Cử nhân nuôi tôm siêu lợi nhuận trên vùng đất mỏ

Với mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng, nuôi tôm sú và các loại cá…. mang lại thu nhập hàng tỉ đồng/năm, chàng trai Nguyễn Văn Long, sinh năm 1979, trú tại khu 6B phường Hà Phong, TP.Hạ Long (Quảng Ninh) được nhiều người biết đến là tấm gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.

Anh Long quăng chài vớt tôm kiểm tra dịch bệnh.

Cử nhân mê tôm

Hiện nay anh Long đang là chủ sở hữu của gần 100ha diện tích ao nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú, các loại cá như cá vược, cá song…. Xuất phát điểm không phải học về thủy sản, mà là cử nhân chuyên ngành kinh tế và quản trị kinh doanh, nhưng với sự đam mê, và mong muốn nối nghiệp của gia đình nên sau khi tốt nghiệp đại học, anh Long đã về giúp bố quản lý khu ao đầm nuôi tôm của gia đình.

Nhiều đoàn công tác, người nuôi tôm đến thăm quan, học hỏi tại khu đầm của anh Long.

Long tự nhận mình là “thằng dân chài”, một người nông dân thực thụ. Anh bộc bạch: “Mình làm nghề này khác gì một người nông dân đâu, ngày ngày ngoài đầm mà”. Long cho biết, gia đình anh bắt đầu nuôi tôm từ năm 1985, ban đầu chủ yếu nuôi tôm sú với diện tích nhỏ hẹp nhưng tôm thường mắc dịch bệnh dẫn đến hiệu quả thấp. Nhận thấy nhu cầu thị trường của loại tôm thẻ chân trắng, nên gia đình anh quyết định chuyển sang nuôi loại tôm cho giá trị đặc biệt này.

Hiện gia đình anh Long phát triển mô hình nuôi theo hướng công nghiệp. Cứ 1ha diện tích nuôi trồng anh Long đầu tư hơn 10 tỉ đồng với hệ thống máy quạt khí hiện đại. Các ao nuôi khi xây dựng cũng được lót bạt ở dưới, có hệ thống ống hơi và thoát khí ngầm. “Để có được những vụ tôm có chất lượng tốt cần có kỹ thuật cao, con giống tốt, đầu tư tốt về cơ sở hạ tầng”, anh Long chia sẻ.

Cho tôm ăn bằng máy tự động.

Lắm lời, lắm rủi ro…

“Ngành thủy sản là một ngành siêu lợi nhuận, nhưng rủi ro gặp phải cũng khủng khiếp. Nếu nuôi thủy sản trong hai năm mà không gặp bất kỳ rủi ro hay sự cố gì thì lợi nhuận từ nó mang lại rất lớn”, anh Long chia sẻ.

Để tránh rủi ro chủ yếu do dịch bệnh mang lại, Nguyễn Văn Long thường hay thu mua của người dân cây Diệp Hạ Châu (dân gian gọi là cây chó đẻ) đem giã lấy nước trộn với thức ăn để phòng bệnh gan cho tôm. Đây là một “bí kíp”, một kinh nghiệm dân gian anh học được từ những người đi trước, từ các mô hình nuôi trồng thủy sản ở các tỉnh lân cận. Theo anh Long, nên chia các ao nuôi với diện tích lớn nhỏ khác nhau để giảm thiệt hại khi có sự cố xảy ra.

Đến vụ thu hoạch, tôm của gia đình anh được bán cho các nhà hàng, các chợ trên địa bàn và các tỉnh lân cận, đồng thời bán cho các công ty đông lạnh để xuất khẩu. Sau khi thu hoạch sẽ tiến hành kiểm tra lại hệ thống ao nuôi và lựa chọn con giống cho vụ tiếp theo. Con giống chủ yếu được anh mua của Tập đoàn Việt – Úc và một số công ty sản xuất giống trong nước ở Nha Trang (Khánh Hòa).

Bên cạnh tạo thu nhập ổn định cho gia đình, hàng năm mô hình nuôi trồng thủy sản của anh Long còn tạo công ăn việc làm cho 20 lao động với mức thu nhập 6 triệu đồng/tháng

Với kết quả nổi bật trong quá trình phát triển sản xuất, nuôi trồng thủy sản anh đã vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ NN&PTNT, Bằng khen của HND tỉnh… Mô hình của anh cũng được mọi người trong tỉnh cũng như các tỉnh lân cận đến tham khảo, học tập và áp dụng.

Nguồn: Danviet.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Cá tra giống tăng giá mạnh nông dân hối hả cho vụ mới

Hiện giá cá tra giống loại 30 – 40 con/kg, được thu mua khoảng 30.000 – 40.000 đồng/kg, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2016. Với mức giá này người nuôi có lãi trên 10.000 đồng/kg.

Cá tra đang tăng mạnh, nông dân hối hả cho mùa vụ mới

Hiện giá cá tra thương phẩm tăng mạnh với mức giá cá tra thương phẩm 28.000 – 30.000 đồng/kg, người nuôi cá tra ở tỉnh Đồng Tháp vô cùng phấn khởi chuẩn bị thả nuôi vụ mới.

Hiện tỉnh Đồng Tháp có hơn 1.500 ha nuôi cá tra thương phẩm xuất khẩu được cấp mã số nhận diện theo quy định với tổng số 1.675 ao; trong đó, diện tích nuôi của các doanh nghiệp hơn 968 ha, còn lại là hộ nuôi cá thể, bình quân năng suất đạt 350 tấn/ha.

Diện tích nuôi cá tra áp dụng và được chứng nhận hơn 809 ha với các tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP, BAP, ASC. Giá cá tra đang ở mức 28 – 30 nghìn đồng/kg, tăng 5 – 7 nghìn đồng/kg so với vài tháng trước, người nuôi có thể thu lợi nhuận từ 3 – 5 nghìn đồng/kg.

Tân Hồng là địa phương có diện tích nuôi thủy sản khá lớn với tổng diện tích hơn 580ha, trong đó, cá tra thương phẩm hơn 179 ha và cá tra giống hơn 236 ha… Trong 9 tháng đầu năm huyện đã thả nuôi và thu hoạch 38.029/36.000 ha, đạt 106% kế hoạch, gồm: cá tra 35.923 tấn, các loại khác 999 tấn.

Ông Phan Thanh Xuân – Phó phòng NN&PTNT huyện Tân Hồng cho biết, để phát triển ngành cá tra cần làm tốt công tác sản xuất đến tiêu thụ phải đạt chuẩn có chứng nhận mới là hướng đi bền vững. Huyện đã hỗ trợ các hộ nuôi thực hiện tốt các quy trình kỹ thuật nuôi không sử dung kháng sinh, ao nuôi sạch có xử lý môi trường và phải ghi sổ tay để quản lý. Nhiều hộ đã thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp xuất khẩu đảm bảo người nuôi có lãi.

Cá tra tăng giá mạnh nông dân phấn khởi

Thị trường cá tra giống cũng nhộn nhịp hẳn lên. Toàn huyện Hồng Ngự có 53 cơ sở sản xuất cá tra bột (giảm trên 20 cơ sở so với năm 2015), trong đó có 31 cơ sở nuôi cá bố mẹ được chuyển giao công nghệ chất lượng di truyền cao. Hàng năm cung ứng ra thị trường gần 500 triệu con giống và 10 tỷ con cá tra bột phục vụ cho các doanh nghiệp và hộ nuôi trong, ngoài tỉnh

Nguồn: Nongnghiep.vnd được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Thoát nghèo nhờ cá rô phi: Hiệu quả bất ngờ!

Từ nguồn vốn 300 triệu đồng của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN- PTNT), dự án nuôi cá rô phi được xã Hồng Tiến (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) triển khai từ tháng 7- 11/2017 cho hiệu quả cao. Từ đó giúp các hộ tham gia dự án thoát nghèo, mở ra hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp tại địa phương.

Mô hình nuôi cá rô phi của gia đình ông Hoàng Văn Phiệt

Gần đây, người dân xã Hồng Tiến đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả kết hợp tận dụng triệt để mặt nước ao hồ và bãi bồi ven sông để nuôi các loại thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao.

Dẫn chúng tôi đi tham quan các mô hình nuôi cá rô phi tại xã Hồng Tiến, ông Cao Hải Đường, Phó Chủ nhiệm HTX Thủy sản Hồng Tiến phấn khởi: “Mô hình nuôi cá rô phi tại địa phương đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo nhờ loại cá này”.

Tại xã Hồng Tiến, đi đầu trong phong trào nuôi cá nước ngọt, đặc biệt là mô hình nuôi cá rô phi phải kể đến gia đình ông Hoàng Văn Phiệt (thôn Nam Tiến). Từ một nông dân nghèo, nay ông đã trở thành triệu phú.

Nhận thấy mô hình nuôi trồng thủy sản thực sự đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình, ông Phiệt đã quyết định chuyển đổi gần 10.000m2 ruộng từ diện tích cấy lúa kém hiệu quả và diện tích vùng đất bãi ven sông gia đình ông đã quy hoạch, đào ao nuôi cá.

Thời gian đầu, gia đình ông nuôi các loại cá truyền thống như cá trôi, trắm, chép, mỗi năm thu hoạch được 2 vụ, nhưng không mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình là bao. “Cá truyền thống sức đề kháng kém, thường xuyên dịch bệnh nên không đem lại hiệu quả kinh tế cho lắm”, ông Phiệt bộc bạch. Được sự giúp đỡ của HTX Thủy sản Hồng Tiến, từ con giống, vôi bột khử trùng cho đến tham gia các lớp tập huấn, ông đã chuyển sang mô hình nuôi cá rô phi, một loại cá có sức đề kháng tốt, phát triển nhanh, ít dịch bệnh.

Ông Phiệt cho biết: “Được HTX Thủy sản Hồng Tiến hỗ trợ 2.900 con cá rô phi giống, tôi đã thả tất thảy và thả xen kẽ thêm một ít cá truyền thống. Hàng tháng cũng có cán bộ kỹ thuật xuống kiểm tra thức ăn, nguồn nước, môi trường… xem có đảm bảo vệ sinh môi trường không”.

Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, đàn cá rô phi lớn nhanh như thổi, ít dịch bệnh. Đến thời kỳ thu hoạch, con to có trọng lượng khoảng 1,5kg; con nhỏ nhất cũng dao động từ 8 – 9 lạng. Theo ông Phiệt, với mô hình nuôi cá rô phi đơn tính, ông thu hoạch được hơn 3 tấn cá. Với giá bán 35 – 37 nghìn đồng/cân, ông Phiệt “đút túi” hàng chục triệu đồng.

Là một trong những hộ nghèo của xã, bà Phạm Thị Là (thôn Nam Tiến) đã được HTX Thủy sản xã Hồng Tiến hỗ trợ cá giống, vôi bột khử trùng và mời tham gia học các lớp tập huấn. Sau khi có kiến thức cơ bản, bà quyết định chỉ nuôi cá rô phi đơn tính. Vụ thu hoạch vừa qua, gia đình bà đã thu hoạch được gần 3 tấn cá rô phi, sau khi trừ tất cả chi phí, bà Là lãi khoảng 30 triệu đồng.

Theo bà Là, so với các loài cá truyền thống khác, các rô phi có sức đề kháng tốt, ít xảy ra dịch bệnh, giá cả không bấp bênh, đầu ra không bị “tắc”. Ngoài ra, cho năng suất cao, thu nhập ổn định, thịt cá rô phi thơm và chắc… “Nuôi cá rô phi không tốn nhiều thời gian chăm sóc, thức ăn đơn giản, năng suất lại cao, thu nhập ổn định. Nhờ mô hình cá rô phi mà gia đình tôi mới thoát khỏi diện hộ nghèo”, bà Là khẳng định.

Nguồn: Nông Nghiệp Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Trăn trở sản xuất giống tôm hùm

Việt Nam là một trong những nước có nghề nuôi tôm hùm phát triển. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là chưa chủ động được con giống mà hoàn toàn lệ thuộc vào khai thác tự nhiên. Để nghề này phát triển bền vững và hiệu quả hơn, cần sớm xây dựng được quy trình, công nghệ sản xuất giống nhân tạo.

Cơ hội phát triển

Trên thế giới, tôm hùm (tên gọi chung của một nhóm giáp xác có kích thước lớn thuộc họ Palinuridae) phân bố chủ yếu ở các vùng biển nhiệt đới đến bán nhiệt đới như: Australia, Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia… Ở Việt Nam, có 3 loài chiếm sản lượng đáng kể là tôm hùm bông, tôm hùm đá (hùm xanh) và tôm hùm đỏ; trong đó tôm hùm bông là loài có kích thước và số lượng tương đối lớn.

Phát triển nghề nuôi tôm hùm ở nước ta tập trung từ Quảng Bình đến Bình Thuận, nhiều nhất là ở các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận – nơi có nhiều vũng, vịnh, đầm, phá như đầm Cù Mông (Bình Định – Phú Yên), vịnh Xuân Đài, Vũng Rô (Phú Yên), vịnh Vân Phong, Cam Ranh (Khánh Hòa), vịnh Vĩnh Hy, Phan Rang (Ninh Thuận)…; những nơi ít bị ảnh hưởng của gió bão, có dòng chảy do thủy triều, có độ sâu, chất đáy và các yếu tố thủy lý hóa rất thuận lợi cho nghề nuôi tôm hùm.

Có thể nói, Việt Nam là một trong những nước có nghề nuôi tôm hùm phát triển, góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế về tự nhiên; giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho hàng nghìn lao động; đồng thời tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Chưa sản xuất được con giống

Nhiều chuyên gia cho rằng, tuy đưa lại giá trị cao song việc phát triển nghề nuôi tôm hùm tại các tỉnh Duyên hải miền Trung hiện cũng đang phải đứng trước nhiều thách thức.

Từ năm 2014 đến nay, tình hình thiệt hại trên tôm hùm nuôi có chiều hướng gia tăng. Khảo sát cho thấy, số lượng lồng nuôi quá nhiều so quy hoạch, mật độ nuôi dày, lượng thức ăn cho tôm tồn đọng ngày một nhiều gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Theo Tổng cục Thủy sản, nhu cầu tôm hùm giống mỗi năm hiện là 3 – 10 triệu con. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa chủ động được nguồn giống mà chủ yếu phụ thuộc vào khai thác tự nhiên bằng nhiều nghề như đánh lưới mành, bẫy chà, lặn… và nhập khẩu từ nước ngoài. Tôm hùm giống đánh bắt thường có kích cỡ không đồng đều, chất lượng kém; thậm chí còn được đánh bắt bằng thuốc gây mê hoặc thuốc nổ, dẫn tới tôm thường chết vào thời gian đầu thả nuôi, con nào sống cũng èo uột, chậm lớn. Giá đắt đỏ cộng với nguồn khai thác tự nhiên ngày càng giảm nên cung không đủ cầu; chất lượng con giống kém là những nguyên nhân khiến người nuôi gặp nhiều rủi ro.

Mặt khác, tuy Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III đã có những đề tài nghiên cứu sinh sản nhân tạo tôm hùm nhưng mức độ đầu tư thấp, cơ sở vật chất kỹ thuật và chưa có cán bộ được đào tạo có trình độ nghiên cứu chuyên sâu về tôm hùm nên chưa thực hiện thành công.

Thúc đẩy cách nào?

Tại Hội thảo “Giải pháp quy hoạch chi tiết và quản lý nuôi tôm hùm bền vững ở tỉnh Phú Yên tổ chức tháng 8/2017, PGS.TS. Võ Văn Nha, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III cho rằng, hướng đi phát triển bền vững cho tôm hùm là tất yếu; trong đó khâu giống cần được chú trọng. Vì vậy, cần xây dựng vùng ương nuôi con giống để dễ kiểm soát chất lượng. Giải quyết được điều này sẽ không phụ thuộc bởi tự nhiên và nhập khẩu từ bên ngoài.

Cũng có ý kiến cho rằng, hiện nay, sản xuất giống nhân tạo là khó khăn lớn nhất của nghề nuôi tôm hùm; do đó nên tiến hành công nhận nghề khai thác tôm hùm giống là một nghề, cấp phép khai thác cho các hộ dân làm cơ sở cho việc quản lý chặt chẽ về số hộ khai thác, số lượng tàu, ngư cụ, hình thức và sản phẩm khai thác tôm hùm giống. Tuy nhiên, các địa phương sẽ phải phối hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học… tiến hành điều tra nguồn lợi tôm hùm giống để xây dựng cơ chế giám sát, quản lý nhằm khai thác bền vững nguồn giống. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung xây dựng để sớm ban hành các tiêu chuẩn và quy chuẩn, định mức về quy trình công nghệ cho các hình thức nuôi, tiêu chuẩn con giống và khu nuôi tập trung. Trong khi chờ đợi sản xuất giống nhân tạo thì phải nghiên cứu giảm tỷ lệ hao hụt trong quá trình ương giống.

Trong Quy hoạch hệ thống nghiên cứu, sản xuất và cung ứng giống thủy sản đến năm 2020 đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt cũng chỉ rõ những định hướng đối với quy hoạch sản xuất, cung ứng giống tôm hùm. Cụ thể, khoanh vùng bảo vệ bãi giống tôm hùm trên vùng biển các tỉnh Nam Trung bộ (Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa), ổn định khai thác tôm hùm giống tự nhiên 600.000 – 700.000 con/năm. Hình thành Trạm nghiên cứu, sản xuất giống tôm hùm tại Khánh Hòa thuộc Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Trung để nghiên cứu công nghệ sản xuất giống, sản xuất giống cho nuôi thương phẩm và tái tạo nguồn lợi.

Nguồn: Thủy sản Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Tin vui: Da cá tra được xuất khẩu sang Singapore làm… bimbim

Thay vì bán phụ phẩm làm thức ăn chăn nuôi, da cá tra Việt Nam đã tìm đường xuất khẩu sang Singapore với giá trị cao.

Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Trường Giang, Phó Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân gạo Cỏ May có trụ sở ở Đồng Tháp cho biết, nếu trước đây da cá tra chủ yếu bán phụ phẩm để chế biến thức ăn chăn nuôi thì mới đây sản phẩm của đơn vị này được doanh nghiệp ở Singapore đề nghị mua làm sản phẩm ăn liền (snack).

Da cá tra sau khi chế biến thành snack.

“Cách đây 4 tháng, nhiều khách hàng Singapore và châu Âu đề nghị chúng tôi cung cấp da cá tra đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm quốc tế với giá hấp dẫn. Sau quá trình khảo sát, đối tác Singapore đã ký kết hợp đồng bao tiêu với công ty”, ông Giang nói và cho hay nếu trước đây giá phụ phẩm chỉ 6.000 – 8.000 đồng/kg thì khi bán cho các doanh nghiệp chế biến thực phẩm, giá đã tăng 71,4% (giá nhập tại kho); nếu có thêm chi phí đóng gói, cấp đông… thì có thể tăng gấp 3 lần, khoảng 22.000 -24.000 đồng/kg.

Snack da cá tra tại thị trường Singapore hiện có giá 8 SGD (khoảng 136.000 đồng) cho gói nhỏ 230gram.

Hiện mỗi tháng Cỏ May xuất sang thị trường Singapore 50-60 tấn da cá. Qua năm 2018, công ty sẽ mở rộng nhà máy để nâng công suất lên cao hơn. Hiện tại lượng hàng xuất đi cung không đủ cầu. Tuy nhiên, để xuất được, da cá phải đảm bảo các chứng nhận an toàn về vệ sinh thực phẩm quốc tế, không có các dư lượng về thuốc bảo vệ thực vật, hóa học.

Da cá tra là nguồn thực phẩm nhiều dinh dưỡng, giàu collagen và gelatin tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, nhiều nhà máy ở Việt Nam chưa thể tận dụng nguyên liệu này để sản xuất sản phẩm ăn liền. Để đón đầu xu hướng, ngoài xuất khẩu, sắp tới Cỏ May sẽ nghiên cứu khẩu vị, cách tẩm ướp của các nước như Singapore, Malaysia, châu Âu, Việt Nam để chế biến ra sản phẩm phù hợp và xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm snack từ da cá tra đầu tiên tại Việt Nam.

Trước đây, các phụ phẩm của con cá tra như da, đầu, vây, bao tử, bong bóng đa phần bán để làm thức ăn chăn nuôi. Ảnh minh họa

Ông Giang cũng cho biết, để có 35 tấn phi lê cá tra thì cần có 100 tấn nguyên liệu đầu vào. Trước đây, các phụ phẩm như da, đầu, vây, bao tử, bong bóng của cá đa phần bán để làm thức ăn chăn nuôi.

Hiện nay, ngoài doanh nghiệp Cỏ May thu được giá trị cao từ da cá tra nhờ xuất khẩu, thì trong nước, mới chỉ có Vĩnh Hoàn xây nhà máy sản xuất collagen và gelatin từ da cá tra với công suất 2.000 tấn một năm. Kết thúc quý I/2017, doanh thu từ collagen và gelatin của Vĩnh Hoàn đạt 700.000 USD. Doanh thu năm ngoái của mảng này khoảng 1 triệu USD và kỳ vọng sẽ tăng lên 5 triệu USD năm nay.

Cỏ May ra đời năm 1986 với việc sản xuất xà bông, nhưng đến năm 1990 vì gặp khó nên ngừng sản xuất mặt hàng này và chuyển sang kinh doanh lương thực. Ngoài sản xuất gạo cho thị trường trong nước và Singapore, công ty còn trồng nấm, chế biến cá tra…

Nguồn: Vnexpress được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nuôi tôm khi trời lạnh bất thường

Tôm là loài động vật bậc thấp, thân nhiệt thay đổi theo môi trường, nhiệt độ thích hợp cho tôm sinh trưởng 27 – 32 độ C. Do vậy, khi nhiệt độ nước hạ thấp đột ngột sẽ tác động tiêu cực tới tăng trưởng của tôm, nên trong quá trình nuôi cần lưu ý một số vấn đề.

Chuẩn bị ao

Ao cũng được cải tạo và vệ sinh như ao nuôi tôm bình thường, nhưng lưu ý thời gian phơi đáy dài hơn (do trời ít nắng), không lấy nước vào ao nuôi trong những ngày gió mùa. Nếu cần nên lấy vào ao lắng trong 4 – 6 ngày để lắng và ổn định môi trường, sau đó mới cấp vào ao. Mực nước trong ao đạt 1,4 – 1,6 m, xử lý nước sau 2 ngày cần gây màu nước ngay, dùng phân NPK, urê, đậu nành, cám gạo… kết hợp cấy vi sinh. Bổ sung thêm vôi dolomite, vôi nông nghiệp để nâng độ kiềm và ổn định màu nước. Lắp đặt quạt nước để cung cấp ôxy hòa tan cho ao nuôi, lưu ý vào thời điểm sáng sớm và đêm khuya. Nước có màu xanh nâu, vàng nâu. Đảm bảo chất lượng nước khi thả giống: ôxy hòa tan > 4 mg/l; pH 7,5 – 8; độ kiềm > 80 mg CaCO3/l.
Một trong những biện pháp hữu hiệu nuôi tôm giai đoạn đầu khi nhiệt độ thấp là thiết kế ương tôm trong bể, ao nhỏ trải bạt (50 – 200 m2) trong nhà lán quây kín bằng nilon lắp đặt hệ thống sục khí 24/24, nhằm ổn định nhiệt độ và cùng các yếu tố khác như pH, độ kiềm, khí độc… trong ngưỡng cho phép và xiphông đáy hàng ngày. Thả tôm mật độ cao (200 – 400 con/m3 nước), sử dụng công nghệ Biofloc để ương tôm trong tháng đầu, sau đó chuyển ra ao để nuôi tiếp. Biện pháp này vừa giảm được hao hụt và hạn chế dịch bệnh chết sớm trên tôm (EMS). Nếu trường hợp xấu nhất xảy ra (tôm bị bệnh) thì sẽ loại bỏ và vệ sinh nhanh chóng ao, bể để ương lứa mới, tiết kiệm được nhân lực, thời gian và chi phí.

Thả giống và quản lý

Những hộ nuôi không có điều kiện đầu tư nhà bạt ương tôm, khi nhiệt độ nước dưới 200C thì không thả giống với bất kỳ lý do gì, bởi khi thả giống, nhiệt độ nước thấp, tôm ngừng ăn, tỷ lệ hao hụt sẽ rất lớn. Do vậy, chỉ thả giống khi nhiệt độ trên 230C và thả giống TTCT là phù hợp nhất bởi vì ngưỡng chịu đựng nhiệt độ của TTCT lớn hơn tôm sú.

Thả tôm giống vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối, trời mát – Ảnh: Phan Thanh Cường
Trước khi thả giống 30 phút nên chạy máy quạt khí để tăng cường ôxy hòa tan và nhiệt độ được đảo đều giữa các tầng nước ao, tránh tôm bị sốc. Cần chọn thời điểm thả có nhiệt độ nước ấm nhất trong ngày(12 – 14 giờ). Ngâm bao tôm trong nước 15 phút khi thả. Sử dụng hoàn toàn thức ăn công nghiệp cho tôm ăn, cần trộn thêm dầu mực, vitamine và khoáng để tăng sức đề kháng của tôm. Ở thời điểm nhiệt độ cao trong ngày (11 – 15 giờ) nên cho ăn tăng và giảm lượng thức ăn vào ban đêm. Ao, bể ương tôm trong nhà bạt khi chuyển tôm ra ao nuôi cần chọn ngày nắng ấm, tránh gió mùa.
TTCT sẽ chết nếu nhiệt độ nước dưới 150C trong 24 giờ hoặc lâu hơn. Tôm ngừng sinh trưởng và ngạt nếu nhiệt độ 15 – 200C. TTCT phân bố và hoạt động ở tất cả các tầng nước nên tác động của sự phân tầng nước sẽ ảnh hưởng lớn đến tôm. Vì vậy, việc duy trì quạt khí để đảo đều nước trên mặt và đáy là cần thiết. Cần đo nhiệt độ trên mặt ao và tầng nước đáy vào sáng sớm và chiều tối.

Khi nhiệt độ thấp cùng với trời ít nắng sẽ giảm sự phát triển của tảo, ao khó gây màu nước. Khi trời nắng, tảo đáy sẽ phát triển cản trở hoạt động của tôm, cạnh tranh ôxy với tôm, hấp thụ các chất dinh dưỡng trong nước làm ao khó gây màu, gây biến động môi trường nước như pH, ôxy… Để ngăn chặn sự phát triển của rong đáy, khi cải tạo ao cần tuân thủ kỹ thuật, luôn giữ mực nước cao, gây màu đảm bảo độ trong 35 – 40 cm, đồng thời, sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý nền đáy và nước ao.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Lai Châu làm chủ quy trình sản xuất giống cá tầm

Sở KH&CN Lai Châu mới thực hiện Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số khoảng vài ba năm trở lại đây.

Ông Nguyễn Trường An, Phó Giám đốc Sở KH&CN Lai Châu, cho biết các nhiệm vụ được thực hiện rất thành công.

Thành công đầu tiên mà ông An nhắc đến là đề tài “Xây dựng mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật ươm giống và nuôi thương phẩm cá tầm (Acipencer spp) phục vụ phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Lai Châu” do Công ty cổ phần Thủy điện Chu Va triển khai từ 2012 – 2013. Nhờ đề tài này, Lai Châu đã làm chủ được quy trình sản xuất giống cá tầm Siberi.

Lai Châu đã làm chủ được quy trình sản xuất giống cá tầm Siberi.

“Hiện giờ chúng tôi lại tiếp tục một đề tài nữa, đó là ‘Xây dựng mô hình liên kết chuỗi cá tầm nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất tại Lai Châu’. Có thể hiểu nôm na là Lai Châu đã xây dựng được ‘bệnh viện phụ sản’ cho con cá tầm để phục vụ từ khâu nuôi cá bố mẹ, đẻ trứng ấp nở ra con và cung ứng cho tất cả các nơi có nhu cầu về con giống cá tầm” – ông An khẳng định.

Trong giai đoạn hiện nay, các nhiệm vụ thuộc Chương trình Nông thôn – Miền núi được Lai Châu triển khai đều quy mô, tạo thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ và có sự tham gia của doanh nghiệp – theo ông An.

“Chúng tôi đi vào các mảng như dược liệu, chè hữu cơ và cá tầm để từ đó xây dựng các thương hiệu lớn. Chúng tôi tuyển chọn các đơn vị thực hiện đề tài hết sức chặt chẽ, đặc biệt là sự phối hợp thường xuyên với Bộ KH&CN, Văn phòng Chương trình Nông thôn – Miền núi. Khi kêu gọi được các doanh nghiệp lớn tham gia, họ có vốn, có lợi thế về mặt kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý, chắc chắn sẽ phát triển được những sản phẩm có thương hiệu. Thứ hai là tạo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ và gắn với xây dựng thương hiệu, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân” – ông An cho biết.

Nguồn: Báo Khoa học và phát triển được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Giá vật liệu làm lồng, bè nuôi thủy sản tăng mạnh

Hiện nay, người nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đang tất bật làm lại lồng, bè để nuôi tôm, cá. Với nhu cầu lớn đó, giá vật liệu làm lồng, bè không chỉ tăng mà còn khan hiếm.

Gần nửa tháng qua, ông Nguyễn Văn Thiều (thôn Khải Lương, xã Vạn Thạnh) chạy đôn chạy đáo khắp nơi mua gỗ, phuy nhựa, lưới để làm lại lồng, bè nuôi tôm hùm nhưng vẫn không đủ. Ông Thiều cho biết: “Đợt bão vừa qua, 80 ô lồng nuôi tôm của gia đình tôi bị sóng biển đánh tan, không vớt vát được gì. Hiện nay, do nhu cầu làm lại lồng, bè của người dân tăng cao khiến các vật liệu như: gỗ, lưới, cước, phuy nhựa… khan hiếm, giá thành tăng gấp đôi. Để làm lại 60 lồng, bè có diện tích hơn 240m2, gia đình tôi phải bỏ ra hơn 1 tỷ đồng, chưa kể công thợ. Trong khi trước đây, chỉ mất khoảng 600 triệu đồng vốn đầu tư. Bên cạnh đó, hàng đã đặt gần 1 tháng nay nhưng đến giờ họ vẫn chưa cung cấp đủ”.

Giá gỗ tăng cao nên nhiều hộ mua tre làm lồng, bè nhằm giảm bớt chi phí

Do giá gỗ làm lồng, bè tăng cao nên ông Huỳnh Văn Thức (thị trấn Vạn Giã) phải ra tận tỉnh Phú Yên để mua tre về làm lồng, bè nuôi tu hài, sò huyết, sò mồng nhằm giảm chi phí. Ông Thức cho hay: “Tre tôi mua với giá 50.000 đồng/cây, tăng 20.000 đồng so với trước đây. Tiền công chặt tre, vận chuyển do gia đình tự thuê. Hơn 20 năm gắn bó với nghề nuôi biển, bây giờ mà không làm thì biết lấy gì để sống. Tuy giá vật liệu tăng cao, nhưng chúng tôi phải chấp nhận mua để tiếp tục tái đầu tư”.

Bà Lê Thị Thanh Hồng (thị trấn Vạn Giã), người chuyên cung cấp vật liệu làm lồng, bè cho biết, hơn 1 tháng nay, kho hàng của gia đình bà lúc nào cũng trống rỗng, bởi hàng nhập về đến đâu khách mua hết đến đó. Chính vì nhu cầu sử dụng vật liệu, nhất là gỗ và lưới làm lồng tôm, cá tăng mạnh nên giá thành cũng tăng theo.

Không chỉ vật liệu làm lồng, bè tăng giá mà hiện nay, giá công thợ đóng bè cũng tăng gần gấp đôi so với trước nhưng cũng không dễ để tìm thợ. Ông Nguyễn Thanh Phong (thị trấn Vạn Giã) cho biết: “Sau gần nửa tháng liên hệ, đến nay, gia đình tôi mới thuê được 3 thợ mộc về đóng lồng, bè nuôi tôm. Giá công thợ hiện nay tăng từ 300.000 đồng lên 700.000 đồng/người/ngày và phải bao ăn 3 bữa. Với 70 ô lồng có diện tích hơn 300m2, phải mất hơn 2 tuần gia đình tôi mới đóng xong bộ khung lồng, bè. Tiếp đó, phải mất 2 tuần làm khung lưới lồng trên biển thì mới thả nuôi tôm trở lại được”.

Theo lãnh đạo UBND huyện Vạn Ninh, toàn huyện có 16.530 lồng, bè nuôi tôm, cá của người dân bị thiệt hại do bão, chưa kể hàng trăm lồng, bè nuôi thủy sản của một số doanh nghiệp. Huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn vận động các cửa hàng không tăng giá nhằm hỗ trợ người dân, đồng thời tiến hành kiểm tra để ổn định thị trường. Tuy nhiên, vì lợi nhuận nên nhiều cửa hàng vẫn bán giá cao. Còn công thợ là sự thỏa thuận giữa chủ lồng, bè và người thợ nên chính quyền không thể can thiệp.

Điều đáng nói, do nhu cầu gỗ làm lại lồng bè tăng mạnh nên đã gia tăng tình trạng người dân vào rừng khai thác gỗ trái phép. Tuy lãnh đạo huyện đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường chốt chặn, đẩy đuổi các đối tượng khai thác gỗ trái phép nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết triệt để tình trạng này. Hiện nay, huyện Vạn Ninh phối hợp với Đội Kiểm lâm cơ động tỉnh tăng cường lực lượng cùng với Hạt Kiểm lâm Vạn Ninh, chủ rừng và chính quyền các xã tổ chức chốt chặn, tuần tra truy quét, đẩy đuổi các đối tượng khai thác rừng trái phép…

Nguồn: Báo Khánh Hòa được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Công nghệ phát hiện tồn dư kháng sinh trong sản phẩm thủy sản

Bộ kit này dựa trên cơ chế cạnh tranh miễn dịch giữa chất kháng sinh Enrofloxacin và cộng hợp enzyme đánh dấu lên kháng thể đặc hiệu. Nồng độ Enrofloxacin sẽ được hiển thị dựa trên mức độ phát quang của enzyme.

Sự cần thiết

Enrofloxacin là loại thuốc kháng sinh thuộc họ Fluroquinolone giúp kháng bệnh cho tôm cá, tuy nhiên chất này có thể gây hại cho sức khỏe người sử dụng sản phẩm (gây giảm thị lực cho mắt, gây viêm khớp…). Là một loại kháng sinh nằm trong danh mục cấm. Trên thực tế nhiều hộ nuôi trồng thủy sản vẫn lạm dụng thuốc này. Các nước nhập khẩu tôm của Việt Nam đang lên tiếng cảnh báo về tình hình nhiễm Enrofloxacin. Các mặt hàng thủy sản trong nước cũng có nguy cơ nhiễm Enrofloxacin.

ELISA (Enzyme-Linked ImmunoSorbent Assay) là một kỹ thuật sinh hóa để phát hiện kháng thể hay kháng nguyên trong mẫu cần phân tích. Bộ kit ELISA phát hiện nhanh dư lượng kháng sinh Enrofloxacin có nhiều ưu điểm, đặc biệt là tất cả các quy trình từ đưa mẫu vào phân tích đến cho ra kết quả chỉ mất 30 phút, nhanh hơn rất nhiều so với các phương pháp khác.

Thực hiện nhanh, thao tác đơn giản, dễ thực hiện. Không đòi hỏi thiết bị đắt tiền. Không cần nhân viên chuyên môn cao. Độ nhạy cao, có khả năng phát hiện dư lượng Enrofloxacin ở ngưỡng phát hiện 1 ppb. Chi phí kiểm mẫu thấp do có thể kiểm đồng thời một số lượng mẫu lớn.

Ngoài ra, bộ kit này là có thể phân tích khoảng 50 – 80 mẫu cùng một lúc.

Thành phần của bộ kit bao gồm:

– Đĩa giếng: Đĩa ELISA 96 giếng được sử dụng nhiều nhất thường là polystyrene hoặc các dẫn xuất của polystyrene thu được bằng cách biến đổi hóa học hoặc chiếu xạ bề mặt. Phổ biến nhất là đĩa 96 giếng được thiết kế thành 8 hàng và 12 cột. Mỗi giếng giữ khoảng 350 µl thể tích với một khu vực bên trong khoảng 2,5 cm2.

– Chứng âm, chứng dương: Có tác dụng kiểm tra xem mẫu, hóa chất và điều kiện chạy đã chuẩn chưa.

– Cộng hợp, cơ chất, dung dịch hãm màu.

Quy trình

Nguyên lý: Kháng thể đặc hiệu kháng Enrofloxacin được gắn lên giếng. Cho mẫu vào, nếu Enrofloxacin có trong mẫu phân tích sẽ bị kháng thể bắt giữ, các tạp chất bị rửa trôi. Cho thêm cộng hợp giữa Enrofloxacin và enzyme vào giếng, khi đó nồng độ Enrofloxacin sẽ được hiển thị dựa trên mức độ phát quang của mỗi giếng. Nếu nồng độ Enrofloxacin cao tương ứng với màu nhạt, còn nồng độ Enrofloxacin thấp tương ứng với màu đậm. Vì vậy, chỉ cần nhìn vào 2 màu đậm hoặc nhạt là có thể biết được thủy sản có nhiễm Enrofloxacin hay không.

Xử lý mẫu: Thông thường có thể xử lý mẫu theo hai cách:

Đối với hệ số pha loãng 3 lần: Cho 2 g mẫu vào ống ly tâm, sau đó cho thêm 4 ml dung dịch methanol 70% vào. Lắc mẫu trong 20 phút. Tiếp đến, ly tâm 10.000 vòng/phút trong 15 phút. Lấy 2 ml dịch trong, thổi khô, sau đó hòa cặn lại bằng dung dịch methanol 35%. Độ pha loãng là 3 lần.

Đối với hệ số pha loãng 6 lần: Cho 2 g mẫu vào ống ly tâm, sau đó cho thêm 4 ml dung dịch methanol 70% vào. Lắc mẫu trong 20 phút. Ly tâm 10.000 vòng/phút trong 15 phút. Rút 1 ml dịch trong pha loãng với 1 ml dung dịch pha loãng đi kèm.

Tiến hành phản ứng

Cho 50 µl dung dịch chuẩn Enrofloxacin và dung dịch mẫu vào mỗi giếng. Cho 50 µl cộng hợp enzyme vào các giếng đã cho chuẩn và mẫu. Ủ tại nhiệt độ phòng trong 30 phút. Rửa các giếng bằng dung dịch rửa 3 lần. Cho 100 µl cơ chất hiện màu vào tất cả các giếng, ủ trong 30 phút.

Kết quả

Để đọc mật độ quang bằng máy so màu thì cho vào mỗi giếng 50 µl dịch hãm màu, hỗn hợp sẽ chuyển sang màu vàng, sau đó đọc tại bước sóng 450 nm. Cách đọc như sau:

Đối chứng dương: Màu rõ ràng, độ hấp thụ ánh sáng (A) phải > 0,6

Đối chứng âm: Không màu hoặc màu nhạt, A phải < 0,1

Mẫu dương tính: Có màu rõ ràng, A phải > 0,3

Lưu ý: Toàn bộ thuốc thử phải bảo quản trong lạnh (4 – 80C). Khi tiến hành thí nghiệm phải đưa toàn bộ thuốc thử về nhiệt độ phòng. Không để các thuốc thử tiếp xúc ánh nắng.

Nguồn: Contom.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Tôm, cá VietGAP phục vụ tết

Nhiều nông dân nuôi tôm, cá tại tỉnh Kiên Giang rất phấn khởi khi sản phẩm do họ nuôi trồng được cơ quan chức năng cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, kịp đưa ra thị trường phục vụ dịp cuối năm.

Cá tôm nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP sẵn sàng phục vụ tết 2017. 

Bà Đặng Khánh Hồng, PGĐ Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang cho biết, từ các nguồn kinh phí của Trung tâm Khuyến nông (TTKN) Quốc gia, TTKN tỉnh và Tổ chức GIZ thuộc Chương trình Quản lý tổng hợp vùng ven biển (ICMP), đơn vị đã hỗ trợ hàng chục hộ nông dân nuôi tôm – lúa, tôm thâm canh và cá chạch bùn… xây dựng quy trình nuôi VietGAP. Sau khi nuôi, các hộ được cơ quan chức năng thẩm định, cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Cụ thể, tại tổ hợp tác nuôi tôm sú – lúa ấp Thạnh Hòa, xã Đông Thạnh (An Minh), có 4 hộ nuôi trên diện tích 9,6 ha, sản lượng tôm thu 1.660 kg, được Cty TNHH Công nghệ NhoNho chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Ông Nguyễn Văn Trường, tổ viên có 2,6 ha mô hình cho biết, nuôi tôm – lúa theo VietGAP đòi hỏi người nuôi phải được tập huấn, nắm vững quy trình kỹ thuật, ghi chép sổ sách cẩn thận, tuyệt đối không dung chất cấm, hóa chất ngoài danh mục.

Vì vậy, sản phẩm làm ra đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Là người làm ra tôm sạch, không chỉ đảm bảo ATTP cho người tiêu dùng, mà cả cho chính người SX, môi trường nuôi được bền vững, nên người nuôi rất yên tâm. Một khi thị trường tiêu thụ tốt thì thu nhập của họ cũng tăng lên theo.

Trước đó, tổ hợp tác nuôi tôm – lúa tại ấp Thái Hòa, xã Nam Thái A (An Biên) được TTKN Kiên Giang phối hợp với Cty TNHH Công nghệ NhoNho trao chứng nhận VietGAP cho sản phẩm tôm sú, kinh phí do Tổ chức GIZ tài trợ. Tổ hợp tác có 4 hộ nông dân cùng nuôi, sản lượng tôm sú 8 tấn/năm. Ông Nguyễn Văn Ngọc, một hộ nông dân tham gia mô hình chia sẻ: “Năm nay, tôi thu trên 1.000 kg tôm/2ha, bán được trên 500 triệu đồng, trừ chi phí lãi một nửa”.

Theo ông Ngọc, để thực hiện mô hình, nông dân phải có từ 2ha trở lên, vì phải thiết kế lại vuông nuôi thành ao lắng, ao vèo, ao nuôi… Môi trường phải được xử lý kỹ như xới mặt ruộng, xả bỏ nước, rải vôi bột cả trên bờ lẫn mặt ruộng (khoảng 500 kg/ha), diệt khuẩn bằng Iodine… Khi thấy nước đạt chất lượng mới cấp vào vèo và ao nuôi. Tôm nuôi 2 giai đoạn, và trong quá trình nuôi, bổ sung thức ăn cho tôm theo quy trình, đảm bảo tôm phát triển tốt.

Sau khi kết thúc vụ tôm, các hộ dân tổ hợp tác nuôi tôm – lúa tại ấp Thái Hòa được hỗ trợ làm lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, hiện lúa đã chuẩn bị cho thu hoạch. “Chúng tôi đang có kế hoạch hỗ trợ, thu mua chế biến, đóng gói gạo VietGAP để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân”, bà Đặng Khánh Hồng cho biết thêm.

Ngoài mô hình tôm – lúa, có 6 cơ sở tại huyện Kiên Lương và TX Hà Tiên đăng ký liên kết SX tôm thẻ chân trắng thâm canh theo quy trình VietGAP. Qua đánh giá, có 5 cơ sở được Trung tâm Chất lượng Nông lâm thủy sản vùng 5 (Cục Quản lý Chất lượng Nông, lâm sản và Thủy sản) cấp chứng nhận sản phẩm thủy sản SX đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Ông Đào Thọ Quí, có 70.000 m2 nuôi tôm tại phường Đông Hồ, TX Hà Tiên, phấn khởi nói: “Mỗi năm, cơ sở của tôi cung ứng ra thị trường 70 tấn tôm thương phẩm. Với quy trình nuôi đạt chứng nhận VietGAP, sản phẩm dễ dàng vào hệ thống siêu thị, các đơn vị thu mua chế biến cũng rất an tâm về chất lượng, ATTP”.

Bên cạnh con tôm nước lợ, TTKN Kiên Giang còn hỗ trợ nông dân 2 huyện Châu Thành, Giồng Riềng nuôi cá chạch bùn thương phẩm trong ao dùng thức ăn công nghiệp theo VietGAP, đã được Cty CP Chứng nhận và Giám định VINACERT cấp chứng nhận. Nông dân tham gia được hỗ trợ 60% chi phí con giống, 30% giá trị vật tư và được tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật trong suốt quá trình nuôi.

Ông Hà Văn Bòn Ba, nông dân ở xã Giục Tượng (Châu Thành), người tham gia mô hình nhận xét: “Cá chạch bùn là đối tượng dễ nuôi, thích nghi rộng với môi trường, quy trình nuôi đơn giản, cá ăn thức ăn công nghiệp nên chủ động và tiết kiệm thời gian chăm sóc, môi trường nuôi ít bị ô nhiễm, hiệu quả kinh tế mang lại khá cao, trung bình lãi 18 triệu đồng/300 m2/vụ nuôi (khoảng 4 tháng)”.

Cá chạch bùn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP được tiêu thụ tốt tại các nhà hàng ở TP Rạch Giá

Nguồn: Tepbac.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.