Chế phẩm sinh học và thảo dược là tương lai của chăn nuôi

Những sản phẩm này không chỉ giúp tăng chất lượng, giảm chi phí sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh mà còn xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng, góp phần phát triển nền nông nghiệp sạch.

Giữa bối cảnh có nhiều bê bối về dư lượng hóa chất trong thực phẩm khiến cho con người ngày càng có biểu hiện kháng kháng sinh, nhiều bệnh truyền nhiễm trước đây có thể chữa trị trở nên kháng trị và lây lan thì việc sử dụng các chế phẩm sinh học, thảo dược là tương lai của ngành chăn nuôi, thủy sản.

Đi theo xu hướng ấy, mới đây tại huyện Ứng Hòa, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã tổ chức hội thảo “Ứng dụng chế phẩm sinh học và thảo dược trong Chăn nuôi, Thủy sản trên địa bàn Hà Nội”.

 

Các mô hình nổi bật

Phát biểu tại hội thảo, bà Vũ Thị Hương– Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết, năm 2019, đơn vị đã triển khai mô hình sử dụng thảo dược trong nuôi gà thả vườn và 3 dạng mô hình thủy sản là nuôi thủy sản theo hướng VietGAP, áp dụng công nghệ sông trong ao và nuôi chạch thương phẩm.

Phát biểu của Bà Vũ Thị Hương– Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội

 

Các mô hình đều hướng tới nền sản xuất nông nghiệp bền vững hạn chế sử dụng hóa chất, thuốc kháng sinh tạo ra sản phẩm an toàn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Mô hình sử dụng thảo dược trong chăn nuôi gà thả vườn, Trung tâm đã cấp 50.000 con gà mía 1 ngày tuổi (trong đó ngân sách Thành phố hỗ trợ 50%, 50% người dân đối ứng), hỗ trợ 50% thức ăn và 50% thảo dược (250 lít). Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn kỹ thuật nuôi, cách dùng thảo dược cho các hộ chăn nuôi.

Đến nay, sau 3 tháng nuôi, đàn gà khỏe mạnh, lông mượt, mã đẹp, tỷ lệ nuôi sống trung bình 95%, trọng lượng 1,7 – 1,8 kg/con, dự kiến đến lúc xuất bán gà đạt trọng lượng từ 2,1 – 2,2 kg/con. Với giá bán gà thảo dược từ 90.000 – 100.000 đồng/kg, lợi nhuận bình quân của 1.000 con gà đạt khoảng 60 triệu đồng.

Mô hình Nuôi thủy sản theo hướng VietGAP có quy mô 25ha với số lượng 375.000 con cá chép giống (trong đó hỗ trợ 50%, 50% người dân đối ứng), hỗ trợ 50% thức ăn và 50% chế phẩm sinh học (Aquaclear – S). Sau 5 tháng nuôi, cá trung bình đạt từ 0,7 – 1,5 kg/con, tỷ lệ sống đạt 81%. Năng suất dự kiến khi thu hoạch đạt hơn 12 tấn/ha, cho lãi 80 triệu đồng/ha, cao hơn 20% so với nuôi thông thường.

Đại diện cho các hộ nuôi thủy sản theo mô hình “Ứng dụng công nghệ sông trong ao” tại huyện Ứng Hòa, ông Đặng Văn Duân cho biết: “Trước đây, gia đình nuôi các loài cá truyền thống nhưng năng suất không cao. Môi trường ô nhiễm, thời tiết không thuận lợi, cá nuôi xuất hiện nhiều bệnh, thậm chí chết hàng loạt gây thiệt hại lớn về kinh tế.

Với quy mô 1 ha, chúng tôi được hỗ trợ 50% con giống, thức ăn và chế phẩm sinh học. Đặc biệt, gia đình đã sử dụng chế phẩm sinh học vào việc xử lý môi trường và ủ men tỏi cho cá ăn định kỳ nhờ đó chúng ăn khỏe, lớn nhanh, đều con và hệ số tiêu tốn thức ăn ít hơn…”.

Bà Vũ Thị Hương khẳng định, việc ứng dụng chế phẩm sinh học và thảo dược góp phần phát triển nền nông nghiệp sạch, tăng hiệu quả kinh tế nông nghiệp, tăng sức cạnh tranh của nông nghiệp Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Đồng thời, đóng góp vào việc cung cấp các sản phẩm an toàn phục nhu cầu tiêu dùng.

“Nông nghiệp sạch giúp nông dân tăng thu nhập, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới xây dựng nông thôn mới bền vững. Tuy nhiên, việc sử dụng chế phẩm sinh học và thảo dược vẫn còn tồn tại một số hạn chế như sử dụng chưa đồng bộ và triệt để, giá cả chưa cao, chưa tạo được lòng tin của người tiêu dùng…

Vì vậy, người nuôi cần chú trọng đầu tư chuồng trại, ao nuôi đảm bảo. Các hộ cần nắm vững một số kiến thức cơ bản về môi trường nuôi, cách kiểm tra các chỉ số môi trường, kỹ thuật nuôi hiện đại. Đồng thời, tuân thủ nghiêm túc quy trình sử dụng các chế phẩm sinh học và thảo dược trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản”, bà Hương khuyến cáo.

 

Giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững

Tại buổi hội thảo, bàn về giải pháp chăn nuôi bền vững, TS. Vũ Ngọc Sơn – nguyên GĐ Trung tâm Bảo tồn vật nuôi – Viện Chăn nuôi khẳng định, chăn nuôi bền vững là chăn nuôi an toàn sinh học đi đôi với sử dụng hợp lý chế phẩm sinh học.

Nuôi lợn an toàn sinh học

 

Chăn nuôi an toàn sinh học là áp dụng các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn nguy cơ mắc bệnh của vật nuôi cũng như sự lây lan mầm bệnh của ổ dịch. Sử dụng chế phẩm sinh học giúp vật nuôi tiêu hóa thức ăn tốt hơn, giảm lượng kháng sinh, cải thiện môi trường chuồng nuôi sạch sẽ. Từ đó, tạo ra nguồn thực phẩm sạch và an toàn.

Hiện nay, tổng giá trị GDP của ngành nông nghiệp ở Hà Nội chiếm 2,5%. Thu nhập mỗi năm hơn 40 nghìn tỷ. Nông nghiệp có sự chuyển dần sang chăn nuôi với tỷ lệ chiếm 55%. Trên cả nước, Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu về chăn nuôi.

Tuy nhiên, tính bền vững chưa cao, còn nhiều vấn đề cần giải quyết như các dịch bệnh như dịch tai xanh, dịch tả châu Phi ở lơn, dịch cúm ở gia cầm… Chất lượng sản phẩm nông nghiệp chưa đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Lý giải cụ thể về việc sử dụng chế phẩm sinh học giải quyết các vấn đề không an toàn trong chăn nuôi, TS. Vũ Ngọc Sơn cho rằng: Căn nguyên cơ bản nhất làm vật nuôi giảm sức đề kháng là ô nhiễm tiểu khí hậu chuồng nuôi khiến con vật ngạt thở, dẫn tới viêm đường hô hấp. Khi sử dụng chế phẩm sinh học sẽ giải quyết được vấn đề ô nhiễm chuồng nuôi.

Đồng thời, việc sử dụng thuốc thú ý để phòng và chữa bệnh cho vật nuôi cũng trở thành nguy cơ gây mất an toàn. Theo khảo sát, hiện nay tỷ lệ sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi chiếm 8 – 10%, trong khi chăn nuôi an toàn chỉ được phép chiếm 2 – 3%. Điều này gây ra sự tồn dư các chất kháng sinh trong thịt vượt mức cho phép. Do đó, sử dụng các hoạt chất sinh học sẽ thay thế dần kháng sinh trong chăn nuôi.

Ngoài ra, nếu muốn chăn nuôi sản phẩm hữu cơ, các hộ dân không được sử thuốc kháng sinh, thuốc trị bệnh, thuốc kích thích tăng trưởng dụng để làm thức ăn chăn nuôi. Thức ăn chăn nuôi không sử dụng sản phẩm biến đổi gen, thức ăn có nguồn đạm động vật như bột xương, bột thịt cá…

Hội thảo còn có tham luận của TS. Nguyễn Văn Năm, Giám đốc Công ty Công nghệ sinh học Việt Nam về vấn đề chăn nuôi an toàn sinh học.

TS. Nguyễn Văn Năm chia sẻ: Chế phẩm sinh học chứa các họa chất tăng cường miễn dịch tự nhiên giúp vật nuôi khỏe mạnh. Các kháng sinh thảo dược có nguồn gốc tự nhiên như Curcumin (chiết xuất nghệ), Allicin (chiết xuất tỏi, Berberin (cây Hoàng Liên, Hoàng Đằng) có tác dụng ức chế nhiều loại virus. Thay vì áp dụng các phương pháp mạnh như tiêu độc khử trùng bằng hóa chất, kháng sinh thì sử dụng chế phẩm sinh học hướng đến nền chăn nuôi và tiêu dùng an toàn.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Tân Thành ra mắt sản phẩm thuốc trừ sâu sinh học

Sáng ngày 5/10, tại huyện Cờ Đỏ (TP. Cần Thơ), Cty TNHH Thương mại Tân Thành long trọng ra mắt sản phẩm thuốc trừ sâu sinh học Anonin 1EC chiết xuất từ thảo dược thiên nhiên cho gần 4.000 nông dân.

 

Cty Tân Thành ra mắt sản phẩm thuốc trừ sâu Anonin chiết xuất từ thiên nhiên

 

Buổi ra mắt lần này năm trong chuỗi sự kiện “Tốt rễ trúng mùa” sắp diễn ra các tỉnh, thành ĐBSCL, miền Đông, Tây Nguyên. Đến dự có lãnh đạo Cục BVTV phía Nam, các nhà khoa học…

Ông Nguyễn Xuân Khoa, TGĐ Cty Tân Thành cho biết: Với mong muốn nâng cao giá trị nông sản về chất lượng, thân thiện với môi trường và đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, thời gian qua các sản phẩm thuốc BVTV sinh học được Tân Thành nghiên cứu SX đã đến với bà con nông dân như Lacasoto, Chubeca, Plasti mula… Đó là những giải pháp sinh học, giúp nông dân canh tác đạt được năng suất cao, đảm bảo sức khỏe, thân thiện với môi trường. Nông sản chứng minh được là đảm bảo an toàn có thể XK thuận lợi. Từ đó giúp nông dân tăng thêm thu nhập và đời sống khá hơn. Đặc biệt là sản phẩm thuốc trừ sâu sinh học Anonin mà Cty đã tâm huyết nghiên cứu hơn 3 năm nay mới cho đời. Đây là sản phẩm có hoạt chất 100% từ thiên nhiên.

 

Các sản phẩm Thuốc BVTV sinh học của Tân Thành

 

Ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục BVTV cho biết: Mỗi năm Việt Nam canh tác nông nghiệp khoảng 7 triệu ha. Trong những năm qua SX nông nghiệp luôn gặp khó khăn do ảnh hưởng của BĐKH làm dịch bệnh gia tăng trên cây trồng. Trong đó thuốc BVTV đóng vai trò bảo vệ năng suất cây trồng rất quan trọng. Hiên cả nước có hơn 100 nhà máy SX thuốc BVTV, với hơn 30.000 đại lý kinh doanh VTNN để phân phối thuốc BVTV, trong đó ĐBSCL tỷ lệ đại lý chiếm cao nhất cả nước. Bình quân hàng năm VN nhập 100.000 tấn thuốc BVTV tương đương khoảng 1 tỷ USD để kinh doanh, SX trong nước và XK thuốc BVTV sang các nước trong khu vực Châu Á.

Trong khuyến cáo của Bộ NN-PTNT sử dụng thuốc BVTV theo bốn đúng, trong đó sử dụng thuốc sinh học cho cây trồng rất quan trọng nhằm để minh chứng tạo ra sản phẩm an toàn và đạt tiêu chuẩn XK ngày càng nhiều. Tuy nhiên bên cạnh đó nhiều nông dân còn chạy theo lợi nhuận mà sử dụng thuốc BVTV không theo bốn đúng, mà thời gian qua XK nông sản của chúng ta có nhiều đơn hàng phải bị trả lại.

 

Hơn 4000 nông dân đến tìm hiểu về sản phẩm mới

 

 

Theo ông Thiệt, để nông sản trong nước xâm nhập mạnh vào các thị trường trên thế giới và bán được giá cao, đòi hỏi nông sản phải SX theo hướng VietGAP hay GlobalGAP… Từ đó phải thay đổi thói quen sử dụng phân, thuốc hóa học sang sinh học. Thời gian tới Cục BVTV cũng sẽ loại bỏ dần 14 hoạt chất trong thuốc BVTV lưu hành tại Việt Nam với hơn 1.006 tên thuốc không đúng với quy định quốc tế. Rất mừng Cty Tân Thành tiên phong cho ra đời sản phẩm thuốc trừ sâu Anonin chiết xuất từ thiên nhiên để phát huy hiệu quả quản lý sâu bệnh trên cây trồng và tạo ra sản phẩm sạch cho người tiêu dùng.

Nói về vai trò sử dụng thuốc sinh học, GS.TS Nguyễn Bảo Vệ, nguyên Trưởng Khoa Nông nghiệp (ĐH Cần Thơ) nhận định: Sử dụng thuốc sinh học giúp tạo ra sản phẩm sạch và thân thiện môi trường vì ai cũng biết. Nhưng để làm ra nông sản an toàn bà con trước mắt phải thay đổi tư duy sản xuất mà chuyển qua tư duy SX theo thị trường. Việc sử dụng sức mạnh sinh học đóng vai trò quan trọng, giúp cây xanh tốt và có bộ rễ khỏe giúp cây có sức đề kháng tốt với sâu bệnh.

Đối với cây lúa, đầu tiên phải nói xử lý hạt giống bằng chế phẩm sinh học, khi sạ rễ mầm phát triển mạnh, rễ gốc nhanh bám xuống đất. Từ đó kích thích bộ rễ khỏe hút nước tốt, rễ hấp thu dinh dưỡng khoáng, rễ tạo tạo hormone ra chồi giúp cây lúa tốt, rễ giúp cây đứng vững đạt năng suất cao.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Sản xuất chế phẩm sinh học từ bột bã mía

Sau khi tốt nghiệp đại học năm 2014, chàng trai Trần Phúc Hậu về quê lập nghiệp với dự án khởi nghiệp là sản xuất chế phẩm sinh học bằng bột bã mía nhằm giúp người nuôi tôm giảm chi phí sản xuất, cải thiện môi trường nuôi.

Ban đầu, Hậu mở cửa hàng kinh doanh thuốc thủy sản để cung cấp cho người dân nuôi tôm trong vùng. Tuy nhiên, năm đó dịch bệnh tràn lan làm tôm nuôi chết hàng loạt, Hậu lỗ mấy trăm triệu đồng vì người nuôi thua lỗ không có tiền trả. Thấy việc sử dụng thuốc thủy sản chi phí cao, người nuôi ít có lãi nên Hậu tìm cách tạo ra chế phẩm sinh học để chính mình sử dụng và bán cho bà con.

Sản xuất chế phẩm sinh học từ bã mía

Hậu kể: “Lúc đó khi tìm hiểu trên mạng internet thấy tác dụng của bã mía có một số chất có thể tạo màu nước, kích thích tảo có lợi phát triển, cải thiện môi trường nuôi nên tôi tìm tòi nghiên cứu. Khi đó, không có bã mía nên tôi nhờ người đi thu gom từ những xe bán nước mía trong vùng rồi mua máy xay về xay nhuyễn, ủ men vi sinh để thử nghiệm”.

Hậu thử nghiệm chính ao nuôi của gia đình và những hộ bà con ở xung quanh. Sau 2 tháng thử nghiệm thành công chàng thanh niên mạnh dạn sản xuất để chào hàng, cung cấp cho người nuôi tôm. Khi đó, bột bã mía được ủ lên men 72 giờ với các thành phần như mật đường, men vi sinh có lợi, nước sạch…

Sau khi thành phẩm sẽ cung ứng cho người dân sử dụng trong ao tôm với giá 5.000 đồng/kg. Người nuôi tôm sẽ sử dụng chế phẩm sinh học này bón vào ao tôm ngay sau khi làm ao để phân hủy bùn hữu cơ; ngay trong thời điểm nuôi để tạo màu nước, kích thích tảo có lợi phát triển…

Hậu cho biết: “Bột bã mía có nguồn gốc từ thiên nhiên nên sử dụng rất tốt để cải tạo môi trường nuôi sau thời gian dài nuôi tôm bằng các sản phẩm thuốc thủy sản. Khi sử dụng, người nuôi không chỉ giảm 50% so với sử dụng thuốc thủy sản mà còn giúp kích thích tảo có lợi phát triển, ổn định màu nước, ngăn ngừa khí độc, cung cấp hệ vi sinh đường ruột giúp tôm nuôi phát triển, phân hủy bùn bã hữu cơ dưới đáy ao…”.

Bột bã mía được xay nhuyễn

Ban đầu người nuôi khá dè dặt khi sử dụng chế phẩm từ bột bã mía của Hậu. Tuy nhiên, sau nhiều vụ thành công, người nuôi trong vùng và cả các tỉnh xung quanh đã tìm đến đặt hàng mang chế phẩm sinh học này về sử dụng trong ao nuôi tôm. Hậu bắt đầu mở rộng quy mô sản xuất, không mua xác mía về xay nữa mà đặt hàng bã mía từ nhà máy đường đem về ủ để cung cấp cho người dân. Hiện tại, mỗi ngày Hậu bán được 500 kg bột bã mía cho người nuôi trong vùng và cung ứng khoảng 5 tấn/tháng cho người nuôi ở các tỉnh lân cận như: Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu.

Theo Hậu, nếu trừ chi phí nhân công, nguyên liệu sẽ thu lợi nhuận khoảng 2.000 đồng/kg từ sản phẩm bột bã mía. Tính ra, mỗi tháng Hậu “bỏ túi” từ 30 đến 40 triệu đồng từ mô hình độc đáo này. Hiện tại, nhu cầu của thị trường khá lớn nên dự kiến Hậu sẽ mở rộng sản xuất để hạ giá thành, nghiên cứu các chế phẩm khác để phục vụ cho người nuôi tôm.

Ông Mai Văn Hưng (ngụ xã Bình Thới, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) cho biết: “Nhờ người giới thiệu nên tôi mua bộ bã mía của Hậu về sử dụng thấy hiệu quả khá cao. Bột bã mía này làm cải thiện môi trường nước, kích thích tảo có lợi phát triển. Thời gian gần đây dịch bệnh tràn lan, môi trường nuôi bị ô nhiễm nên theo tôi việc sử dụng bột bã mía sẽ rất hiệu quả để cải thiện môi trường nuôi và giảm chi phí nuôi”.

Hiện tại, Hậu đang kêu gọi đầu tư để xây dựng nhà máy sản xuất vi sinh nhằm giảm giá thành sản xuất, giúp người nuôi tăng thêm lợi nhuận. Chàng thanh niên 8X này đang quyết tâm cùng nông dân làm giàu trên chính quê hương của mình và tìm ra giải pháp cải thiện môi trường nuôi trong hoàn cảnh dịch bệnh, ô nhiễm ngày càng tăng như hiện nay.

Nguồn dantri.com.vn được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.

 

Ứng dụng của vi khuẩn quang hợp trong nuôi tôm

Quản lý chất lượng nước có vai trò quyết định sự thành bại của vụ nuôi. Đặc biệt vấn đề quản lý khí độc phát sinh trong quá trình nuôi do lượng chất thải hữu cơ tích tụ là vấn đề nan giải cần được chú trọng.

Vi khuẩn quang hợp (PSB). Là một loại vi khuẩn có thể tiến hành quang hợp (khác với quang hợp trên thực vật). Vi khuẩn quang hợp dùng H2S để cung cấp H, dùng CO2 để cung cấp nguồn C, qua phản ứng quang hợp sản sinh ra chất hữu cơ, không tạo ôxy.
PSB thường dùng trong NTTS là loài có sắc tố quang hợp màu đỏ. Đây là chủng vi khuẩn có lợi tác dụng phân hủy các chất thải hữu cơ thông qua các quá trình tổng hợp thức ăn và có tác dụng xử lý triệt để khí độc H2S sinh ra trong ao nuôi tôm, cá.

PSB khi sử dụng trong ao nuôi thủy sản (rộng muối) được kích hoạt nhanh chóng và sống trong nhiều điều kiện khắc nhiệt. 

Tác dụng và nguyên lý của vi khuẩn quang hợp

Tác dụng của vi khuẩn quang hợp và nguyên lý của nó trong nghề nuôi trồng thuỷ sản chủ yếu có mấy mặt sau :

– Làm thuốc làm sạch chất nước của nước nuôi trồng

Trong quá trình nuôi trồng thuỷ sản, do sự tăng lên của cặn bã thức ăn vật phế thải của đối tượng nuôi tăng lên, chất nước bị ô nhiễm. Phương pháp truyền thống trước đây là thay một lượng nước lớn, xả bỏ nước cũ bị ô nhiễm, bơm vào nước sạch mới. Song do sự hạn chế của hàng loạt nguyên nhân, biện pháp này chỉ trị ngọn chứ không trị từ gốc, theo sự ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng của sông, cái gọi là thay nước chỉ là nói một cách tương đối thôi, nước ô nhiễm thải ra từ trên thượng du, ở hạ du lại trở thành nước sạch được đưa vào nguồn nước nuôi. Cứ tiếp tục như thế, không ngừng ô nhiễm, nước sau khi bị ô nhiễm, vật hữu cơ tăng lên, nồng độ các ion NH3, N tăng lên có thể ảnh hưởng đến việc kiếm mồi sinh trưởng của tôm cá mà dẫn đến bệnh tật. Cho nên nói nuôi cá trước hết là nuôi nước là vì vậy, nước trong sạch, loài cá ăn mồi nhiều, sinh trưởng nhanh, bệnh tự nhiên ít, và ngược lại. Nếu trong quá trình nuôi, định kỳ cho một lượng vi khuẩn quang hợp thích hợp vào nước nuôi, có thể làm mất ion N trong nước và các vật sinh ra do phân giải vật hữu cơ khác từ đó đạt tới việc không thay nước mà vẫn có thể giữ được môi trường nước tốt. Ðiều đó chủ yếu là do vi khuẩn quang hợp ở trong nước có thể lợi dụng vật hữu cơ làm vật cung ứng H để tiến hành tác dụng quang hợp, đồng thời với việc loại bỏ vật ô nhiễm, bản thân vi khuẩn quang hợp cũng sinh sôi tăng trưởng, đạt tới tác dụng tuần hoàn ưu việt.

Trong công nghiệp, vi khuẩn quang hợp thường dùng để xử lý nước ô nhiễm. Trong tự nhiên, nước bẩn nồng độ cao, trước tiên do vi khuẩn dị dưỡng phân giải các carbohydrate, lipid, protein thành vật chất phân tử cấp thấp như axit béo cấp thấp, aminô axit. Tiếp đó vi khuẩn quang hợp lợi dụng chất hữu cơ phân tử, lượng nhỏ như axit béo cấp thấp mà sinh sôi rất nhanh, xử lý nước bẩn BOD 95% trở lên. Sau đó, do loài tảo và vi sinh vật bùn đất hoạt tính làm cho BOD xuống tới tiêu chuẩn xả bỏ. Quá trình làm sạch nước bẩn vật hữu cơ trong công nghiệp chia thành 3 bước :

Vật hữu cơ cao phân tử nồng độ cao khuẩn dị dưỡng axit béo phân tử thấp.

* Axit béo phân tử thấp vi khuẩn quang hợp vật hữu cơ nồng độ thấp.

* Vật hữu cơ nồng độ thấp loài tảo, bùn đất hoạt tính nước thải được làm sạch.

– Dự phòng và điều trị bệnh

Do sự sinh sôi nhanh chóng của vi khuẩn quang hợp, mà hạn chế sự sinh sôi của khuẩn khác gây bệnh. Theo thông báo, vi khuẩn quang hợp có tác dụng rõ rệt đối với bệnh đỏ vỏ tôm, bệnh đen mang, bệnh khuẩn dạng sợi. Và khuẩn quang hợp trong quá trình chuyển hoá có thể sinh ra loại men chống độc tố bệnh (men phân giải trypsin, có tác dụng dự phòng và chữa trị bệnh tôm cá).

– Làm thức ăn cho ấu thể tôm cá

Vi khuẩn quang hợp có giá trị dinh dưỡng rất cao hàm lượng prôtêin đạt trên 60%, đồng thời còn chứa vitamin nhóm B phong phú và folacin, sinh vật tố và chất thúc lớn sinh vật chưa biết, chấy lượng của nó thì men không có cách gì so sánh được. Còn khuẩn thể của vi khuẩn quang hợp rất nhỏ (chỉ là 1/20 của tảo tiểu cầu), do đó, còn là thức ăn vừa miệng nhất của ấu thể cá, tôm, nhuyễn thể có vỏ. Trong quá trình nuôi ấu thể cá, tôm, nhuyễn thể có vỏ ứng dụng vi khuẩn quang hợp có thể nâng cao tỷ lệ sống, tăng nhanh sự sinh trưởng, giảm bớt lượng nước thay. Cuối cùng nguyên nhân của nó, một là làm sạch nước, cải thiện môi trường nước, hai là làm thức ăn cho ấu thể, ba là vi khuẩn quang hợp sau khi trở thành loài ưu thế của khối nước, vật chất sinh trưởng do nó giải phóng ra có thể làm cho một số nguyên nhân bệnh khó tồn tại, có thể giảm bớt bệnh của ấu thể, từ đó nâng cao tỷ lệ sống của ấu thể.

– Làm chất phụ gia cho thức ăn có chất lượng

Vi khuẩn quang hợp gồm vật chất sống có nhiều loại công năng thúc đẩy sinh trưởng và vật hoá hợp chất béo (nhân tố sinh trưởng) v.v Do đó, nó có thể trực tiếp làm chất phụ gia cho thức ăn. nếu trong thức ăn cho thêm vi khuẩn quang hợp thì không cần phải thêm chất phụ gia vào thức ăn nưã. Vì giá thành không cao, thông thường trong thức ăn tăng 0,5 -1% là có thể tăng rõ rệt hiệu quả thức ăn và tỷ lệ tăng trọng.

Phương pháp sử dụng vi khuẩn quang hợp và những vấn đề cần chú ý

– Phương pháp sử dụng

* Cách dùng trong

Sử dụng làm chất phụ gia của thức ăn, lượng dùng dạng nước là 1%, lượng dùng dạng bột là 0,5%. Nếu khi là thức ăn nở hoặc thức ăn của tôm, căn cứ vào số lượng thức ăn cho ít vi khuẩn quang hợp, sau đó để thức ăn thấm vi khuẩn quang hợp rồi cho ăn. Khi cho ăn thức ăn hạt thông thường, trước hết dùng một lượng ít nước sau khi làm thưa vi khuẩn quang hợp, làm ướt thức ăn rồi cho ăn, nếu khi là thức ăn cho ăn dạng bột, nhào vi khuẩn quang hợp với chất kết dính, cùng với thức ăn làm thành nắm cho ăn.

* Cách tưới vãi

Khi làm sạch nước dự phòng trị bệnh, có thể trực tiếp đem vi khuẩn quang hợp đã làm thưa tưới vãi đều trong nước. Lượng dùng dạng nước là mỗi mẫu mỗi mét nước sâu 3 kg; dạng bột mỗi mẫu mỗi mét nước sâu 1kg, cứ cách 15 ngày vãi lại một lần.

-Khi sử dụng vi khuẩn quang hợp phải chú ý một số vấn đề dưới đây

* Vi khuẩn quang hợp phải bảo quản ở nơi râm mát tránh ánh sáng.

* Trước khi sử dụng vi khuẩn quang hợp phải lắc đều nước sử dụng; vi khuẩn quang hợp chưa sử dụng hết phải nút kín cất giữ.

* Hàm lượng vi khuẩn quang hợp do Trung Quốc sản xuất có sự khác nhau nhiều, số hoạt khuẩn mỗi ml có từ mấy chục triệu đến mấy trăm triệu, do đó khi sử dụng phải chú ý. Thông thường khi dùng tưới vãi toàn ao mỗi m3 hàm lượng vi khuẩn quang hợp trên 1 tỷ khuẩn thể, lượng phụ gia thức ăn mỗi kg nên có từ 1 tỷ khuẩn thể trở lên.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam

Nuôi tôm thẻ chân trắng thành công bằng vi sinh + tỏi

Trong điều kiện như hiện nay, việc nuôi tôm (đặc biệt là tôm thẻ chân trắng) ngày càng khó, nhiều người trắng tay trước những biến động của thời tiết, mùa vụ. Tuy nhiên, cũng không ít người thành công sau nhiều phen mạo hiểm mang đầm tôm ra “thử nghiệm”.

Farmtech Vietnam xin chia sẻ kinh nghiệm của anh Nguyễn Ngọc Tuấn (Tấm) ở ấp Trí Đồ, xã Bình Đông, thị xã Gò Công, Tiền Giang  đã nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT) thành công bằng vi sinh kết hợp với chanh và tỏi.


Tỏi là chất kích thích miễn dịch tự nhiên cho tôm, với rất nhiều hoạt tính kháng vi khuẩn gram âm và dương, hoạt tính kháng virus, kháng nấm, tăng cường hệ miễn dịch cho động vật thủy sản. Tỏi kích thích quá trình thực bào, đại thực bào. Việc bổ sung tinh dầu tỏi cho động vật thủy sản nuôi có thể gia tăng chỉ số hồng cầu, lượng hemoglobin, bạch cầu và tiểu cầu. Như vậy tỏi dùng trong nuôi thủy sản có thể coi như một chất thay thế kháng sinh và các yếu tố trị liệu hóa học.

Allin và Allicinase là hai chất có sẵn trong tỏi, khi tỏi bị đập dập, hai chất này sẽ kết hợp với nhau tạo thành chất Allicin (một kháng sinh tự nhiên có khả năng kháng khuẩn và nấm). Allicin có khả năng kháng khuẩn bằng 1/5 thuốc Peniciline và bằng 1/10 thuốc Ocytetracylin. Ngoài ra, thành phần của tỏi còn chứa diallyl disulfide, chất này có tác dụng nhanh và mạnh hơn hai dòng kháng sinh Erythromycin và Ciprofloxacin. Bên cạnh đó, tỏi còn có công hiệu trị sán, giun kim, các bệnh nấm.

Sử dụng tỏi để phòng và trị bệnh trên tôm an toàn, hiệu quả

Phương pháp sử dụng

Phòng bệnh phân trắng và chết sớm bằng tỏi

Lấy 10 kg tỏi, lột sạch vỏ rồi giã nhuyễn, để trong 24 giờ đến khi tỏi có màu vàng nghệ. Lấy 10 kg rượu 450 trộn chung với tỏi rồi xay nhuyễn, sau đó cho vào bình đậy kín nắp, 7 ngày sau vắt lấy nước cho tôm ăn. Liều lượng: 10 ml/kg thức ăn, ngày 3 cữ, cho ăn từ lúc mới thả giống đến khi thu hoạch.

Phần bã tỏi trộn với vi sinh E.M và rỉ đường. Liều lượng: 6 kg bã tỏi + 1 lít E.M gốc +1,5 kg rỉ đường, cho vào bình 20 lít, rồi đổ đầy nước sạch. Sau 30 ngày, vắt lấy nước cho tôm ăn với liều lượng 20 ml/kg thức ăn/ngày. Sau quá trình nuôi tôm sử dụng tỏi, thấy đường ruột tôm lớn, tôm không mắc bệnh chết sớm và bệnh phân trắng, TTCT 88 ngày đạt kích cỡ 45 con/kg; tỷ lệ sống 100%, năng suất 15 tấn/ha.

Phòng đục cơ cong thân bằng trái chanh

Chanh có chứa nhiều chất có lợi như axit xitric, canxi, magiê, Vitamin C, flavonoid sinh học, pectin, limonin, kali 248 ml các chất hỗ trợ miễn dịch và kháng khuẩn. Cách sử dụng: Dùng khoảng 50 g chanh trộn với 3 kg thức ăn (hoặc lấy 5 ml nước cốt chanh trộn với 1 kg thức ăn) cho tôm ăn ngày 3 lần.

Vi sinh E.M: E.M là tập hợp các loại vi sinh vật gồm khoảng 80 – 120 loài cả kỵ khí và hiếu khí thuộc 10 chi khác nhau. Chúng bao gồm các vi khuẩn quang hợp (tổng hợp chất hữu cơ từ CO2 và H2O), vi khuẩn cố định Nitơ (sử dụng chất hữu cơ của vi khuẩn quang hợp để chuyển N2 trong không khí thành các hợp chất hữu cơ), xạ khuẩn (sản sinh chất kháng sinh ức chế vi sinh vật gây bệnh và phân giải chất hữu cơ), vi khuẩn Lactic (chuyển hóa thức ăn khó tiêu thành dễ tiêu), nấm men (sản sinh vitamin và các axit amin), các vi sinh vật trong E.M tạo ra một hệ thống vi sinh thái với nhau, chúng hỗ trợ lẫn nhau, cùng sinh trưởng và phát triển.

Trị tảo lam: Sử dụng 30 lít E.M cấp 2 + 10 kg rỉ đường dùng cho 2.000 m3, xử lý 3 ngày liên tục.

Cách làm E.M cấp 2: Sử dụng 1,5 lít E.M cấp 1 + 3 kg rỉ đường cho vào bình chứa 30 lít, để trong mát 7 ngày. Hạn sử dụng E.M cấp 2 từ 3 đến 6 tháng và E.M cấp 1 từ 6 đến 12 tháng.

Để giảm khí độc NH3, H2S và ổn định môi trường nước, sử dụng 30 lít E.M cấp 2 + 6 kg rỉ đường dùng cho 2.000 m3, 2 ngày/lần. Sau khi thu hoạch tôm thấy lượng bùn đáy giảm. Phân tích thấy mật độ vi khuẩn có lợi nhiều, ức chế sự phát triển của vi khuẩn có hại.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam

Bình Định: Nâng tầm tôm nuôi công nghệ cao

Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nuôi tôm, đã và đang được một số doanh nghiệp ở Bình Định thực hiện mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Kiểm tra hàm lượng ôxy trong ao nuôi tôm của Công ty Thủy Sản Xanh

Nuôi tôm gắn máy… lạnh

Không giống cách đầu tư nuôi tôm thường thấy, khu nuôi tôm thương phẩm công nghệ cao rộng gần 8 ha của Công ty TNHH Nuôi trồng, chế biến Thủy Sản Xanh tại thôn Tân Thắng, xã Cát Hải, Phù Cát được xây dựng tường rào kiên cố; người và phương tiện ra vào khu nuôi tôm đều được tiêu độc, khử trùng. Mọi hoạt động trong khu nuôi tôm được giám sát bởi hệ thống camera và các thiết bị hiện đại khác được lắp đặt tại nhà điều hành gần cổng ra vào.

Chủ doanh nghiệp Phan Đắc Uy dẫn chúng tôi tham quan khu nuôi tôm và giới thiệu quy trình đầu tư: Năm 2015, Công ty xây dựng 7 hồ và đến nay số hồ nuôi tôm đã tăng 17 hồ. Mỗi hồ rộng 2.500 m2, sâu 2 – 2,6 m đều được xây dựng bằng bê tông xi măng, đáy hồ được trải bạt bằng cao phân tử tổng hợp. Nước trong hồ được xử lý bằng vi sinh và luôn hiện diện vi khuẩn có lợi với mật độ cao, có khả năng đồng hóa chất thải hữu cơ (trong đó có thức ăn và chất thải tôm nuôi), chuyển thành sinh khối của vi khuẩn rất giàu protein. Các vi khuẩn có lợi được giữ lơ lửng trong nước và kết dính với nhau thành những hạt nhỏ, gọi là hạt floc. Trên hạt floc, ngoài các vi khuẩn có lợi, còn có nhiều sinh vật khác, như nấm, tảo, động vật phù du, có giá trị dinh dưỡng cao, là nguồn thức ăn tốt cho tôm, nên đã giảm được khoảng 30% lượng thức ăn cho tôm hàng ngày.

Nước trong ao luôn có màu vàng rơm và luôn chuyển động để hạt floc trôi theo nước. Trước đây ông Uy thả tôm giống với mật độ 400 con/m2, nhưng nay đã tăng lên 600 con/m2, tỷ lệ tôm sống 98%. Mỗi hồ được trang bị máy sục khí và hệ thống máy làm lạnh hoạt động liên tục, nhằm đảm bảo nước luôn ở nhiệt độ 280C. Sau khoảng 2 tháng thả nuôi, ông thu tỉa 30 – 40% tổng lượng tôm thả nuôi, đảm bảo tôm trong hồ phát triển tốt nhất, vừa có chi phí tiền thức ăn, tiền điện… Một tháng sau, tiến hành tháo nước sang hồ chuyên chứa nước để thu hoạch tôm nuôi, sau đó lại đưa nước trở lại hồ cũ để thả tôm vì nguồn nước cũ rất có giá trị. Với cách nuôi này, vấn đề môi trường xanh, sạch luôn được đảm bảo, tôm nuôi rất an toàn. Từ năm 2015 đến nay, bình quân mỗi năm Công ty cho doanh thu 6 – 8 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam chi nhánh Bình Định 3 tại xã Mỹ An và Công ty CP Việt – Úc Bình Định tại xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) cũng đã thành công trong sản xuất tôm giống thẻ chân trắng bằng công nghệ cao. Ông Chế Thanh Hưng, Giám đốc Công ty CP Việt – Úc Bình Định cho biết, khu nuôi tôm giống cao nghệ cao khép kín của Công ty luôn được bảo vệ nghiêm ngặt. Tôm bố mẹ được nhập từ Mỹ và Australia đạt tiêu chuẩn quốc tế. Công ty đầu tư các hiện đại để xử lý nước trước khi thả tôm bố mẹ và sản xuất tôm giống. Trong quá trình nuôi, không dùng bất kỳ một loại hóa chất, kháng sinh nào mà chủ yếu sử dụng tảo, ấu trùng làm thức ăn, đảm bảo môi trường cho tôm post phát triển tốt nhất. Tôm giống do Việt – Úc sản xuất và cung cấp đảm bảo chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của người dân. 6 tháng đầu năm 2017, Công ty cung cấp 609,219 triệu con tôm giống cho người dân trong và ngoài tỉnh.

Theo các doanh nghiệp, nuôi tôm công nghệ cao giúp chủ đầu tư chủ động hoàn toàn về lịch thời vụ, con giống, mật độ tôm thả nuôi, chăm sóc và thu hoạch. Sản lượng tôm nuôi và hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều lần so với với nuôi tôm truyền thống. Với quy trình đầu tư, xử lý nguồn nước và thức ăn, chất thải tôm nuôi, đặc biệt, mô hình này không gây ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn.

Phát triển vùng nuôi

Ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định cho biết, diện tích mặt nước sử dụng nuôi tôm phân tán và nhỏ lẻ, cơ sở hạ tầng tại các vùng nuôi chưa được đầu tư đúng mức. Tại nhiều địa phương, hệ thống thủy lợi được sử dụng chung cho sản xuất nông nghiệp và nuôi tôm, nên môi trường nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Hơn nữa, kinh phí đầu tư và ý thức cộng đồng trong nuôi tôm cũng như công tác quản lý dịch hại còn hạn chế, nên thu nhập từ tôm nuôi rất bấp bênh. Lượng thức ăn thừa và chất thải tôm nuôi hàng năm chưa được xử lý đang gây ô nhiễm môi trường tại các vùng nuôi.

Với quyết tâm phát triển bền vững ngành nghề nuôi, tỉnh Bình Định đã quy hoạch vùng nuôi tôm công nghệ cao tại xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ), diện tích 460 ha, tại xã Cát Thành (huyện Phù Cát), diện tích 150 ha; khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư tại các vùng nuôi đã quy hoạch.

Tại xã Mỹ Thành, Công ty CP Việt – Úc Bình Định đang triển khai dự án nuôi tôm thương phẩm siêu thâm canh công nghệ cao khép kín trên diện tích 300 ha với tổng vốn đầu tư khoảng 800 tỷ đồng. Còn tại xã Cát Thành, Công ty TNHH Thành Ly cũng đã thực hiện dự án nuôi tôm công nghệ cao với vốn đầu tư hơn 284 tỷ đồng trên diện tích 48 ha. Ngoài ra, Công ty TNHH Nam Việt Bình Định, Công ty TNHH Thành Hiệp; Công ty TNHH Thạnh Vân, Công ty TNHH nuôi trồng, chế biến Thủy Sản Xanh cũng đã hoàn thành các thủ tục cần thiết chuẩn bị thực hiện dự án nuôi tôm thương phẩm công nghệ cao tại xã Cát Thành.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam

Sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm

Sử dụng chế phẩm sinh học (hay còn gọi men vi sinh) trong nuôi trồng thủy sản được xem là một giải pháp góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trong ao, giảm thiểu tình trạng vật nuôi bị nhiễm bệnh, gia tăng sản lượng…

Thu hoạch tôm tại vùng nuôi xã Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc)

Gần 1 năm nay, ông Nguyễn Đăng Nhân, chủ đùng tôm tại ấp Ông Tô, xã Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc) đã sử dụng chế phẩm sinh học trong các ao nuôi tôm thẻ. So với việc sử dụng kháng sinh hay hóa chất, việc sử dụng chế phẩm sinh học giúp tôm hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn, lớn nhanh, khỏe mạnh, ít bị dịch bệnh. Chi phí sử dụng chế phẩm sinh học cũng thấp hơn, chưa đến 1 triệu đồng/ao nuôi, trong khi sử dụng kháng sinh chi phí lên đến 4-5 triệu đồng/ao nuôi. Sản phẩm tôm thương phẩm khi xuất bán luôn đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng để xuất khẩu.

Tại phường 12, TP.Vũng Tàu, hiện đã có 28 hộ nuôi tôm sú theo mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học. Ông Nguyễn Văn Sơn, chủ đùng tôm ở địa chỉ 1708 đường 30-4, phường 12 cho biết: Với mô hình nuôi tôm sú sử dụng chế phẩm sinh học, trước khi nuôi phải cải tạo ao đầm. Sau đó, sử dụng chế phẩm sinh học để tạo môi trường, giúp tôm khỏe, hay ăn, chóng lớn, tăng sức đề kháng, chất lượng tôm ngon hơn, sản lượng tăng 20% so với mô hình nuôi tôm thông thường.

Theo ông Vũ Đức Chính, Trạm phó Trạm Khuyến ngư huyện Xuyên Mộc, chế phẩm sinh học là những vi sinh vật có lợi, sống ở trong nước. Những vi sinh vật này khi sống ở trong nước sẽ tiết ra chất xúc tác sinh học giúp phân hủy các chất hữu cơ độc hại, chất thải dư thừa trong ao, giúp ao nuôi được sạch hơn. Khi sử dụng chế phẩm sinh học thay thế kháng sinh hoặc hóa chất có thể hạn chế được việc ô nhiễm môi trường ao nuôi.

Tuy nhiên, người nuôi cần lưu ý, không được sử dụng chế phẩm sinh học cùng với các loại hoá chất có tính diệt khuẩn như thuốc tím, Chlorine, i-ốt, kháng sinh; đồng thời không được sử dụng khi các chất trên đang hiện diện trong môi trường nước hay trong thân tôm. Ngoài ra, chế phẩm sinh học thực chất cũng là vi sinh vật, vì vậy không nên sử dụng quá mức cho phép, sẽ dẫn đến việc cạnh tranh oxy trong ao nuôi, gây ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của vật nuôi. Người nuôi phải thường xuyên theo dõi khay thức ăn và kiểm tra bùn đáy ao để xử lý liều vi sinh thích hợp.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam

Nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao Biosipec

Dự án nuôi tôm thẻ siêu thâm canh kết hợp công nghệ cao (Biosipec) không chỉ giúp làm tăng mạnh sản lượng tôm thẻ trong một vụ nuôi, làm tăng số vụ trong năm, mà còn giảm đáng kể tác động tới môi trường.

 Ao ương giai đoạn 2 trong hệ thống Biosipec

Theo ông Thomas Raynaud, GĐ Kỹ thuật và Marketing thủy sản của Neovia Việt Nam, Biosipec áp dụng rất nhiều công nghệ cải tiến, tiêu biểu như: Hệ thống xử lý nước để tăng cường an toàn sinh học (ATSH) và ngăn ngừa dịch bệnh; hệ thống sục khí đặc biệt để giảm chi phí năng lượng nhưng tối ưu hóa lượng oxy cung cấp; hệ thống cho ăn tự động với cảm biến âm thanh giúp cung cấp thức ăn theo nhu cầu của tôm, qua đó làm giảm chỉ số tiêu tốn thức ăn.

Khác với việc nuôi tôm thẻ theo cách thông thường chỉ có 1 giai đoạn (con giống mua về được thả thẳng xuống ao nuôi), Biosipec gồm 3 giai đoạn nuôi: 2 giai đoạn ương và 1 giai đoạn nuôi thương phẩm. Theo đó, hệ thống Biosipec được thiết kế tới 3 ao, gồm 1 ao ương giai đoạn 1, 1 ao ương giai đoạn 2 và 1 ao nuôi thương phẩm.

Ngoài ra còn có 1 ao chứa và 1 hệ thống xử lý nước. Các ao ương giai đoạn 1 và 2 được đặt trong nhà màng, trong đó, ao ương giai đoạn 1 là bể xi măng, ao ương giai đoạn 2 là dạng ao đất. Còn ao nuôi thương phẩm là ao ngoài trời.

Khi tôm giống mới đưa từ trại giống về, sẽ được thả vào ao ương giai đoạn 1. Do ở giai đoạn này, tôm rất nhạy cảm với môi trường, nên nước trong ao được xử lý tiệt trùng toàn bộ, không còn mầm bệnh. Nhờ đó, dù thả với mật độ tôm giống cao từ 5.000 – 12.000 con/m2, những sau khi kết thúc ương giai đoạn 1 (4 tuần ương), tỷ lệ tôm sống vẫn rất cao đạt tới trên 80%, kích cỡ tôm từ 250 – 500 mg/con.

Kết thúc ương giai đoạn 1, tôm sẽ theo dòng chảy tự nhiên sang ao ương giai đoạn 2. Với cách di chuyển này, tôm sẽ không bị stress, tránh bị lây nhiễm mầm bệnh… Ở giai đoạn ương này, mật độ tôm giống từ 300 – 500 con/m2, thời gian nuôi 6 tuần. Kết thúc ương giai đoạn 2, tôm đạt kích cỡ 5 – 6g/con, tỷ lệ sống cũng rất cao trên 80%.

Với việc ương 2 giai đoạn như trên, khi được đưa tới ao nuôi thương phẩm, tôm đã đạt kích cỡ của tôm giống lớn, có sức đề kháng tốt nhất, tỷ lệ sống cao nhất. Tạo ao nuôi thương phẩm, tôm được nuôi với mật độ 180 – 250 con/m2, thời gian nuôi 6 tuần, khi thu hoạch đạt 12 – 16 g/con, tỷ lệ sống 85%. Đặc biệt trong giai đoạn nuôi thương phẩm, Biosipec áp dụng hệ thống cho ăn tự động với cảm biến âm thanh giúp cung cấp thức ăn theo nhu cầu thực tế của tôm dưới ao nuôi.

Với 3 giai đoạn ương và nuôi như trên, cộng với việc áp dụng các công nghệ cao, Biosipec giúp cho tôm nuôi đạt tỷ lệ sống chung cho cả quá trình sản xuất đạt mức cao là trên 80%, trong khi nuôi thông thường chỉ đạt tỷ lệ sống bình quân 30 – 50%.

Nhờ nuôi mật độ cao và đạt tỷ lệ sống như trên, năng suất tôm nuôi theo hệ thống Biosipec có thể đạt tới 30 tấn/ha (nuôi thông thường 5 tấn/ha). Với thiết kế chia thành 3 ao với 3 giai đoạn ương, nuôi, hệ thống Biosipec giúp người nuôi tôm quay vòng vụ nhanh và có thể nuôi tới 5/vụ năm (tổng sản lượng 150 tấn/ha/năm). Còn nuôi thông thường vì chỉ có 1 giai đoạn nên chỉ được khoảng 2-3 vụ/năm.

Đó là hiệu quà kinh tế? Còn môi trường? Hệ thống Biosipec giúp tiết kiệm đáng kể lượng nước sử dụng trong quá trình nuôi tôm, vì không cần thay nước trong cả 2 giai đoạn ương và giai đoạn nuôi thương phẩm; giảm chi phí năng lượng nhờ hệ thống sục khí đặc biệt…

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam

Giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Hoạt động nuôi trồng thủy sản đang phát triển khá mạnh, cùng đó là quá trình phát sinh các nguồn chất thải rắn, lỏng, khí gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Làm thế nào để đảm bảo môi trường nuôi an toàn là vấn đề bức xúc cần có giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Nuôi thủy sản kết hợp giúp giảm ô nhiễm môi trường

Xử lý các chất ô nhiễm

Một lượng lớn các chất dinh dưỡng trong thức ăn tôm, cá không được hấp thụ vào cơ thể để tạo sinh khối mà bị thải ra ngoài môi trường xung quanh dưới dạng thức ăn dư thừa, phân và chất thải, là nguồn gây ô nhiễm chính cho môi trường.

Hệ thống xử lý: Cần đầu tư hệ thống xử lý nước thải ao nuôi trước khi xả ra môi trường. Diện tích ao xử lý nước thải tối thiểu bằng 30% diện tích ao nuôi. Bùn thải trong nuôi thủy sản phải có khu chứa riêng trong cơ sở nuôi, hay có phương án xử lý phù hợp như: Bồi đắp nền nhà, tôn cao bờ đê, san lấp mặt bằng… Tránh tình trạng bơm bùn thải trực tiếp ra các kênh rạch, dẫn đến tình trạng ô nhiễm hữu cơ, để lại dư lượng hóa chất trong đất, nước và gây ra tình trạng bồi lắng các kênh rạch trong vùng nuôi.

Dùng chế phẩm sinh học: Vi sinh vật nói chung và vi khuẩn nói riêng đóng một vai trò quan trọng trong quá trình luân chuyển vật chất như phân hủy các chất hữu cơ, chuyển đổi các hợp chất vô cơ từ dạng này sang dạng khác. Do đó, cần đưa các vi sinh vật có lợi như vi khuẩn, xạ khuẩn, nấm men vào trong ao nuôi giúp phân giải lượng lớn thức ăn dư thừa cũng như các chất thải trong quá trình nuôi. Trên thực tế, có rất nhiều chế phẩm sinh học đã và đang được sử dụng hiệu quả trong nuôi tôm nước lợ ở Việt Nam.

Nuôi trồng kết hợp: Sử dụng một số động vật thân mềm hai mảnh vỏ, rong biển, một số loài cá có khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng dư thừa từ các ao nuôi tôm thâm canh. Cụ thể, Châu Minh Khôi và cộng sự (2012) đã nghiên cứu khả năng xử lý các chất thải dinh dưỡng dư thừa trong nước thải ao nuôi cá tra thâm canh bằng cây lục bình (Eichhorina crassipes) và cỏ Vetiver (Vetiver zizanioides). Kết quả nghiên cứu cho thấy, lục bình và cỏ Vetiver có khả năng hấp thụ các chất thải dinh dưỡng dư thừa và làm giảm 85 – 88% N và 99 – 100% P hữu cơ trong nước thải của ao nuôi cá tra sau 4 tuần. Tiếp đó, Nguyễn Văn Trai (2013) đã nghiên cứu thử nghiệm dùng vọp (Geloina coaxans) và hàu (Crassostrea sp.) để xử lý nước thải từ các ao nuôi tôm thâm canh ở huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh. Kết quả cho thấy, với các bể xử lý bằng vọp (kích cỡ 37 + 6,6 g, mật độ 60 con/m3, cấp nước thải từ các ao nuôi tôm, sục khí liên tục rất hiệu quả trong việc hấp thụ các chất dinh dưỡng dư thừa, thể hiện qua việc giảm hàm lượng các thông số COD (92,7%), TSS (81,8%), TN (82,4%) và TP (89%) trong mẫu nước sau khi xử lý.

Sử dụng bùn ao làm phân hữu cơ phục vụ nông nghiệp: Nhiều hộ nuôi ở vùng ĐBSCL đã và đang sử dụng bùn đáy ao nuôi cá tra thâm canh để bơm cho các khu cây trồng như ruộng lúa, vườn cây, làm giảm ô nhiễm môi trường và tăng năng suất và lợi nhuận thu được từ các vườn cây, ruộng lúa. Hình thức này càng được nhiều người dân ủng hộ, áp dụng hiệu quả. Tuy nhiên, cần có quy hoạch tổng thể lại vùng nuôi cá tra và vùng đất nông nghiệp, hệ thống thủy lợi cũng như xem xét các cây trồng, mùa vụ hợp lý để thúc đẩy mô hình này phát triển. Trương Quốc Phú và cộng sự (2012) đã tiến hành xử lý bùn đáy ao nuôi cá tra thâm canh để sản xuất phân hữu cơ bón cho cây trồng và kết quả bước đầu đáng ghi nhận.

Thực hành tốt quy trình

Trong công tác quản lý môi trường cần kiểm tra, giám sát định kỳ đối với các tổ chức, cá nhân; thường xuyên tuyên truyền, vận động các hộ nuôi cam kết thực hiện đúng theo quy định. Hỗ trợ các cơ sở sản xuất giống, nuôi thủy sản thương phẩm áp dụng thực hành hình thức nuôi tốt, nuôi có tránh nhiệm (GAP, VietGAP, GlobalGAP, BAP), Biofloc, nuôi an toàn sinh học không sử dụng hóa chất, kháng sinh… nhằm giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường nuôi xung quanh.

Giám sát, quan trắc môi trường

Việc giám sát, quan trắc môi trường vùng nuôi cũng góp phần không nhỏ nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường. Chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm theo dõi, giám sát môi trường tại cơ sở nuôi trồng thủy sản; thu thập, ghi chép đầy đủ các số liệu, thông tin có liên quan và kịp thời cung cấp thông tin, số liệu về môi trường khi có yêu cầu. Cùng đó, áp dụng các biện pháp xử lý, phòng ngừa, khắc phục theo hướng dẫn của cơ quan quản lý yêu cầu.

Nâng cao ý thức người dân

Chấp hành nghiêm luật môi trường là giải pháp lâu dài và bền vững cho môi trường nói chung và môi trường nuôi trồng thủy sản nói riêng. Người nuôi hạn chế lạm dụng thuốc và hóa chất trong kiểm soát bệnh tôm, xử lý nước, xử lý đáy ao. Giám sát chặt chẽ việc thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường trên toàn quốc. Nâng cao ý thức, trách nhiệm của hộ nuôi, chủ cơ sở nuôi về bảo vệ môi trường thông qua tuyên truyền, giáo dục, khuyến khích các doanh nghiệp và các tổ chức nỗ lực ngăn chặn, kiểm soát ô nhiễm môi trường.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam

Mô hình nuôi tôm hùm bằng chế phẩm sinh học

Tôm hùm là loài có FCR (tỷ lệ chuyển đổi thức ăn thành trọng lượng cơ thể) cao. Do đó, nuôi tôm hùm tốn rất nhiều chi phí cho thức ăn. Mặt khác, lượng thức ăn dư thừa trong lồng nuôi có thể làm môi trường nước bị ô nhiễm, gây bệnh cho tôm. Để khắc phục tình trạng này, nên kết hợp sử dụng chế phẩm sinh học với thức ăn giúp tôm chuyển hóa thức ăn tốt hơn và hạn chế ô nhiễm môi trường.

Mô hình nuôi tôm hùm bằng chế phẩm sinh học

Chuẩn bị lồng nuôi

Vệ sinh lồng, kiểm tra khung sắt, lưới bọc khung trong, ngoài, sau đó di chuyển đến vị trí nuôi, là nơi kín gió, nguồn nước trong sạch, không bị ảnh hưởng của chất thải công nghiệp, nông nghiệp, đô thị, nước lưu thông tốt, chất đáy là cát, cát bùn có lẫn đá san hô nhỏ, vỏ động vật thân mềm. Sau đó đặt lồng trên nền đáy đã được dọn sạch, bằng phẳng.

Vùng nuôi có độ sâu: 7 m.

Độ mặn ổn định, dao động trong khoảng 30 – 350/00.

Lồng đặt cách đáy: 3 m.

Chọn giống:

Tôm hùm giống mới nở (tôm trắng)

Tôm trắng phải được kiểm tra kỹ, chọn mua ở nơi uy tín, nguồn giống khai thác tại địa phương nhằm tránh sự khác biệt về điều kiện môi trường, con giống chính vụ, khoẻ mạnh, bơi búng nhanh nhẹn, vỏ sáng bóng, có đầy đủ râu, chân và các phụ bộ khác, phát triển cân đối, đều cỡ, vì đây là giai đoạn tôm rất nhạy cảm với môi trường, sức đề kháng yếu, nếu chọn giống loài xoài, các đại lý thu gom nhiều ngày, lưu dưỡng cho đủ lượng để xuất bán thì sau này ương nuôi sẽ rất khó, tôm phát triển chậm, tỷ lệ sống thấp.

Vận chuyển giống:

Buổi sáng sớm, dùng thùng xốp, kích cỡ 30 x 20 x 25 (cm), cho nước biển sạch vào 2/3 thùng, cho vào thùng 500 – 1.000 con, sục khí, vận chuyển đến vùng nuôi.

Xuống giống:

Khi tôm vận chuyển đến lồng nuôi, tiến hành thuần nhiệt độ cho đến khi gần bằng với nhiệt độ môi trường nuôi bằng cách cho dần dần nước từ môi trường nuôi vào thùng chứa tôm, sau 30 – 60 phút, tôm hồi phục sức khỏe hoàn toàn, tiến hành thả tôm ra lồng nuôi.

Mật độ ương nuôi:

Đối với tôm trắng: 90 con/m2. Sau 60 ngày, san thưa tôm với mật độ: 20 – 30 con/m2. Sau 90 ngày, san thưa tôm với mật độ: 15 – 20 con/m2.

Khi san thưa mật độ đồng thời phải phân đều theo cỡ tôm.

Quản lý, chăm sóc

Mỗi ngày cho tôm ăn 1 lần thức ăn + chế phẩm sinh học E.M trùn (E.M trộn với trùn) vào buổi sáng. Lượng cho ăn 01 ngày: 15 – 20% trọng lượng đàn tôm (5 – 7 g/100 con tôm mới thả nuôi). Thành phần thức ăn: cá tạp, giáp xác (tôm, cua): 100%.

Chế phẩm sinh học E.M

Trộn đều 25 – 50 ml E.M trùn với 1 kg thức ăn cắt nhỏ, để 15 – 20 phút cho thuốc thấm đều vào thức ăn, sau đó cho tôm ăn.

Hàng ngày lặn xuống kiểm tra lồng, tình trạng hoạt động, sức khỏe tôm, kiểm tra lượng thức ăn thừa hay thiếu để có hướng xử lý kịp thời.

Định kỳ 7 – 10 ngày vệ sinh lồng nuôi một lần đảm bảo môi trường nuôi sạch sẽ, thông thoáng.

nuôi tôm hùm, nuôi tôm hùm bằng chế phẩm sinh học, dùng chế phẩm sinh học nuôi tôm, nuôi tôm, kỹ thuật nuôi tôm

Chuẩn bị thức ăn cho tôm hùm nuôi

Thu hoạch

Sau 3 tháng ương nuôi, tôm trắng chuyển sang giai đoạn tôm bò cạp, (tôm hùm xanh đạt 50 – 60 g/con, tôm hùm bông đạt 100 – 150 g/con), tổ chức thu hoạch chuyển qua lồng nuôi thương phẩm.

Thực hiện quy trình, khi cho tôm ăn “Thức ăn + chế phẩm sinh học E.M trùn” các phản ứng chủ yếu làm sạch môi trường, tối ưu hóa sức đề kháng cho tôm hùm nuôi xảy ra như sau: Phản ứng E.M trùn làm sạch môi trường, tăng sức đề kháng cho tôm nuôi; Phản ứng phân hủy khí độc NH3 làm sạch môi trường. Như vậy, chế phẩm sinh học E.M trùn vừa làm sạch môi trường, biến chất độc thành chất không độc, có lợi, vừa giúp tôm tăng sức đề kháng, ăn mạnh, lớn nhanh, không bị bệnh, quá trình nuôi phát triển hiệu quả, bền vững.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam