 40ha, thu về 700 tấn lúa/năm. Vụ ĐX 2014-2015, Cty kết hợp cùng Chi cục BVTV An Giang triển khai mô hình công nghệ sinh thái trên toàn tỉnh An Giang, trong đó có 32ha lúa GlobalGAP, số nông dân tham gia chiếm 80% tổng diện tích SX theo tiêu chuẩn sạch của Cty.

Qua 2 năm áp dụng công nghệ sinh thái kết hợp SX lúa theo tiêu chuẩn GlobalGAP, điều rõ nét là thu hút thiên địch trên ruộng, tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường. Tới đây Cty sẽ tiếp tục triển khai mô hình công nghệ sinh thái ở Cần Thơ, Đồng Tháp, Tiền Giang, Sóc Trăng… lên hàng trăm ha.

Theo nhanong.com.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Cân bằng độ pH đất trồng bưởi sau mưa

1. Mưa lớn làm ảnh hưởng cây bưởi

Cây bưởi ưa đất trung tính hơi kiềm, có độ pH cao thường là 5,5 – 6,5. Mưa lớn khiến lớp rễ tơ của bưởi, rễ ăn màng trên lớp đất mặt bị hư hại đã ảnh hưởng lớn đến sức hấp thu dinh dưỡng, gây thiếu ăn cục bộ, đặc biệt những cây ra sai quả còn bị sốc dinh dưỡng, làm nhiều quả bị chín ép, chín non.

Mặt khác, cuối đông, đầu xuân tới được dự báo rét hơn nhiều năm gần đây sẽ kìm hãm sinh trưởng thân rễ cây trồng, như vậy là thuận lợi cho quá trình phân hóa mầm hoa vụ tới.

Nếu giai đoạn sau thu hoạch, bộ rễ cây bưởi không được hồi phục nhanh sẽ ảnh hưởng đến việc cung cấp dinh dưỡng nuôi hoa quả vụ tới, dẫn tới hiện tượng quả non bị rụng nhiều. Lường trước những khó khăn trên, việc chủ động chăm sóc cây bưởi giai đoạn sau thu hoạch cần hết sức quan tâm:

Trước hết, dùng kéo cắt bỏ triệt để những cành bị sâu bệnh, cành không có lá, cành trong tán cây, cành vượt và những cành cuống quả mới thu hoạch. Khi cắt phải cắt sát không để lại đoạn cành để hạn chế một số sâu bệnh xâm nhiễm gây hại.

Xới xáo lớp đất mặt vườn tạo độ thông thoáng giúp bổ rễ phát triển khỏe. Đồng thời bón phân hữu cơ và phân khoáng giúp cây hồi phục sau thu hoạch. Trong các loại phân vô cơ trên thị trường hiện nay, phân lân nung chảy Văn Điển và phân đa yếu tố NPK Văn Điển chứa nhiều nhất các chất dinh dưỡng thiết yếu cho cây trồng.

Phân lân nung chảy Văn Điển chứa nhiều chất dinh dưỡng, trong đó P2O5 15 – 19%, MgO 15 – 18%, SiO2 24 – 32%, CaO 28 – 34% và nhiều chất vi lượng khác như Fe, Mn,Cu,Z, Bo, Mo… Phân bón đa yếu tố NPK 5.10.3 dạng viên (N = 5%; P2O5 = 10%; K2O = 3%; S = 2%; MgO = 9%; CaO = 15%; SiO2 = 14%; ngoài ra có các chất vi lượng như B, Mn, Zn, Cu, Co… mà các loại phân bón khác không có.

Việc cân bằng độ pH là một trong những yếu tố quyết định năng suất bưởi

Lân tạo bộ rễ khỏe, hồi phục nhanh, tạo dựng bộ thân cành cứng cáp, nâng đỡ tán cây và giàn quả, giúp cây chống chịu tốt với mưa gió. Được bón đủ lân cây bưởi có bộ rễ chắc, khỏe; bộ lá to, dày, hiệu suất quang hợp tăng; nhiều hoa, sai quả, đặc biệt hiện tượng rụng quả non đợt đầu giảm rất rõ.

Canxi giúp khử chua cho đất, điều chỉnh độ pH thích hợp cho cây bưởi phát triển. Canxi giúp làm cứng thành vách tế bào. Trong dịch bào, canxi hoạt hóa nhiều enzim cần thiết cho quá trình phân chia tế bào, nhất là ở mô phân sinh đỉnh.

Magie và lưu huỳnh có vai trò nâng cao hiệu suất quang hợp của bộ lá, chuyển hóa các loại đường, tổng hợp dinh dưỡng tích lũy và nuôi thân, cành, rễ…

Các nguyên tố vi lượng (sắt, bo, đồng, kẽm, magan) tham gia hầu hết các loại men giúp quá trình đồng hóa các khoáng chất nhanh hơn, tạo điều kiện cho quá trình phân hóa mầm hoa và đậu quả.

2. Bón phân cho cây bưởi sau thu hoạch

Lượng bón nhiều hay ít phụ thuộc vào đất, tuổi cây, cũng như năng suất đã thu hoạch và tiềm năng của cây bưởi. Thường vào tháng 11 – 12 sau thu hoạch khoảng 15 – 20 ngày. Bón 10 – 20kg phân hữu cơ ủ hoai mục + khoảng 5 – 10kg phân lân nung chảy và 4 – 5kg phân NPK 5.10.3 cho mỗi gốc, giúp cho cây bưởi nhanh hồi phục sau thu hoạch, đặc biệt giúp cho bộ rễ phát triển khỏe, tạo điều kiện cho vụ xuân ra nhiều hoa, đậu nhiều quả và hạn chế hiện tượng rụng sinh lý. Đào rãnh xung quanh tán, trộn đều và bón theo rãnh đào rồi dùng đất lấp kín phân; sử dụng các loại tàn dư thực vật, cây phân xanh, rơm rạ mục tủ gốc giữ ẩm cho cây.

Lưu ý: không được tưới nước vào giai đoạn này nhằm khống chế lứa lộc đông hoặc xuân sớm. Chỉ khi xuất hiện nụ, hoa mới tưới và bón phân đón hoa. Những cây quả ít, thân lá phát triển mạnh cần phải kìm hãm sinh trưởng để kích thích phân hóa mầm hoa, bằng cách cuốc sâu và phơi khô đất vùng xung quanh gần tán cây, cách gốc khoảng 0,5 – 1,0m tùy độ rộng tán cây.

Theo Trạm Khuyến nông Phúc Thọ, toàn huyện có 600ha bưởi Diễn. Những năm trước bón phân đơn đạm, lân, kali riêng rẽ cho bưởi nhiều đợt rất tốn công. Bón nhiều đạm urê làm cho đất ngày càng chua, lá xanh đen, cành, cây dễ bị gẫy, hoa không sai, tỷ lệ đậu quả thấp, quả chín không chắc, thịt quả nhão, ăn nhạt, không thơm ngon. Bón như vậy là thiếu các chất vi lượng cây dễ sinh bệnh, do vậy cơ quan chuyên môn khuyến cáo nông dân nên bón phân NPK Văn Điển để nâng cao năng suất, chất lượng.

Bón phân cung cấp đầy đủ các yếu tố cần thiết giúp cây tăng trưởng mạnh hơn

Điển hình nông dân trồng nhiều bưởi Diễn và có kinh nghiệm lâu năm của huyện Phúc Thọ là ông Nguyễn Văn Mỡ, thôn Kim Lũ, xã Thượng Cốc. Gia đình ông có 4 sào bưởi Diễn tuổi cây 17 – 18 năm, ông cũng có lời khen về phân bón Văn Điển: “Những năm trước khi chưa bón NPK Văn Điển, bón thừa phân chuồng, phân đạm, lá xanh đen, cành cây rậm rạp hay bị sâu đục thân gây hại, gió to cành cây dễ gẫy, ít quả nhưng quả to, vỏ dày, hay bị nhám đen, ăn nhạt. Bón NPK Văn Điển cây cành khỏe, lá màu xanh sáng, hoa nhiều, tỷ lệ đậu quả cao, khi chín vỏ quả mỏng nhẵn, màu da đồng, nặng tay, tôm vàng óng mọng nước và tăng hương vị ngọt thanh, thời gian bảo quản được lâu hơn”.

Về phía Nam Hà Nội, huyện có nhiều bưởi Diễn là Chương Mỹ với diện tích trên 500 ha. Khác với huyện Phúc Thọ đất trồng bưởi của Chương Mỹ chủ yếu tập trung ở vùng đồi Xuân Mai. Nơi đây đất chua, nghèo dinh dưỡng nhất là thiếu các chất vi lượng nên bón phân Văn Điển cho bưởi Diễn càng có hiệu quả.

Do đất Chương Mỹ là vùng đồi nghèo mùn, kết cấu dời dạc do có nhiều sỏi đá lên khả năng hấp thụ và lưu giữ phân kém. Phân lân Văn Điển hoặc NPK Văn Điển có loại lân chậm tan, lân không hòa tan trong nước, cây cần đến đâu phân hòa tan đến đó nên hạn chế bị rửa trôi. Ngoài ra, trong phân còn có tỷ lệ canxi (vôi) khá và đầy đủ các chất vi lượng nên càng phù hợp với đất trồng bưởi Diễn ở Chương Mỹ”.

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Hiệu quả trồng ngô lai trên đất lúa

Vụ HT 2017 Trung tâm Khuyến nông tỉnh TT – Huế phối hợp với Trạm Khuyến Nông lâm ngư huyện A Lưới và UBND xã Hồng Quảng triển khai mô hình trồng 5ha ngô lai trên đất lúa giúp bà con chuyển đổi cây trồng và sử dụng toàn bộ diện tích thiếu nước để SX hiệu quả.

Ngô gieo trồng từ giữa tháng 6, sau khi thu hoạch vụ ngô trước đó. 39 hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% giống, phân bón, thuốc BVTV. Bên cạnh đó còn được tập huấn kỹ thuật làm đất, gieo hạt, bón phân chăm sóc.

Trồng ngô lai trên đất lúa mang lại hiệu quả cao

Kết quả cho thấy giống ngô lai LVN 10 có thời gian sinh trưởng 120 ngày, chiều cao cây trung bình 120cm, phù hợp với điều kiện SX của địa phương. Năng suất bình quân đạt 62 tạ/ha.

Về hiệu quả kinh tế, trên 1ha diện tích đất SX, với chi phí bỏ ra thấp hơn so với làm lúa, thực hiện mô hình trồng ngô lai cho thu nhập 16.050.000đ/ha, cao hơn 3.260.000 đ/ha và lợi nhuận 10.050.000 đ/ha, cao hơn 4.460.000 đ/ha so với trồng lúa thịt.

Theo Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.