Thuốc trừ bọ đậu đen từ hạt cây có dầu

Từ 20 năm nay, bọ đậu đen “tấn công” nhà dân ở nhiều nơi thuộc tỉnh Bình Dương. Mãi đến gần đây, mới có loại thuốc đặc trị loại bọ này, do Viện Khoa học vật liệu ứng dụng TP HCM bào chế từ hạt các loại cây có dầu.

Gần 20 năm nay, tại xã Tân Hiệp, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương, vào những ngày cao điểm, bọ đậu đen bu kín từ trần nhà, tường, vật dụng… và rơi đầy nhà. Cứ 30 phút lại phải quét một lần. Mọi sinh hoạt nấu nướng, ăn ngủ… phải mang ra ngoài vườn. Theo nhiều hộ dân tại đây, bọ đậu đen tiết ra mùi hôi hăng hắc rất khó chịu. Nếu bị dính chất này vào da thì sẽ bị rộp như bỏng lửa.

“Đốt nhà” vẫn không thoát

Trường cấp 2 Long Bình, xã Long Nguyện, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương có 10 phòng thì tất cả đều bị bọ đậu đen tấn công. Nhiều hôm, nhà trường đành phải dời bàn ghế ra ngoài trời học vì bọ bu kín bàn ghế. Chưa kể mùi hôi, chúng còn mang thêm con mạt gây ngứa. Đã có người phải… đốt nhà, chuyển đồ đạc đi nơi khác mà vẫn bị loài côn trùng này tấn công.

      Thuốc trừ bọ đậu đen từ hạt cây có dầu

Theo những người am hiểu, ấu trùng bọ đậu đen sống chủ yếu dưới lá mục của các vườn cao su. Vào đầu mùa mưa và nhất là những đêm trăng sáng là thời điểm sinh sản của bọ đậu đen. Thời kì này, chúng bay tứ tán vào nhà dân và mang theo chất dịch hăng hắc để thu hút đồng loại và lưu mùi lại. Vì thế, nhà nào đã “dính” thì coi như xong, dù có… đốt nhà thì vật dụng trong nhà vẫn còn mùi của bọ đậu đen, nên khi dựng nhà mới hoặc chuyển nhà đi nơi khác thì năm sau chúng vẫn theo mùi mà tìm đến.

Diệt tận gốc

Để diệt loại bò này, người ta xịt thuốc trừ sâu nhưng cũng không có hiệu quả cao. Ngoài ra, mùi hôi của thuốc còn ảnh hưởng đến người, động vật nuôi. Xuất phát từ thực tế này, Sở KH-CN tỉnh Bình Dương đã đặt hàng Viện Khoa học vật liệu ứng dụng TP HCM nghiên cứu loại thuốc đặc trị bọ đậu đen.

PGS-TS Hồ Sơn Lâm cho biết, loại thuốc này có hàm lượng tinh dầu chiếm từ 10-40% và 1% chất hoạt tính sinh học. Sau nhiều tháng, PGS-TS Lâm và các cộng sự tại đây đã nghiên cứu được 6 mẫu thuốc. Qua thử nghiệm, có ba trong số 6 mẫu trên cho kết quả tốt nhất, tức tiêu diệt bọ đậu đen đến 85% sau 1giờ phun. Giá thành sản xuất khoảng 6.000 đồng/100ml và có thể pha với 5 – 6 lít nước khi sử dụng.

Đặc điểm của loại thuốc này là làm tê liệt hệ thần kinh của bọ đậu đen. Đặc biệt, nhờ được bổ sung các hệ oxyt kim loại có cấu trúc nano như bạc, titan, đồng vào thuốc nên thuốc còn có tác dụng tẩy mùi. Nhờ vậy, những lần sau, bọ đậu đen không tìm thấy mùi để đến. Ngoài ra, bọ đậu đen còn dễ bị hấp dẫn bởi mùi thuốc do thành phần thuốc có chất dẫn dụ là tinh dầu.

“Sau khi phun thuốc có gốc sinh học này, gia đình vẫn sinh hoạt bình thường. Bọ đậu đen đến nay không còn trở lại nữa”, ông Nguyễn Văn Cải, ấp Bà Phải, xã Long Nguyên, huyện Phú Giáo, Bình Dương cho biết.

Kết quả thử nghiệm độc tính của thuốc trên chuột do bộ môn dược lý lâm sàng, ĐH Y Dược TP HCM thực hiện, cho thấy thuốc không gây độc cho người.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Nuôi nấm mốc để làm tương sạch

Nhóm nghiên cứu ở Viện Sinh học nhiệt đới TP HCM đã tìm ra công nghệ mới để sản xuất nước tương không chứa 3-MCPD…

Cơn bão mang tên 3-MCPD vào năm 2007 đã khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất nước tương lao đao, người tiêu dùng hoang mang và đặt ra nhiều thách thức cho các nhà khoa học về một phương pháp làm nước tương sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tháng 5/2008, nhóm các nhà khoa học ở viện này đã bắt tay vào nghiên cứu để tìm ra công nghệ sản xuất nước tương sạch.

Bằng việc tối ưu hóa quy trình sản xuất, nhóm nghiên cứu do tiến sĩ Võ Thị Hạnh và kỹ sư Lê Thị Bích Phương (Viện Sinh học nhiệt đới TP HCM) làm đồng chủ nhiệm đã đưa ra được công nghệ sản xuất nước tương sạch không chứa độc tố 3-MCPD.

“Lấp” lỗ hổng công nghệ

Sở dĩ nước tương có độc tố 3-MCPD (loại hóa chất có thể gây ung thư) vì các cơ sở sản xuất nước tương sử dụng phương pháp hóa giải, sử dụng acid chlorhydric (HCl) để thủy phân bánh dầu đậu phộng hoặc đậu nành.

Nghiên cứu về nước tương từ năm 2001, tiến sĩ Võ Thị Hạnh biết rằng để làm tương hoàn toàn sạch, không có chất 3-MCPD thì chỉ có thể dùng phương pháp lên men truyền thống. Nhưng, doanh nghiệp không mấy mặn mà với phương pháp lên men truyền thống vì thời gian sản xuất dài, khoảng từ bốn đến sáu tháng, do đó chi phí đầu tư và giá thành sản phẩm cao hơn phương pháp thủy phân bằng HCl lại không có được thành phẩm như ý. Vì thế, tiến sĩ Hạnh và các cộng sự đã cải tiến phương pháp lên men truyền thống để khắc phục những hạn chế nói trên.

Nếu phương pháp truyền thống lên men đậu nành bằng cách ủ tự nhiên thì phương pháp cải tiến tìm cách nuôi chủng nấm mốc A. oryzae. Chủng nấm mốc này được Viện Sinh học nhiệt đới chọn lọc và có hoạt lực α-amylase và protease cao, đặc điểm là không sinh ra chất aflatoxin (chất độc có khả năng gây ung thư). Ngoài ra, chủng A. oryzae được nuôi cấy trên đậu nành, ủ trong thùng làm bằng sợi thủy tinh dung tích từ 800 đến 1.000 lít nên không chiếm nhiều diện tích.

Theo tiến sĩ Hạnh, cách ủ này không cho lẫn vào đó những chủng nấm mốc nguy hiểm có thể gây ung thư. Một lợi thế khác là Thay vì sử dụng hạt đậu nành thì có thể sử dụng khô bánh dầu đậu nành và bột mì để lên men.

Chỉ mất 15 ngày cho sản xuất

Khi nghiệm thu nghiên cứu này, Hội đồng khoa học của Sở Khoa học và công nghệ TP HCM lập đã xếp loại xuất sắc. Cùng với đánh giá đó, Ban tổ chức Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật 2008 của TP HCM cũng đã chấm giải nhì cho quy trình sản xuất nước tương sạch của các tác giả nói trên.

Không chỉ vậy, quy trình nói trên cho phép sản xuất ra được loại nước tương sạch với thời gian sản xuất 15 ngày. Nước tương thành phẩm không chứa 3- MCPD, cho hàm lượng độ đạm cao, hương vị đặc trưng của sản phẩm độc đáo…

Nhóm nghiên cứu cũng đã tìm cách ổn định mùi vị nước tương bằng cách sử dụng hỗn hợp vi sinh vật tạo mùi hương trong giai đoạn ủ muối. Đây là loại nấm men Sacchromyces sp và vi khuẩn lactic Lactobacillis sp giúp hạn chế tạp nhiễm và tạo được mùi vị ổn định.

Sớm chuyển giao cho nhiều doanh nghiệp

Hiện một công ty ở TP.HCM Công ty Nosafood là nơi đầu tiên đã áp dụng công nghệ sản xuất nước tương bằng phương pháp lên men cải tiến. Đại diện đơn vị này cho biết, họ và đã đã sản xuất 12 mẻ nước tương quy mô 1.000 lít mỗi mẻ để bán ra thị trường. “Lúc trước chưa bao giờ dám nghĩ xuất khẩu sang nước ngoài thì bây giờ chúng tôi tự tin xuất nhiều nước tương sạch sang Nga”, bà Phạm Thị Kim Cương (Phó giám đốc kỹ thuật, công ty Nosafood) cho hay.

Còn ông Đinh Minh Hiệp, Phó phòng quản lý khoa học, Sở Khoa học công nghệ TP HCM cho biết, sắp tới quy trình sản xuất nước tương sạch này sẽ được chuyển giao cho nhiều doanh nghiệp để sản xuất.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Nghiên cứu thành công thuốc diệt nấm sinh học trị bệnh thán thư

Các nhà khoa học của trường Đại học tự trị quốc gia Mexico (UNAM) đã nghiên cứu thành công và đăng ký bằng sáng chế một loại thuốc diệt nấm sinh học có khả năng phòng ngừa bệnh thán thư gây hại cho cây trồng.

Theo phóng viên tại Mexico, chuyên gia Leobardo Serano Carreón thuộc nhóm nghiên cứu trên, cho biết thuốc diệt nấm Fungifree AB® được bào chế từ một loại vi khuẩn tách ra từ tán lá cây xoài, hoàn toàn không có độc tính và có thể dùng thay thế các loại hóa chất tổng hợp thường được sử dụng trong nông nghiệp.

Fungifree AB® có thế sử dụng cho 20 loại cây ăn quả.Fungifree AB® có thế sử dụng cho 20 loại cây ăn quả.

Fungifree AB® có khả năng phòng chống các loại sâu bệnh cũng như giúp cây trồng tự bảo vệ và phát triển.

Loại thuốc này đã được tiến hành thử nghiệm nhiều lần với nhiều cách khác nhau trên nhiều loại cây ăn quả và kết quả rất hữu hiệu.

Fungifree AB® có thế sử dụng cho 20 loại cây ăn quả như xoài, bơ, đu đủ, cam, chanh, bưởi và quýt…

Loại thuốc này cũng đang được nghiên cứu sử dụng để phòng bệnh nấm ở cây cà phê.

Ngoài dự án này, các nhà khoa học của UNAM cũng đang tiến hành nghiên cứu kỹ thuật phân tích hình ảnh nhằm đánh giá tác hại của bệnh thán thư trên cây xoài, giúp xác định dễ dàng hơn diện tích cây trái bị ảnh hưởng bởi bệnh này.

Bệnh thán thư là bệnh nguy hiểm nhất trên cây xoài gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh trưởng của cây và năng suất trái.

Bệnh do nấm Colletotrichum gloeosporioides gây ra, nấm bệnh phá hại trên cả lá, cành, chồi non và quả non.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp: tiềm năng còn rất lớn

Trong khi nguồn than bùn, nguyên liệu chính để sản xuất phân bón hữu cơ đang ngày càng suy giảm, thì việc tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp như rơm, rạ, chất thải chăn nuôi… để sản xuất phân hữu cơ, giúp cải thiện đồ phì nhiêu của đất, tăng năng suất cây trồng và giảm phát khí thải nhà kính được coi là một hướng đi quan trọng và hoàn toàn khả thi trong thời gian tới.

phế phụ phẩm rơm rạ

Theo dự báo của Phòng Sử dụng đất và phân bón – Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, hiện nay, nhu cầu sử dụng phân bón hữu cơ của Việt Nam rất cao, khoảng 13 triệu tấn/năm, trong khi công suất sản xuất của các nhà máy rất thấp, chỉ khoảng 500 nghìn tấn/năm.

“Hiện có khoảng 150 công ty chuyên sản xuất phân hữu cơ, nhưng chỉ có một số ít công ty sản xuất với số lượng lớn như Công ty CP Sông Gianh, Công ty CP Quế Lâm, Công ty Thiên Sinh…, còn lại đa số là các công ty nhỏ với công suất chỉ từ 500-2.000 tấn/năm”, ông Cao Việt Hưng, chuyên viên Phòng Sử dụng đất và phân bón cho biết.

Cũng theo ông Hưng, trong tổng số 21 danh mục phân bón đã được Bộ NN&PTNT ban hành thì tổng số phân bón hữu cơ là trên 1.500 loại, trong đó phân hữu cơ thông thường là 80 loại, phân hữu cơ sinh học là 465 loại, phân hữu cơ khoáng là 621 loại và phân hữu cơ vi sinh là 417 loại. Mặc dù nhu cầu sử dụng phân bón hữu cơ ngày càng cao nhưng hiện nay, có một thực tế là nguồn than bùn, nguyên liệu sản xuất chủ yếu lại đang bị suy giảm cả về chất lượng lẫn trữ lượng. Nguồn than bùn của Việt Nam hiện nay chủ yếu có hàm lượng chất hữu cơ chỉ từ 12-15%, trong khi tiêu chuẩn do Bộ NN&PTNT đưa ra cho phân hữu cơ khoáng, phân hữu cơ vi sinh ngày càng cao nên việc sản xuất phân bón hữu cơ gặp nhiều khó khăn. Nếu không bổ sung được nguồn hữu cơ khác thì việc vi phạm chất lượng về chỉ tiêu hữu cơ sẽ trở nên phổ biến.

Ông Hưng cho biết, kết quả kiểm tra chất lượng phân bón của Bộ NN&PTNT những năm gần đây cho thấy, riêng chỉ tiêu hữu cơ các mẫu bị phát hiện không đủ chất lượng chiếm tới 25-35%.

Do đó, việc khai thác nguồn nguyên liệu từ phế phụ phẩm nông nghiệp được coi là một hướng quan trọng, vừa mang lại nguồn phân bón, vừa góp phần giảm khí thải do việc đốt rơm rạ gây nên.

Ước tính, để sản xuất 13 triệu tấn phân hữu cơ có chứa từ 15-22% chất hữu cơ sẽ cần từ 2-3 triệu tấn hữu cơ dạng nguyên chất. Theo số liệu năm 2011, mỗi năm Việt Nam sản xuất khoảng 42 triệu tấn lúa, 4,6 triệu tấn ngô, 10 triệu tấn sắn, 1,1 triệu tấn cà phê… Như vậy, bình quân mỗi năm chúng ta có thể khai thác được khoảng 50 triệu tấn phế phụ phẩm từ những cây trồng chủ lực này. Nếu được xử lý theo đúng các quy định và quy trình thì việc sản xuất 13 triệu tấn phân hữu cơ là hoàn toàn khả thi.

Đối với một dạng phế phẩm khác từ chăn nuôi, thạc sỹ Nguyễn Quỳnh Hoa, chuyên viên Phòng Môi trường chăn nuôi – Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT nhận định: Hiện nay, phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi tương đương 11,15 triệu tấn CO2 mỗi năm, chiếm khoảng 17,2% tổng lượng phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp. Do đó, việc sử dụng phụ phẩm từ khí sinh học (KSH) để sản xuất phân hữu cơ cũng là một hướng đi đúng đắn.

Theo đó, phụ phẩm từ KSH gồm 3 phần là nước xả, bã cặn và váng đều có chứa nhiều chất dinh dưỡng dễ hòa tan và nhiều nguyên tố vi lượng có ích cho cây trồng như đồng, kẽm, sắt, magiê. Nếu quy đổi thì 1 tấn nước xả tương đương với khoảng 0,8-1,7 kg urê, 0,5-1,5 kg super lân và 0,5-0,9 kg phân kali… Đồng thời, nước xả là loại phân bón có tác dụng nhanh, chứa nhiều chất dinh dưỡng hòa tan trong nước nên cây trồng dễ hấp thu khi tưới, trong khi bã cặn gồm các hợp chất hữu cơ và các chất hấp thu nhiều yếu tố dinh dưỡng có hiệu quả cho cây trồng.

Theo bà Hoa, đến nay, các phụ phẩm KSH đã có nhiều ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp như dùng làm phân bón cho cây trồng, nuôi trồng nấm, xử lý hạt giống. Riêng đối với việc cải tạo đất, phụ phẩm KSH giúp cải thiện khả năng canh tác của đất, cải thiện cấu trúc và tính chất lý học của đất, làm đất tơi xốp hơn, tăng khả năng giữ, thấm nước, làm giảm sự xói mòn do gió và nước.

Theo một nghiên cứu mới đây của Viện Thổ nhưỡng nông hóa, khi sử dụng 60m 3 nước xả hòa với nước lã theo tỷ lệ 1/1 để bón bổ sung cho 1 ha bắp cải đã làm cho năng suất bắp cải tăng 24% so với lô đất cùng diện tích chỉ bón bằng phân NPK. Sau một vụ gieo trồng, với mỗi hecta, người dân tiết kiệm được trên 60 kg đạm urê, 65 kg supe lân… Ngoài ra, việc sử dụng nước xả để tưới đã giúp giảm 50% số lần phun thuốc trừ sâu cắn lá cho một vụ.

Bên cạnh đó, việc sử dụng phụ phẩm KSH để nuôi cá, theo bà Hoa cũng là một hướng đi thích hợp để giảm phát khí nhà kính, vì phụ phẩm KSH là một loại phân sạch, qua quá trình lên men sinh học, các mầm bệnh đã bị tiêu diệt. Do đó, việc sử dụng phụ phẩm KSH làm phân bón cho cá đã góp phần làm giảm các loại bệnh cho cá và cũng là cách hữu hiệu để giảm phát khí CO2 ra môi trường.

Theo dự báo của các chuyên gia, khí thải của ngành nông nghiệp tiếp tục tăng lên, đặc biệt là khí thải từ hoạt động chăn nuôi sẽ vượt qua lượng khí thải từ đất nông nghiệp trong giai đoạn 2020-2030 tới và sẽ chiếm khoảng 30% lượng khí nhà kính phát thải trong nông nghiệp nói chung. Do đó, theo bà Hoa, trong thời gian tới, bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ quy hoạch các vùng chăn nuôi, giết mổ tập trung gắn với bảo vệ môi trường, các cơ quan chức năng cần triển khai nhanh việc áp dụng quy trình chăn nuôi tốt và chăn nuôi sản xuất các bon thấp thông qua đẩy mạnh chương trình KSH cho ngành chăn nuôi để không chỉ giảm phát khí thải mà còn tận dụng phụ phẩm KSH, đem lại giá trị và lợi ích kinh tế cao hơn trong sản xuất nông nghiệp

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Thành phần dược tính một giống lúa đỏ tại đồng tháp

Với những ưu điểm nổi trội về hàm lượng chất dinh dưỡng, giống lúa đỏ mang tên Ngọc Đỏ Hương Dứa do ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc HTX giống Định An, huyện Lấp Vò, lai tạo đang tạo được sức hút lớn từ thị trường trong và ngoài nước. Hiện tại, không những thị trường trong nước có nhu cầu cao với loại gạo đỏ quý này mà các đối tác ở Châu Âu cũng đang đặt hàng với sản lượng lớn.

Giống lúa đỏ tại Đồng Tháp

Anh Dũng chia sẻ: “Trong một lần tình cờ đi thăm đồng, tôi phát hiện được một cá thể lúa có mùi thơm lạ. Sau đó tôi mang về nghiên cứu, tuyển chọn, phân ly và nhân giống”. Sau khi tuyển chọn được dòng thuần nhất, năm 2014 anh Dũng tiến hành sản xuất hàng hóa trên giống lúa có màu đỏ và mùi thơm lá dứa này. So với những giống lúa cùng dòng trên thị trường thì giống lúa Ngọc Đỏ Hương Dứa này có hạt dài, mùi thơm lá dứa đậm, thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất đạt từ 6 – 7 tấn/ha.

Theo kết quả phân tích của Trường ĐH Cần Thơ cho thấy các chỉ tiêu dinh dưỡng của gạo Ngọc Đỏ Hương Dứa đều vượt trội so với gạo trắng cao cấp Jasmine. Trong đó, hàm lượng chất sắt của gạo này tới 26,4mg/kg, cao hơn 81,8% so với gạo trắng và bằng hàm lượng chất sắt có trong 0,9kg thịt bò. Còn hàm lượng canxi là 137mg/kg, cao gần gấp ba lần gạo trắng. Các khoáng chất khác đều cao hơn gạo trắng, có tác dụng kiểm soát huyết áp, giảm nguy cơ các bệnh tim mạch.

Ông Nguyễn Phước Tuyên, Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học và Thông tin, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh cho biết: “Hiện nay, giống lúa đỏ Ngọc Đỏ Hương Dứa của HTX giống Định An đang có nhiều triển vọng bởi giống lúa này sở hữu lợi thế về nhiều mặt như: đặc tính sinh trưởng, phẩm chất gạo… Đặc biệt ưu điểm mà thị trường đánh giá cao đối với giống lúa này là hàm lượng protein cao gấp đôi so với gạo trắng. Ngoài ra, lượng đường ở gạo này thấp, chất sơ, chất sắt, canxi cao… rất thích hợp cho bệnh nhân bị tiểu đường. Vì vậy ngay khi loại gạo này được tung ra thị trường được sự đánh giá cao của thị trường nội địa lẫn khách hàng Châu Âu”.

Theo thông tin từ HTX giống Định An, hiện nay HTX đang hợp tác liên kết với công ty Docimexco trong việc sản xuất và tiêu thụ đối với giống lúa Ngọc Đỏ Hương Dứa. Theo cam kết thì công ty sẽ bao tiêu toàn bộ sản lượng của HTX với mức giá sàn là 7 ngàn đồng/kg lúa tươi (trong khi đó, hiện giá lúa thơm Jasmine chỉ có 5.200 đồng/kg, còn lúa IR50404 là 4.200 đồng/kg). Với giá này, nông dân lãi gần 20 triệu đồng/ha. Trong vụ Đông xuân tới, HTX dự kiến sẽ tiếp tục hợp tác với một số HTX lân cận mở rộng diện tích sản xuất khoảng 100 ha. Để đảm bảo chất lượng gạo đồng nhất và an toàn, ngoài cung cấp giống HTX còn hướng dẫn và hỗ trợ về kỹ thuật sản xuất lúa theo hướng an toàn cho các hộ dân thực hiện liên kết.

 Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Bạn đã biết gì về sản phẩm chitosan trong nông nghiệp

Cơ chế tác động của Chitosan

1.  CHITOSAN LÀ GÌ?

Chitosan là một dạng chitin đã bị khử axetyl, nhưng không giống chitin nó lại tan được trong dung dịch axit. Chitin là polyme sinh học có nhiều trong thiên nhiên chỉ đứng sau xenluloza. Cấu trúc hóa học của chitin gần giống với xenluloza. Chitin có nhiều trong các loài giáp xác như tôm, cua, ghẹ…

Đặc tính của chitosan:

  • Là polysacharide có đạm không độc hại, có khối lượng phân tử lớn.
  • Là một chất rắn, xốp, nhẹ, hình vảy, có thể xay nhỏ theo các kích cỡ khác nhau.
  • Chitosan có màu trắng hay vàng nhạt, không mùi vị.
  • Không tan trong nước, dung dịch kiềm và axit đậm đặc nhưng tan trong axit loãng (pH=6), tạo dung dịch keo trong, có khả năng tạo màng tốt, nhiệt độ nóng chảy 309 – 311oC.

2. VAI TRÒ CỦA CHITOSAN TRONG NÔNG NGHIỆP

  • Kháng virus, Kháng vi khuẩn, kháng nấm, kháng một số côn trùng. Do đó, nó thường được ứng dụng trong kiểm soát bệnh hại.
  • Bảo quản hạt giống, tăng khả năng nảy mầm của hạt giống cũng như cải thiện sức sống của cây trồng, hạn chế nấm bệnh gây hại.
  • Phân bón qua lá giúp cây giảm thoát hơi nước, tăng sức chống chịu khô hạn
  • Cải tạo đất, hạn chế vi sinh vật gây hại trong đất, đồng thời kích thích các vi sinh vật có ích phát triển.
  • Bảo quản nông sản sau thu hoạch.

    3.  CƠ CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA CHITOSAN

    Cơ chế chống bệnh hại của Chitosan chủ yếu bao gồm:

  • Hoạt tính trực tiếp chống lại mầm bệnh

Hoạt tính trực tiếp của chitosan trong việc kháng virut và viroid chủ yếu ở khả năng chitosan bất hoạt quá trình sinh sản của virut hoặc viroid. Nó thâm nhập vào mô tế bào cây, liên kết chặt chẽ với các acid nucleic và gây ra một loạt các thương tổn và gây ức chế lựa chọn. Ngay lập tức, ức chế có chọn lọc này có thể bất hoạt các mRNA mã hõa các gen cần cho quá trình điều trị thương tổn của vi khuẩn. Ngược lại, các nấm, vi khuẩn, oomycete và các côn trùng khác, chitosan tác động thông qua cơ chế gia tăng khả năng đề kháng của cây, giúp cây tiết ra các kháng thể chống lại sự xâm nhập của nấm, vi khuẩn, oomycete.

  • Hàng rào vật lý quanh vị trí xâm nhập mầm bệnh

Khi chitosan xâm nhập vào mô cây, thường kết dính quanh các vị trí xâm nhập và có 3 tác động chính:

– Thứ nhất là lập hàng rào cách ly vị trí xâm nhập để tránh mầm bệnh lây lan và bảo vệ các tế bào khỏe mạnh khác. Tại vị trí cách ly, cây sẽ nhận biết để kích thích sự phản ứng nhạy cảm giúp tiết ra H2O2 để giúp tăng cường thành tế bào và báo động cho các tế bào bên cạnh.

– Thứ hai chitosan liên kết các kim loại khác nhau và giúp kích hoạt nhanh chóng quá trình làm lành vết thương.

– Thứ ba chitosan có điện tích dương, vi khuẩn có điện tích âm do đó chitosan kết dính với vi khuẩn gây ra quá trình rò rỉ protein và các cơ quan nội bào của vi khuẩn, khiến vi khuẩn bị tổn thương nghiêm trọng và chết.

  • Khả năng tạo chelate với dinh dưỡng và khoáng chất

Chitosan có khả năng liên kết các kim loại và khoáng (như Fe, Cu) giúp tránh mầm bệnh xâm nhập, gây ức chế quá trình sinh sản và tạo ra độc tố. Chitosan còn tạo phức với mycotoxin (độc tố do nấm tiết ra), giúp giảm tổn hại ở tế bào chủ do độc tố nấm.

  • Chất tăng cường làm lành vết thương

Vì khả năng bám chặt vào màng sinh học và các phân tử sinh học cùng với điện tích dương, chitosan cung cấp khả năng làm lành vết thương nhanh chóng khi có tổn hại cơ học hay mầm bệnh tấn công.

Vì là chất kích hoạt, chitosan hoạt hóa quá trình tổng hợp và hình thành một loạt các protein PR và các protein bảo vệ trong đó có phenylalanine ammonia-lyase và peroxidase. Hai emzyme này giúp tổng hợp và xây dựng lên ma trận lignin và hình thành tyllose, những chất đóng vai trò quan trọng trong làm lành vết thương.

  • Kích thích cơ chế phòng thủ của cây trồng

Chất kích hoạt là các chất có khả năng kích thích các phản ứng bảo vệ khi được đưa vào các mô tế bào cây (như oligosaccharit, glycoprotein, peptit và lipit). Các chất kích thích oligosaccharit bao gồm oligoglucan, oligochitin, oligochitosan và oligogalacturonic. Khi cây trồng được tăng cường cơ chế bảo vệ sẽ chịu được sự tấn công mầm bệnh, nhanh chóng khoanh vùng tế bào bị chết và tạo ra các chất sinh hóa xung quanh tế bào bị chết. Các cơ chế này bao gồm tạo ra các oxygen hoạt tính, thay đổi cấu trúc tế bào, tổng hợp các protein kháng thể và tổng hợp sinh học phytoalexin. Chitosan là chất có khả năng kích hoạt các cơ chế phòng thủ của cây. Khi sử dụng chitosan, cây trồng sẽ có một loạt biến đổi về vật lý và sinh lý học. Thay đổi vật lí là sẽ giảm khe hở khí không, giảm khả năng tiếp cận của nấm vào mô tế bào lá. Các tế bào bảo vệ của lá sẽ tạo ra H2O2, để phản ứng lại với sự giảm khe hở khí khổng. Nồng độ acid phenolic trong lá, đặc biệt ferulic acid sẽ gia tăng đáng kể khi gia tăng nồng độ chitosan. Nồng độ lignin trong lá cũng sẽ tăng cao. Các tiền chất của lignin như p-courmaric, ferulic acid, sinapoc acid và phenolic acid có khả năng kháng khuẩn đều bị kích hoạt bởi chitosan. Bản thân các oligogalacturonic là sản phẩm của quá trình phân giải thành tế bào cây do enzyme pectic của vi khuẩn tiết ra do đó khiến cây tạo ra cơ chế bảo vệ Ngoài ra, chitosan là thành phần tìm thấy của nhiều loại nấm. Nên khi các olgigosaccharit giải phóng khỏi chitosan sẽ giúp kích thích cơ chế bảo vệ của cây.

ThS. Lê Trường Bình – Trung tâm Nghiên cứu Đất, Phân bón và Môi trường phía Nam, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

 

Qui trình xử lý vỏ tôm, cua tạo chitosan bằng biện pháp sinh học

Trung tâm Nghiên cứu Đất, Phân bón và Môi trường phía Nam vừa nghiên cứu thành công quy trình xử lý vỏ tôm cua thành chitosan bằng biện pháp sinh học.

Vỏ tôm là nguồn nguyên liệu triển vọng đang bị lãng phí hiện nay

Ưu điểm của phương pháp này so với phương pháp hóa học:

  • Không sử dụng acid vô cơ (HCl) để thủy phân Protein trong vỏ tôm cua nên thân thiện với môi trường.
  • Tận dụng nguồn protein tồn dư trong vỏ tôm cua để chuyển hóa thành acid amin, dùng làm phân bón sinh học chất lượng cao.
  • Hạn chế chất thải nguy hại cho môi trường trong quá trình xử lý.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Danh mục các loại chế phẩm vi sinh hữu ích cho nông nghiệp hữu cơ

     Các sản phẩm chế phẩm sinh học

1. Chủng vi sinh vật xử lý phụ phẩm nông nghiệp

Các chủng vi khuẩn, xạ khuẩn, nấm mùn hóa nhanh các phụ phẩm nông nghiệp có nguồn thành phần celullose cao (bã bùn mía, mụn xơ dừa, rơm rạ,…) để sản xuất phân hữu cơ và phân hữu cơ vi sinh

2. Phân hữu cơ vi sinh

Phân hữu cơ vi sinh có khả năng thay thế ít nhất 25-50% phân đạm và lân hóa học, năng suất cây trồng tăng (trung bình 10%)
Giúp cây khoẻ, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh
Giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật
Giảm lượng NO3– tồn đọng trong nông sản
Cải tạo đất
Giảm chi phí cho sản xuất

3. Chế phẩm vi sinh vật cố định đạm cộng sinh cây họ đậu (Rhizobium sp.

Tăng cường sự cố định N của khí trời nhằm cung cấp thêm đạm cho cây trồng
Nâng cao năng suất và phẩm chất nông sản, duy trì và cải tạo độ phì nhiêu của đất
Cung cấp các chất kháng sinh phòng chống sâu bệnh hại

4. Chế phẩm và phân vi sinh vật cố định đạm sống tự do (Azotobacter), hội sinh (Azospirillum)

Tăng cường cung cấp đạm cho cây trồng
Có khả năng cải tạo đất và kích thích sinh trưởng cho cây trồng
Làm tăng năng suất từ 5 – 10%

5. Chế phẩm và phân vi sinh vật phân giải lân

Tăng cường cung cấp thêm lân (P) dễ tiêu
Phát huy hiệu quả của phân lân
Tăng cường sức hoạt động của các loại VSV khác trong đất
Cung cấp các chất điều hòa sinh trưởng
Cung cấp các chất kháng sinh phòng chống sâu bệnh hại

6. Chế phẩm và phân vi sinh vật kích thích, điều hòa sinh trưởng thực vật

Kích thích, điều hòa sinh trưởng thực vật
Có khả năng sinh tổng hợp các hoạt chất sinh học có tác dụng điều hòa hoặc kích thích quá trình trao đổi chất của cây
Giúp cho cây sinh trưởng và phát triển tốt, ít sâu bệnh, tăng năng suất
Làm tăng khả năng nảy mầm của hạt, tăng trọng lượng hạt, thúc đẩy bộ rễ cây phát triển mạnh

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Chế phẩm sinh học từ trùn quế

Các nhà khoa học ở Viện Sinh học nhiệt đới đã tạo ra 3 chế phẩm sinh học từ trùn quế để làm thức ăn cho gia súc, gia cầm và phân bón cho cây. Với công nghệ đơn giản, các hộ nông dân nghèo ở các vùng xa xôi có thể áp dụng dễ dàng.

Trong nông nghiệp, trùn quế được coi là loại thức ăn đạm cao cấp cho vật nuôi. Các loài cá, baba, tôm, ếch, lươn, cua biển… đều rất thích ăn trùn. Đối với gia súc, gia cầm, trùn là loại thức ăn bổ dưỡng. Tuy nhiên, trùn quế tươi chỉ có thể để không quá một ngày ở nhiệt độ thường nên rất khó lưu trữ.

Từ thực tế đó, TS Võ Thị Hạnh cùng các cộng sự thuộc Phòng Vi sinh Viện Sinh học nhiệt đới đã tạo ra 3 chế phẩm sinh học từ trùn quế để làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, làm phân bón cho cây… Các chế phẩm này có thể được bảo quản, lưu trữ trong thời gian dài, từ 6-10 tháng.

Một ưu điểm nổi trội của các chế phẩm này là vẫn giữ nguyên mùi trùn tươi, các chất dinh dưỡng không bị mất đi hoặc biến chất theo thời gian. Chế phẩm đầu tiên là BIO-T, dùng làm thức ăn cho tôm sú, cá tra, gà lương phượng và vịt xiêm. Điều đáng nói là nếu sử dụng trùn quế tươi phải cần một lượng nhiều gấp 10 lần so với BIO-T mới có hiệu quả tương tự. BIO-T được sản xuất bằng cách sử dụng trùn quế tươi phối trộn với hỗn hợp vi khuẩn hữu ích và enzyme tiêu hóa dùng trong chăn nuôi, lên men tạo sản phẩm có mùi trùn, giàu dinh dưỡng (đạm protein và amin cao), enzyme tiêu hóa, vi khuẩn hữu ích và các chất kháng sinh…

Chế phẩm thứ hai là BIO-BL, đã được dùng để bón cho cây trà ô long và một số cây hoa màu, cây kiểng… Kết quả sau khi sử dụng cho thấy búp trà tươi, màu sắc đẹp hơn, mùi hương của trà cũng thơm hơn. BIO-BL được tạo thành từ trùn quế tươi phối trộn với hỗn hợp vi sinh vật hữu ích và enzyme dùng trong trồng trọt, lên men tạo sản phẩm có mùi trùn, giàu đạm protein và amin cao, enzyme tiêu hóa có hoạt lực cao, vi khuẩn hữu ích…

Chế phẩm BIO-PT được tạo ra bằng cách dùng phân trùn ủ lên men, sản phẩm làm ra có mùi thơm, độ ẩm 40%, đạm tổng 2%, chất hữu cơ, kháng sinh và hỗn hợp vi khuẩn hữu ích. BIO-PT dùng để gây màu và xử lý nước ao nuôi tôm dùng trong nuôi trồng thủy sản.

Nhóm tác giả cho biết ưu điểm của phương pháp chế biến trùn quế bằng công nghệ vi sinh là không cần dùng thiết bị đông lạnh hay thiết bị sấy nên không tốn chi phí điện, năng lượng, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Với công nghệ đơn giản, các hộ nông dân nghèo ở các vùng xa xôi có thể áp dụng dễ dàng. Việc có thêm các chế phẩm sinh học mới có giá thành rẻ góp phần làm cho ngành chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và trồng trọt phát triển tốt hơn.

 

 

Các hình ảnh về trùn quế và chuồng nuôi trùn quế

Nguồn : Báo NLĐ, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Chất dẫn dụ sinh học diệt côn trùng (pheromone)

Là một nhóm chế phẩm sinh học có tác dụng dẫn dụ giới tính, được sử dụng rộng rãi trong hệ thống bảo vệ thực vật cây trồng. Với đặc điểm chuyên tính cao với từng lọai sâu hại nên rất an tòan với sản phẩm, sinh vật có ích và môi trường. 

Pheromone được dùng như một công cụ có hiệu quả trong dự báo, phòng trừ dịch hại cây trồng và sản phẩm trong kho nông sản. 
Đến nay trên thế giới đã nghiên cứu và tổng hợp được hơn 3.000 hợp chất sex – pheromone dẫn dụ nhiều loại côn trùng khác nhau. Ở Việt nam hiện nay, việc ứng dụng pheromone được tập trung đối với một số côn trùng sau đây:

  • Côn trùng hại rau: Các lọai sâu ăn lá: sâu tơ ( Plutella xylostella) , sâu xanh ( Helicoverpa armigera ), sâu khoang ( Spodoptera litura ) và sâu xanh da láng ( Spodoptera exigua )..

Bẫy vàng làm bẫy sâu trưởng thành

  • Côn trùng hại cây ăn trái: tập trung là chất dẫn dụ ruồi vàng đục trái ( Bactrocera dorsalis ). Sản phẩm tiêu biểu là Vizubon – D với họat chất Methyl Eugenol dẫn dụ đối với ruồi đực rất mạnh. Trong sản phẩm có pha trộn thêm chất diệt ruồi Naled. Đối với sâu đục vỏ trái cam quýt ( Prays citri Milliire ) cũng đã được sử dụng pheromone có hoạt chất Z(7)- Tetradecenal.

Bẫy vàng kết hợp chất dẫn dụ chua ngọt bẫy ruồi vàng

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam