Diệt ruồi đục quả bằng chế phẩm từ men bia

Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Quốc tế Úc (ACIAR) vừa chuyển giao cho Việt Nam công nghệ phòng trừ ruồi hại quả mới – chế phẩm protein từ phế thải men bia, tiêu diệt hiệu quả ruồi hại quả ở giai đoạn trưởng thành.

Ruồi hại quả (Oriental fruit fly) có tên khoa học là Bactrocera dorsalis (Hendel), thuộc họ Trypetidae, bộ hai cánh (Diptera).to hơn ruồi nhà, có màu vàng, cánh trong và mang đặc tính sinh học khá đặc biệt.

Để đẻ trứng, ruồi cái buộc phải tìm nguồn protein trong tự nhiên. Thời kỳ quả gần chín, ruồi tập trung nhiều dưới các tán lá, đậu trên mặt quả, dùng ống đẻ trứng chích sâu vào trong thịt quả, đẻ trứng.

Khi trứng nở, sâu non (giòi) hại thịt quả, ăn thịt quả. Đồng thời những lỗ ruồi châm cũng khiến vi khuẩn xâm nhập khiến quả rụng nhanh hơn.

Công dụng lớn nhất của hỗn hợp bả protein, theo TS Khánh, là nhờ mùi vị của protein rất hấp dẫn đối với ruồi hại quả. Vì vậy, để diệt ruồi hại quả, chỉ cần diệt trên một loại cây.

TS Khánh còn khuyến cáo nên tiến hành trên diện rộng, với sự đồng loạt của cả vùng, cả thôn, cả bản thì mới mong mang lại hiệu quả cao.

Bả protein tránh để rớt vào quả, mặc dù phun trước một tháng, với nồng độ thuốc trừ sâu thấp song cũng vẫn là điều đáng lưu tâm.

Để mua bả Ento-pro, có thể liên lạc với Viện Bảo vệ Thực vật-Phòng Côn trùng (Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội). Theo thống kê của Viện Bảo vệ Thực vật, chỉ tính riêng miền Bắc, có tới 18 loại quả, rau ăn quả bị hại. Thậm chí, nhiều nơi, 100% cây ăn quả bị ruồi hại.

Để diệt sâu trong quả, các biện pháp trước đây thường dùng chất hóa học (lân) với nồng độ cao, đủ khả năng thẩm thấu vào bên trong quả. Nhưng với cách này, một dư lượng chất hoá học độc hại lớn để lại trong quả. Hơn nữa, sử dụng biện pháp hóa học gì cũng không đem lại hiệu quả.

Vừa qua, Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Quốc tế Úc (ACIAR) chuyển giao cho Việt Nam công nghệ phòng trừ ruồi hại quả mới – chế phẩm protein từ phế thải men bia, tiêu diệt hiệu quả ruồi hại quả ở giai đoạn trưởng thành.
Chỉ với 20 lít hỗn hợp bả Ento-pro (gồm 100 ml bả protein+0,1g thuốc trừ sâu+900ml nước) là có thể sử dụng cho một hécta.

“Với biện pháp phun điểm lên lá cây, mỗi cây xịt một điểm, tính trung bình, để bảo vệ một hécta cây ăn quả, chỉ hết khoảng 700 nghìn đồng”, TS Khánh nói.

Cũng trong chương trình hợp tác, phía Úc giúp Việt Nam xây dựng một xưởng sản xuất bả protein tại Nhà máy bia Foster Tiền Giang. Tuy nhiên, xưởng sản xuất quá nhỏ, thành phẩm làm ra không đủ để đáp ứng nhu cầu của cả nước.

Do vậy phía Úc giúp và chuyển giao công nghệ cho xây dựng một xưởng sản xuất lớn hơn tại Nhà máy bia An Thịnh (Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh), nhằm cung cấp bả protein cho các tỉnh phía Bắc và miền Trung với giá rẻ hơn rất nhiều so với nhập khẩu.

Giá thành của những sản phẩm này cũng hợp lý, đối với bình nhỏ 100ml, có giá 13.650 đồng; bình 480ml, giá 50.400đồng. Như vậy, để phun cho khoảng 1.000m2 chỉ cần 4-5 bình, tương ứng với số tiền là trên 200.000 đồng.

Đặc biệt, để phun cho một hécta cây ăn quả bằng thuốc hóa học, thông thường cũng phải mất 4-6 ngày. Áp dụng bả protein, một người chỉ cần ba tiếng là có thể phun cho một hécta.

(theo AGRIVIET, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam)

 

Vai trò của chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản

Thủy sản ngày càng phát triển, đi đôi với chúng thì hàng loạt thuốc hóa chất được dùng trong nuôi càng nhiều. Tuy nhiên việc lạm dụng quá nhiều thuốc kháng sinh gây không những vật nuôi chậm phát triển mà cả người tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Và vì thế chế phẩm sinh học ra đời

Chế phẩm sinh học ra đời là bước tiến lớn trong tất cả các ngành nông nghiệp, và thủy sản cũng nằm trong số đó.

Tìm hiểu vai trò của chế phẩm sinh học nhằm giúp người dân hiểu rỏ được công dụng nhằm sử dụng  chúng một cách đúng và đạt hiệu quả một cách tốt nhất.

  • Tăng cường sức khỏe và ngăn chặn mầm bệnh

Chế phẩm sinh học có khả năng sản sinh ra các chất hoá học có tác dụng diệt các vi khuẩn gây bệnh bám trên thành ruột của vật chủ, do vậy có thể coi chế phẩm sinh học là một rào cản hữu hiệu ngăn chặn sự phát triển của mầm bệnh.

Ngoài ra, chế phấm sinh học hay các vi khuẩn có lợi còn có khả năng cạnh tranh vị trí bám vào thức ăn trong thành ruột với các vi sinh vật gây bệnh, không cho phép các vi sinh vật này bám vào cơ thể vật nuôi, nhờ vậy giúp ngăn ngừa dịch bệnh, đảm bảo sức khoẻ cho vật nuôi.

  • Cải tiến hệ tiêu hóa

Chế phẩm sinh học là nguồn dinh dưỡng và Enzyme cho bộ máy tiêu hoá của các vật nuôi. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chế phấm sinh học có ảnh hưởng tích cực đến quá trình tiêu hoá của các vật nuôi bởi vì các dòng chế phẩm sinh học sản xuất ra các enzyme ngoại bào như: as protease, amilaza, lipaza,… và cung cấp các dưỡng chất phát triển cần thiết như vitamin, axit béo, axit amin…

Trong thủy sản, các vi khuẩn vi sinh như BacteroidesClostridium sp cung cấp dinh dưỡng cho cá, đặc biệt là cung cấp các axit béo và vitamin. Ngoài ra, một số vi khuẩn có thể tham gia vào quá trình tiêu hoá của động vật hai mảnh vỏ bằng cách sản xuất ra các enzyme ngoại bào như Protease, Amilaza, Lipaza và cung cấp dưỡng chất phát triển cần thiết như vitamin, axit béo, axit amin.

  • Cải thiện chất lượng nước

Chế phẩm sinh học xử lí nước thải BiO-EM

Chế phẩm sinh học còn giúp ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm trong ao nuôi. Các vi sinh vật có lợi giúp phân hủy các chất hữu cơ, góp phần giảm thiểu việc hình thành lớp bùn và chất cặn bã, nhờ vậy chất lượng nước trong ao được cải thiện, làm tăng số động vật phù du, giảm mùi hôi, từ đó tăng sản lượng nuôi trông thủy sản. Hơn nữa, sử dụng chế phẩm sinh họcsẽ  góp phần làm giảm hóa chất, kháng sinh trong phòng và trị bệnh trong nuôi trồng thủy sản, góp phần phát triển nuôi trông thủy sản bền vững.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

 

Khái niệm về chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản

Chế phẩm sinh học có thể định nghĩa như là sản phẩm có nguồn gốc sinh vật, kể cả vi sinh; các thực liệu lấy từ nấm, vi trùng, vi rút và các nguyên sinh: Độc tố, nọc độc từ nguồn động vật hoặc thực vật gây hại cho động vật để chuẩn đoán, phòng bệnh, chữa bệnh cho thủy sản nuôi trồng và xử lý môi trường nước trong nuôi trồng thủy sản (Bộ thủy sản, năm 2002)

Chế phẩm sinh học còn có thể được gọi là Probiotic, Có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là “cho cuộc sống”(for life) và đã có nhiều ý nghĩa khác nhau trong những năm qua. Probiotic lần đầu tiên được sử dụng bởi Lilley và Stillwell vào năm 1965 để mô tả các chất tiết ra bởi một vi sinh vật dùng để kích thích sự tăng trưởng của vật chủ. Do đó, nó mang ý nghĩa là sự đối lập với “kháng sinh” nên vẫn chưa được đưa vào sử dụng và định nghĩa này cũng chưa được gọi là chính xác.

Một sản phẩm của chế phẩm sinh học

Năm 1971 Sperti định nghĩa Probiotic mô tả chất chiết xuất từ các lớp biểu ​​mô có thể dùng để kích thích sự tăng trưởng của vi sinh vật.

Đến năm 1974 Parker đã sửa lại định nghĩa về Probiotic, là “sinh vật và các chất của vi sinh vật, góp phần cân bằng lại vi khuẩn đường ruột”. Tuy nhiên, định nghĩa này sử dụng Probiotic nói đến vi sinh đường ruột nhưng lại bao gồm “chất” lại mang thêm một ý nghĩa rộng mà trong đó sẽ bao gồm cả thuốc kháng sinh.

Trong một nỗ lực để cải thiện các định nghĩa, đến năm 1989, Fuller đã định nghĩa lại Probiotic như ” Sự bổ sung thức ăn vi khuẩn sống trong đó có lợi ích ảnh hưởng đến vật chủ bằng cách cải thiện sự cân bằng với vi khuẩn đường ruột của nó”.

Probiotic đã và đang được sử dụng khá hiệu quả để phòng bệnh cho người, gia súc, gia cầm trên cạn, làm phân bón vi sinh…. Tuy nhiên, việc sử dụng chế phẩm sinh học vào nuôi trồng thủy sản còn là một điều khá mới mẻ. Các chủng vi sinh vật và các sản phẩm lên men giàu các chất ngoại bào đã được sử dụng trong nuôi trồng thủy sản. Mục đích của việc sử dụng chế phẩm sinh học là nhằm cải thiện và bổ sung chức năng của các vi sinh vật trong hệ tiêu hóa của vật chủ.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

 

Lợi ích của dùng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi

Diễn đàn có sự tham gia của các nhà khoa học, đại diện ngành chăn nuôi các tỉnh, thành phố phía Nam.

Hiện sản lượng thịt lợn, bò, gà… ở Việt Nam là 4 triệu tấn/năm, trong đó thịt lợn chiếm 3 triệu tấn. Thời gian qua, người chăn nuôi đang đối mặt với nhiều khó khăn như giá thức ăn và thuốc thú y tăng cao, nhiều loại dịch bệnh và ô nhiễm môi trường xung quanh.

Bên cạnh đó, việc lạm dụng các chất tăng trọng, tạo nạc và thuốc kháng sinh làm tồn dư các hóa chất này trong sản phẩm thịt, trứng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Thực tế, việc người tiêu dùng quay lưng với các sản phẩm thịt lợn đã gây thiệt hại hơn 2.000 tỷ đồng cho người nuôi.

Ngoài ra, mỗi ngày tại các trại chăn nuôi lợn thải ra khoảng 5 tấn phân và nước thải. Lượng phân này hiện đang được dùng vào việc trồng trọt, tuy nhiên việc xử lý không đúng cách làm rau màu nhiễm trứng giun và vi sinh vật có hại, ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.

Lợi ích của dùng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi

Trên thị trường hiện nay có hơn 200 chế phẩm sinh học dùng trong chăn nuôi nhằm cân bằng hệ vi sinh đường ruột, giúp tiêu hóa tốt, giảm tỷ lệ các sinh vật gây bệnh, kích thích hệ miễn dịch, nhờ đó khống chế các bệnh lây nhiễm và giảm ô nhiễm môi trường.

Theo phó giáo sư, tiến sỹ Lâm Minh Thuận (Đại học nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh), việc sử dụng chế phẩm tự nhiên như gừng, nghệ, tỏi thay thế kháng sinh trong chăn nuôi gà giúp loại gia cầm này chuyển hóa trao đổi chất, đồng thời nâng cao sức đề kháng bệnh, tạo ra thịt sạch, an toàn cho người sử dụng và đem lại hiệu quả kinh tế cao trong chăn nuôi.

Trong chăn nuôi lợn, việc sử dụng tỏi, nghệ theo các nhà khoa học, giúp cải thiện tăng trưởng cũng như hệ số chuyển hóa thức ăn, giảm chi phí trên 1kg tăng trọng so với lợn sử dụng kháng sinh. Với việc sử dụng thức ăn, nhiều nhà khoa học đánh giá, nếu người chăn nuôi sử dụng thức ăn lên men bằng “Men vi sinh hoạt tính” sẽ giúp gia súc, gia cầm phát triển tốt, tăng trọng nhanh; giảm tiêu tốn và chi phí thức ăn; giảm tỷ lệ mắc bệnh; tạo môi trường sạch.

Thực tế tại tỉnh Đồng Tháp, những năm qua nhờ dùng chế phẩm sinh học Balasa N01 nên ngành chăn nuôi của tỉnh này đã hạn chế chất thải độc hại ra môi trường.

Bà Ngô Xuân Hương (Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Đồng Tháp) cho biết việc sử dụng men Balasa N01 đem lại nhiều lợi ích như phân giải được nước tiểu do vật nuôi thải ra, hạn chế mùi hôi thối, ức chế và tiêu diệt sự phát triển của hệ sinh vật có hại, bảo vệ sức khỏe vật nuôi; tiết kiệm khoảng 80% nước trong chăn nuôi do không phải sử dụng nước rửa chuồng hay tắm cho vật nuôi; tiết kiệm 50% nhân công do không cần dọn, tắm cho vật nuôi hàng ngày. Đặc biệt, người chăn nuôi khi sử dụng men Balasa N01 đã cho ra sản phẩm thịt đảm bảo vệ sinh về màu, mùi, vị.

Tại Đồng Nai, hiện gần 100% trang trại chăn nuôi lợn, gà đã ứng dụng chế phẩm sinh học. Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình hay về sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi, điển hình như việc nuôi gà bằng thảo dược của chị Cao Thị Len ở xã Phú Ngọc, huyện Định Quán.

Sau hơn một năm thực hiện, chị Len đã nuôi được nhiều lứa gà bằng thảo dược. Với giá bán 50.000 đồng/kg, gà thảo dược của chị Len được người tiêu dùng đón nhận bởi chất lượng thịt cao hơn so với gà nuôi theo phương pháp thông thường. Hiện trang trại của chị có hai chuồng gà thảo dược, với hơn 5.000 con.

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, việc sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi đã được chấp nhận rộng rãi trên thế giới.

Tại Việt Nam, các chế phẩm sinh học cũng đã được áp dụng tại nhiều trang trại. Tuy nhiên, với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học vẫn là một điều xa lạ.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Bạn đã biết gì về sản phẩm chitosan trong nông nghiệp

Cơ chế tác động của Chitosan

1.  CHITOSAN LÀ GÌ?

Chitosan là một dạng chitin đã bị khử axetyl, nhưng không giống chitin nó lại tan được trong dung dịch axit. Chitin là polyme sinh học có nhiều trong thiên nhiên chỉ đứng sau xenluloza. Cấu trúc hóa học của chitin gần giống với xenluloza. Chitin có nhiều trong các loài giáp xác như tôm, cua, ghẹ…

Đặc tính của chitosan:

  • Là polysacharide có đạm không độc hại, có khối lượng phân tử lớn.
  • Là một chất rắn, xốp, nhẹ, hình vảy, có thể xay nhỏ theo các kích cỡ khác nhau.
  • Chitosan có màu trắng hay vàng nhạt, không mùi vị.
  • Không tan trong nước, dung dịch kiềm và axit đậm đặc nhưng tan trong axit loãng (pH=6), tạo dung dịch keo trong, có khả năng tạo màng tốt, nhiệt độ nóng chảy 309 – 311oC.

2. VAI TRÒ CỦA CHITOSAN TRONG NÔNG NGHIỆP

  • Kháng virus, Kháng vi khuẩn, kháng nấm, kháng một số côn trùng. Do đó, nó thường được ứng dụng trong kiểm soát bệnh hại.
  • Bảo quản hạt giống, tăng khả năng nảy mầm của hạt giống cũng như cải thiện sức sống của cây trồng, hạn chế nấm bệnh gây hại.
  • Phân bón qua lá giúp cây giảm thoát hơi nước, tăng sức chống chịu khô hạn
  • Cải tạo đất, hạn chế vi sinh vật gây hại trong đất, đồng thời kích thích các vi sinh vật có ích phát triển.
  • Bảo quản nông sản sau thu hoạch.

    3.  CƠ CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA CHITOSAN

    Cơ chế chống bệnh hại của Chitosan chủ yếu bao gồm:

  • Hoạt tính trực tiếp chống lại mầm bệnh

Hoạt tính trực tiếp của chitosan trong việc kháng virut và viroid chủ yếu ở khả năng chitosan bất hoạt quá trình sinh sản của virut hoặc viroid. Nó thâm nhập vào mô tế bào cây, liên kết chặt chẽ với các acid nucleic và gây ra một loạt các thương tổn và gây ức chế lựa chọn. Ngay lập tức, ức chế có chọn lọc này có thể bất hoạt các mRNA mã hõa các gen cần cho quá trình điều trị thương tổn của vi khuẩn. Ngược lại, các nấm, vi khuẩn, oomycete và các côn trùng khác, chitosan tác động thông qua cơ chế gia tăng khả năng đề kháng của cây, giúp cây tiết ra các kháng thể chống lại sự xâm nhập của nấm, vi khuẩn, oomycete.

  • Hàng rào vật lý quanh vị trí xâm nhập mầm bệnh

Khi chitosan xâm nhập vào mô cây, thường kết dính quanh các vị trí xâm nhập và có 3 tác động chính:

– Thứ nhất là lập hàng rào cách ly vị trí xâm nhập để tránh mầm bệnh lây lan và bảo vệ các tế bào khỏe mạnh khác. Tại vị trí cách ly, cây sẽ nhận biết để kích thích sự phản ứng nhạy cảm giúp tiết ra H2O2 để giúp tăng cường thành tế bào và báo động cho các tế bào bên cạnh.

– Thứ hai chitosan liên kết các kim loại khác nhau và giúp kích hoạt nhanh chóng quá trình làm lành vết thương.

– Thứ ba chitosan có điện tích dương, vi khuẩn có điện tích âm do đó chitosan kết dính với vi khuẩn gây ra quá trình rò rỉ protein và các cơ quan nội bào của vi khuẩn, khiến vi khuẩn bị tổn thương nghiêm trọng và chết.

  • Khả năng tạo chelate với dinh dưỡng và khoáng chất

Chitosan có khả năng liên kết các kim loại và khoáng (như Fe, Cu) giúp tránh mầm bệnh xâm nhập, gây ức chế quá trình sinh sản và tạo ra độc tố. Chitosan còn tạo phức với mycotoxin (độc tố do nấm tiết ra), giúp giảm tổn hại ở tế bào chủ do độc tố nấm.

  • Chất tăng cường làm lành vết thương

Vì khả năng bám chặt vào màng sinh học và các phân tử sinh học cùng với điện tích dương, chitosan cung cấp khả năng làm lành vết thương nhanh chóng khi có tổn hại cơ học hay mầm bệnh tấn công.

Vì là chất kích hoạt, chitosan hoạt hóa quá trình tổng hợp và hình thành một loạt các protein PR và các protein bảo vệ trong đó có phenylalanine ammonia-lyase và peroxidase. Hai emzyme này giúp tổng hợp và xây dựng lên ma trận lignin và hình thành tyllose, những chất đóng vai trò quan trọng trong làm lành vết thương.

  • Kích thích cơ chế phòng thủ của cây trồng

Chất kích hoạt là các chất có khả năng kích thích các phản ứng bảo vệ khi được đưa vào các mô tế bào cây (như oligosaccharit, glycoprotein, peptit và lipit). Các chất kích thích oligosaccharit bao gồm oligoglucan, oligochitin, oligochitosan và oligogalacturonic. Khi cây trồng được tăng cường cơ chế bảo vệ sẽ chịu được sự tấn công mầm bệnh, nhanh chóng khoanh vùng tế bào bị chết và tạo ra các chất sinh hóa xung quanh tế bào bị chết. Các cơ chế này bao gồm tạo ra các oxygen hoạt tính, thay đổi cấu trúc tế bào, tổng hợp các protein kháng thể và tổng hợp sinh học phytoalexin. Chitosan là chất có khả năng kích hoạt các cơ chế phòng thủ của cây. Khi sử dụng chitosan, cây trồng sẽ có một loạt biến đổi về vật lý và sinh lý học. Thay đổi vật lí là sẽ giảm khe hở khí không, giảm khả năng tiếp cận của nấm vào mô tế bào lá. Các tế bào bảo vệ của lá sẽ tạo ra H2O2, để phản ứng lại với sự giảm khe hở khí khổng. Nồng độ acid phenolic trong lá, đặc biệt ferulic acid sẽ gia tăng đáng kể khi gia tăng nồng độ chitosan. Nồng độ lignin trong lá cũng sẽ tăng cao. Các tiền chất của lignin như p-courmaric, ferulic acid, sinapoc acid và phenolic acid có khả năng kháng khuẩn đều bị kích hoạt bởi chitosan. Bản thân các oligogalacturonic là sản phẩm của quá trình phân giải thành tế bào cây do enzyme pectic của vi khuẩn tiết ra do đó khiến cây tạo ra cơ chế bảo vệ Ngoài ra, chitosan là thành phần tìm thấy của nhiều loại nấm. Nên khi các olgigosaccharit giải phóng khỏi chitosan sẽ giúp kích thích cơ chế bảo vệ của cây.

ThS. Lê Trường Bình – Trung tâm Nghiên cứu Đất, Phân bón và Môi trường phía Nam, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

 

Danh mục các loại chế phẩm vi sinh hữu ích cho nông nghiệp hữu cơ

     Các sản phẩm chế phẩm sinh học

1. Chủng vi sinh vật xử lý phụ phẩm nông nghiệp

Các chủng vi khuẩn, xạ khuẩn, nấm mùn hóa nhanh các phụ phẩm nông nghiệp có nguồn thành phần celullose cao (bã bùn mía, mụn xơ dừa, rơm rạ,…) để sản xuất phân hữu cơ và phân hữu cơ vi sinh

2. Phân hữu cơ vi sinh

Phân hữu cơ vi sinh có khả năng thay thế ít nhất 25-50% phân đạm và lân hóa học, năng suất cây trồng tăng (trung bình 10%)
Giúp cây khoẻ, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh
Giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật
Giảm lượng NO3– tồn đọng trong nông sản
Cải tạo đất
Giảm chi phí cho sản xuất

3. Chế phẩm vi sinh vật cố định đạm cộng sinh cây họ đậu (Rhizobium sp.

Tăng cường sự cố định N của khí trời nhằm cung cấp thêm đạm cho cây trồng
Nâng cao năng suất và phẩm chất nông sản, duy trì và cải tạo độ phì nhiêu của đất
Cung cấp các chất kháng sinh phòng chống sâu bệnh hại

4. Chế phẩm và phân vi sinh vật cố định đạm sống tự do (Azotobacter), hội sinh (Azospirillum)

Tăng cường cung cấp đạm cho cây trồng
Có khả năng cải tạo đất và kích thích sinh trưởng cho cây trồng
Làm tăng năng suất từ 5 – 10%

5. Chế phẩm và phân vi sinh vật phân giải lân

Tăng cường cung cấp thêm lân (P) dễ tiêu
Phát huy hiệu quả của phân lân
Tăng cường sức hoạt động của các loại VSV khác trong đất
Cung cấp các chất điều hòa sinh trưởng
Cung cấp các chất kháng sinh phòng chống sâu bệnh hại

6. Chế phẩm và phân vi sinh vật kích thích, điều hòa sinh trưởng thực vật

Kích thích, điều hòa sinh trưởng thực vật
Có khả năng sinh tổng hợp các hoạt chất sinh học có tác dụng điều hòa hoặc kích thích quá trình trao đổi chất của cây
Giúp cho cây sinh trưởng và phát triển tốt, ít sâu bệnh, tăng năng suất
Làm tăng khả năng nảy mầm của hạt, tăng trọng lượng hạt, thúc đẩy bộ rễ cây phát triển mạnh

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Chế phẩm sinh học từ trùn quế

Các nhà khoa học ở Viện Sinh học nhiệt đới đã tạo ra 3 chế phẩm sinh học từ trùn quế để làm thức ăn cho gia súc, gia cầm và phân bón cho cây. Với công nghệ đơn giản, các hộ nông dân nghèo ở các vùng xa xôi có thể áp dụng dễ dàng.

Trong nông nghiệp, trùn quế được coi là loại thức ăn đạm cao cấp cho vật nuôi. Các loài cá, baba, tôm, ếch, lươn, cua biển… đều rất thích ăn trùn. Đối với gia súc, gia cầm, trùn là loại thức ăn bổ dưỡng. Tuy nhiên, trùn quế tươi chỉ có thể để không quá một ngày ở nhiệt độ thường nên rất khó lưu trữ.

Từ thực tế đó, TS Võ Thị Hạnh cùng các cộng sự thuộc Phòng Vi sinh Viện Sinh học nhiệt đới đã tạo ra 3 chế phẩm sinh học từ trùn quế để làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, làm phân bón cho cây… Các chế phẩm này có thể được bảo quản, lưu trữ trong thời gian dài, từ 6-10 tháng.

Một ưu điểm nổi trội của các chế phẩm này là vẫn giữ nguyên mùi trùn tươi, các chất dinh dưỡng không bị mất đi hoặc biến chất theo thời gian. Chế phẩm đầu tiên là BIO-T, dùng làm thức ăn cho tôm sú, cá tra, gà lương phượng và vịt xiêm. Điều đáng nói là nếu sử dụng trùn quế tươi phải cần một lượng nhiều gấp 10 lần so với BIO-T mới có hiệu quả tương tự. BIO-T được sản xuất bằng cách sử dụng trùn quế tươi phối trộn với hỗn hợp vi khuẩn hữu ích và enzyme tiêu hóa dùng trong chăn nuôi, lên men tạo sản phẩm có mùi trùn, giàu dinh dưỡng (đạm protein và amin cao), enzyme tiêu hóa, vi khuẩn hữu ích và các chất kháng sinh…

Chế phẩm thứ hai là BIO-BL, đã được dùng để bón cho cây trà ô long và một số cây hoa màu, cây kiểng… Kết quả sau khi sử dụng cho thấy búp trà tươi, màu sắc đẹp hơn, mùi hương của trà cũng thơm hơn. BIO-BL được tạo thành từ trùn quế tươi phối trộn với hỗn hợp vi sinh vật hữu ích và enzyme dùng trong trồng trọt, lên men tạo sản phẩm có mùi trùn, giàu đạm protein và amin cao, enzyme tiêu hóa có hoạt lực cao, vi khuẩn hữu ích…

Chế phẩm BIO-PT được tạo ra bằng cách dùng phân trùn ủ lên men, sản phẩm làm ra có mùi thơm, độ ẩm 40%, đạm tổng 2%, chất hữu cơ, kháng sinh và hỗn hợp vi khuẩn hữu ích. BIO-PT dùng để gây màu và xử lý nước ao nuôi tôm dùng trong nuôi trồng thủy sản.

Nhóm tác giả cho biết ưu điểm của phương pháp chế biến trùn quế bằng công nghệ vi sinh là không cần dùng thiết bị đông lạnh hay thiết bị sấy nên không tốn chi phí điện, năng lượng, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Với công nghệ đơn giản, các hộ nông dân nghèo ở các vùng xa xôi có thể áp dụng dễ dàng. Việc có thêm các chế phẩm sinh học mới có giá thành rẻ góp phần làm cho ngành chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và trồng trọt phát triển tốt hơn.

 

 

Các hình ảnh về trùn quế và chuồng nuôi trùn quế

Nguồn : Báo NLĐ, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Vai trò của vi sinh vật đối kháng

Hướng phòng trừ bệnh sinh học đã và đang được các nhà khoa học trên thế giới nghiên cứu và cho ra các chế phẩm sinh học có nhiều triển vọng.

Đây là một trong những phương pháp phòng chống có hiệu quả khả quan. Hiện nay, để phòng trừ các loại nấm gây bệnh hại cây trồng, giúp cây trồng phát triển tốt hơn, làm cho tác nhân gây bệnh không kháng thuốc, an toàn với môi trường sinh thái, phù hợp với xu hướng an toàn nông nghiệp hiện nay. Tìm ra các chủng vi sinh vật có khả năng kháng nấm bệnh là biện pháp phổ biến của công tác phòng trừ sinh học. Cơ chế đối kháng với vi sinh vật gây bệnh là chủng vi sinh vật có thể tiết ra chất kháng sinh, cạnh tranh về dinh dưỡng hoặc tấn công trực tiếp lên tơ nấm gây bệnh, hay tiết ra những chất kích thích sinh trưởng giúp cho cây trồng tăng khả năng kháng bệnh.

Bacillus là một tác nhân sinh học đầy tiềm năng trong việc phòng trừ bệnh hại cây trồng. Chúng có khả năng đối kháng các loại vi nấm gây bệnh với phổ tác động rộng, không gây hại cho con người và cây trồng. Mặt khác, Bacillus còn tham gia vào quá trình chuyển hóa các chất hữu cơ khó phân hủy thành những chất hữu cơ đơn giản cho cây trồng dễ sử dụng, giúp cải tạo đất, khống chế và tiêu diệt một số loại vi sinh vật gây bệnh cho cây trồng bởi các chức năng sinh học chuyên biệt của chúng. Vi khuẩn Bacillus subtilis nằm trong nhóm vi khuẩn có khả năng đối kháng với một số nấm gây bệnh cho cây. Trong các vi sinh vật đối kháng, vi khuẩn Bacillus được chứng minh có khả năng đối kháng với nhiều loại nấm như: Rhizoctonia, Sclerotinia, Fusarium, Pythium và Phytopthora và một số vi khuẩn khác nhờ vào khả năng sinh ra các chất kháng sinh (Lê Đức Mạnh và ctv, 2003; Nguyễn Văn Thanh, Nguyễn Thu Hoa, 2005; Nguyễn Xuân Thành và ctv 2003, Võ Thị Thứ, 1996).

Bacillus subtilis

Trichoderma là một loại vi nấm được phân lập từ đất, thường hiện diện ở vùng xung quanh hệ thống của rễ cây. Đây là loại nấm hoại sinh có khả năng ký sinh và đối kháng trên nhiều loại nấm bệnh cây trồng. Nhờ vậy, nhiều loài Trichoderma spp. đã được nghiên cứu như là một tác nhân phòng trừ sinh học và đã được thương mại hóa thành thuốc trừ bệnh sinh học, phân sinh học và chất cải tạo đất (Harman & ctv, 2004). Có khả năng phòng trị, cạnh tranh hoặc tiêu diệt các tác nhân gây bệnh giúp cải thiện sức khỏe của cây; Kích thích sự phát triển của rễ nhờ tiết ra các chất điều hòa sinh trưởng. Tính đối kháng với các nấm hại này bằng cách cạnh tranh dinh dưỡng, ký sinh với nấm hại hoặc tiết kháng sinh, enzyme phân hủy vách tế bào nấm gây bệnh cây trồng. Cơ chế tác động chính của nấm Trichoderma là ký sinh và tiết ra các kháng sinh trên các loài nấm gây bệnh. Ngoài hiệu quả trực tiếp trên các tác nhân gây bệnh cây, nhiều loài Trichoderma còn định cư ở bề mặt rễ cây giúp thay đổi khả năng biến duỡng của cây, nhiều dòng nấm đã kích thích sự tăng trưởng của cây, gia tăng khả năng hấp thụ dinh dưỡng, cải thiện năng suất cây và giúp cây kháng được bệnh

Trichoderma harzianum

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam