Trồng và chăm sóc Táo ta đúng kỹ thuật

1. Nguồn gốc

Táo là cây ăn quả lâu đời, thích hợp với điều kiện nhiệt đới nước ta, táo dễ trồng, sinh trưởng phát triển nhanh, sau trồng 1 năm bắt đầu cho thu hoạch. Hiện nay, táo được trồng phổ biến là các giống táo địa phương: táo Thiện Phiến, táo Gia Lộc (chua), Táo xử lý đột biến như: táo 12 (ngọt), táo 32, táo Đào Tiên, đại táo 15 và giống ngoại nhập như: táo Đào Vàng, Lê Lai, Đào muộn, X12…

Táo ta được trồng đúng cách cho quả sai nặng trĩu

2. Những đặc tính chủ yếu của giống táo

Táo là cây dễ trồng, thích hợp cho mọi loại đất. Năng suất cao và ổn định, không có sâu bệnh nguy hiểm. Nếu đốn cây sớm sang năm sẽ cho quả sớm.

3. Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây táo

3.1. Thời vụ và khoảng cách trồng

Thời vụ trồng chủ yếu là mùa xuân tháng 2-4 , nếu cây giống ghép sớm có thể trồng từ tháng 11. Sang xuân nếu gặp thời tiết thuận lợi cây sinh trưởng nhanh. Cuối năm cây sẽ cho nhiều quả. Khoảng cách trồng thông thường là 3 – 4 m một cây.

3.2. Cách đào hố trồng, phân bón lót

Kích thước hố trồng 40x40x40 cm . Bón lót mỗi hố 15-20 kg phân chuồng ủ cho hoai mục + 0,5kg super lân + 0,3kg kali + 0,2 kg vôi bột. Các loại phân được trộn đều với đất, cho xuống hố, vun ụ lồi lên so với mặt đất 20cm ( không trồng cây trực tiếp với phân )

Nếu không có phân chuồng thì có thể sử dụng phân lân vi sinh với lượng 5 – 7kg/hố

3.3. Cách trồng

Vét 1 hố nhỏ ở giữa ụ, đặt bầu cây ngang với mặt ụ, vun đất nén chặt xung quanh bầu. Phủ rơm rạ rắc xung quanh gốc một lớp dày 2-3cm. Tưới ngay sau trồng mỗi cây 2-3 gáo nước.

3.4. Chăm sóc và bón phân

Trong tuần đầu, mỗi ngày tưới cho cây 1 lần vào buổi sáng hoặc chiều muộn, mỗi lần một thùng nước. Sau đó thì cách 2,3 ngày tưới 1 lần cho tới hết tháng. Khi cây phát triển thì sẽ tưới thưa hơn, đảm bảo đất luôn ẩm.

Có thể nói cây táo rất cần nước ở cái giai đoạn sinh trưởng, nhất là lúc đang phát triển. Nếu gặp hạn, không đủ nước, quả sẽ nhỏ, vỏ dày , ăn chát, quả kém phẩm chất.

Hàng năm cần bón phân cho cây sau thu hoạch và đốn cây, nhằm hồi phục sức lực cho cây vụ xuân tới, với lượng phân bón 1 cây như sau: Phân chuồng từ 30-50kg, lân 5- 8 kg,  kali 3 đến 5kg, đạm ure 0,5-1kg.

3.5. Phòng trừ sâu bệnh

* Bệnh hại

– Bệnh thối rễ, nứt thân: Thường gặp ở các vùng đất ẩm ướt, nấm xâm nhập vào làm hư hại rễ cọc, sau đó phá huỷ toàn bộ rễ làm cây chết. Cây bị bệnh có tán lá xơ xác, lá đổi sang mầu xanh nhạt rồi rụng, cành chết dần từ ngọn xuống thân chính. Cách phòng trừ là cần tránh ẩm ướt quá mức ở vùng rễ, phát hiện sớm các vết nứt dọc và thâm đen trong mạch gỗ.

– Bệnh khô cành: Do loại nấm Colletotrichum cloeosporiodes xâm nhập vào cành làm cành khô chết. Trên quả già, nấm xâm nhập qua vết thương làm quả bị nhũn. Ngoài ra, bệnh còn do nắng chiếu rọi trực tiếp trong thời gian dài.

– Bệnh trên quả già : Nấm bệnh xâm nhập khi quả đang phát triển tạo ra các điểm đen nhỏ trên vỏ quả, hình dấu cộng trên vỏ quả, các điểm đen này nứt và tách ra, làm giảm mẫu mã và giá bán. Cách phòng trừ cần tạo vườn thông thoáng, dọn sạch tàn dư, sau khi đậu trái nên phun thuốc phòng ngừa nấm.

* Sâu hại

– Côn trùng hại rễ: Gồm các đối tượng thường thấy như mối, sùng, dế, kiến, đặc biệt là rệp sáp, tập trung ở tầng đất từ 0 – 50cm cách mặt đất, cây bị bệnh có lá vàng nhạt, cây suy yếu dễ chết.

– Bọ xít: Chích hút nhựa đọt non, lá non làm héo và chùm đọt, đặc biệt là trái non tạo ra các chấm đen trên vỏ quả, làm rụng nhiều quả, là cửa ngõ xâm nhập của nhiều loại nấm bệnh, làm giảm rõ rệt năng suất và chất lượng quả.

– Mọt đục thân cành: Xuất hiện từ giữa mùa mưa khá rộ vào đầu đến giữa mùa khô, lổ đục tuy nhỏ và đường đục ngắn nhưng làm giảm quá trình sinh trưởng, phát triển của cây và cành dễ gãy.

Sâu cắm lá, sâu cuốn lá, nhện đỏ, sâu đục quả. Trong tháng 6 tháng 7 có xén tóc đẻ trứng vào thân cây. Để phòng trừ thì bà con dùng thuốc sau:

– Trừ nhóm sâu chích hút dùng các thuốc: Sherpa (0,1%), Trebon (0,1-0,2%), Depterx(0,2%), Dantiol(0,1-0,2%), Monitor(0,1-0,2%), Bi 58, Basudin.

– Trừ nhóm sâu ăn lá thì dùng một trong các thuôc sau: Azodrin 50 DD (0,2%), Score(0,05%), Alieett(0,3%), Mancozeb(0,25%).

– Đối với kiến, mối, bọ cánh cứng hại rễ, hại gốc thì sử dụng thuốc: Basudin, Lidanfor, Sevidol để trị. Dùng một trong các loại thuốc trên, trộn đều 1 thuốc – 10 cát rồi rắc xung quanh gốc và hố.

3.6. Đốn Táo

Căn cứ đặc điểm của từng giống táo và mục đích sản xuất mà có các cách đốn táo khác nhau. Cành quả của táo mọc trên cành cây mẹ ra trong vụ xuân cùng năm, bởi vậy đốn cành sao cho nhiều cành ra trong vụ xuân, cành khỏe, để có sản lượng cao. Có 2 cách đốn cây táo như sau:

– Đốn phớt: Làm thường xuyên hàng năm sau vụ thu hoạch nhằm cho sản lượng quả cao và ổn định.

– Đốn đau: Mục đích tạo tán đối với cây còn nhỏ 1-3 năm tuổi và đối với những cây đã lớn, cắt hết các loại cành chỉ để lại một đoạn gốc của 3 cành lớn ra trong năm trước để tạo tán cho năng suất cao.

4. Thu hoạch

Táo được thu hoạch sau 2-3 tháng từ khi ra hoa, khi quả to, căng mọng vỏ và sáng màu. Thu hoạch táo thủ công và tránh làm dập nát trong quá trình vận chuyển.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Kỹ thuật trồng táo tây tại nhà cho ra trái quanh năm

Kỹ thuật trồng cây táo tây tại nhà cho quả sai trĩu cành không phải đơn giản bởi đây là cây trồng khá khó tính đối với thời tiết tại Việt Nam.

Táo tây

Táo là một loại quả ngon, bổ dưỡng, đặc biệt có tác dụng giảm cân hiệu quả nên được nhiều bà nội trợ rất thích. Nhưng thay vì ra chợ mua thì tại sao bạn không tự tay trồng loại quả này tại nhà. Dù không phải đơn giản trong kỹ thuật trồng cây và chăm sóc nhưng nếu bạn áp dụng đúng quy trình thì chắc chắn bạn sẽ sở hữu những cây táo tây sai trĩu cành, quả lại vô cùng thơm ngon.

Thời vụ

Táo tây có thể trồng quanh năm nhưng tốt nhất nên trồng vào mùa Thu và mùa Xuân ở miền Bắc hoặc cũng có thể trồng vào đầu mùa mưa ở miền Nam.

Đất trồng

Một yếu tố khá thuận lợi cho kỹ thuật trồng cây táo tây tại nhà đó là có thể sử dụng nhiều loại đất khác nhau từ đất sét trung bình đến đất cát nhưng thích hợp nhất trên đất thịt pha cát, giàu dinh dưỡng. Bạn cũng Có thể dùng đất sạch tại các vựa kiểng, hoa kiểng.

Chọn chậu

Chọn chậu có thể loại chậu có dáng cao, hay chậu miệng to là thích hợp nhất. Khi đánh cây từ vườn vào chậu, cần cắt tỉa bớt lá, đặt cây vào chậu sau đó lấp đất. chỉ lấp đến trên cổ rễ 1cm để tránh khi tưới cây bị trôi ra ngoài.

Kỹ thuật trồng cây táo tại nhà

Bước đầu tiên trong kỹ thuật trồng cây táo tây, trước hết bạn cần đào lỗ đặt bầu sao cho thân cây ngay thẳng ở giữa hố, mặt trên của bầu thấp hơn miệng hố 1-2cm. Bóc vỏ bầu, chú ý không được làm vỡ bầu hay bầu bị biến dạng. Đặt cây xuống hố ngay thẳng rồi mới lấp đất, lấp phần đất tơi xốp xuống trước, rồi lấp đất kín xung quanh bầu , dận đất xung quang bầu vừa tới, vun thêm đất mặt vào quanh gốc trên cổ rễ 2-3cm.

Bón lót phân chuồng hoai, phân hữu cơ sinh học HVP 401 B, vi lượng HVP Organic, vôi bột và super lân. Đào hố và bón phân lót trước khi trồng 15-20 ngày. Kỹ thuật trồng cây táo tây cũng có thể áp dụng bằng phương pháp gieo hạt hoặc ghép cành.

Chăm sóc

Kỹ thuật chăm sóc cây táo luôn phải chú ý tới khâu tưới nước vì đây là loài cây ưa ẩm, nhất là khi quả đang phát triển, nếu không đủ nước quả sẽ nhỏ và chát. Để có năng suất cao, quả ngon thì trồng táo phải biết đốn và tỉa cành.

Táo muốn sai quả cần có quá trình chăm sóc đúng kỹ thuật

Đầu tiên bạn cần cắt các cành đã cho quả chỉ để lại 1 đoạn 20-30cm. Trên đầu cành này sẽ cho nhiều cành nhỏ, có thể tỉa bớt chỉ để vài cành phân bố đều trên tán cây. Bạn cũng có thể tạo tán từ khi cây còn nhỏ trên một năm tuổi đến khi lớn. Cắt cụt hết các loại cành, chỉ để lại một đoạn gốc của vài cành lớn đã ra trong năm trước, cây sẽ cho nhiều cành mới trẻ hơn, cho năng suất và chất lượng quả tốt hơn.

Bệnh hại cây

Cây táo và quả táo dễ bị nhiễm một số loại nấm, vi khuẩn và các vấn đề sâu bệnh, và có thể điều chỉnh bằng một số hóa chất hữu cơ và vô cơ. Tuy nhiên trong quá trình xử lý bạn đặc biệt cẩn thận khi sử dụng các loại hóa chất hay thuốc bảo vệ thực vật có hại tới sức khỏe.

Nhân giống

Táo có thể nhân giống bằng hạt, cắm hom, chồi rễ, triết cành và ghép. Phổ biến hiện nay là phương pháp ghép mắt và ghép áp. Nên dùng táo chua làm gốc ghép. Mắt ghép lấy ở cành bánh tẻ, vỏ còn màu đỏ. Nếu ghép áp thì dùng gốc ghép ương trong bầu, cắt cụt ngọn cách gốc khoảng 20-30 cm vót thành hình nêm rồi luồn vào một lát cắt xiên trên cành ghép cho vừa khít, dùng dây quấn chặt lại, sau khoảng 15-20 ngày thì liền vỏ. Sau khi ghép 2-3 tháng là có thể cắt đi trồng.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Sản xuất nông nghiệp an toàn

Việc áp dụng đúng các biện pháp kỹ thuật sẽ nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm thiểu thiệt hại cho rau màu, cây ăn trái trong bối cảnh thời tiết bất lợi, áp lực dịch hại gia tăng như hiện nay.

Để sản phẩm nông nghiệp an toàn đến người tiêu dùng cần giảm phân thuốc, và có thời gian cách ly an toàn

PGS.TS Trần Thị Ba, giảng viên Khoa Nông nghiệp và sinh học ứng dụng (ĐH Cần Thơ) cho biết, trái dưa hấu khi trưng tết phải vừa trưng vừa ăn ngon. Để đảm bảo năng suất, chất lượng, an toàn rất khó, thường năng suất cao thì chất lượng kém. Nếu trồng dưa thu hoạch bán trưng tết và dưa ăn thì vấn đề về năng suất hiện tại đã kết thúc, bà con không nên bón thêm phân.

Vào thời điểm tuần cuối thu hoạch dưa, chỉ sử dụng phân kali, không sử dụng kali muối ớt do chất Clo làm cháy lá và ruột bị bầm, sử dụng Kali tan (chỉ có Kali và lưu huỳnh) hoặc Kali Sunphat làm tăng hương vị trái ngon hơn.

Trong thời điểm này không cần quan tâm vấn đề bọ trĩ, sâu vẽ bùa trên vỏ trái, trái nằm trên mặt đất cần dời vị trí dưa để tránh thối phần dưới của trái. “Muốn dưa hấu có chất lượng ngon và an toàn cần giảm lượng đạm, tăng kali. Nếu tăng kali, canxi vừa giúp cây khỏe, độ đỏ trong ruột đậm hơn, ngọt hơn và vỏ sẽ cứng hơn, thời gian bảo quản lâu hơn. Việc giảm sử dụng phân đạm dẫn đến an toàn sức khỏe” PGS.TS Trần Thị Ba nói.

Ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Vĩnh Long cho biết: Vào dịp tết nhu cầu sử dụng rau màu và trái cây tăng cao. Tuy nhiên, trong điều kiện thời tiết bất lợi như hiện nay, có nhiều cơn mưa trái mùa, thậm chí có nhiều đợt mưa lớn liên tục xảy ra làm rau màu, trái cây của nhiều nhà vườn bị ảnh hưởng sản lượng. Nếu chăm sóc tốt thì có thể cho thu nhập cao, do sản lượng giảm nhưng giá bán tăng.

Trong quá trình canh tác bà con cần tiến hành kiểm tra các ruộng rau, vườn trái cây nhiều hơn để có chế độ quản lý tốt. Những sản phẩm thu hoạch trước tết phải ngưng bón phân đạm, để tránh thừa đạm Nitrat trong sản phẩm. Những sản phẩm thu hoạch trong và sau tết nên bón tăng cường thêm phân kali để giúp trái ngọt và bảo quản được lâu hơn.

Ông Liêm cho biết thêm, sản xuất rau màu cũng thế, phải đối phó với nhiều vấn đề từ yếu tố thời tiết, dịch bệnh và giá cả. Riêng dịch bệnh, nhóm sâu hại trong canh tác rau an toàn có nhiều giải pháp, sử dụng thuốc BVTV là biện pháp sau cùng, chọn đúng loại thuốc và sử dụng đúng thời điểm cần có thời gian cách ly để hạn chế tối đa lưu lượng thuốc BVTV tồn dư, gần đến ngày thu hoạch. Nên ưu tiên sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học.

Ngoài ra, để hạn chế sâu bệnh hại trong ruộng rau màu cần áp dụng nhiều biện pháp tổng hợp. Canh tác luân canh, vệ sinh đồng ruộng, xử lý bón vôi và phân hữu cơ, trải màng phủ nông nghiệp, bón phân cân đối, tránh bón thừa phân đạm, tưới tập trung vào buổi trưa, hạn chế tưới buổi chiều.

Cần áp dụng đúng các biện pháp kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất

Về dịch hại trên cây khoai lang, một phần là do cách canh tác của bà con. Hiện tại, bà con trồng nhiều vụ trên một nền đất nhiều vụ trên năm, dẫn đến giống dần thoái hóa, dịch bệnh phát triển, đất không còn nhiều dinh dưỡng. Vì vậy, phải luân canh để đảm bảo thời gian cách ly, cho ruộng ngập nước hơn một tháng để diệt mầm bệnh và tích lũy dinh dưỡng. Cần lưu ý khâu chọn giống tốt, đảm bảo cây khoai lang đủ dinh dưỡng, sớm phát hiện để xử lý đất, bệnh.

Đối với bệnh chết dây, đất phải xử lý bằng vôi, nếu phát hiện bệnh sớm phải ngắt bỏ tiêu hủy và rải vôi vào chỗ dây chết hoặc sử dụng thuốc trừ vi khuẩn phun tập trung tại dây bệnh và phun tập trung cả ruộng.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Thăm vườn rau hữu cơ ‘6 không’

Chúng tôi tìm đến vườn rau hữu cơ “6 không” nằm khép mình trong khu dân cư quận Tân Bình (TP.HCM).

Đó là vườn rau Happy Vegi của Thạc sĩ hóa học Nguyễn Thị Quỳnh Viên và Ths.BS dinh dưỡng Trần Ngọc Diệp trồng hơn 10 loại rau ăn lá theo mùa…

Vườn rau xanh mướt Happy Vegi 

Vào khu vườn, ấn tượng là màu xanh mướt của rau, không khí trong lành, đặc biệt là có thể tha hồ ngắm những chú cuốn chiếu, trùn, cóc… đang ngoe ngẩy.

Để có được vườn rau xanh mướt ấy là cả một quá trình, vừa mất tiền, mất thời gian, hy sinh sự nghiệp trong trường… để chị Quỳnh Viên nghiên cứu, trồng lên những luống rau hữu cơ đảm bảo chất lượng ATTP phục vụ nhu cầu của các bà nội trợ tại TP.HCM.

Chị Quỳnh Viên nói: “Nhớ lại những ngày đầu của vườn rau, người tiêu dùng hiểu rất khác nhau về thực phẩm hữu cơ. Mấy chị em ngồi nghĩ nát óc xem làm thế nào để đơn giản hóa những kiến thức về nông nghiệp hữu cơ để họ có thể hiểu. Thế là nguyên tắc “6 không” ra đời với mục tiêu đảm bảo hệ sinh thái cây trồng, tạo ra những sản phẩm chất lượng, an toàn cho người sử dụng, cũng như duy trì sự màu mỡ của đất”.

Để có một bó rau hữu cơ đảm bảo chất lượng, ngoài việc lựa chọn giống, trồng rau theo phương pháp hữu cơ tự nhiên người nông dân còn phải đảm bảo tuyệt đối các quy chuẩn an toàn về môi trường, vệ sinh ATTP và đặc biệt là phải tuân thủ nghiêm ngặt 6 nguyên tắc: Không trồng trên đất và nước nhiễm hóa chất nông nghiệp; Không thuốc diệt cỏ; Không sử dụng thuốc trừ sâu; Không sử dụng phân bón hóa học; Không sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng; Không sử dụng giống biến đổi gien.

Đất trồng được đảm bảo các tiêu chí về đất trồng rau của Bộ NN-PTNT, khi làm đất, thường phải chọn vị trí tốt, lấy đất cùng với phân bò đã cải tạo trộn với phân dừa đem ủ để có chế phẩm vi sinh diệt khuẩn gây bệnh.

Lấy từng cây con để chuẩn bị đem cấy

Phân được ủ bằng men vi sinh với các nguyên liệu tự nhiên như rơm, ngô, đậu, mùn cưa, vỏ cà phê, bã mía, phân gia súc… Thời gian ủ từ 30 ngày đảm bảo các nguyên liệu phân huỷ thành các chất mùn dinh dưỡng. Trong 2 tuần ủ phân, vi sinh vật hoạt động làm nhiệt độ đống ủ tăng lên đến 60 – 75 độ C, giúp tiêu diệt các mầm bệnh, đồng thời góp phần phân hủy các nguyên liệu thành chất mùn được nhanh hơn để tạo ra một loại phân bón tơi, xốp, không mùi, tốt cho cây trồng.

“Canh tác hữu cơ không có năng suất cao nên chưa thể là giải pháp về thực phẩm cho tất cả mọi người. Hiện tại, mỗi ngày chúng tôi thu hoạch khoảng 100kg rau. Năm 2018, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để ổn định năng suất trong mùa mưa và mở thêm một vườn mới trên Măng Đen để đa dạng sản phẩm. Dự kiến sản lượng năm 2018 sẽ tăng khoảng 30% so với năm 2017. Người tiêu dùng tại TP.HCM có thể mua rau tại các cửa hàng bán thực phẩm hữu cơ hoặc đặt hàng online”, chị Trần Ngọc Diệp bộc bạch.
Chọn giống thuần chủng của địa phương để có sức đề kháng tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu, địa lý của địa phương. Ươm giống từ 15 – 20 ngày đem ra cấy hoặc sạ.

Khi cấy cây non thì khoảng cách giữa các cây là 5cm, hàng cách hàng 10cm; còn sạ thì dùng cào quanh theo chiều ngang luống để hạt chìm xuống, rồi dùng giá thể xơ dừa phủ lên trên tăng độ ẩm, dùng lưới màu trùm lên để giảm bớt ánh sáng cho cây phát triển, khi cây được 1 tuần tuổi, bón phân hữu cơ để tăng thêm dinh dưỡng.

Để hạn chế cỏ dại phải thường xuyên nhổ cỏ bằng tay, trồng các loại cây họ cúc, xả, bồ ngót Nhật… để xua đuổi côn trùng tạo điều kiện sinh thái để hấp dẫn các thiên địch tự nhiên như chim sâu, bọ rùa, bọ ngựa… Che chắn cho rau để phù hợp khả năng sinh trưởng và bảo vệ nguồn dinh dưỡng, nguồn oxy cho cây.

“Đối với nước tưới quan trọng là độ pH trong nước, muốn nâng độ PH chúng tôi dùng một đệm vi sinh để trong bể nước và bơm nước trong vòng 24h khi vi sinh hoạt động thì độ pH sẽ được nâng lên gần 7 thì hệ vi sinh sẽ tốt”, chị Quỳnh Viên nhấn mạnh.

Ở đây, người nông dân không chỉ làm vườn, mà họ tự tay ghi chép vào sổ từng ngày gieo hạt, ngày bón phân…

Sau 40 – 45 ngày rau được thu hoạch về kiểm tra, khi sản phẩm rau đạt chỉ số an toàn được giữ trong khay phủ khăn ẩm, sáng sớm đóng gói và được phân phối đến các cửa hàng rau sạch và người tiêu dùng trước 9h sáng.

Vừa cung cấp rau hữu cơ, vườn rau Happy Vegi luôn là nơi được các bạn tình nguyện viên hòa bình từ các nước Mỹ, Đức, Pháp, Bỉ, Hàn Quốc, Nhật Bản… lựa chọn làm nơi trải nghiệm nông nghiệp, cũng như mở cửa cho bất cứ khách hàng, nhà trẻ… đến trải nghiệm, tham quan.

Tình nguyện viên nước ngoài đến trải nghiệm tại vườn rau

Mong rằng sẽ có nhiều vườn rau như thế, để đem đến hạnh phúc cho mọi gia đình khi cùng nhau thưởng thức bát canh, đĩa rau, bát cháo ngon ngọt an lành, cũng như giúp cho người nông dân hàng ngày không phải tiếp xúc với những hóa chất độc hại, đem đến một hệ sinh thái tự nhiên.

Thu hoạch rau về kiểm tra trước khi đóng gói đem đến tay người tiêu dùng

Sản phẩm được bày bán tại các cửa hàng rau sạch, rau hữu cơ

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Ngưỡng mộ một xã thu hơn 30 tỷ từ trồng hoa Lay Ơn vụ tết Mậu Tuất

Vụ hoa tết vừa qua, các nhà nông ở xã Dĩnh Trì, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang đã thu hơn 30 tỷ đồng từ trồng hoa lay ơn các loại. Đây là vụ hoa lay ơn được mùa được giá nhất từ trước đến nay của địa phương này.

Thu hái hoa lay ơn xã Dĩnh Trì

Anh Nguyễn Văn Thành, thương lái chuyên mua gom hoa lay ơn trên địa bàn xã Dĩnh Trì cho biết: Trước tết anh phải thu mua hoa lay ơn với giá trung bình 6.000 đồng/bông. Đắt hơn cùng kỳ năm trước 1.000 đồng/bông. Nhiều ngày giá lay ơn lên tới 8.000 – 9.000 đồng/bông. Chỉ có 2 ngày cuối cùng trong năm là giá hoa lay ơn hạ xuống còn dưới 4.000 đồng/bông. Tính ra mỗi sào hoa tết vừa qua, người trồng lay ơn đã thu được 25 – 30 triệu đồng, trừ các khoản đầu tư thoải mái vẫn còn lãi 13 – 15 triệu đồng/sào (360m2).

Bà Nguyễn Thị Sen ở Thôn Riễu (thuộc xã) trồng 1 mẫu hoa lay ơn, trong tết mới thu hoạch 3/4 số hoa trên ruộng đã “bỏ ống” được trên 100 triệu đồng. Bà Sen so sánh, nếu cấy lúa cùng diện tích này có được mùa lắm cũng chỉ lợi ra được 14 -15 triệu đồng.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, xã Dĩnh Trì được mùa hoa lay ơn mới rồi là do bà con đã dự báo chính xác thời tiết vụ đông trong năm sẽ có rét sớm và rét đậm kéo dài. Vì thế mọi gia đình đều xuống giống trồng hoa sớm hơn thường lệ 7 – 10 ngày. Nhờ vậy phần lớn lượng lay ơn đều nở và cho thu hoạch trùng các ngày giá rét – bán được giá. Vào những ngày nồm ấm (cận tết và sau tết), đồng ruộng ở đây đã cơ bản thu hết số hoa của thời vụ trồng định trước.

Mặt khác, địa phương đã có bề dày trồng hoa lay ơn hơn 10 năm. Có sản lượng hoa cho thu hoạch tập trung lớn. Nên các gia đình trồng hoa luôn được các thương lái đến thu mua với giá cạnh tranh. Sản xuất luôn không đáp ứng đủ nhu cầu.

Ông Nguyễn Văn Lạng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ trồng hoa TP Bắc Giang cho hay: Hoa lay ơn đã bén duyên với đồng đất Dĩnh Trì từ năm 2007. Ban đầu chi có một vài gia đình ở thôn Núi trồng với diện tích nhỏ lẻ (200 – 300m2 mỗi hộ), sau thấy cây hoa sinh trưởng tốt, thu lợi gấp 7 – 10 cấy lúa, nhiều hộ khác đã học hỏi làm theo. Kết quả đến nay, diện tích trồng hoa lay ơn toàn xã đã lên tới 50ha. Các thôn thường xuyên gieo trồng nhiều hoa lay ơn là thôn Núm, Núi, Riễu và Đìa Đông.

Chị Nguyễn Thị Hiền (thôn Núm) chia sẻ: Trước kia gia đình chưa trồng hoa, cứ hết mùa là vợ chồng chị lại thay nhau lên thành phố làm thuê. Mỗi ngày cũng được hơn 200 nghìn đồng. Nhưng cứ ráo mồ hôi là hết tiền. Từ ngày trồng hoa lay ơn đến nay, gia đình chị mới xây được nhà ở kiên cố và mua sắm được một số tiện nghi sinh hoạt đắt tiền.

Sản xuất hoa lay ơn xã Dĩnh Trì

PGS.TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả nhìn nhận: Những thành tựu đạt được nói trên của cấp uỷ, chính quyền và người dân xã Dĩnh Trì là rất đáng khích lệ, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế sẵn có. Bởi Dĩnh Trì có đặc điểm của thời tiết khí hậu mát mẻ của vùng trung du. Đất canh tác chủ yếu là cát pha, thịt nhẹ. Địa bàn xã nằm liền kề đường cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn. Cách trung tâm TP Bắc Giang 4km. Có nguồn lực lao động dồi dào. Trình độ dân trí cao. Nhu cầu thị trường hoa cây cảnh còn rất lớn… Đây là những lợi thế rất cơ bản để Dĩnh Trì phát triển mạnh mẽ hơn nữa nghề trồng hoa cây cảnh.

“Riêng cây hoa lay ơn có thể trồng được ở đây quanh năm. Sản phẩm cung ứng cho các đầu mối tiêu thụ ở Hà Nội rất thuận lợi. Để gia tăng gấp bội thu nhập cho người trồng hoa. Địa phương cần bố trí lại cơ cấu giống và thời vụ trồng. Đổi mới quy trình thâm canh. Mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Để đạt được các mục đích đã nêu, Viện Nghiên cứu Rau quả sẵn sàng hợp tác chuyển giao công nghệ, giúp địa phương đưa nghề trồng hoa cây cảnh trên địa bàn trở thành ngành sản xuất chính”, ông Đông nhấn mạnh.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Một số giống Nhãn đặc sản

Các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu Rau quả đã tuyển chọn thành công một số giống nhãn đặc sản, phù hợp cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở các địa phương miền Bắc.

Các giống nhãn chín muộn cho hiệu quả kinh tế cao

1. Giống nhãn chín muộn PHM99-1.1

Được tuyển chọn từ cây gieo hạt tại xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu, Hưng Yên. Giống đã được Bộ NN-PTNT công nhận giống chính thức năm 2011.

Đặc điểm chính: Cây có khả năng sinh trưởng, phân cành khoẻ. Tán hình bán cầu, một năm ra 4 – 5 đợt lộc, phiến lá to, màu xanh nhạt, hơi mỏng, phẳng và ít bóng. Thời gian ra hoa đậu quả từ 1/3 – 5/4. Thu hoạch tập trung từ 25/8 – 5/9. Quả tròn, vỏ dày màu vàng sáng, có nhiều gai lì nổi rõ, ít bị nứt quả. Khối lượng trung bình 85 quả/kg. Tỷ lệ phần ăn được đạt trên 70%, vị ngọt đậm, ít thơm. Cùi dày màu trắng đục. Hàm lượng đường tổng số 15 – 18%. Độ brix 18 – 20%.

2. Giống nhãn chín muộn PHM99-2.1

Được tuyển chọn tại xã Hồng Nam, thành phố Hưng Yên. Giống đã được Bộ NN – PTNT công nhận chính thức năm 2011.

Đặc điểm chính: Cây sinh trưởng, phát triển khoẻ, tán hình mâm xôi, lá kép màu xanh đậm, không bóng, trung bình có 8,5 lá chét, phiến lá dầy, mép và phiến lá hơi lượn sóng. Cây ra hoa đậu quả tập trung từ 1/3 – 5/4. Quả cho thu hoạch từ 15/8 – 25/8. Chùm hoa ngắn. Chùm quả ngắn và có dạng chùm sung, vỏ quả dày trơn màu vàng sáng. Khối lượng trung bình 90 quả/kg. Tỷ lệ phần ăn được (cùi) đạt trên 68,6%. Cùi dầy giòn ráo nước thơm màu trắng đục. Hàm lượng đường tổng số 17 – 19%. Độ brix 21,6%. Sau trồng 5 năm cây sẽ cho sản lượng quả ổn định. Năng suất trung bình đạt 6,5 – 7 tấn/ha. Giống có ưu điểm nổi bật là, ít ra quả cách năm do cây có khả năng ra 2 – 3 đợt hoa trong cùng thời vụ.

3. Giống nhãn chín muộn HTM-1

Được tuyển chọn từ cây gieo hạt tại xã Đại Thành, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Giống đã được Bộ NN – PTNT công nhận giống chính thức từ năm 2011.

Đặc điểm chính: Cây sinh trưởng khoẻ, tán hình bán cầu, khả năng phân cành mạnh, trung bình mỗi năm ra từ 4 – 5 đợt lộc. Lá màu xanh đậm, hơi bóng, phiến lá mỏng và rộng, mép lá lượn sóng. Thời gian ra hoa từ 5 – 15/2, hoa nở từ 5/3 – 10/4. Quả cho thu hoạch tập trung từ 25/8 – 20/9. Dạng quả hơi lệch. Vỏ quả mỏng, khi chín chuyển màu vàng nâu. Tỷ lệ phần ăn được (cùi) là 67,0%. Cùi quả dầy, màu trắng trong, mọng nước, giòn, ngọt, thơm. Trọng lượng quả trung bình 105 quả/kg. Hàm lượng đường tổng số 16,5. Acid tổng số 0,12%, vitamin C 73,27 mg%, chất khô 20,37%, độ brix 21,9%.

4. Giống nhãn chín muộn HTM-2

Được tuyển chọn từ cây gieo hạt tại xã Song Phương, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Giống đã được Bộ NN-PTNT công nhận chính thức năm 2016.

Đặc điểm chính: Cây sinh trưởng và phân cành khoẻ. Lá màu xanh nhạt, ít bóng, phiến lá rộng và mỏng, mép lá ít lượn sóng. Chùm hoa to có nhiều nhánh nhỏ. Chùm quả có dạng chùm dâu da. Quả tròn, màu vàng sáng, Vỏ quả dày, hơi sần. Thời gian ra hoa tập trung từ 5/2 – 15/2. Đậu quả từ 5/4 – 10/4. Quả cho thu hoạch từ 25/8 – 10/9. Cây 5 – 6 tuổi cho năng suất trung bình 30 – 35kg/cây. Trọng lượng trung bình 75 quả/kg. Tỷ lệ phần ăn được là 68,0%. Thịt quả dày, màu trắng đục, hơi dai, ngọt thơm. Hàm lượng đường tổng số 14,5%. Acid tổng số 0,13%. Vitamin C 54,23 mg%. Chất khô 20,15%. Độ brix 20,2%.

5. Giống nhãn chín sớm PHS2

Được tuyển chọn từ cây gieo hạt tại tỉnh Hưng Yên, được Bộ NN-PTNT công nhận, cho sản xuất thử từ năm 2016.

Đặc điểm chính: Cây sinh trưởng, phát triển khỏe, góc phân cành hẹp, mỗi năm ra từ 3 – 4 đợt lộc. Lá hình elip, màu xanh đậm, bóng, chóp lá nhọn. Chùm hoa dạng hình tháp, dài 24 – 25 cm. Thời gian ra hoa từ 5/2 – 10/2, hoa nở từ 5 – 15/3. Quả cho thu hoạch tập trung từ 15 – 25/7. Năng suất trung bình đạt 30kg/cây. Quả dạng tròn, cân đối. Vỏ quả mỏng nhẵn, khi chín chuyển màu nâu sáng. Khối lượng trung bình 85 quả/kg. Cùi màu trắng trong, vị ngọt, thơm, giòn, ráo nước, rễ tách khỏi hạt. Tỷ lệ phần ăn được (cùi) là 66%. Độ brix 21,1%. Hàm lượng đường tổng số 14,5%. Vitamin C 51,5 mg%.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Cảnh báo sâu bệnh tổng hợp trong tuần (từ 6-12/3)

Các tỉnh phía Bắc: Ốc bươu vàng, tuyến trùng, bệnh đạo ôn lá, bọ trĩ gây hại tăng. Bọ xít đen, bệnh nghẹt rễ, chuột tiếp tục gây hại. Rầy nâu, rầy lưng trắng

1. Trên lúa

Các tỉnh phía Bắc: Ốc bươu vàng, tuyến trùng, bệnh đạo ôn lá, bọ trĩ gây hại tăng. Bọ xít đen, bệnh nghẹt rễ, chuột tiếp tục gây hại. Rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu đục thân 2 chấm, sâu cuốn lá nhỏ gây hại với mật độ, tỷ lệ hại thấp.

Các tỉnh Bắc Trung Bộ: Bệnh đạo ôn lá tiếp tục phát sinh gây hại tăng nhanh trên diện rộng. Chuột hại tăng trên lúa trà sớm ở giai đoạn đẻ nhánh rộ, lúa trà muộn mới gieo. Ốc bươu vàng hại tăng trên lúa mới gieo cấy, hại nặng trên những ruộng gần ao hồ, sông suối, khu đồng trũng ngập nước thường xuyên. Tuyến trùng rễ, bọ trĩ có khả năng gây hại tăng trên các chân ruộng thiếu nước.

Các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên: Bệnh đạo ôn lá, bệnh đạo ôn cổ bông, rầy nâu, rầy lưng trắng gia tăng gây hại trên lúa trà sớm giai đoạn đòng trỗ – chắc xanh. Bệnh đạo ôn lá, sâu cuốn lá nhỏ phát sinh và gây hại tăng. Sâu đục thân, sâu keo, bọ trĩ, dòi đục nõn gây hại rải rác trên lúa ở giai đoạn đẻ nhánh. Bệnh bạc lá hại cục bộ ở Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận. Chuột hại diện rộng trên các trà lúa ĐX giai đoạn đẻ nhánh đến đòng trỗ.

Các tỉnh Đông Nam bộ và ĐBSCL: Rầy nâu hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng. Bệnh đạo ôn lá có thể sẽ xuất hiện trên lúa HT sớm 2018 giai đoạn đẻ nhánh ở mức độ nhẹ đến trung bình; Bệnh đạo ôn cổ bông vẫn còn phát triển và gây hại trên các trà lúa trỗ. Sâu năn gây hại trên các giống lúa Jasmin85, OM4900, Đài thơm 8, OM 7347, OM 6162, OM 6976, OM 5451… Nơi gieo sạ lúa HT phải đảm bảo thời gian giãn vụ, cày ải, phơi đất ngay sau khi thu hoạch lúa ĐX 2017-2018 tối thiểu là 15 ngày. Lưu ý bệnh bạc lá, sâu cuốn lá nhỏ, chuột gây hại trên lúa ở giai đoạn đẻ nhánh đến đòng trỗ; chuột gây hại trên lúa ở giai đoạn trỗ đến chín.

2. Trên cây trồng khác

– Cây nhãn: Bệnh chổi rồng nhãn tiếp tục gây hại.

– Cây thanh long: Bệnh đốm nâu, ốc sên tiếp tục gây hại.

– Cây có múi: Bệnh greening tiếp tục gây hại.

– Cây hồ tiêu: Tuyến trùng hại rễ và bệnh chết nhanh, chết chậm tiếp tục gây hại.

– Cây điều: Bọ xít muỗi và bệnh thán thư tiếp tục gây hại.

– Cây dừa: Bọ cánh cứng và bọ vòi voi tiếp tục gây hại.

– Cây cà phê: Bệnh khô cành, bệnh gỉ sắt tiếp tục gây hại.

– Cây sắn: Bệnh khảm lá virus tiếp tục hại.

Khuyến cáo

Trên lúa:

+ Để phòng trừ rầy nâu gây hại, sử dụng Applaud 25WP – Giải pháp trừ rầy nâu môi giới truyền bệnh VL-LXL (700g/ha), hoặc sử dụng Wellof 3GR (12-15kg/ha).

+ Đối với sâu cuốn lá nhỏ sử dụng Opulent 150SC (6ml/bình 16 lít, phun 2,5 – 3 bình/1.000 m2) hoặc Wellof 330EC (0,8-1 lít/ha, pha 40-50ml/bình 16 lít nước).

+ Để trừ sâu đục thân, sử dụng Nurelle D 25/2.5EC (1-1,5 lít/ha), phun sau khi bướm nở rộ 5-7 ngày.

+ Để phòng trừ đạo ôn, sử dụng BEAM 75WP – “Cắt ngay cháy lá” (250g/ha).

+ Sử dụng Bonny 4SL (0,75 lít/ha, 30 ml /bình 16 lít nước), lượng nước phun 400 lít/ha.

+ Sử dụng Aviso 350SC (0,35 lít/ha, 14ml thuốc/bình 16 lít nước) để phòng trừ bệnh lem lép hạt.

+ Phối hợp BEAM 75WP (250g/ha) + Bonny 4SL (500ml/ha) + Aviso 350SC (0,35 lít/ha) để phòng trừ bệnh đạo ôn, bạc lá do vi khuẩn và lem lép hạt cùng lúc tấn công cây lúa.

+ Sử dụng Pulsor 23DC (0,22-0,33 lít/ha), Catcat 250EC, Vali 5SL phun khi bệnh vết bệnh khô vằn (trên lúa, ngô) lúc mới xuất hiện.

+ Để kích thích cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, tránh nghẹn đòng khi trổ, dùng Dekamon 22.43L (6ml/bình 16 lít nước), phun lên lá, bông 10-15 ngày sau sạ, 40-45 ngày sau sạ và sau khi trổ đều.

Cây rau:

+ Sử dụng Foliar Blend (50ml/16 lít nước) để cung cấp dinh dưỡng vi lượng dễ hấp thụ cho cây trồng.

+ Sử dụng Gekko 20SC với hoạt chất Amisulbrom 200g/l, liều dùng 12-20ml/bình 16 lít nước để phòng trừ bệnh sương mai, giả sương mai trên dưa leo, cà chua.

Cây ngô (bắp):

+ Sử dụng Maxer 660SC (1,25 – 2,5 lít/ha) trừ cỏ giai đoạn 7-20 ngày với ruộng ngô (bắp) biến đổi gen.

Cây tiêu:

+ Đối với bệnh chết nhanh, chết chậm trên tiêu, khuyến cáo phòng bệnh định kỳ. Kết hợp phun phủ trụ Manozeb 80WP (1kg/phuy 200 lít nước) + Bonny 4SL (250ml/phuy 200 lít nước), phun 4-6 lít nước/gốc và kết hợp rải Wellof 3GR (20-25g/gốc) trừ rệp sáp gốc và rễ.

+ Để trừ tốt nấm Phytophthora (nguyên nhân gây ra bệnh chết nhanh cây tiêu), dùng Gekko 20SC – Chứa hoạt chất Amisulbrom (sử dụng 200ml thuốc/200 lít nước), tưới 4-6 lít/gốc để tiêu diệt mầm bệnh.

Cà phê:

+ Phòng bệnh thán thư (khô cành, quả) sử dụng Manozeb 80WP (80g/bình 16 lít nước) kết hợp Aviso (20ml/bình 16 lít nước) để phòng và trị bệnh.

Nguồn: Cục BVTV được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Bón phân đúng cách, lợi nhuận trồng Ớt thấy rõ

Ít được nhắc đến như nhiều loại cây trọng điểm khác, nhưng cây ớt dần được nông dân lựa chọn. Cây ớt cho lợi nhuận khá nếu biết áp dụng đúng kỹ thuật gieo trồng cũng như chăm sóc bằng dòng phân bón thích hợp.

Nhánh ớt được thu hoạch từ mô hình tại ruộng ớt của anh Tâm

Bà con ở ấp 3 xã An Phong, huyện Thanh Bình, Đồng Tháp vui tươi rộn ràng bởi chương trình trình diễn phân bón trên cây ớt của Đạm Cà Mau đến giai đoạn tổng kết, thu hoạch. Nếu như tập quán canh tác cũ cho lợi nhuận bấp bênh thì dịp này, bà con được sử dụng công thức bón mới mang lại hiệu quả cao, ổn định mà chi phí thấp bằng việc sử dụng trọn bộ phân bón dinh dưỡng Đạm Cà Mau, trong đó có loại cao cấp NHumate + TE Cà Mau.

Vào mùa con nước rút trả lại phù sa màu mỡ là thời điểm tốt nhất cho cây ớt sinh trưởng phát triển. Trên cánh đồng thực nghiệm chia đôi, hai tập quán canh tác cùng hạt giống, thời điểm và kỹ thuật nhưng chăm sóc bằng dòng phân bón khác nhau đã cho kết quả hoàn toàn khác biệt.

“Gia đình tui canh tác nhiều năm nay nên nắm rõ đặc tính của cây ớt. Nhưng để SX đạt hiệu quả cao thì vẫn đang loay hoay. Đợt thực nghiệm tui bón đúng cách hướng dẫn của công ty và các kỹ sư Đạm Cà Mau cho bộ sản phẩm phân bón đã mở ra cách nhìn mới, phải thay đổi tập quán SX cũ, tiếp thu kỹ thuật mới thì mới giảm chi phí mà nhanh giàu”, chủ hộ Lê Chí Tâm, xã An Phong, huyện Thanh Bình chia sẻ.

4 công ruộng của anh Tâm được chia đôi, sau hơn 60 ngày trồng thực nghiệm, giữa tháng 1/2018, gia đình anh đã có thể thu hoạch rộ, chi phí giảm 8% lại cho lợi nhuận gấp rưỡi. Số trái ở ruộng trình diễn trung bình 85 trái/cây so với ruộng đối chứng là 77 trái/cây. Trên phần ruộng thực hiện mô hình, nếu phần ruộng đối chứng bón urea, DAP khác và NPK năng suất 2,1kg thì ruộng thực nghiệm dùng N.Humate chủ lực, kết hợp DAP, Kali Cà Mau theo giai đoạn bón cho năng suất đến 2,4 kg.

N.Humate Cà Mau hầu như đáp ứng đủ điều kiện phát triển của cây ớt, không chỉ giúp bộ rễ chùm phát triển nhanh mạnh, tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng để ra hoa đều mà còn tăng số nhánh trên cây, phần nào quyết định đến số lượng trái.

Anh Lê Văn Chấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Đồng Tháp phát biểu tổng kết mô hình

Với mô hình thực nghiệm này, anh Tâm tiết giảm tổng chi phí vật tư và nhân công, tính ra giá thành sản xuất chỉ 6.390 đ/kg ít hơn so với 7.775 đ/kg trước đây, trái ớt to, chắc mẩy bán được giá thu về lợi nhuận gần 321 triệu đồng/ha cao hơn so với 257 triệu đồng/ha vụ cũ.

Niềm vui được mùa xen lẫn niềm vui xuân mới, anh Tâm phấn khởi trước cánh đồng ớt rực đỏ như hồng thêm nét mặt của hy vọng. Anh tâm huyết chia sẻ với bà con tại hội thảo tổng kết mô hình trình diễn vừa rồi như vừa khoe thành tích lại vừa mong mỏi bà con áp dụng cách trồng từ những hướng dẫn này.

Từ đây, cả anh và bà con trong vùng có thể tin tưởng vào một hướng đi mới cho cây ớt quê nhà, thay đổi tập quán cũ, canh tác bằng kiến thức mới và thành tựu nông nghiệp hiện đại sẽ trúng mùa, lời đậm từ loài cây tưởng nhỏ bé như ớt.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Chè VietGAP bên sườn Tam Đảo

Xã Mỹ Yên (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) nằm bên sườn dãy Tam Đảo. Bao đời nay, người Mỹ Yên chỉ quen với cách làm chè truyền thống nên hiệu quả chưa cao.

Từ khi bắt tay vào xây dựng chứng nhận thương hiệu cho sản phẩm chè VietGAP, bà con đã định hình được hướng đi cho mình.

Xây dựng chứng nhận

Đầu năm 2015, Ban Quản lý SX chè huyện Đại Từ đã triển khai mô hình SX chè theo quy trình VietGAP trên diện tích 5ha với 28 hộ xã viên của Hợp tác xã SX chè an toàn Bắc Hà (xóm Bắc Hà 1 và Bắc Hà 2) tham gia.

Sản xuất chè theo quy trình VietGAP tại Mỹ Yên

Anh Lê Văn Hậu, cán bộ phụ trách mô hình cho biết, khó khăn lớn nhất khi triển khai mô hình là các hộ tham gia đang SX chè theo phương thức truyền thống, công nghệ chế biến lạc hậu, khu vực chế biến bừa bãi, trang thiết bị phục vụ cho SX và chế biến chè chưa đáp ứng được yêu cầu theo kỹ thuật mới. Các loại trang bị quần áo bảo hộ lao động, dụng cụ lao động và hóa chất chưa có nơi bảo quản riêng. Đặc biệt, bà con chưa có thói quen ghi chép sổ nhật ký nông hộ.

Sau khi được cán bộ Ban Quản lý chè huyện Đại Từ tập huấn cách trồng, chăm sóc, chế biến chè an toàn theo quy trình VietGAP và ghi chép sổ nhật ký nông hộ, bà con đã dần thích nghi và mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Sau nhiều nỗ lực của các hộ tham gia mô hình, đến tháng 10/2016, Hợp tác xã đã được Trung tâm Kiểm định chất lượng giống và vật tư hàng hóa nông nghiệp tỉnh cấp cấp Giấy chứng nhận sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP TCCN (có giá trị 2 năm, diện tích 5 ha của 28 hộ dân).

Thuần thục

Ông Lê Tự Đức (xóm Bắc Hà 2, xã Mỹ Yên) nói làu làu, SX chè theo quy trình VietGAP (thực hành nông nghiệp tốt) là một chứng nhận giúp giám sát hoạt động SX, chế biến và kinh doanh chè bền vững, an toàn và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm. Chứng nhận đem lại lợi ích cho người SX, thị trường và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường sinh thái.

Thực tế cho thấy, dù năng suất chè búp tươi SX theo tiêu chuẩn VietGAP không cao hơn nhiều so với diện tích chè ngoài mô hình nhưng sản phẩm chè búp khô đã không còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), đạt tiêu chuẩn theo quy trình của Bộ NN-PTNT quy định.

Bà con làm chè ở xóm Bắc Hà 1 và Bắc Hà 2 đã biết sử dụng thuốc BVTV đúng danh mục được phép sử dụng trên cây chè, đảm bảo theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc; đúng nồng độ và liều lượng; đúng lúc; đúng cách), ưu tiên sử dụng thuốc có nguồn gốc sinh học góp phần hạn chế nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; bảo đảm sức khỏe của người lao động, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch; giữ cân bằng hệ sinh thái…

Ông Nguyễn Văn Dũng (xóm Bắc Hà 2) cho biết, nghĩ lại cách chăm sóc cây chè trước đây mà sợ. Ai đời lại phun thuốc trừ sâu theo định kỳ. Cách phun thì vô tội vạ, phun cộng 2 – 3 loại thuốc cùng một lúc, phun thuốc này chưa đạt thì phun thuốc khác. Cứ phun bao giờ không thấy sâu nữa mới thôi, bất luận thời điểm cách ly, kể cả chè sắp thu hái…

Thế rồi cách bón phân cũng kỳ lạ và thật thiếu hiểu biết, trong xóm, ngoài làng, mọi người cứ thấy trời mưa là mang phân ra vã vào gốc chè. Chăm sóc đã vậy, cách chế biến cũng đơn giản và lạc hậu. Chè mang về đưa vào vò rồi mang ra sao suốt, thế là xong. Bây giờ, giáo viên VietGAP đã về xóm, cùng ăn, cùng ở với dân để hướng dẫn chúng tôi chuyển đổi quy cách SX. Theo đó, các xã viên bây giờ chỉ phun thuốc trừ sâu khi thật cần thiết.

Việc phun phải thực hiện theo nguyên tắc “4 đúng”. Thuốc chọn phun phải là loại thuốc đã được cho phép sử dụng trên cây chè. Quá trình chế biến được chia nhỏ thành 4 công đoạn để chè tạo hương, đậm vị. Cụ thể, chè nguyên liệu hái về phải được làm héo trước khi đưa vào sao diệt men. Sau đó mới thực hiện vò tạo cánh. Quá trình sao cũng chia thành sao 2 và sao 3. Giữa 2 công đoạn sao, chè được đưa ra rải đều trên nong nia để lấy thêm hương.

Anh Lê Văn Hậu, cán bộ phụ trách mô hình cho biết, cái lợi lớn nhất là môi trường và sức khỏe của người dân được bảo vệ tốt hơn. Không chỉ tăng hiệu quả kinh tế mà số lần phun thuốc BVTV cho cây chè cũng giảm từ 1 đến 3 lần so với trước đây. Ý thức người dân về việc SX sản phẩm chè an toàn đã được nâng lên rõ rệt.

Đến nay, các hộ dân đã nắm chắc quy trình SX và chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGAP, cũng như tiếp cận được quy trình SX hàng hoá chất lượng cao, biết được tính cấp thiết của vấn đề an toàn thực phẩm; đảm bảo sản phẩm SX ra đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Bà Chu Thị Nhì (Chủ tịch UBND xã Mỹ Yên) cho hay, SX chè theo tiêu chuẩn VietGAP, chất lượng chè thành phẩm được nâng lên, hiệu quả kinh tế từ cây chè cũng tăng lên. Trước đây, vào chính vụ, mỗi kg chè búp không chỉ bán được với giá 120 nghìn đồng thì nay đã bán được với giá 150 thậm chí là 300 nghìn đồng.

Từ những thành công trên, xã Mỹ Yên đang vận động các hộ dân trong xã, đặc biệt là 5 xóm SX chè chuyên canh nhân rộng mô hình theo quy trình VietGAP, từ đó tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Thận trọng khi đua nhau đầu tư trồng Dưa Lưới, tránh thiệt hại

Hai năm trở lại đây dưa lưới rất được thị trường Bình Phước ưa chuộng. Giá bán loại dưa này khá cao nên nhiều nông dân trong tỉnh đã đầu tư trồng. Tuy nhiên một số chuyên gia nông nông nghiệp khuyến cáo người dân nên tìm hiểu kỹ trước khi trồng nhằm tránh thiệt hại về sau.

Đồng vốn lớn, thu nhập tốt

Theo các chuyên gia nông nghiệp, một vụ dưa lưới từ lúc trồng đến khi thu hoạch 65 – 75 ngày, ước tính mỗi năm có thể trồng được 4 vụ. Trong đó, mùa khô trồng từ 2.500 – 2.700 cây/1.000m2; mùa mưa trồng từ 2.200 – 2.500 cây/1.000m2.

Ông Thọ chia sẻ kỹ thuật và chờ đợi một vụ dưa lưới có giá cao

Với thời gian và mật độ này, trọng lượng mỗi trái đạt từ 1,5 – 2kg, năng suất trên 3 tấn trái/1.000m2. Với giá bán hiện tại từ 30 – 35 ngàn đồng/kg, nông dân sẽ nhanh chóng lấy lại vốn đầu tư ban đầu. Từ thực tế đó, nhiều nông dân Bình Phước đã đầu tư trồng dưa lưới và bắt đầu có lời.

Thấy dưa lưới đem lại hiệu quả kinh tế nên đầu năm 2016, anh Lê Anh Đức ở ấp 5, xã Tân Quan, huyện Hớn Quản mạnh dạn vay vốn đầu tư trồng trên diện tích 600m2. Sau gần 3 tháng, vườn dưa cho thu hoạch hơn 2 tấn, thu 65 triệu đồng, lợi nhuận gần 40 triệu đồng. Thấy hiệu quả, anh Đức và anh trai tiếp tục mở rộng thêm 3.000m2 để trồng.

Theo anh Đức, nếu “vốn yếu” thì dừng nghĩ đến chuyện đầu tư trồng dưa lưới. Nhưng nếu đầu tư đủ vốn, áp dụng đúng kỹ thuật sản xuất, dưa lưới sẽ cho nông dân thu nhập cao hơn rau màu và các cây ăn trái khác.

Theo kinh nghiệm thực tiễn của các nhà vườn, để có vườn dưa lưới đạt năng suất cao, cho thu nhập ổn định thì nông dân phải bỏ ra số tiền rất lớn, từ 300 – 500 triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng cho 1.000m2 và sự tỷ mẩn trong sản xuất.

Chia sẻ về điều này, ông Nguyễn Hữu Thọ ở xã Thanh Phú, thị xã Bình Long cho biết: “Để trồng 6 sào dưa lưới gia đình tôi đã đầu tư gần 2 tỷ đồng làm hệ thống nhà màng, tưới nước tự động và giống. Tiền vốn ban đầu cao nhưng kỹ thuật chăm sóc lại quyết định việc thành – bại của quá trình đầu tư”.

Ông Thọ đã thu lời được 2 vụ dưa. Vụ này vườn cây đang trổ bong kết trái, ông và gia đình lại đón đợi một mùa bội thu.

Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Phước cho biết: Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 8ha dưa lưới trồng trên giá thể và trên đất. Việc đầu tư trồng dưa lưới bước đầu rất khả quan, thị trường tiêu thụ tốt, mang lại thu nhập cho người trồng.

Cần thận trọng

Đại diện Công ty TNHH Nông sinh Khang Nguyên đến đầu tư vườn dưa lưới tại thị xã Đồng Xoài, ông Phạm Song Quyền, cán bộ phụ trách kỹ thuật chia sẻ: “Thị trường có nhiều thông tin thiếu chính xác về việc xuất khẩu dưa lưới khiến nhiều người đầu tư trồng ồ ạt. Đây là nguy cơ dẫn đến cung vượt cầu trong tương lai. Do đó, nếu chúng ta không kiểm soát tốt việc mở rộng diện tích và nếu giá thị trường giảm sâu thì người nông dân sẽ gánh chịu thiệt hại trước tiên”.

Các chuyên gia khuyến cáo nông dân phải tìm hiểu kỹ thuật và chủ động đầu ra cho dưa lưới

Dưa lưới mới du nhập vào Việt Nam vài năm nay nên một số nông dân chưa nắm vững kỹ thuật, đặc tính của cây. Mặt khác, một số hộ còn làm theo phong trào, dẫn đến gây khó khăn cho sản xuất và mua bán. Ông Quyền cho rằng, để có thị trường dưa lưới ổn định cần sự liên kết của “4 nhà” gồm nhà nước – nhà khoa học – doanh nghiệp – nhà nông. Đồng thời, để tăng hiệu quả trên cùng diện tích đất thì người nông dân nên kết hợp trồng loại cây khác như rau, dưa leo…

Cũng theo bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, hiện tại Trung tâm Khuyến nông Bình Phước đang xây dựng các mô hình điểm để chuyển giao kỹ thuật cho nông dân, đồng thời kết nối doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm. Song trên thực tế dưa lưới đòi hỏi kỹ thuật cao, đồng vốn lớn, người nông dân cần cân nhắc kỹ khi đầu tư để làm chủ đầu ra cho sản phẩm của chính mình.

Bà Tuyết khuyến cáo, nông dân muốn đầu tư trồng dưa lưới nên liên hệ với Trung tâm Khuyến nông tỉnh để được hỗ trợ tốt nhất về mặt kỹ thuật.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.