Lồng bè nuôi thủy sản: Cần nghiên cứu cải tiến

Những tổn thất của cơn bão 12 vừa qua đặt ra câu hỏi cho ngành chức năng và người nuôi phải nghiên cứu, áp dụng công nghệ mới vào làm lồng bè sao cho đủ khả năng chống chọi với sóng biển, mưa bão nhằm hạn chế thiệt hại.


Một hộ nuôi tôm hùm ở Vạn Ninh đang làm lại bè nuôi bằng gỗ

Thiệt hại lớn

Gia đình ông Nguyễn Văn Búp (xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh) gắn bó với nghề nuôi tôm hùm hơn 20 năm nay. Thế nhưng, 2 bè với 50 lồng nuôi hơn 8.000 con tôm hùm bông đang chuẩn bị xuất bán bị bão đánh tan tành, thiệt hại hơn 7 tỷ đồng. Để khôi phục lại lồng nuôi, hơn 10 ngày qua, ông đã đi khắp nơi để mua gỗ và lưới về kết lồng bè nhưng không tìm đủ vật liệu. Ông Búp chia sẻ: “Bè nuôi truyền thống chủ yếu làm bằng gỗ, kết với phuy nhựa để nổi trên mặt biển; còn túi lồng nuôi thì làm bằng lưới quấn quanh khung sắt bọc nhựa. Trước đây, giá thành cho một ô lồng rộng 4m2 khoảng 8 triệu đồng, nhưng hiện nay nhu cầu làm lại lồng bè sau bão tăng cao nên giá lên hơn 12 triệu đồng/4m2 chưa kể công thợ. Tuổi thọ trung bình của mỗi lồng bè truyền thống khoảng 4 năm, sóng biển cấp 3 là bị đánh vỡ. Biết làm lồng bè truyền thống rủi ro cao, nhưng chúng tôi phải chấp nhận vì không biết dùng vật liệu, công nghệ nào để đảm bảo độ an toàn. Chúng tôi rất mong các ngành chức năng sớm tìm ra loại vật liệu mới, có độ an toàn cao để áp dụng đại trà cho người dân”.

Hơn 15 năm nay, gia đình ông Lê Văn Hải (phường Cam Phúc Nam, TP. Cam Ranh) nuôi cá bớp trên vịnh Cam Ranh cũng chỉ làm lồng bè nuôi truyền thống. Chính vì vậy, đợt bão vừa qua, toàn bộ bè nuôi với 30 ô lồng hơn 5.000 con cá bớp bị sóng biển đánh vỡ, thiệt hại hơn 2 tỷ đồng. Ông Hải cho biết: “Thiên tai thì biết trách ai. Bây giờ muốn làm lại lồng bè để thả nuôi cũng lo. Giá như có vật liệu, công nghệ làm lồng bè nuôi vững chắc, an toàn, chống chịu được mưa bão, sóng biển thì chúng tôi an tâm”.

Ông Trần Kim Bảo – Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cho biết, hiện nay, 100% lồng bè trên địa bàn huyện đều làm bằng gỗ nên không đảm bảo an toàn, kéo theo hệ lụy phá rừng. Trước nhu cầu gỗ làm lại lồng bè đang rất lớn, thời gian qua, ở địa phương đã xuất hiện tình trạng người dân vào rừng đốn gỗ. Do vậy, về mặt lâu dài, ngành Nông nghiệp cần nghiên cứu, học tập cách làm lồng bè ở các địa phương khác để áp dụng, thay thế cách làm lồng bè truyền thống cho người dân. Đồng thời, áp dụng kỹ thuật nuôi mới để đảm bảo an toàn cho cả người và tài sản.

Sẽ nghiên cứu, học tập cách làm mới

Ông Võ Khắc Én – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, hiện nay, toàn tỉnh có hơn 54.000 lồng bè nuôi thủy sản trên biển. Trung bình, mỗi lồng bè thủy sản luôn có từ 2 đến 5 lao động (tùy quy mô, diện tích bè nuôi) chăm sóc, trông coi. Lồng bè truyền thống làm bằng gỗ, kết với phuy nhựa, chưa đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, kích thước, khiến hiệu quả sản xuất chưa cao. “Cơn bão vừa qua, toàn tỉnh có hơn 35.000 lồng bè nuôi bị thiệt hại hoàn toàn. Qua đây cho thấy, sự lạc hậu trong cách làm lồng bè nuôi thủy sản truyền thống. Trước khi bão vào, mặc dù người nuôi thủy sản đã gia cố kỹ càng, thậm chí đã kéo lồng bè vào khu vực kín gió, những khi bão đi qua thì không còn lồng bè nào trụ vững. Đã đến lúc các ngành chức năng, người nuôi trồng thủy sản cần nghiên cứu, học tập, ứng dụng công nghệ, vật liệu mới vào làm lồng bè đảm bảo an toàn, tránh rủi ro thiên tai, hạn chế thiệt hại cho người dân”, ông Én chia sẻ.

Thực tế, nhiều ngư dân ở các tỉnh thường xuyên có bão như: Quảng Ninh, Nghệ An, Bình Định, Phú Yên… đã và đang áp dụng nhiều cách làm bè nuôi thủy sản bằng vật liệu mới, đảm bảo an toàn trước sóng biển, mưa bão. Chẳng hạn như ngư dân ở tỉnh Quảng Ninh, sử dụng vật liệu nhựa HDPE làm bè nuôi vừa kín nước, tuổi thọ cao, vừa không bị ăn mòn, có độ uốn dẻo cao, tránh bị gãy khi va đập. Loại vật liệu này có giá thành vừa phải, dễ mua, trung bình 4m2 khung lồng nuôi khoảng 15 triệu đồng. Hay như ngư dân tỉnh Nghệ An, Bạc Liêu sử dụng vật liệu composite để làm bè nuôi thủy sản. Tuy giá thành của loại vật liệu này khá cao nhưng đảm bảo độ an toàn, dễ di chuyển…

Tại buổi làm việc với Khánh Hòa vào đầu tháng 11, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã gợi ý, các ngành chức năng tỉnh và người dân nên rút ra bài học kinh nghiệm về nuôi trồng thủy sản trong điều kiện mưa bão. Chẳng hạn, nhiều hộ nuôi ở 2 tỉnh Bình Định và Phú Yên làm bè bằng phao hơi, khi bão vào họ cột túi lồng nuôi không cho thủy sản thoát ra ngoài rồi xả khí phao hơi cho lồng chìm xuống khoảng 5m so với mặt nước biển. Khi bão đi qua, họ sẽ bơm khí vào phao để bè nổi lên lại. Đây là một kinh nghiệm hay mà người dân nuôi thủy sản bằng lồng bè nên biết.

Ông Tào Anh Tuấn – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thời gian tới, ngành sẽ nghiên cứu, học tập công nghệ mới của Na Uy, cách làm lồng bè bằng vật liệu composite của ngư dân tỉnh Nghệ An, làm bằng vật liệu nhựa HDPE của người dân tỉnh Quảng Ninh để chuyển giao cho ngư dân. Bên cạnh đó, ngành sẽ tập trung thực hiện quy hoạch lại vùng nuôi trồng thủy sản để tránh tình trạng xâm chiếm vùng nuôi; tăng cường quản lý, giám sát, khuyến cáo người dân không được thả nuôi ồ ạt, gây ô nhiễm môi trường, dịch bệnh…

Nguồn: Khanhhoa.com.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Huế thiệt hại 81 tấn cá, tổn thất hơn 8 tỷ đồng

Ngày 28/11, thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Lộc, tỉnh TT- Huế cho biết, đã có hơn 1.000 lồng nuôi cá của 500 hộ dân ở khu vực đầm phá Cầu Hai thuộc 2 xã Vinh Hiền và Lộc Bình (Phú Lộc) bị chết hàng loạt.

Theo đó, trong nhiều ngày qua, cá nuôi lồng của các hộ dân trong khu vực đầm phá Cầu Hai thuộc 2 xã Vinh Hiền và Lộc Bình của Phú Lộc (TT- Huế) đang chuẩn bị đến thời kỳ thu hoạch thì bị chết hàng loạt.

Thống kê ban đầu của cơ quan chức năng, xã Vinh Hiền là địa phương chịu thiệt nặng nhất với số lượng trên 81 tấn ở 1.300 lồng nuôi của 360 hộ, tổn thất khoảng hơn 8 tỷ đồng. Còn xã Lộc Bình cũng bị chết gần 30 tấn cá nuôi của 152 hộ nuôi.

Được biết, cá nuôi chết lần này ở 2 xã nói trên là các giống cá đặc sản có giá trị kinh tế cao như: cá vẩu, cá mú… trong lượng khoảng 1kg và có thời gian nuôi 8- 9 tháng.

Theo những người nuôi nơi đây thì, sau khi cá chết người nuôi đã tiến hành vớt cá chết bán tháo cho thương lái với giá rất thấp từ 40 đến 60 nghìn đồng/kg đối với cá chưa chết hẳn, 100 đến 200 nghìn đồng/kg với cá thu hoạch gấp. Trong khi đó, giá bán trên thị trường lúc bình thường khoảng 240 nghìn đồng/kg.

Cá chết hàng loạt gây tổn thất lớn cho ngư dân Huế

Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Lộc thì “ Do mưa lũ kéo dài, nước lợ vùng đầm Cầu Hai ngọt hóa suốt tháng qua, lại đậm đặc phù sa, khiến cá nuôi chết hàng loạt. Đây là đợt nuôi trái vụ, nuôi vượt lũ để bán Tết”.

Cơ quan chức năng cũng khuyến cáo, việc đầm phá bị ngọt hóa nên cá vùng này có thể tiếp tục bị chết, cho nên ngư dân cần khẩn trương thu hoạch, tiêu thụ để bảo đảm thu hồi một phần vốn đầu tư.

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Xuất khẩu nông lâm thủy sản lập kỷ lục mới

Theo số liệu thống kê, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 11/2017 ước đạt gần 3 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 11 tháng đầu năm 2017 đạt 33,14 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2016. Như vậy, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đã vượt qua con số 32,1 tỷ USD của cả năm ngoái, để thiết lập kỷ lục mới, và đang hướng đến mốc 35-36 tỷ USD trong năm nay.

Tính trong 11 tháng, giá trị xuất khẩu nông sản tăng 16%; thủy sản tăng 18,3%; lâm sản tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2016. Giá trị nhập khẩu (nhập khẩu) nông, lâm, thủy sản và vật tư nông nghiệp trong 11 tháng qua là đạt 25,21 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2016. Như vậy, tính đến thời điểm này, ngành nông nghiệp đã xuất siêu 8 tỷ USD.

Nhiều nông sản xuất khẩu tăng trưởng mạnh

Đối với lúa gạo, kết quả xuất khẩu tháng 11/2017 ước đạt 389 nghìn tấn, đem về 192 triệu USD. Lũy kế 11 tháng, đã xuất khẩu 5,49 triệu tấn và 2,48 tỷ USD, tăng 23,4% về lượng và tăng 24,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam với 39,8% thị phần; tăng 35% về lượng và tăng 33,9% về giá trị. Xuất khẩu gạo càng về cuối năm càng thuận lợi, nhu cầu tăng mạnh khiến nguồn cung trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu.

Theo hệ thống cung cấp giá tại địa phương, giá lúa loại thường tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long phổ biến tăng 200 đ/kg trong tháng 11 lên mức 5.600 đ/kg; lúa Jasmine tăng 500 đ/kg lên 6.900 đ/kg. Hiện nguồn cung lúa gạo chỉ trông chờ vào diện tích lúa thu – đông còn lại của những tỉnh gieo sạ trễ.

Ngành hàng rau quả tiếp tục thiết lập kỷ lục mới về kim ngạch xuất khẩu. Giá trị xuất khẩu rau quả tháng 11 ước đạt 292 triệu USD, đưa giá trị 11 tháng lên 3,16 tỷ USD, tăng 43,2% so với cùng kỳ năm 2016.

Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của hàng rau quả Việt Nam trong năm nay với thị phần lần lượt là 75,6%, 3,6%, 2,9%, và 2,6%. Giá trị xuất khẩu rau quả còn tăng mạnh ở các thị trường: Nhật Bản tăng 67,6%; Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống Nhất tăng 56,9%, và Trung Quốc tăng 52,7%.

Ước tính khối lượng cao su xuất khẩu tháng 11/2017 đạt 143 nghìn tấn, đem về 210 triệu USD; lũy kế 11 tháng đạt 1,21 triệu tấn và 2,01 tỷ USD, tăng 8,2% về lượng và tăng 38,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá cao su xuất khẩu đạt 1.680,4 USD/tấn, tăng 32,6% so với năm 2016.

Trung Quốc, Malaysia và Ấn Độ là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt 63,1%, 5,7% và 4,0%. Trong nước, giá thu mủ cao su dạng nước đã tiếp tục tăng sau nhiều tháng không biến động, từ mức 12.500 đ/kg lên 13.200 đ/kg.

Ở ngành hàng điều, tháng 11, xuất khẩu đạt 32 nghìn tấn và 310 triệu USD, đưa xuất khẩu 11 tháng lên 323 nghìn tấn và 3,2 tỷ USD, tăng 1% về lượng và tăng 23,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Giá hạt điều xuất khẩu bình quân tăng 22,4% so với năm ngoái.

Hoa Kỳ, Hà Lan và Trung Quốc vẫn duy trì là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam chiếm thị phần lần lượt là 35,8%, 15,9% và 12,3% tổng giá trị xuất khẩu hạt điều…

Thủy sản, lâm sản lập kỷ lục mới

Giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 11/2017 ước đạt 728 triệu USD, đưa kết quả 11 tháng ước đạt 7,57 tỷ USD – cao nhất từ trước tới nay, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2016.

Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 58,2% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản.

Các thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh là: Trung Quốc tăng 67,9%, Hà Lan tăng 47,5%, Anh tăng 35%, Hàn Quốc tăng 29,5%, Nhật Bản tăng 22,2%, và Canada tăng 22,7%.

Giá cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng qua tiếp tục duy trì ở mức cao và có xu hướng tăng lên ở một số vùng, dao động ở mức 26.000-28.500 đ/kg tùy theo chất lượng cá, kích cỡ và phương thức thanh toán, có vùng giá cá lên tới 29.000-30.000 đ/kg như Đồng Tháp, Vĩnh Long vì khan hiếm nguyên liệu.

Tính từ đầu tháng 11/2017, giá tôm sú và tôm thẻ chân trắng liên tục có sự biến động theo kích cỡ tôm, nhưng nhìn chung vẫn còn ở mức cao so cùng kỳ những năm trước.

Ước giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tháng 11 đạt 655 triệu USD, đưa kết quả 11 đạt kim ngạch 6,87 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2016. Hoa Kỳ, Trung Quốc, và Nhật Bản là 3 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam với thị phần lần lượt là 42,7%, 14,1%, và 13,7%. Các thị trường có giá trị xuất khẩu gỗ tăng mạnh là Hoa Kỳ (tăng 18,8%), Hàn Quốc (tăng 14,2%) và Canada (tăng 13,4%).

Nhìn chung toàn cảnh xuất khẩu ngành nông lâm ngư nghiệp, chỉ có 3 ngành hàng giảm kim ngạch xuất khẩu, đó là cà phê, tiêu, sắn. Xuất khẩu cà phê tháng 11 ước đạt 83 nghìn tấn với giá trị đạt 185 triệu USD; lũy kế 11 tháng đạt 1,27 triệu tấn và 2,89 tỷ USD, giảm 22,5% về lượng và giảm 3,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Giá cà phê xuất khẩu bình quân đạt 2.289,9 USD/tấn, tăng 26,1% so với cùng kỳ năm 2016. Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam với thị phần lần lượt là 14,3% và 12,8%.

Ngành hàng tiêu đang trong giai đoạn đi xuống về giá trị xuất khẩu, tháng 11 ước đạt 10 nghìn tấn, với giá trị đạt 46 triệu USD; đưa xuất khẩu tiêu 11 tháng lên 203 nghìn tấn và 1,06 tỷ USD; tăng 20,1% về lượng nhưng giảm 21,7% về giá trị.

Giá tiêu xuất khẩu bình quân năm nay giảm 34,6% so với năm trước. Ba thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam là Hoa Kỳ, Ấn Độ, và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất với thị phần lần lượt là 19,4%, 6,8%, và 5,8%.

Nguồn: vneconomy.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nuôi tôm “nước sạch”

Ứng dụng mô hình nuôi tôm bằng nguồn nước từ nuôi cá diêu hồng là mô hình mới đầu tiên và duy nhất trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế được hộ ông Nguyễn Phước ở xã Phú Thuận (Phú Vang) triển khai.

Ao hồ nuôi tôm của ông Phước

Ba ao hồ nuôi tôm trên cát ven biển của ông Phước được rào chắn bằng lưới thép, bao phủ xung quanh bằng dương liễu, hạn chế tối đa người và động vật ra vào. Tất cả các quy trình nuôi tôm đều khép kín. Từ khi áp dụng mô hình nuôi tôm nói trên, nhiều vụ liên tiếp ông Phước thu lãi trên dưới 1,5 tỷ đồng.

Ông Phước nuôi trên cát từ hơn 10 năm qua, nhưng chỉ một vài vụ đầu có lãi, nhiều vụ sau liên tục xảy ra dịch bệnh, thua lỗ.

Một lần đọc trên báo, thấy mô hình nuôi tôm “nước sạch” của Philippines ít xảy ra dịch bệnh, hiệu quả kinh tế cao, ông Phước tìm tòi, tra cứu trên mạng về kỹ thuật nuôi tôm mới này.

“Mô hình cơ bản không khác mấy so với nuôi tôm trên cát thông thường, quy trình kỹ thuật nuôi cũng đơn giản, lại hạn chế tối đa chi phí đầu tư”, ông Phước nói.
Thay vì lấy nước từ biển và nguồn nước ngọt trực tiếp đưa vào nuôi thì mô hình mới này phải qua bể lắng. Điều khác là bể lắng này trước khi đưa nước vào ao hồ để nuôi phải thả nuôi cá diêu hồng trong thời gian một tháng (cá diêu hồng được xem là “máy lọc sinh học”, ăn tất cả các tạp chất, côn trùng, làm sạch môi trường nước) mới đưa vào ao nuôi và thả tôm giống.

Sau khi thu hoạch tôm, kết thúc vụ nuôi thì nước trong ao hồ lại được chuyển sang bể lắng (đang nuôi cá diêu hồng), sau đó đưa vào nuôi vụ tiếp theo. Việc tận dụng nguồn nước vụ trước không chỉ giảm chi phí đầu tư (khoảng 30 triệu đồng/vụ) mà còn không thải ra ngoài, gây ô nhiễm môi trường.

Nói về hiệu quả mô hình, ông Phước cho biết: “Tui chỉ nuôi 3 hồ tôm. Năng suất bình quân mỗi hồ thường đạt từ 8-10 tấn. Trừ thời điểm xảy ra sự cố môi trường biển, còn lại hầu như vụ nào cũng có lãi. Vụ lãi cao khoảng 500 triệu đồng/hồ, còn vụ thấp cũng vài trăm triệu đồng. Mỗi năm có thể nuôi 2-3 vụ, nhưng vụ sau tết thường là vụ chính, từ tháng 9 trở đi cũng thích hợp cho nuôi tôm chân trắng, còn vụ hè chỉ nuôi phụ, mật độ thả thấp. Ngoài ra tui còn thu lãi từ cá diêu hồng, mỗi năm vài trăm triệu đồng”.

Ông Phước thừa nhận, trong quá trình nuôi có sử dụng kháng sinh nhưng rất hạn chế, chỉ khi cần thiết, như tôm có dấu hiệu bị dịch. Ngoài ra còn sử dụng thêm chế phẩm sinh học để tăng sức đề kháng cho tôm. Thức ăn hoàn toàn công nghiệp, mua từ các công ty có thương hiệu, uy tín.

Ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận đánh giá cao mô hình nuôi trồng thủy sản của ông Phước. Chính quyền địa phương đang vận động người dân địa phương học tập mô hình của ông Phước để ứng dụng, nhân rộng trên địa bàn.

TS. Mạc Như Bình, Khoa Thủy sản-Trường đại học Nông lâm Huế đánh giá cao mô hình nuôi tôm mới của ông Phước. Khoa đã cử giảng viên, sinh viên nghiên cứu mô hình và xác định hiệu quả của mô hình. Đây là quy trình nuôi mới thích hợp với điều kiện nuôi tôm trên cát không chỉ ở Phú Thuận. Mô hình vừa bền vững, ít dịch bệnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao và giảm thiểu ô nhiễm môi trường vùng nuôi. Các cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu mô hình của ông Phước để nhân rộng nhằm mang lại hiệu quả nuôi tôm trên cát trên địa bàn tỉnh.

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, mô hình nuôi tôm chân trắng của ông Nguyễn Phước theo công nghệ của Philippine. Đây là mô hình đã được nhiều nước trên thế giới ứng dụng hiệu quả. Tại Thừa Thiên Huế, đây là mô hình mới, lần đầu tiên được ứng dụng chỉ trong vài năm gần đây và đã khẳng định hiệu quả. Sắp đến, ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương tiếp tục nghiên cứu, phổ biến kiến thức, khuyến khích người dân nhân rộng mô hình trên địa bàn tỉnh…

Theo ông Nguyễn Phước, mỗi ao hồ nuôi thông thường có diện tích 2.000-3.000m2/hồ, mật độ thả nuôi khoảng 300 con tôm chân trắng/m2. Mỗi ao nuôi tôm phải có 3-4 dàn quạt nổi và 1 dàn quạt đáy để tạo Oxy. Mỗi ao lắng nuôi cá hồng có một ao lắng từ 500-1.000m2, mật độ thả nuôi 50 con cá/m2.

Nguồn: Vietlinh.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Băn khoăn đầu ra tôm càng xanh

Những năm qua, tôm càng xanh trên ruộng lúa đã bắt đầu “bắt nhịp” trên đồng đất Thới Bình và rải rác ở các huyện: U Minh, Trần Văn Thời, Cái Nước. Từ hiệu quả ban đầu, người dân ồ ạt mở rộng diện tích. Tuy nhiên, vấn đề đầu ra vẫn còn là câu hỏi lớn.
Băn khoăn đầu ra tôm càng xanh

Người dân huyện Thới Bình đang bước vào thu hoạch tôm càng xanh và lo lắng mất giá nếu thu hoạch đồng loạt.

Hiện nay, diện tích tôm càng xanh trên ruộng lúa của huyện Thới Bình gần 12.000 ha, tăng khoảng 4.000 ha so với năm 2016. Đây là năm tăng diện tích nuôi đột biến của huyện trong nuôi tôm càng xanh.

Sự đột biến trên ngoài nguyên nhân do người dân nhận thấy tính hiệu quả của mô hình mà tự ý mở rộng diện tích, còn phải kể đến sự “cộng hưởng” từ việc đầu tư những mô hình mới. Ví như dự án “tôm càng xanh toàn đực trên ruộng lúa” với quy mô 270 ha trải đều ở các xã và thị trấn từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới vào đầu năm 2017.

Ngoài ra còn có sự “góp mặt” của mô hình thí điểm của trường Đại học Cần Thơ với hình thức cho tôm càng xanh ăn dặm trên diện tích thí điểm 12 ha. Mô hình này đang hứa hẹn 1 kết quả “đẹp” về năng suất.

Những lợi ích “kép” mà tôm càng xanh trên ruộng lúa mang lại trong thời gian qua không cần bàn cãi. Mô hình này vừa thích ứng với điều kiện tự nhiên, nhất là ít rủi ro về dịch bệnh, vừa hạn chế sử dụng hoá chất độc hại, tạo ra sản phẩm sạch, tăng thu nhập cho bà con.

Ông Nguyễn Bạch Đằng, ấp Lê Hoàng Thá, xã Tân Bằng, huyện Thới Bình, cho biết: “Gia đình tôi bắt đầu nuôi tôm càng xanh từ năm 2013, hiệu quả khá cao, tầm khoảng 150-200 kg/ha/năm. Năm nay thấy bà con nuôi đại trà, không biết thương lái có ép giá không. Theo tôi biết thì vùng trên giá cũng cao, mà ở đây chỉ từ 100.000-110.000 đồng/kg”.

Hiệu quả là vậy, tuy nhiên, không ai có thể khẳng định chắc chắn việc phát triển diện tích ồ ạt như hiện nay thì nguồn tôm nguyên liệu sẽ bán đi đâu. Và cuối cùng người có thể chịu thiệt vẫn là những nông dân chân lấm tay bùn.

Phó chủ tịch UBND xã Tân Bằng Lê Tuấn An cho biết: “Chi phí thả tôm càng xanh trên ruộng trung bình khoảng 1,5 triệu đồng/ha, nhưng lãi cao vì không tốn tiền thức ăn. Về đầu ra thì hiện tại chưa ổn định, chủ yếu phụ thuộc thương lái, địa phương cũng có khuyến cáo nhưng do nông dân tự phát mở rộng diện tích”.

Theo Chủ tịch UBND huyện Thới Bình Trần Văn Dũng, từ mô hình thí điểm của trường Đại học Cần Thơ, năm nay huyện sẽ liên kết với trường tìm đầu ra cho tôm càng xanh. Địa phương sẽ liên kết, tìm những người có điều kiện để làm đầu mối trung gian thu gom tôm của bà con. Giải pháp tạm thời hiện nay là không thu hoạch ồ ạt vào cao điểm mà thu hoạch lúa trước, để tôm lại chờ qua Tết, tôm lớn bán được giá hơn, vừa giải quyết tình trạng sản lượng ồ ạt mất giá, vừa tăng lợi nhuận cho bà con.

Nguồn: Báo Cà Mau được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Gỡ bỏ 12 thủ tục sản xuất, kinh doanh chăn nuôi, thủy sản

Trong phương án đơn giản hóa đối với nhóm thủ tục hành chính liên quan đến sản xuất, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trên cạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) dự kiến sẽ bãi bỏ 12 thủ tục hành chính và quy định trong lĩnh vực này.

Nhiều thủ tục về Thẩm định điều kiện vệ sinh thú y sẽ được bãi bỏ

Các thủ tục và quy định này nằm rải rác trong nhóm thủ tục hành chính (TTHC) từ khi nuôi/sử dụng con giống đến phân phối, xuất khẩu. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, tổng số có 83 TTHC trong nhóm này. Trong đó: Lĩnh vực Chăn nuôi có 23 TTHC, lĩnh vực Thú y có 43 TTHC và lĩnh vực Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản có 17 TTHC.
Trong số 12 thủ tục xem xét bãi bỏ gồm 7 thủ tục ở lĩnh vực Chăn nuôi, 1 thủ tục trong lĩnh vực Thú y và 4 thủ tục của lĩnh vực Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản.

Lĩnh vực Nông lâm sản và Thủy sản dự kiến bãi bỏ 4 thủ tục

Một số thủ tục điển hình được xem xét bãi bỏ như: Cấp giấy phép nhập khẩu giống vật nuôi ngoài danh mục giống vật nuôi được phép sản xuất, kinh doanh; Cấp giấy phép nhập khẩu tinh, phôi giống vật nuôi; Kiểm tra giảm chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu có thời hạn; Các thủ tục về thẩm định điều kiện vệ sinh thú y (được quy định các dạng cơ sở cụ thể) do Trung ương và địa phương quản lý…

Nhiều thủ tục trong sản xuất, kinh doanh chăn nuôi được bãi bỏ

Ngoài 12 thủ tục đề nghị bãi bỏ trong nhóm thủ tục liên quan đến sản xuất, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trên cạn, Bộ NN&PTNT đang dự kiến đơn giản hóa 49 thủ tục khác trong lĩnh vực này. Ước tính tỷ lệ cắt giảm sau đơn giản hóa TTHC nhóm này khoảng 27%, tổng chi phí tuân thủ TTHC tiết kiệm được hơn 483 tỷ đồng/năm.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Nuôi tôm, cá, kết hợp trồng rau màu

Ðể tăng thu nhập kinh tế hộ gia đình, từ năm 2012 đến nay, nhiều hộ nông dân Tân Thành đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình liên kết sản xuất nuôi tôm, cá, kết hợp trồng màu và du lịch sinh thái cho lợi nhuận mỗi năm từ 300 triệu đến 500 triệu đồng.

Trồng rau màu trên bờ liếp nuôi tôm được nhiều bà con nông dân lựa chọn nhằm tăng năng suất và tận dụng diện tích canh tác.

Ðiển hình như lão nông Nguyễn Hữu Ánh nuôi cá chình – bống tượng kết hợp trồng cây ăn trái, cây kiểng; nông dân Phạm Văn Hiệp nuôi cá kết hợp với trồng rau màu trên bờ ao; nhà nông trẻ Phạm Ngọc Tuấn nuôi cá sấu, cá bống tượng, tôm công nghiệp; hay nông dân Cao Văn Hiệu nuôi cá, trồng cây ăn trái kết hợp với du lịch – dịch vụ,…

Nổi bật là mô hình đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, lấy ngắn nuôi dài nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích của gia đình nông dân Cao Văn Dũng, chỉ trong một thời gian ngắn từ năm 2012 đến 2016 đã cho lợi nhuận gần bốn tỷ đồng.

Anh Dũng cho biết, năm 2012, gia đình anh đã tận dụng đất trống trên bờ ao trồng các loại rau đắng, ổi, cốc, sa bô, vú sữa, xoài dưới ao thì thả nuôi các loại cá bống tượng, cá chình, trừ chi phí còn lợi nhuận gần 670 triệu đồng/năm.

Năm nay, anh Dũng vận động bốn hộ nông dân có cùng ngành nghề, sở thích xây dựng khu du lịch miệt vườn rộng gần 5 ha phục vụ khách tham quan, giải trí, với tổng kinh phí khoảng 300 triệu đồng. Tại đây du khách được câu cá, mua trái cây do tự tay mình hái, vừa có thể thưởng thức hương vị tươi ngon tại chỗ, vừa có thể mua về làm quà cho người thân. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác nhân dịp Tết Mậu Tuất 2018.

Anh Dũng và những cộng sự hy vọng, với những mô hình tôm, cá, kết hợp trồng cây màu và du lịch sinh thái, trong tương lai không xa, Tân Thành sẽ trở thành địa chỉ tham quan du lịch hấp dẫn cho du khách khi đến Cà Mau nói chung và phường Tân Thành nói riêng, đem lại nguồn thu đáng kể cho người dân vùng đất mũi.

Nguồn: Báo Nhân dân được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Quan tâm hơn đến giống thủy sản truyền thống

Các loại thủy sản truyền thống như mè, trôi, trắm, chép… được xác định là những loài nuôi nhiều ở nước ta và được sản xuất giống nhân tạo. Sản lượng đáp ứng đủ nhu cầu, song vẫn chưa mở rộng phạm vi, quy mô sản xuất các loài có giá trị. Do đó, đã đến lúc chạy nước rút để tăng tốc.

Nhiều địa phương đẩy mạnh nuôi các đối tượng thủy sản truyền thống

Có thể sản xuất theo nhu cầu

Tính đến năm 2010, cả nước 416 trại sản xuất giống thủy sản truyền thống, với năng lực sản xuất trên 15 tỷ cá giống mỗi năm. Hầu hết, các trại sản xuất giống thủy sản truyền thống, các cơ sở ương nuôi giống nằm ở các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và ĐBSCL, cơ bản đã đáp ứng nhu cầu cá giống cho các vùng nuôi trong cả nước.

Những thành tựu khoa học kỹ thuật trong sản xuất giống bằng phương pháp nhân tạo đã là động lực thúc đẩy hoạt động sản xuất giống phát triển. Việc ứng dụng các công nghệ mới, quy trình sản xuất giống ngày càng hoàn thiện phù hợp với điều kiện nông hộ, hoặc cơ sở sản xuất để đưa năng suất cá bột ngày càng cao, giảm giá thành sản phẩm, tăng lợi nhuận cho người sản xuất.

Ngoài ra, việc cải tiến, nâng cao chất lượng thức ăn phù hợp cho cá ương nuôi ở từng giai đoạn, cải tiến quản lý môi trường ao ương nuôi, ứng dụng và cải tiến công nghệ trong vận chuyển cá bột, cá giống cũng là yếu tố nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất giống. Hiện nay, về cơ bản các đối tượng thủy sản truyền thống đã có công nghệ sản xuất giống ổn định. Các cơ sở sản xuất giống đều nắm chắc kỹ thuật và dễ dàng sản xuất theo nhu cầu.

Vẫn còn nhiều bất cập

Với mục tiêu đẩy mạnh ngành nuôi trồng thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa một cách hiệu quả và bền vững, những năm qua Bộ NN&PTNT tập trung chỉ đạo hoạt động sản xuất, cung ứng giống thủy sản truyền thống phải đảm bảo chất lượng, đúng mùa vụ, giá hợp lý… và bước đầu gặt hái được một số thành công. Tuy nhiên hoạt động này vẫn tồn tại nhiều bất cập. Công tác quản lý chất lượng giống thủy sản truyền thống còn chưa được chú trọng. Đàn thủy sản bố mẹ nhiều nơi chưa đảm bảo chất lượng, cận huyết; Cá bố mẹ ngày càng nhỏ, phát dục sớm, nhất là những đối tượng nhập nuôi từ lâu như cá chép, mè trắng, trắm cỏ… Tình trạng cung vượt cầu trong khâu sản xuất cá bột ở các tỉnh đồng bằng gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các trại cá, dẫn đến tình trạng để giảm giá bán đã dùng cá bố mẹ không đủ trọng lượng, thúc cá đẻ sớm, cho cá đẻ tái phát dục nhiều lần trong năm… làm chất lượng giống giảm trầm trọng.

Cơ cấu giống nghèo nàn, chậm được bổ sung, có nhập nội một số đối tượng mới nhưng hiệu quả thấp. Trong nhiều năm nay đối tượng sản xuất giống vẫn chỉ là mè, trôi trắm, chép… mà chưa mở rộng được phạm vi, quy mô sản xuất các loài cá có giá trị như cá vền, nheo, lăng, chiên, bỗng, rầm xanh, anh vũ… ở miền Bắc; Cá duồng, lăng, dảnh, chạch lấu… ở miền Nam. Giá cá giống, nhất là các loại đặc sản còn cao, chưa đảm bảo chất lượng giống đúng yêu cầu và chưa được kiểm soát chặt chẽ. Ngoài ra, việc lưu thông phân phối cá bột cá giống hiện nay chủ yếu là hoạt động tư nhân do thị trường quyết định nên công tác quản lý lưu thông giống còn gặp nhiều khó khăn. Tình trạng giống vận chuyển không rõ nguồn gốc, không nhãn mác, không kiểm dịch vẫn còn phổ biến.

Đẩy mạnh giống giá trị cao

Phát triển nuôi các đối tượng thủy sản truyền thống đang trở thành hướng phát triển bền vững trong nuôi trồng thủy sản ở nhiều tỉnh, thành, giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Tuy nhiên, các đối tượng nuôi truyền thống như cá chép, trê, lóc, trắm cỏ, mè… hiệu quả kinh tế vẫn chưa cao, chưa thực sự tương xứng với tiềm năng. Trong khi nhu cầu, đời sống ngày càng cao, yêu cầu nâng cao chất lượng sản phẩm là tất yếu. Điều đó thôi thúc ngành thủy sản từng bước phải nghiên cứu, sản xuất thí điểm thành công nhiều loại cá nước ngọt có giá trị kinh tế cao.
Con giống đóng vai trò quan trọng, vì thế nâng cao hiệu quả của việc sản xuất giống là điều cần thiết. Phải tăng cường nghiên cứu khoa học, trước hết tập trung vào khâu sản xuất giống. Nhập công nghệ sản xuất giống mới, phù hợp với điều kiện Việt Nam. Xây dựng các mô hình nuôi trồng thủy sản, ứng dụng các thành tựu khoa học tiên tiến vào sản xuất con giống…

Ngoài ra, cũng cần tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất giống trong nước, cơ sở hạ tầng, hệ thống cấp, thoát nước, xử lý nước thải phải bảo đảm yêu cầu kỹ thuật. Bảo đảm điều kiện sản xuất, kinh doanh, có hồ sơ theo dõi quá trình nuôi theo đúng kỹ thuật. Sản xuất con giống phải có nguồn gốc xuất xứ. Nếu phát hiện cơ sở nào không bảo đảm chất lượng, nhắc nhở nhưng không khắc phục cần có những biện pháp xử lý mạnh tay.

Nguồn: Thủy sản Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nuôi cua lột trong hộp

Cua lột là một loại cua thương phẩm đặc biệt. Ở các tỉnh ven biển Nam Bộ sau mùa sinh sản tự nhiên vài tháng có nhiều cua con cỡ từ 25-60g/con. Người ta chọn loại cua đó để nuôi cua lột.

Công trình và thiết bị

– Hộp nuôi cua lột màu đen được làm từ nhựa PP chịu được va đập, nắng nóng.

– Thành hộp dày 1,2 – 2 mm. Phần nắp hộp nằm trên mặt nước cao 5 – 5,5cm

– Mặt trên có cắt lỗ 3x3cm để thuận lợi quá trình cho ăn.

– Đáy hộp có khoảng 12 lỗ, mỗi lỗ 8-10mm cho nước luân chuyển.

– Ngoài ra cần làm thêm hệ thống mái che, hệ thống cung cấp Oxy, máy quạt nước để đảm bảo môi trường tốt cho cua phát triển.

Chăm sóc và quản lý

– Cho ăn 2 lần/ngày, thức ăn là cá tạp, còng, nhuyễn thể 2 mảnh, phụ phẩm sò lông, sò điệp… Thường xuyên kiểm tra cua 2-3 lần/ngày trong suốt quá trình cua lột.

– Cua sau khi nuôi từ 28-30 ngày sẽ tiến hành lột. Cua lột vỏ nhiều nhất từ 34-40 ngày sau khi nuôi sau đó giảm dần. Thời gian cua lột từ 8h-0h. Cua lột sau khi bắt phải tiến hành thả vào nước ngọt 15-20 phút rồi mới đem đi bảo quản.

– Các chỉ số môi trường phù hợp để cua phát triển: Độ mặn: 15-25 ‰, Nhiệt độ: 26-30 ºC, DO: >3ppm, pH: 7.8 – 8.5

Các mô hình nuôi cua trong hộp nhựa

Nuôi cua lột công nghiệp

Nuôi cua lột kết hợp cá rô phi

Nuôi cua lột kết hợp nuôi tôm quảng canh

Nuôi cua lột kết hợp trồng rong biển

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Ngưỡng chịu đựng của ao tôm

Ngưỡng chịu đựng của ao tôm là khối lượng tôm tối đa mà ao tôm có thể gánh nổi. Đơn vị tính là kg tôm/m2. Ngưỡng chịu đựng này phụ thuộc vào hệ thống hạ tầng ao nuôi (đáy ao, bờ ao, độ sâu), khả năng đầu tư trang thiết bị (máy quạt, máy thổi khí), chất lượng con giống, trình độ kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý của người nuôi…

Cần quản lý tốt chất lượng ao nuôi tôm

Tác động

Theo các nghiên cứu, càng về cuối vụ nuôi, chất thải (bao gồm phân tôm, thức ăn thừa, xác tảo chết) càng tích tụ nhiều ở đáy ao, tạo thành lớp bùn đen và sự phân hủy các chất hữu cơ sẽ tạo thành khí độc như H2S làm tôm chết. Chất thải cũng là nguồn dinh dưỡng cho tảo phát triển mạnh, khi tảo tàn và phân hủy sẽ khiến cho nhu cầu ôxy trong ao nuôi tăng vọt.

Tôm càng lớn thì tổng khối lượng tôm trong ao càng cao, ao nuôi trở nên chật hẹp. Môi trường biến động xấu làm cho tôm suy yếu, dễ bị nhiễm bệnh, trong nhiều trường hợp người nuôi phải thu hoạch tôm khẩn cấp. Việc làm này sẽ gây thiệt hại lớn cho người nuôi vì tốn nhiều tiền mua thuốc chữa trị trước đó, cộng với việc cỡ tôm nhỏ nên giá bán thấp.

Giải pháp kiểm soát

Theo Theo TS Pornlerd Chanratchakool (Thái Lan) giá trị ngưỡng chịu đựng như sau: Tại Thái Lan: Ao sâu 1,5 m, 36 mã lực/ha (quạt nước), giá trị ngưỡng 1,8 – 2,5 kg tôm/m2 ao (tôm thẻ chân trắng); Việt Nam: Ao sâu 1,2 m, 25 mã lực/ha (quạt nước), giá trị ngưỡng 1,3 kg (ao đất) – 1,5 kg (ao bạt) tôm/m2 ao (tôm thẻ chân trắng) và 0,6 – 0,8 kg tôm/m2 ao (tôm sú).

– Xác định lượng giống thả vào ao: Người nuôi không nên thả quá dày với tâm lý tôm hao hụt bớt là vừa mà cần phải chủ động thả mật độ vừa phải để tránh gây áp lực quá lớn lên ao nuôi.

– Xác định thời điểm ao tôm tới ngưỡng: So với giá trị ngưỡng ao đất là 1,3 kg/m2 thì tôm vẫn còn phát triển tốt vì chưa đạt ngưỡng. Như vậy, trước khi tôm đạt ngưỡng, người nuôi cần chủ động thu tỉa để tạo môi trường thông thoáng giúp tôm phát triển tiếp hoặc chủ động tăng cường quạt khí cũng như kiểm soát mật độ tảo thích hợp (không cho tảo quá dày).

Ao nuôi tôm công nghiệp cần có độ sâu từ 2 – 2,5 m, đảm bảo giữ được nước cao nhất từ 1,6 – 1,8 m. Mật độ thả hợp lý đối với tôm sú nuôi thâm canh 15 – 20 con/m2, bán thâm canh 8 – 14 con/m2; tôm thẻ chân trắng 30 – 80 con/m2. Ngoài ra, trong quá trình nuôi cần đảm bảo máy quạt đầy đủ, người nuôi nắm vững kỹ thuật và có kinh nghiệm trong ổn định các chỉ số môi trường ao nuôi khi có biến động do thời tiết.

Cùng đó cũng cần lưu ý, sau những cơn mưa kéo dài nên kiểm tra lại độ pH trong ao. Nếu độ pH giảm thấp thì dùng vôi nông nghiệp hòa tan trong nước với liều lượng từ 10 – 20 kg/1.000 m3; duy trì mực nước trong ao từ 1,3 – 1,8 m để tránh sự biến động của yếu tố môi trường. Đối với hiện tượng tảo tàn, người nuôi có thể bón phân vi sinh, để khử khí độc trong ao nên sử dụng men vi sinh định kỳ.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.