Sốt giống lúa OM18

Tuy mới chuẩn bị bước vào đầu vụ ĐX 2019-2020 nhưng giống lúa OM18 đang dấy lên cơn sốt chưa từng có, làm thay đổi hoàn toàn cơ cấu giống của Viện Lúa ĐBSCL cung ra thị trường so với những năm qua.

 

Giống lúa OM 18.

 

Thông tin trên được Trung tâm Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và Sản xuất nông nghiệp (Viện Lúa ĐBSCL) cho biết. Hiện nay, Viện lúa chỉ đáp ứng giống cấp siêu nguyên chủng và giống nguyên chủng cho các đơn vị sản xuất giống. Trong khi đó giống cấp xác nhận hầu như không đủ bán trước nhu cầu đang tăng cao.

Trên thực tế, giống lúa OM18 đã được chuyển giao từ hơn 4-5 năm qua. Nông dân huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau sau khi thực hiện các mô hình trình diễn ban đầu nhận thấy giống thích nghi, chống chịu hạn, mặn tốt.

Hơn nữa, nhờ đặc tính kháng rầu nâu và bệnh đạo ôn khá tốt, năng suất cao, nhất là chất lượng hạt gạo trắng trong, cơm thơm nhẹ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và tiêu dùng gạo nội địa nên OM18 được thương lái đặt cọc mua từ đầu vụ. Từ đó, nông dân chuyển sang chọn canh tác giống lúa OM18 càng nhiều, diện tích tăng nhanh, lấn át giống lúa OM5451 trên địa bàn các tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu…

Lúa gạo OM 18

 

Giống lúa OM18 có nguồn gốc từ tổ hợp lai OM8017/OM5166 được lai tạo bởi Bộ môn Công nghệ sinh học, Viện Lúa ĐBSCL. OM18 là giống lúa ngắn ngày, có thời gian sinh trưởng 95-100 ngày (lúa sạ), 100-105 ngày (lúa cấy), chiều cao cây 100-110 cm, cứng cây: độ 1, đẻ nhánh khỏe. Năng suất vụ ĐX 7-8 tấn/ha, vụ HT 5-6 tấn/ha. Phẩm chất gạo: Tỷ lệ gạo lức 78-79%, gạo trắng 67-68%; gạo nguyên 40-45%. Chiều dài hạt gạo 7,0-7,1 mm. Hạt gạo thon dài, cơm mềm và ngọt. Tính chống chịu: Kháng đạo ôn (cấp 2), hơi nhiễm rầy nâu (cấp 5), chống chịu mặn 3-4‰

Giống canh tác được các vụ trong năm, thích hợp cho các vùng sinh thái ở ĐBSCL và vùng nhiễm mặn.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

 

Nuôi ốc hương thu tiền tỷ trên xứ gió Lào, cát trắng

Sau mấy năm nuôi tôm thất bát, anh Phạm Văn Nghĩa (xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) chuyển qua nuôi ốc hương sạch cho hiệu quả kinh tế cao.

 

Sau nhiều năm bôn ba làm ăn ở khắp nơi, anh Nghĩa đã quyết định trở về quê hương lập nghiệp. Năm 2009, anh đã mạnh dạn đấu thầu 8 nghìn m2 đất của địa phương ở vùng ven biển để đầu tư nuôi tôm.

Nuôi tôm trên cát như “đánh bạc với trời”, vụ được, vụ mất. Vòng quay vay nợ, trả nợ làm cho vợ chồng anh Nghĩa tái mặt mà cũng chắng tích cóp được mấy đồng vốn. Đến năm 2017, nhận thấy nghề nuôi tôm khó khăn, anh Nghĩa đã mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích sang nuôi ốc hương.

Trang trại nuôi ốc hương của anh Nghĩa.

 

“Cũng là cái duyên”- anh Nghĩa mở đầu câu chuyện. Chuyện là khi đang bí về việc nên theo đuổi nghề tôm như đánh bạc hay không thì anh Nghĩa kết bạn được với thanh niên trẻ Nguyễn Bình Dương.

Dương là người đã từng có kinh nghiệm nuôi ốc hương cho các ông chủ ở các tỉnh phía Nam. Thấy vùng đất có tiềm năng nên Dương động viên anh Nghĩa chuyển nghề.

“Theo lý thuyết, ốc hương thả nuôi từ tháng 1 thì đến tháng 10 là cho thu hoạch. Tuy nhiên, vào tháng thứ 9 là thu hoạch được. Việc thu hoạch được lựa chọn những con ốc to (loại 70-80 con/kg) để bán. Loại bé hơn được nuôi tiếp. Khi bạn hàng hoặc thương lái có nhu cầu là mình bán”- anh Nghĩa cho biết.

Những ngày đầu thử nghiệm, với loại vật nuôi mới lạ, vợ chồng anh Nghĩa không khỏi lo lắng và gặp nhiều khó khăn. Ngoài những kinh nghiệm được Dương truyền lại, anh Nghĩa đã chịu khó tìm tòi, tham khảo kiến thức nuôi ốc hương qua các phương tiện thông tin đại chúng. Ngoài ra, Trung tâm Khuyến nông – khuyến ngư Quảng Bình cũng đã tích cực hỗ trợ mô hình.

Nhờ đó, anh đã áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trong các khâu xử lý ao hồ, gây tạo màu tảo, bảo đảm độ pH, thức ăn, nhiệt độ, môi trường nước…

Giống nuôi được lấy từ các cơ sở chất lượng cao ở Khánh Hòa, Bình Thuận. Từ lúc thả cho đến ốc hương trong vòng 3 tháng, thức ăn phải chọn các loại tôm tươi, sạch và bóc vỏ.

Sau nuôi được 3 tháng ngoài tôm tươi, còn phải bổ sung thêm các loại cá biển tươi. “Nếu sử dụng thức ăn như tôm, cá không tươi thì ốc sẽ sinh bệnh ngay”- anh Nghĩa cho hay.

Kiểm tra sinh trưởng của ốc.

 

Buổi sáng, khi chúng tôi đến trang trại, đã thấy anh Nghĩa xuất bán cho bạn hàng hơn 2 tạ ốc hương. “Giá mỗi kg là 350 ngàn đồng. Đó là giá trung bình thấp. Khi giá lên, có thể bán được từ 450-500 ngàn đồng/kg”- anh Nghĩa bộc bạch.

Hiện anh Nghĩa có 4 hồ nuôi. Mỗi hồ có diện tích 1.500m2. Qua 2 vụ, ốc hương sinh trưởng và phát triển tốt, cho thu nhập cao. Năm trước, sản lượng đạt 15 tấn, từ ốc hương cho lãi 1,5 tỷ đồng. “Năm nay, sản lượng và giá cả có ổn hơn nên số lãi chắc cũng có nhích lên chút”- anh Nghĩa cho biết thêm.

Ốc hương là loài dễ nuôi, ít dịch bệnh, chi phí mua giống khá lớn nhưng lại cho giá trị kinh tế cao, đầu ra sản phẩm ổn định. Tuy nhiên, bạn hàng của anh Nghĩa mới chỉ trong nước, phục vụ cho nhu cầu của các nhà hàng hướng đến khách hàng cao cấp.

Hiện nay, trang trại của anh Nghĩa tạo việc làm quanh năm cho 10 lao động. Hầu như mọi lao động đều được ăn, nghỉ tại chỗ và có thu nhập 10 triệu đồng/tháng.

Anh Phạm Đình Dương, cán bộ kỹ thuật chia sẻ: “Trước đây, tôi phải bôn ba vào các tỉnh phía Nam làm thuê để kiếm sống với nghề nuôi trồng thủy hải sản. Nhưng từ khi được cộng tác với anh Nghĩa làm ở đây, tôi vừa làm ở gần nhà, giúp đỡ phần nào cho gia đình, vừa có đồng lương ổn định. Ngoài ra còn có tiền thưởng nên anh em ai cũng phấn khởi và có trách nhiệm, gắn bó với công việc”.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – khuyến ngư tỉnh Quảng Bình: “Đây là dự án nuôi ốc hương đầu tiên của tỉnh được trung tâm hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, một phần con giống và thức ăn. Mô hình thành công sẽ là điểm nhấn mở rộng cho những vùng ven biển có điều kiện tốt”.

Chia sẻ những khó khăn trong quá trình nuôi ốc hương, anh Nghĩa cho hay, thời tiết là vấn đề đáng quan tâm. Ốc hương thích nghi với tiết thu dịu mát. Nhưng ở Quảng Bình nắng mưa thất thường. Lúc thì quá nóng và kéo dài, khi thì quá lạnh đột ngột.

“Vậy nên cần điều tiết nước cho phù hợp. Điều này cần phải có kinh nghiệm chứ không phải ai cũng làm được”- anh Nghĩa nói.

Đưa chúng tôi xem hồ nuôi ốc hương thương phẩm rồi anh Nghĩa chỉ tay về phía vùng đất sát bên. Định hướng tới là anh sẽ mở rộng thêm 4 hồ nữa để tăng sản lượng và thu nhập.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyết bởi Farmtech Vietnam

Nuôi Tôm thâm canh hai giai đoạn công nghệ Biofloc

Với mục đích nhân rộng và hoàn thiện quy trình nuôi tôm có hiệu quả, năm 2019, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị đã triển khai mô hình nuôi tôm thâm canh hai giai đoạn công nghệ Biofloc.

 

Kích cỡ tôm tại thời điểm nghiệm thu.

 

Mô hình được Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị triển khai ở 2 điểm, là xã Hải Khê, huyện Hải Lăng và xã Triệu An, huyện Triệu Phong, gồm 3 hộ tham gia nuôi, với diện tích từ 2.500- 3.500 m2/hộ. Mô hình triển khai với phần kinh phí hỗ trợ con giống tôm thẻ chân trắng là 50%; thức ăn công nghiệp là 50%; phần còn lại hộ tham gia mô hình đóng góp.

Quá trình chăm sóc quản lý bao gồm 2 giai đoạn ương và nuôi. Giai đoạn ương sử dụng quy trình theo công nghệ Biofloc ít thay nước.

Trong quá trình ương, tôm giống được ương ở ao ương nhỏ với hệ thống sục khí đáy đầy đủ để duy trì mật độ Biofloc ổn định đã góp phần cung cấp đủ lượng oxy hỗ trợ sức khỏe tôm, mặt khác mật độ Biofloc phù hợp cũng tạo ra môi trường nuôi ổn định, giảm stress cho tôm nuôi, tỷ lệ sống cao đạt 95%. Kết quả nuôi cho thấy trong giai đoạn ương tôm trong 30 ngày đầu chi phí giảm hơn so với các năm trước nuôi 1 giai đoạn, ước tính chi phí giảm khoảng 15- 20%.

Sau thời gian gần 1 tháng tiến hành san xuống ao nuôi thông qua ống xả đáy của ao ương. Việc san tôm thông qua ống xả trực tiếp, không gây xây xát ảnh hưởng sức khỏe tôm nên tôm đạt tỷ lệ sống cao.

Về tốc độ sinh trưởng, phát triển thì tôm ương giai đoạn 1 phát triển tốt, sau 30 ngày nuôi trước khi san đạt kích cỡ 950 con/kg. Hiện nay sau 2 tháng nuôi tại ao thương phẩm tôm đạt kích cỡ 57- 60 con/kg, đáp ứng yêu cầu của mô hình.

So sánh với quy trình nuôi tôm 1 giai đoạn thả tôm trực tiếp xuống ao nuôi thì quy trình 2 giai đoạn tôm sinh trưởng và phát triển tốt không thấy xuất hiện hội chứng tôm chết sớm. Kích cỡ con giống lớn, sạch và đẹp. Đặc biệt trong quá trình ương nếu xảy ra sự cố thì mức độ thiệt hại thấp hơn nhiều so với nuôi 1 giai đoạn.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Hơn 10.000 cây cam được cấp “chứng minh thư điện tử”

Trong khi con người vẫn chỉ sử dụng chứng minh thư thông thường khá bất tiện cho việc truy cứu dữ liệu thì nhiều loại cây, con đã được cấp “chứng minh thư điện tử”, chỉ cần giơ điện thoại có kết nối mạng ra là thấy rõ cả phả hệ, tông tích…

 

Hơn 10.000 gốc cam Xuân Canh được gắn mã truy xuất nguồn gốc.

 

Khó có thể nhập nhèm

Khi tiết trời Hà Nội bắt đầu chuyển sang thu cũng là lúc những hộ dân tại xã Xuân Canh (huyện Đông Anh, Hà Nội) tất bật với những quả cam chín mọng. Những đặc điểm thuận lợi về thời tiết, thổ nhưỡng và sự cần cù của người dân địa phương đã tạo nên thương hiệu Cam Xuân Canh nức tiếng gần xa.

Toàn xã hiện có tới 23 ha chuyên trồng cam với khoảng 20.000 gốc cam đang được chăm sóc trong đó có hơn 10.000 cây đã cho quả và có thể thu hoạch vào tháng 10 năm nay.

Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Xuân Nhạ – Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Canh cho biết: “Dự kiến sản lượng cam Xuân Canh năm nay sẽ đạt khoảng 250 tấn, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Thành công này sẽ mang lại cho mỗi hộ dân thu nhập bình quân lên tới 500 triệu đồng”

Cam Xuân Canh có hương thơm nhẹ, vị ngọt đậm đà và mẫu mã đẹp nên mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Đặc biệt, tại Xuân Canh, phân bón hóa học và các chất bảo vệ thực vật được hạn chế tối đa trong hoạt động canh tác, thay vào đó người dân chuyển dần sang sử dụng sản phẩm phân bón hữu cơ vi sinh.

Sự thay đổi trên, một mặt đảm bảo năng suất cây trồng và các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, mặt khác giúp bảo vệ môi trường và sức khỏe của người bà con nông dân trong quá trình làm vườn. Vì vậy, thương hiệu cam Xuân Canh được người tiêu dùng đặc biệt tin tưởng và lựa chọn.

Tuy nhiên, bên cạnh các sản phẩm cam địa phương chất lượng cao, thị trường nông sản Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện những loại cam không rõ xuất xứ với giá dao động từ 15.000 – 70.000 đồng/kg. Trên thực tế, không phải ai cũng biết cách nhận diện chính xác đâu là cam ngon và sạch.

Vì vậy, chính quyền huyện Đông Anh đã phối hợp với Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển (IDE) triển khai thực hiện gắn mã QR truy xuất nguồn gốc lên sản phẩm cam của Xuân Canh. Đây là một bước đi quan trọng trong việc phát triển và bảo vệ thương hiệu cam Xuân Canh.

Hệ thống thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc nông sản được huyện Đông Anh triển khai bắt đầu từ đầu năm 2019 và được áp dụng trên mô hình cam Xuân Canh từ tháng 7/2019. Hiện nay trên toàn xã có khoảng 20.000 gốc cam, trong đó có hơn 10.000 cây đã ra quả và được gắn mã vạch.

Theo ông Hoàng Văn Nhạ, Chủ tịch Hội Nông dân Xã Xuân Canh, sau khi đăng ký gắn mã truy xuất nguồn gốc cho nông sản, các chủ vườn sẽ được cấp tài khoản quản trị để cập nhật thông tin về nông sản.

Trên cơ sở đó, người tiêu dùng có thể theo dõi toàn bộ quá trình của cam Xuân Canh, từ khi cây mới ra hoa cho tới khi được đóng hộp xuất ra thị trường, thậm chí cả việc cây sử dụng phân bón gì và bón ngày bao nhiêu cũng được hiển thị tại đây.

Toàn bộ thông tin trên đều được công khai, minh bạch, không ai có thể thay đổi được. Hệ thống cũng sẽ tự định vị vị trí nơi sản xuất để đảm bảo thương hiệu của cam Xuân Xanh không bị làm giả.

Sau khi dán mã truy nguồn gốc, cam Xuân Canh bán ra thị trường với giá buôn khoảng 25.000 đồng/kg và từ 40.000 – 50.000 đối với bán lẻ. Thị trường tiêu thụ chủ yếu ở thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận. Các thông tin về nông sản cũng được cập nhật trên Hệ thống thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thành phố Hà Nội tại địa chỉ https://hn.check.net.vn/.

Sản phẩm cam Xuân Canh được cập nhật trên trang chủ của Hệ thống thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thành phố Hà Nội.

 

Theo bà Phạm Thị Lý, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương (Đông Anh), Giám đốc Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển (IDE), so với phương pháp truy xuất nguồn gốc truyền thống là ghi chép bằng tay và lưu trữ bằng giấy tờ sổ sách, việc truy xuất nguồn gốc bằng mã QR tiện lợi và đầy đủ thông tin hơn rất nhiều.

Sắp tới, Hợp tác xã và chính quyền địa phương sẽ tiếp tục triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc qua mã QR trên các mặt hàng nông sản khác như quất cảnh, cà chua, khoai tây, khoai lang…

 

Giấc mơ xuất ngoại

Từ bao đời nay, xuất xứ của sản phẩm vẫn luôn được người tiêu dùng đặc biệt quan tâm, nhất là trong thời buổi thật giả lẫn lộn vấn đề này lại càng quan trọng. Hiện nay trên thị trường, chỉ nói riêng cam đã có tới cả chục loại khác nhau, gồm cả cam của các địa phương lẫn cam nhập khẩu từ nước ngoài. Điều này khiến người tiêu dùng không khỏi hoang mang, vì vậy việc minh bạch thông tin xuất xứ là cơ sở quan trọng để người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu.

Về phía doanh nghiệp và bà con nông dân, việc hướng tới sản xuất nông sản gắn với truy xuất nguồn gốc là giải pháp hữu hiệu để quản lý tình trạng từng cây cam và tiến độ phân phối của cam trên thị trường. Sự tin tưởng của người tiêu dùng cũng là yếu tố quan trọng giúp nâng cao uy tín của thương hiệu cam Xuân Canh.

Việc gắn mã truy xuất nguồn gốc còn là bước đi quan trọng giúp tăng tính cạnh tranh của cam Xuân Canh trên trường quốc tế. Thực tế cho thấy, thị trường các nước trong khu vực yêu cầu rất khắt khe về nguồn gốc xuất xứ của nông sản và các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.

Cụ thể, từ đầu năm 2019, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã yêu cầu bắt buộc truy xuất nguồn gốc với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, đối với các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore thì yêu cầu còn cao hơn nữa.

Trên thực tế, công nghệ truy xuất nguồn gốc đã được áp dụng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới nhưng còn khá mới ở Việt Nam. Vì vậy khi triển khai cũng gặp phải không ít khó khăn. Cụ thể, việc thực hiện các thao tác truy xuất nguồn gốc trên các thiết bị điện tử còn khá mới mẻ và khó khăn đối với người dân ở các vùng nông thôn, kinh tế chưa phát triển.

Bên cạnh đó, trang chủ của Hệ thống thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thành phố Hà Nội vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện nên chưa có tính năng song ngữ, đây là một hạn chế đối với nông sản Việt khi xuất sang thị trường nước ngoài.

Nhìn chung, dù mới triển khai nhưng hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản đã mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp cũng như người nông dân và người tiêu dùng. Những thành công từ mô hình cam Xuân Canh là cơ sở tiền đề và bài học kinh nghiệm để các HTX khác trên cả nước áp dụng và phát triển cho nông sản của địa phương.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Mít ruột đỏ thu tiền tỷ

Với hương vị thơm ngon, lạ miệng, càng để lâu càng ngọt và mềm, giống mít ruột đỏ Indonesia được nhiều người ưa chuộng, mặc dù giá cao gấp đôi, gấp 3 so với các loại mít thường.

 

Cây Mít giống tại vườn ươm của HTX.

 

Người mang loài mít đặc biệt này về trồng là ông Nguyễn Viết Vị, Giám đốc HTX Phước Thiện, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước.

Nói về cơ duyên với cây mít ruột đỏ, ông Vị cho biết, năm 2015, trong chuyến đi công tác tại Indonesia, ông tình cờ được giới thiệu và dùng thử mít ruột đỏ. Những múi mít có cùi dày, ăn dai, vị ngọt thanh, nên ông tò mò tìm hiểu.

Ông thấy giống mít này dễ trồng, năng suất cao, sinh trưởng trong điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng khá giống với bên mình. Điều khiến ông thích nhất là múi mít có màu đỏ bắt mắt và hương vị rất đặc biệt, có pha lẫn hương dầu chuối… Sau khi tìm hiểu kỹ, ông quyết định mua 100 cây giống về trồng thử.

Sau 2 năm trồng, cây đã cho lứa trái đầu tiên. Ngay lập tức những trái mít ruột đỏ đã được người tiêu dùng hào hứng đón nhận vì hương vị thơm ngon, có bao nhiêu thương lái đặt hàng hết bấy nhiêu, dù giá lên tới 60 ngàn đồng/kg.

Xác định đây là cây trồng tiềm năng, HTX đã triển khai trồng đại trà 20ha chuyên canh mít ruột đỏ. “Giống mít này có khả năng thích nghi với điều kiện khí hậu nước ta khá tốt. Cây có khả năng chịu hạn cao, phát triển trên mọi loại đất ở Bình Phước. Vì trồng theo chuẩn VietGAP, chỉ dùng phân vi sinh, nên chi phí đầu tư rất thấp, bình quân mỗi gốc mít chỉ tốn 50 ngàn 1 năm.

Cây trưởng thành có thể cho 15-30 trái, mỗi trái nặng khoảng 10kg. Nếu chăm sóc đúng kỹ thuật, trái có thể nặng tới 14-15kg. 1ha đất trồng khoảng 270 cây, giá mít đang duy trì ổn định từ 40 – 60 ngàn đồng/kg, HTX thu cả chục tỷ đồng/năm sau khi trừ chi phí”, ông Vị cho biết.

Anh Lưu Anh Trung, thành viên HTX Phước Thiện chia sẻ, gia đình anh có 2ha đất chuyên canh cây tiêu. Thời hoàng kim của cây tiêu mỗi năm anh thu nhập cả tỷ đồng. Nhưng mấy năm nay, thời tiết thất thường, sâu bệnh phát triển mạnh, giá tiêu xuống thấp, trong khi chi phí đầu tư tăng cao… nên lỗ nặng.

 

Anh Lưu Anh Trung bên vườn Mít ruột đỏ 2 tuổi của gia đình.

 

“Khi HTX vận động tham gia dự án liên kết trồng mít, tôi hơi do dự vì vốn liếng không có. Nhờ sự hỗ trợ của HTX, năm 2017, tôi chuyển toàn bộ vườn tiêu sang trồng mít ruột đỏ. Hiện 600 gốc mít mới ra trái đợt đầu, mỗi ngày cũng kiếm được gần 1 triệu đồng”, anh Trung hồ hởi nói.

Ông Nguyễn Viết Vị cho biết: Mục tiêu của HTX là liên kết nông hộ, sản xuất tập trung theo quy trình VietGAP, cho ra sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, ổn định đầu ra. Ngoài ra, liên kết sản xuất cũng góp phần giảm phí đầu tư, tăng thu nhập.

“Nhằm giúp bà con nông dân có những cây giống tốt, HTX đã xây dựng vườn ươm từ những cây giống đầu dòng. Trung bình mỗi tháng HTX cung cấp hàng ngàn cây giống chất lượng với giá 40 ngàn đồng/cây, rẻ hơn ngoài thị trường từ 5-10 ngàn đồng, chỉ thu trước 50%, còn lại chờ thu hoạch mới thu hết. Bên cạnh đó, HTX cũng cam kết thu mua mít thương phẩm cho bà con trong tỉnh, nhưng phải trồng đúng theo quy trình sạch”, ông Vị nói.

Nói về đầu ra của sản phẩm, ông Vị cho biết, ngoài thương lái đến mua tận vườn, HTX cũng ký kết hợp đồng cung cấp sản phẩm với các siêu thị như Coop Mart, Big C… Ngoài ra, HTX còn thường xuyên tham gia các hội chợ kết nối cung – cầu, xúc tiến đầu tư. Nhờ vậy, mít ruột đỏ không chỉ đến tay người tiêu dùng trong nước mà được nhiều nước trên thế giới ưa chuộng nhập hàng như Trung Quốc, Ấn Độ…

Hiện tại, ngoài 18 thành viên, HTX Phước Thiện còn liên kết với hơn chục hộ trên địa bàn tỉnh trồng mít ruột đỏ, trung bình mỗi hộ có từ 2 – 10ha, đều thu nhập ổn định từ 200 triệu đồng/năm trở lên.

Ngoài cây mít ruột đỏ, HTX Phước Thiện còn trồng các loại cây ăn quả khác như mít lá bàng, ổi ruột đỏ, chuối tím, vú sữa hoàng kim và xây dựng trang trại chăn nuôi gà, heo quy mô lớn để tăng thu nhập cho xã viên.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Kinh nghiệm nuôi Tôm sạch ở Sóc Trăng

Vùng ven biển Vĩnh Châu, Sóc Trăng từ đầu tháng 10/2019 đến nay mưa ngớt dần, nhiều khả năng hạn sẽ tới sớm. Dự báo trồng trọt sẽ thiếu nước tưới, nuôi tôm đối mặt với dịch bệnh.

 

Ao nuôi Tôm của trại Tân Nam (Vĩnh Châu, Sóc Trăng)

 

Hiện một số địa phương ở Sóc Trăng phát hiện tôm bị bệnh vi bào tử trùng (EHP), bệnh nặng hơn là phân trắng khiến bà con chưa dám thả tôm giống vụ 2.

Vừa qua, một công ty sản xuất tôm giống có thương hiệu lớn đã tổ chức hội thảo về vấn đề bệnh do vi bào tử trùng và phân trắng trên tôm. Tại đây, các nhà khoa học của công ty này cho biết, hiện tại vùng nuôi tôm tập trung của Ấn Độ, dịch bệnh trên đang bùng phát và gây thiệt hại nặng. Vùng nuôi này cũng sử dụng một kênh vừa cấp vừa thoát tương tự như vùng nuôi tôm Mỹ Thanh của Sóc Trăng, nên dịch bệnh lây lan rất nhanh.

Cũng theo các chuyên gia nuôi tôm của công ty trên, đối với 2 bệnh này hiện chưa có thuốc trị, giải pháp tốt nhất là ngăn ngừa từ xa bằng cách sản xuất “4 sạch”.

Trước hết là sạch về con giống. Con giống trước khi xuất bán được kiểm tra 10 loại dịch bệnh, khi nào tất cả đều âm tính, mới cho xuất bán ra thị trường. Nếu kiểm tra không đạt sẽ hủy bỏ toàn bộ. Thực tế cho thấy, các trang trại lớn nuôi tôm khi nhận con giống của công ty về kiểm lại đều không phát hiện bệnh. Nhưng đối với con giống một số công ty khác khi kiểm dịch, thỉnh thoảng vẫn có dương tính với một số loại bệnh.

 

Nước sạch là yếu tố rất quan trọng trong nuôi tôm.

 

Vấn đề thứ hai là nước sạch. Để có nước sạch, quy trình xử lý rất quan trọng, bởi cần làm cho môi trường nước không còn chỗ cho vi khuẩn gây hại bám, bám víu (không có giá thể), nhất là chất rắn lơ lửng vì vi bào tử trùng rất khó diệt.

Do đó, cần làm cho tất cả chất rắn lơ lửng lắng xuống đáy, sau đó bơm lấy nước trong tầng trên cũng hạn chế được vi bào tử trùng. Hoặc có giải pháp hạ pH đến ngưỡng phù hợp (khoảng 6) nhằm phá hủy lớp bảo vệ của vi bào tử trùng, sau đó có giải pháp nâng pH lên lại cho phù hợp với con tôm.

Tôm sạch và nước sạch là 2 yếu tố cơ bản quyết định đến thành công của vụ nuôi tôm. Nhưng để phòng ngừa 2 bệnh trên, cần phải sạch thêm các dụng cụ, trang thiết bị, con người, phương tiện phục vụ ao nuôi (khử trùng kỹ trước khi sử dụng). Thậm chí ngay cả ao lót bạt, sau vài năm nuôi cũng cần dỡ lên, bón thêm vôi vào phần đất đáy ao sau đó mới lót bạt trở lại.

Theo các nhà khoa học chuyên ngành thủy sản, nuôi tôm, nếu không có giá thể chỉ sau khoảng 15 phút là vi bào tử trùng sẽ chết. Nhưng trong điều kiện thực tế, giá thể của vi bào tử trùng rất đa dạng, chứ không chỉ có trong chất rắn lơ lửng hay thức ăn dư thừa, phân tôm…Do đó việc khử trùng toàn bộ một cách kỹ lưỡng là rất cần thiết để ngăn ngừa dịch bệnh vào ao nuôi.

Nuôi tôm trúng vụ.

 

Kinh nghiệm từ mô hình nuôi ao nổi cũng là cách phòng bệnh tốt vì đáy ao nuôi luôn sạch, vừa tiết kiệm được năng lượng, tăng oxy hòa tan. Tuy vậy có điều khi thu hoạch tốn công dọn dẹp hệ thống oxy rất nhiều.

Từ mô hình nuôi tôm giống “4 sạch”, trại nuôi tôm Tân Nam ở Vĩnh Châu của Công ty Sao Ta thả nuôi vụ chính (vụ 1 năm 2019) mật độ 250 con/m2.

Kết thúc vụ 1 thu hoạch khá tốt, tỷ lệ tôm đạt đầu con trên 90%, trong khi trung bình chỉ cần đạt 70% là xem như trúng vụ. Thành công của Tân Nam ở các vụ nuôi vừa qua, nuôi đạt theo tiêu chuẩn ASC và BAP là do sử dụng quy trình nuôi riêng và đặc biệt là luôn thả nuôi đúng thời vụ theo thực tế thời tiết của vùng.

Trong vụ 2 Tân Nam đã thả nuôi dứt điểm với 200 ao, nhưng mật độ thả giảm xuống còn 200 con/m2. Đến nay những ao thả đầu tiên đến nay đã qua hơn 2 tháng. Nhờ thời tiết dứt mưa nên tình hình chung nuôi tôm khá thuận lợi.

Hơn nữa kinh nghiệm nuôi tôm của Tân Nam cho thấy việc sử dụng vi sinh tự nghiên cứu để chiếm chỗ đáy ao nuôi, hạn chế vi khuẩn có hại. Trong khi đa số người nuôi tôm rất sợ nắng nóng dễ phát sinh vi khuẩn vibrio para, nhưng với trại Tân Nam nắng là tốt.

Trước đây, mỗi ngày trại chỉ sản xuất 2.000 lít vi sinh, năm nay tăng lên đến 4.000 lít/ngày. Đây là một trong điểm tạo nên thành công của trại nuôi và là mơi có một không hai về tự chủ nguồn vi sinh có hiệu quả.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Một số lưu ý canh tác lúa trong mô hình tôm – lúa ĐBSCL

Một số lưu ý đó là các khâu: chọn giống, thời vụ gieo cấy, bón phân, quản lý dịch hại tổng hợp, quản lý nước và thu hoạch – sau thu hoạch.

 

Mô hình canh tác Tôm – Lúa ở ĐBSCL

1. Mô hình tôm – lúa có tính bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu

Việc nuôi tôm sú (nước lợ) tiến hành trong mùa khô khi nước mặn xâm nhập vào ruộng (thời gian nuôi bắt đầu khoảng tháng 1 và kết thúc vào tháng 6) và mùa mưa có nước ngọt thì trồng lúa: Canh tác lúa trong mùa mưa (từ tháng 7 đến tháng 12) khi đã cải thiện được xâm nhập mặn và có đủ nước ngọt cho sản xuất lúa.

Mô hình lúa – tôm đem lại lợi nhuận khá cao trên cùng diện tích đất: Trồng lúa trong vuông tôm giúp cải thiện môi trường đất, từ đó giảm thiểu dịch bệnh trong quá trình nuôi tôm (do các chất hữu cơ được khoáng hóa và cây lúa hấp thu dần trong quá trình canh tác).

Sau vụ tôm tiến hành trồng lúa giảm đầu tư phân bón (tận dụng xác bã thực vật, lượng thức ăn thừa của tôm), giảm dịch hại (do luân canh) chất lượng lúa gạo rất cao (lúa sạch, lúa hữu cơ) hạn chế tối đa việc dùng phân bón, thuốc hóa học. Năng suất nuôi tôm – lúa trên 1 ha bình quân đạt khoảng 300 – 500 kg tôm và 4 – 7 tấn lúa. Chi phí sản xuất trung bình 30 – 35 triệu đồng/ha, lợi nhuận thu được trung bình 35 – 50 triệu đồng/ha/năm.

2. Một số lưu ý về canh tác lúa trong mô hình.

2.1. Chọn giống:

– Các giống lúa canh tác phổ biến ở hầu hết các tỉnh là giống lúa mùa địa phương: Một bụi đỏ, Tài nguyên, Một bụi lùn Minh Hải hoặc giống lúa trung mùa ST 24, một số vùng sản xuất bằng giống lúa ngắn ngày: OM5451, OM6976, OM7347, OM 4498, OM 2517, OM5464, OM5464, OM5981, IR 50404… Năng suất lúa biến động rất lớn, từ 3 – 6 tấn/ha tùy theo mức độ thâm canh của từng vùng.

 

2.2. Thời vụ gieo cấy:

Chủ yếu là mưa đều, rửa mặn xong (độ mặn dưới 1 phần ngàn) mới gieo sạ.

Đối với giống nhóm B (thời gian sinh trưởng tương đương 120 ngày): Gieo sạ từ 10/8 – 30/8.

Các giống lúa mùa có thể gieo mạ từ 20/7 – 30/7.

Đối với giống nhóm A1 (thời gian sinh trưởng từ 90-100 ngày): Gieo sạ từ 01/9 – 20/9.

Lượng giống sạ: 80-100kg/ha. Sử dụng giống xác nhận.

 

2.3. Bón phân:

Trên đất nuôi tôm do lớp bùn non rất tốt đủ sức nuôi cây lúa trong tháng đầu, nếu bón phân sớm, nhất là phân đạm rất dễ bị bệnh đạo ôn (cháy lá) tấn công, nhưng lớp bùn sẽ bị lúa hút hết sau 1 tháng, nên các lần bón sau rất quan trọng, chú ý nhẹ đầu nặng cuối và khi bón phân cần cân nhắc đến điều kiện đất đai, thời tiết và tình hình của cây lúa mà điều chỉnh cho phù hợp.

Bón lót: Bà con không nên bón nhiều phân đạm, cần bón nhiều phân lân và can-xi để giải độc chất hữu cơ, giải độc phèn. Đồng thời, cung cấp chất lân cho bộ rễ lúa phát triển mạnh trong giai đoạn đầu, nhằm tăng khả năng chống chịu của cây lúa trong điều kiện bất lợi. Các nhà khoa học khuyến cáo đầu vụ, trước khi gieo sạ, bà con có thể bón lót phân chuyên dùng Đầu Trâu Mặn Phèn với lượng bón 100 – 160 kg/ha.

Bón thúc: Giai đoạn 10 ngày không bón, cây lúa hấp thu dinh dưỡng từ lớp bùn non của ruộng. Chỉ bón thúc đẻ 18-22 ngày sau sạ cần bón đầy đủ và cân đối giữa NPK + trung vi lượng: Bón 100-150kg Đầu Trâu TEA1 (gia giảm tùy theo lúa tốt xấu).

Bón đón đòng: trước khi lúa vào giai đoạn tượng đòng cần tạo điều kiện cho cây lúa chuyển sang màu vàng (xiết nước giữa vụ), khi lúa chuyển vàng, bóc ra có tim đèn (đòng đòng đất) 1-2mm sẽ bón phân theo kỹ thuật không ngày không số:

Lúa Màu vàng: Đầu Trâu TEA2 150 kg/ha.

Lúa Xanh nhạt: Đầu Trâu TEA2 100 kg/ha.

Lúa Xanh đậm: 50-70 kg KCl/ha (tuyệt đối không bón đạm).

 

2.4. Quản lý dịch hại tổng hợp:

Chú ý:

Không phun thuốc trừ sâu sớm trong vòng 40 ngày.

Không phun thuốc sâu định kỳ, chỉ phun khi mật số sâu hại tới ngưỡng, nhớ áp dụng theo 4 đúng.

Đối với bệnh: Trong 40 ngày đầu thăm đồng phát hiện có vết chấm kim thì phun ngay.

Giai đoạn từ 40 ngày đến trổ đều: Có thể chủ động phun ngừa các bệnh đạo ôn, đốm vằn, cháy bìa lá vi khuẩn, lem lép hạt, vàng lá chín sớm.

 

2.5. Quản lý nước:

Áp dụng kỹ thuật tưới khô – ướt xen kẽ giúp tiết kiệm nước và cây lúa khỏe.

Chú ý đầu vụ rửa mặn tốt trước khi gieo sạ (độ mặn <1 phần ngàn mới gieo).

 

2.6. Thu hoạch – sau thu hoạch:

Thu hoạch đúng độ chín (85-90% độ chín) cho năng suất và chất lượng cao nhất.

Hiện nay nếu nông dân bán lúa tươi tại ruộng là hay nhất. Nếu chưa bán được phải tìm cách sấy lúa, trong 24 giờ đầu cần hạ độ ẩm của lúa từ 22-28% xuống còn dưới 17% và sau 48 giờ độ ẩm dưới 15%. Nếu muốn bảo quản lâu hơn 1 tháng cần sấy đến độ ẩm 13%.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam

Chế phẩm sinh học và thảo dược là tương lai của chăn nuôi

Những sản phẩm này không chỉ giúp tăng chất lượng, giảm chi phí sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh mà còn xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng, góp phần phát triển nền nông nghiệp sạch.

Giữa bối cảnh có nhiều bê bối về dư lượng hóa chất trong thực phẩm khiến cho con người ngày càng có biểu hiện kháng kháng sinh, nhiều bệnh truyền nhiễm trước đây có thể chữa trị trở nên kháng trị và lây lan thì việc sử dụng các chế phẩm sinh học, thảo dược là tương lai của ngành chăn nuôi, thủy sản.

Đi theo xu hướng ấy, mới đây tại huyện Ứng Hòa, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã tổ chức hội thảo “Ứng dụng chế phẩm sinh học và thảo dược trong Chăn nuôi, Thủy sản trên địa bàn Hà Nội”.

 

Các mô hình nổi bật

Phát biểu tại hội thảo, bà Vũ Thị Hương– Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết, năm 2019, đơn vị đã triển khai mô hình sử dụng thảo dược trong nuôi gà thả vườn và 3 dạng mô hình thủy sản là nuôi thủy sản theo hướng VietGAP, áp dụng công nghệ sông trong ao và nuôi chạch thương phẩm.

Phát biểu của Bà Vũ Thị Hương– Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội

 

Các mô hình đều hướng tới nền sản xuất nông nghiệp bền vững hạn chế sử dụng hóa chất, thuốc kháng sinh tạo ra sản phẩm an toàn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Mô hình sử dụng thảo dược trong chăn nuôi gà thả vườn, Trung tâm đã cấp 50.000 con gà mía 1 ngày tuổi (trong đó ngân sách Thành phố hỗ trợ 50%, 50% người dân đối ứng), hỗ trợ 50% thức ăn và 50% thảo dược (250 lít). Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn kỹ thuật nuôi, cách dùng thảo dược cho các hộ chăn nuôi.

Đến nay, sau 3 tháng nuôi, đàn gà khỏe mạnh, lông mượt, mã đẹp, tỷ lệ nuôi sống trung bình 95%, trọng lượng 1,7 – 1,8 kg/con, dự kiến đến lúc xuất bán gà đạt trọng lượng từ 2,1 – 2,2 kg/con. Với giá bán gà thảo dược từ 90.000 – 100.000 đồng/kg, lợi nhuận bình quân của 1.000 con gà đạt khoảng 60 triệu đồng.

Mô hình Nuôi thủy sản theo hướng VietGAP có quy mô 25ha với số lượng 375.000 con cá chép giống (trong đó hỗ trợ 50%, 50% người dân đối ứng), hỗ trợ 50% thức ăn và 50% chế phẩm sinh học (Aquaclear – S). Sau 5 tháng nuôi, cá trung bình đạt từ 0,7 – 1,5 kg/con, tỷ lệ sống đạt 81%. Năng suất dự kiến khi thu hoạch đạt hơn 12 tấn/ha, cho lãi 80 triệu đồng/ha, cao hơn 20% so với nuôi thông thường.

Đại diện cho các hộ nuôi thủy sản theo mô hình “Ứng dụng công nghệ sông trong ao” tại huyện Ứng Hòa, ông Đặng Văn Duân cho biết: “Trước đây, gia đình nuôi các loài cá truyền thống nhưng năng suất không cao. Môi trường ô nhiễm, thời tiết không thuận lợi, cá nuôi xuất hiện nhiều bệnh, thậm chí chết hàng loạt gây thiệt hại lớn về kinh tế.

Với quy mô 1 ha, chúng tôi được hỗ trợ 50% con giống, thức ăn và chế phẩm sinh học. Đặc biệt, gia đình đã sử dụng chế phẩm sinh học vào việc xử lý môi trường và ủ men tỏi cho cá ăn định kỳ nhờ đó chúng ăn khỏe, lớn nhanh, đều con và hệ số tiêu tốn thức ăn ít hơn…”.

Bà Vũ Thị Hương khẳng định, việc ứng dụng chế phẩm sinh học và thảo dược góp phần phát triển nền nông nghiệp sạch, tăng hiệu quả kinh tế nông nghiệp, tăng sức cạnh tranh của nông nghiệp Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Đồng thời, đóng góp vào việc cung cấp các sản phẩm an toàn phục nhu cầu tiêu dùng.

“Nông nghiệp sạch giúp nông dân tăng thu nhập, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới xây dựng nông thôn mới bền vững. Tuy nhiên, việc sử dụng chế phẩm sinh học và thảo dược vẫn còn tồn tại một số hạn chế như sử dụng chưa đồng bộ và triệt để, giá cả chưa cao, chưa tạo được lòng tin của người tiêu dùng…

Vì vậy, người nuôi cần chú trọng đầu tư chuồng trại, ao nuôi đảm bảo. Các hộ cần nắm vững một số kiến thức cơ bản về môi trường nuôi, cách kiểm tra các chỉ số môi trường, kỹ thuật nuôi hiện đại. Đồng thời, tuân thủ nghiêm túc quy trình sử dụng các chế phẩm sinh học và thảo dược trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản”, bà Hương khuyến cáo.

 

Giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững

Tại buổi hội thảo, bàn về giải pháp chăn nuôi bền vững, TS. Vũ Ngọc Sơn – nguyên GĐ Trung tâm Bảo tồn vật nuôi – Viện Chăn nuôi khẳng định, chăn nuôi bền vững là chăn nuôi an toàn sinh học đi đôi với sử dụng hợp lý chế phẩm sinh học.

Nuôi lợn an toàn sinh học

 

Chăn nuôi an toàn sinh học là áp dụng các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn nguy cơ mắc bệnh của vật nuôi cũng như sự lây lan mầm bệnh của ổ dịch. Sử dụng chế phẩm sinh học giúp vật nuôi tiêu hóa thức ăn tốt hơn, giảm lượng kháng sinh, cải thiện môi trường chuồng nuôi sạch sẽ. Từ đó, tạo ra nguồn thực phẩm sạch và an toàn.

Hiện nay, tổng giá trị GDP của ngành nông nghiệp ở Hà Nội chiếm 2,5%. Thu nhập mỗi năm hơn 40 nghìn tỷ. Nông nghiệp có sự chuyển dần sang chăn nuôi với tỷ lệ chiếm 55%. Trên cả nước, Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu về chăn nuôi.

Tuy nhiên, tính bền vững chưa cao, còn nhiều vấn đề cần giải quyết như các dịch bệnh như dịch tai xanh, dịch tả châu Phi ở lơn, dịch cúm ở gia cầm… Chất lượng sản phẩm nông nghiệp chưa đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Lý giải cụ thể về việc sử dụng chế phẩm sinh học giải quyết các vấn đề không an toàn trong chăn nuôi, TS. Vũ Ngọc Sơn cho rằng: Căn nguyên cơ bản nhất làm vật nuôi giảm sức đề kháng là ô nhiễm tiểu khí hậu chuồng nuôi khiến con vật ngạt thở, dẫn tới viêm đường hô hấp. Khi sử dụng chế phẩm sinh học sẽ giải quyết được vấn đề ô nhiễm chuồng nuôi.

Đồng thời, việc sử dụng thuốc thú ý để phòng và chữa bệnh cho vật nuôi cũng trở thành nguy cơ gây mất an toàn. Theo khảo sát, hiện nay tỷ lệ sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi chiếm 8 – 10%, trong khi chăn nuôi an toàn chỉ được phép chiếm 2 – 3%. Điều này gây ra sự tồn dư các chất kháng sinh trong thịt vượt mức cho phép. Do đó, sử dụng các hoạt chất sinh học sẽ thay thế dần kháng sinh trong chăn nuôi.

Ngoài ra, nếu muốn chăn nuôi sản phẩm hữu cơ, các hộ dân không được sử thuốc kháng sinh, thuốc trị bệnh, thuốc kích thích tăng trưởng dụng để làm thức ăn chăn nuôi. Thức ăn chăn nuôi không sử dụng sản phẩm biến đổi gen, thức ăn có nguồn đạm động vật như bột xương, bột thịt cá…

Hội thảo còn có tham luận của TS. Nguyễn Văn Năm, Giám đốc Công ty Công nghệ sinh học Việt Nam về vấn đề chăn nuôi an toàn sinh học.

TS. Nguyễn Văn Năm chia sẻ: Chế phẩm sinh học chứa các họa chất tăng cường miễn dịch tự nhiên giúp vật nuôi khỏe mạnh. Các kháng sinh thảo dược có nguồn gốc tự nhiên như Curcumin (chiết xuất nghệ), Allicin (chiết xuất tỏi, Berberin (cây Hoàng Liên, Hoàng Đằng) có tác dụng ức chế nhiều loại virus. Thay vì áp dụng các phương pháp mạnh như tiêu độc khử trùng bằng hóa chất, kháng sinh thì sử dụng chế phẩm sinh học hướng đến nền chăn nuôi và tiêu dùng an toàn.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Kỹ thuật trồng và chăm sóc Mít Thái ra trái quanh năm

Mít Thái là giống cây dễ trồng, ít công chăm sóc, không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thời gian sinh trưởng ngắn, cho thu hoạch nhanh, năng suất cao, đậu trái quanh năm, múi mọng và giòn ngọt, đặc biệt cây trồng phù hợp với vùng đất đồi

1, Tiêu Chuẩn Chọn Giống:

Dùng hạt cây Mít mật, Mít rừng gieo làm gốc ghép cho mít dai. Tiến hành ghép khi cây gốc ghép được 5-6 tháng, cao 30-40cm, lá đã ổn định. Có thể ghép mắt kiểu cửa sổ hoặc ghép áp, trong đó tỷ lệ thành công của ghép áp cao hơn. Thời vụ cho chiết, giâm hom, ghép cây tốt nhất là tháng 3-4 (vụ xuân) và tháng 8-9 (vụ thu) khi nhựa trong cây ổn định. Bí quyết thành công của các phương pháp nhân giống mít là giâm, ghép phải làm nhanh ngay sau khi cắt; với chiết cần để nhựa khô 2-3 ngày mới bó bầu nếu không sẽ bị nhiễm khuẩn mà chết khô cành.

 

2, Thời Vụ và Mật Độ Trồng:

Đầu mùa mưa tháng 5 đến tháng 7 dương lịch. Nếu chủ động nguồn nước tưới có thể trồng sớm hơn, thậm chí trồng quanh năm.

– Trồng dầy: Cây cách cây 5m, hàng cách hàng 6m. Một ha trồng khoảng 300 cây (vì phải chừa đường đi nội bộ).

– Trồng thưa: Cây cách cây 6m hàng cách hàng 7m. Một ha trồng khoảng 210 cây. – Đất cằn cỗi nên trồng dầy, đất tốt nên trồng thưa. Hiện nay, người ta có xu hướng trồng dầy để tăng sản lượng và rút ngắn thời gian hoàn vốn, sau đó áp dụng phương pháp tỉa cành hay đốn tỉa bớt.

 

3, Làm Đất Và Đào Hố Trồng:

– Đất bằng phẳng phải xẻ mương rãnh sâu ít nhất 30 – 40cm (tùy nước thủy cấp ở từng nơi) để chống úng vào mùa mưa. Làm hốc sâu 40 x 40 x 40cm và đắp mô cao 40 – 70cm.

– Đất có độ dốc khoảng 5%, không cần đắp mô, chỉ cần làm hốc có kích thước 40 x 40 x 40cm.

– Độ dốc cao hơn 7%, làm hốc có kích thước 40 x 40cm và sâu 60cm.

– Mỗi hốc có thể trộn: 0,5kg vôi bột, 1-3kg phân hữu cơ Better HG01 3-2-2. Hố trồng đào 50 cm x 50 cm x 50 cm, khi đào hố nên để riêng lớp đất trên mặt ra một bên và đất ở lớp phía dưới ra một bên, bón lót mỗi hố 10-12 kg phân chuồng đã ủ hoai, hoặc phân hữu cơ Komix 1 kg, 150-250 g Super lân, trộn đều với lớp đất mặt xung quanh, trộn thêm với 50 g Basudin 10H và 0,5 kg vôi để phòng trừ mối kiến và nâng cao độ pH đất. Ngoài vật liệu bón lót trên không nên dùng phân hữu cơ chưa hoai hay tro bếp bón lót dễ gây thối rễ và làm mặn đất.

 

4, Phân Bón Lót:

Bón lót mỗi hố 10-12 kg phân chuồng đã ủ hoai, hoặc phân hữu cơ Komix 1 kg, 150-250 g Super lân, trộn đều với lớp đất mặt xung quanh, trộn thêm với 50 g Basudin 10H và 0,5 kg vôi để phòng trừ mối kiến và nâng cao độ pH đất. Ngoài vật liệu bón lót trên không nên dùng phân hữu cơ chưa hoai hay tro bếp bón lót dễ gây thối rễ và làm mặn đất.

 

5, Kỹ Thuật Trồng Cây Mít Thái (Siêu Sớm):

Dùng tay móc một lỗ nhỏ giữa hố trồng sâu hơn chiều cao túi đựng thanh trà khoảng 2-3 cm, kích thước to hơn bầu cây đôi chút, để túi cây trên mặt đất, dùng dao sắc rạch một đường xung quanh túi nilon, cách đáy 2-3 cm, bóc lấy đáy túi ra. Xem xét bộ rễ, cắt bỏ tất cả các phần rễ cái, rễ con ăn ra khỏi bầu đất, sau đó đặt vào hố trồng, lấp đất và rút bọc nilon ra. Dùng tay lấp và ém chặc lớp đất xung quanh để cố định gốc cây con không bị gió lay, chú ý đặt cây vào hố trồng sao cho sau khi trồng cổ rể ngang bằng với nền đất xung quanh, không trồng âm hay lấp phần thân cây. Sau khi trồng cần làm bồn đường kính khoảng 1 m để nước tưới không chảy ra ngoài. Trồng xong lấy cọc cắm, buộc thân cây vào cọc tránh gió lay gốc, nên buộc lỏng bằng dây nilon. Nếu trồng vào mùa mưa không cần che mát như sầu riêng hay măng cụt.

 

6, Kỹ Thuật Chăm Sóc Cây Mít Thái (Siêu Sớm):

6.1 Kỹ thuật chăm sóc định kỳ:

Tưới nước: cần cung cấp đủ nước cho cây nhất là trong mùa khô, khi trái đang lớn và lúc quả sắp chín. Phòng trừ cỏ dại: Phủ gốc chè bằng cỏ, rác, cây phân xanh… để hạn chế cỏ dại; xới phá váng sau mỗi trận mưa to. Làm cỏ vụ xuân tháng 1-2 và vụ thu tháng 8-9, xới sạch toàn bộ diện tích một lần/vụ; một năm xới gốc 2-3 lần.

 

6.2 Kỹ thuật Cắt tỉa, tạo hình:

Chú ý chỉ tỉa cành tạo tán khi cây mít đạt chiều cao khoảng 1m trở lên, khi cây chưa cho trái tỉa cành 2-3 lần/năm. Cây đã cho trái tỉa cành 1 năm/lần vào thời điểm thu hoạch trái xong. Khi tỉa cắt bỏ các cành gần sát mặt đất, cành tược, cành nhỏ mọc không đúng hướng, cành sâu bệnh. Giữ lại cành cấp 1 cách gốc khoảng 40cm trở lên, chọn các cành mọc theo các hướng khác nhau, cành trên cách cành dưới khoảng 40 – 50cm, tạo thành tầng không quá 5 cành cấp 1. Tỉa bỏ bớt cành cấp 2, cấp 3… cho cây thoáng nhằm chống sâu bệnh và tăng năng suất.

 

6.3 Kỹ thuật Bón phân Cho Cây Mít Thái (Siêu Sớm):

+ Năm thứ 1: Sau khi trồng cứ 1-1,5 tháng bón phân 1 lần, bón cho mỗi gốc 100-150 g NPK(15:15:15), xịt bổ sung phân bón lá vi lượng như: number one hay Fetrilon-combi theo liều hướng dẫn, mục đích giúp cây có đủ dưỡng chất và chất vi lượng cần thiết khi bộ dễ chưa bén đất.

+ Năm thứ 2: lượng bón cho một cây là: 1,5-2,0 phân NPK theo tỷ lệ 2:1:2.

+ Năm thứ 3: Cây bắt đầu cho trái kinh doanh, lượng phân tăng so với năm trước 0,5-1,0 kg/cây. Chia làm hai lần bón đầu và cuối mùa mưa. Trong thời gian quả đạt trọng lượng tối đa sử dụng phân bón gốc Kali sulphate (K2SO4), bón mỗi gốc 400-500 g, kết hợp với phân bón lá 0-52-34 hoặc 10-52-17 phun cho cây 2-3 lần, mỗi lần cách nhau 1 tuần như vậy trái sẽ chính tập trung, màu thịt quả vàng hơn vàng mùi vị thơm ngon hơn.

 

7, Phòng Trừ Sâu Bệnh Cho Cây Mít Thái (Siêu Sớm):

SÂU ĐỤC THÂN, ĐỤC CÀNH: Có tên Margronia, thành trùng đẻ trứng trên lá non, trái non sau đó đục vào thân cành. Xịt thuốc trừ sâu vào giai đoạn ra lá non, trái non như Cyperan 5 EC, 10 EC, Decis 2,5EC, Bian 40-50 EC, Basudin 50 EC.

RUỒI ĐỤC TRÁI: Do loài dacus sp, đẻ trứng vào trái già, gây thối nhũn trái. Dùng chất dẫn dụ sinh học để diệt ruồi đực. Bao bọc trái hay xịt thuốc diệt ruồi như trebon 10 Nd, decis 25 ec…

SÂU ĐỤC TRÁI: Gây hại nặng trên mít làm giảm chất lượng và sản lượng. Thường ở các phần tiếp giáp các trái hay giữa trái tiếp giáp với thân, bị gây hại nặng nhất.Trái có thể bị hư hỏng hay bị rụng sớm. Không nên dùng biện pháp xử lý thuốc hóa học mà dùng biện pháp sinh học để phòng trừ sự gây hại hay bao trái vào cuối giai đoạn trái rụng sinh lý.

NGÀI ĐỤC TRÁI: Có nhiều loài gây hại khác nhau, chúng chích hút vào ban đêm ở giai đoạn trái chín. Cách phòng trị giống như sâu đục trái.

RẦY, RỆP: Có rất nhiều loài gây hại trên mít, chúng chích hút nhựa lá non, đọt non, trái làm lá quăn queo, cây chậm lớn, trái dị hình và kèm theo là Nấm đốm bồ hóng tấn công làm giảm khả năng quang hợp của cây và trái không đẹp. Khi trồng ở nơi cao ráo thường bị rệp sáp tấn công ở phần gốc và rễ. Dùng các loại thuốc hóa học sau đây để trị rầy rệp khi điều tra có mật số cao: Bassan 50 EC, Supracide 40 EC, Basudin 50 ec..

 

8, Thu Hoạch và Bảo Quản:

Cây mít cho trái rải vụ quanh năm, song vụ chính ở Đồng nai vào tháng 6, 7. Thời gian từ lúc ra hoa đến lúc trái già khoảng 5 tháng, do đó có thể căn cứ vào màu sắc trái để thu hoạch. Trái mít già, các gai nở căng, chuyển từ màu xanh sang màu xanh vàng hoặc nâu nhạt, mủ lỏng và trong, vỗ kêu bồm bộp, để vận chuyển đi xa nên thu hoạch lúc trái già. Hiện ở Đồng Nai có nhiều giống mít cho năng suất cao như: mít Viên Linh, mít Thái, mít nghệ, mít tố nữ… Song, nông dân nên trồng giống mít nghệ trong nước được tuyển chọn qua các cuộc thi trái ngon, giống tốt hoặc những giống mít trong nước có phẩm chất ngon được nhiều người ưa chuộng, đồng thời thích hợp để chế biến, sấy khô đóng gói xuất khẩu.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Tân Thành ra mắt sản phẩm thuốc trừ sâu sinh học

Sáng ngày 5/10, tại huyện Cờ Đỏ (TP. Cần Thơ), Cty TNHH Thương mại Tân Thành long trọng ra mắt sản phẩm thuốc trừ sâu sinh học Anonin 1EC chiết xuất từ thảo dược thiên nhiên cho gần 4.000 nông dân.

 

Cty Tân Thành ra mắt sản phẩm thuốc trừ sâu Anonin chiết xuất từ thiên nhiên

 

Buổi ra mắt lần này năm trong chuỗi sự kiện “Tốt rễ trúng mùa” sắp diễn ra các tỉnh, thành ĐBSCL, miền Đông, Tây Nguyên. Đến dự có lãnh đạo Cục BVTV phía Nam, các nhà khoa học…

Ông Nguyễn Xuân Khoa, TGĐ Cty Tân Thành cho biết: Với mong muốn nâng cao giá trị nông sản về chất lượng, thân thiện với môi trường và đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, thời gian qua các sản phẩm thuốc BVTV sinh học được Tân Thành nghiên cứu SX đã đến với bà con nông dân như Lacasoto, Chubeca, Plasti mula… Đó là những giải pháp sinh học, giúp nông dân canh tác đạt được năng suất cao, đảm bảo sức khỏe, thân thiện với môi trường. Nông sản chứng minh được là đảm bảo an toàn có thể XK thuận lợi. Từ đó giúp nông dân tăng thêm thu nhập và đời sống khá hơn. Đặc biệt là sản phẩm thuốc trừ sâu sinh học Anonin mà Cty đã tâm huyết nghiên cứu hơn 3 năm nay mới cho đời. Đây là sản phẩm có hoạt chất 100% từ thiên nhiên.

 

Các sản phẩm Thuốc BVTV sinh học của Tân Thành

 

Ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục BVTV cho biết: Mỗi năm Việt Nam canh tác nông nghiệp khoảng 7 triệu ha. Trong những năm qua SX nông nghiệp luôn gặp khó khăn do ảnh hưởng của BĐKH làm dịch bệnh gia tăng trên cây trồng. Trong đó thuốc BVTV đóng vai trò bảo vệ năng suất cây trồng rất quan trọng. Hiên cả nước có hơn 100 nhà máy SX thuốc BVTV, với hơn 30.000 đại lý kinh doanh VTNN để phân phối thuốc BVTV, trong đó ĐBSCL tỷ lệ đại lý chiếm cao nhất cả nước. Bình quân hàng năm VN nhập 100.000 tấn thuốc BVTV tương đương khoảng 1 tỷ USD để kinh doanh, SX trong nước và XK thuốc BVTV sang các nước trong khu vực Châu Á.

Trong khuyến cáo của Bộ NN-PTNT sử dụng thuốc BVTV theo bốn đúng, trong đó sử dụng thuốc sinh học cho cây trồng rất quan trọng nhằm để minh chứng tạo ra sản phẩm an toàn và đạt tiêu chuẩn XK ngày càng nhiều. Tuy nhiên bên cạnh đó nhiều nông dân còn chạy theo lợi nhuận mà sử dụng thuốc BVTV không theo bốn đúng, mà thời gian qua XK nông sản của chúng ta có nhiều đơn hàng phải bị trả lại.

 

Hơn 4000 nông dân đến tìm hiểu về sản phẩm mới

 

 

Theo ông Thiệt, để nông sản trong nước xâm nhập mạnh vào các thị trường trên thế giới và bán được giá cao, đòi hỏi nông sản phải SX theo hướng VietGAP hay GlobalGAP… Từ đó phải thay đổi thói quen sử dụng phân, thuốc hóa học sang sinh học. Thời gian tới Cục BVTV cũng sẽ loại bỏ dần 14 hoạt chất trong thuốc BVTV lưu hành tại Việt Nam với hơn 1.006 tên thuốc không đúng với quy định quốc tế. Rất mừng Cty Tân Thành tiên phong cho ra đời sản phẩm thuốc trừ sâu Anonin chiết xuất từ thiên nhiên để phát huy hiệu quả quản lý sâu bệnh trên cây trồng và tạo ra sản phẩm sạch cho người tiêu dùng.

Nói về vai trò sử dụng thuốc sinh học, GS.TS Nguyễn Bảo Vệ, nguyên Trưởng Khoa Nông nghiệp (ĐH Cần Thơ) nhận định: Sử dụng thuốc sinh học giúp tạo ra sản phẩm sạch và thân thiện môi trường vì ai cũng biết. Nhưng để làm ra nông sản an toàn bà con trước mắt phải thay đổi tư duy sản xuất mà chuyển qua tư duy SX theo thị trường. Việc sử dụng sức mạnh sinh học đóng vai trò quan trọng, giúp cây xanh tốt và có bộ rễ khỏe giúp cây có sức đề kháng tốt với sâu bệnh.

Đối với cây lúa, đầu tiên phải nói xử lý hạt giống bằng chế phẩm sinh học, khi sạ rễ mầm phát triển mạnh, rễ gốc nhanh bám xuống đất. Từ đó kích thích bộ rễ khỏe hút nước tốt, rễ hấp thu dinh dưỡng khoáng, rễ tạo tạo hormone ra chồi giúp cây lúa tốt, rễ giúp cây đứng vững đạt năng suất cao.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam