Tại sao trị bệnh cho tôm khó?

Tôm là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao tuy nhiên rủi ro cũng rất lớn. Nhiều nhà nông đã trở thành triệu phú nhưng cũng có nhiều người đổ nợ vì con tôm. Đặc biệt khi tôm đã bị bệnh thì rất khó phát hiện và chữa trị. Do đó người dân cần có kiến thức để phòng tránh, nhận biết và chữa trị một cách nhanh chóng, kịp thời nhất.

Dưới đây là một số nguyên nhân giải thích vì sao chữa bệnh cho tôm lại khó khăn:

Đặc điểm của tôm

Nuôi tôm khác với nuôi các loài động vật trên cạn vì phương pháp chữa bệnh cho tôm chủ yếu trộn vào thức ăn chứ không phải tiêm trực tiếp như động vật trên cạn. Do đó việc điều trị bệnh cho tôm không thể kiểm soát chính xác liều lượng thuốc được đưa vào từng cá thể tôm. Vì phần lớn thuốc bị hấp thu vào nước và liều đưa vào mỗi cá thể không xác định được do con ăn nhiều, con ăn ít, con không ăn.

Hơn nữa, tôm sống ở trong ao nên bình thường người nuôi khó quan sát. Khi đã tôm đã chết hoặc bơi lên bờ thì mới phát hiện nhưng lúc này đã quá muộn.

Tôm sú nổi đầu bơi vào gần bờ

Thay đổi thời tiết

Tôm là động vật biến nhiệt nên nhiệt độ cơ thể không ổn định mà phụ thuộc vào nhiệt độ môi trường nước. Khi thời tiết thay đổi bất thường làm cho tôm bị yếu và có thể bị bệnh.

Nếu nắng nóng kéo dài (nhiệt độ nước trên 32oC): Tôm bắt mồi nhanh nhưng thải nhiều phân sống làm nước ô nhiễm. Vi khuẩn có hại hoạt động mạnh thường gây ra dịch bệnh phân trắng.

Vào mùa lạnh (nhiệt độ nước dưới 25oC): Tôm bắt mồi yếu, thậm chí ngưng ăn. Virus hoạt động mạnh thường gây ra dịch bệnh đốm trắng.

Mầm bệnh lây lan nhanh

Do sống trong môi trường nước nên mầm bệnh xuất hiện rất dễ lây lan và không cách lý được. Tôm bị bệnh chết đi trở thành thức ăn của tôm khỏe và ngoài ra việc sử dụng sục khí, quạt nước góp phần phát tán mầm bệnh nhanh chóng.

Sức đề kháng kém

Tôm là động vật bậc thấp, không có hệ miễn dịch đặc hiệu nên khả năng đề kháng mầm bệnh kém, không có vaccine phòng bệnh. Tôm yếu rất dễ bị bệnh virus (đốm trắng, Taura) và vi khuẩn (Vibrio).

Thuốc không vào được tôm bệnh

Tôm bệnh thường bỏ ăn. Thuốc được trộn vào thức ăn sẽ không vào được cơ thể tôm bệnh. Vì thế, sử dụng thuốc chủ yếu là phòng bệnh cho tôm vừa chớm bệnh hay tôm còn khỏe.

Nhiều tác nhân cơ hội

Khi tôm bị bệnh, cơ thể yếu, không còn sức đề kháng, các mầm bệnh cơ hội trong nước đồng loạt tấn công khiến tôm càng yếu nhanh. Thực tế, hầu hết tôm bệnh khi kiểm tra đều nhiễm nhiều loại vi khuẩn, kí sinh trùng, virus, nấm và các yếu tố môi trường bất lợi (khí độc, ôxy hòa tan thấp…) nên sẽ khó xác định tác nhân chính gây bệnh và kéo dài thời gian xét nghiệm.

Cách xử lý những ao tôm bệnh

Nếu chẳng may ao có tôm bị bệnh, việc phát hiện càng sớm thì cơ hội trị bệnh càng cao và cách ứng phó hiệu quả là:

  • Tăng cường quạt nước: cung cấp nhiều ôxy cho tôm, tạo môi trường thuận lợi cho vi sinh phân hủy chất thải và giải phóng khí độc.
  • Cắt giảm mạnh thức ăn thừa: giảm áp lực chất thải gây ô nhiễm môi trường ao, giảm khí độc tích tụ, giảm mật độ vi khuẩn gây bệnh phát triển.
  • Chữa bệnh đúng thuốc, đúng liều, đúng thời gian: tùy loại thuốc mà sử dụng buổi sáng hay buổi chiều (xử lý vi sinh vào giữa buổi sáng), tùy thời gian đào thải ra cơ thể tôm mà sử dụng bao nhiều lần (sau 6 giờ thì cứ 6 giờ bổ sung 1 lần theo các cữ ăn; sau 12 giờ thì bổ sung vào 1 cữ sáng và 1 cữ chiều; sau 24 giờ thì bổ sung vào 1 cữ ăn trong ngày).
  • Tăng cường sức đề kháng và phục hồi biến dưỡng cho tôm: bổ sung vitamin C, hoạt chất butaphosphan, các vitamin và khoáng chất khác .
  • Không thay nước từ nguồn bên ngoài: tránh lây lan và tạp nhiễm thêm mầm bệnh.
  • Kết hợp cải thiện chất lượng môi trường: đây là việc cấp thiết trong can thiệp xử lý ao tôm bệnh. Sử dụng vi sinh để phân hủy chất thải, xử lý khí độc; khoáng giúp cho nước ao tăng hệ đệm, ổn định độ kiềm, pH và tảo.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam

“Nuôi” nước trong ao nuôi tôm

Trong quá trình nuôi tôm, nước ao nuôi tôm luôn biến đổi chất lượng tùy theo thời tiết, ngoại cảnh và cách chăm sóc. Sự thay đổi chất lượng nước được thể hiện qua màu nước ao. Nước ao nuôi cần được xử lý kĩ càng từ trước vụ nuôi.

Chất lượng nước sẽ được đánh giá chủ yếu bằng cách quan sát màu nước trong ao nuôi, đây là một biện pháp đơn giản, dễ thực hiện.

Tuy nhiên, nếu không có kiến thức đầy đủ về màu nước trong ao nuôi thủy sản, người nuôi cũng sẽ dễ bị nhầm lẫn và đánh giá không đúng về hiện trạng chất lượng nước.

Trên thực tế, nước trong ao nuôi thường có màu do sự xuất hiện của các hợp chất hữu cơ hòa tan hay không hòa tan, hay do sự phát triển của tảo. Có thể chia màu nước là 2 dạng, màu thực và màu giả. Màu thực của nước là màu do các hợp chất hòa tan trong nước gây ra, màu giả là màu của các hợp chất không hòa tan. Trong nuôi thủy sản ta chú ý đến màu giả của nước nhiều hơn, vì qua đó có thể đánh giá sơ bộ môi trường nước đó giàu hay nghèo dinh dưỡng. Trong ao nuôi thường có các màu sau:

Nước màu xanh nhạt (đọt chuối non)

Màu xanh nhạt do sự phát triển của tảo lục (chlorophyta), loài tảo này thường phát triển mạnh trong môi trường nước ngọt hoặc nước lợ nhạt (dưới 10 phần nghìn).

Đây cũng là màu nước thích hợp để nuôi tôm, tảo lục ngoài việc đóng vai trò quan trọng trong chuỗi thức ăn, còn có tác dụng ổn định các yếu tố thủy lý hóa trong ao, hấp thu các chất hữu cơ thông qua đó làm giảm lượng khí độc trong ao.

Nước ao màu xanh nhạt

Nước màu xanh đậm (xanh rêu)

Nước có màu xanh đậm là do sự phát triển của tảo lam (Cyanophyta), loài tảo này phát triển mạnh cả trong môi trường nước ngọt, lợ, mặn.

Nước màu xanh đậm

Nếu nước trong ao nuôi có màu này thì cần có biện pháp làm giảm lượng tảo, vì đây là loại tảo không tốt cho tôm. Hơn nữa, nếu tảo lam phát triển quá mức có thể tiết ra chất độc làm chết cá. Bên cạnh đó, còn có thể gây thiếu oxy về đêm do tảo hô hấp quá mức.

Để khắc phục, cần dùng hóa chất cắt tảo trong ao, sau đó bón Dolomite và dùng vi sinh để gây lại màu nước.

Màu vàng nâu (màu nước trà)

Nước màu vàng

Nước có màu vàng nâu do sự phát triển của tảo silic (Bacillariophyta), loài tảo này thường phát triển mạnh ở môi trường nước lợ, mặn vào đầu vụ nuôi. Đây là màu nước thích hợp nhất để nuôi các loài thủy sản nước lợ, mặn.

Màu vàng cam (màu gỉ sắt)

Nước màu vàng cam

Màu này thường xuất hiện ở các ao nuôi mới đào trên vùng đất phèn. Màu cam là do đất phèn tiềm tàng (FeS2) bị oxy hóa tạo thành các váng sắt.

Đối với ao có màu nước vàng cam cần có biện pháp khử phèn trước khi thả nuôi, có thể sử dụng vôi nông nghiệp hay bơm, xả nước nhiều lần để rửa trôi lượng phèn trong ao. Đối với các ao đang nuôi thì cần rải thêm vôi trên bờ ao để tránh hiện tượng pH giảm đột ngột khi trời mưa.

Màu đỏ gạch (màu đất đỏ)

Nước có nhiều phù sa do đất cát bị xói mòn từ vùng thượng nguồn được dòng nước mang đến vùng hạ lưu. Trong ao nuôi thủy sản ít khi có màu nước như vậy, tuy nhiên vùng ĐBSCL hay gặp nước đỏ gạch trên các con kênh, sông khi chuẩn bị sắp có lũ về.

Người nuôi cần lưu ý không nên cấp nước vào ao lúc này, vì lượng phù sa nhiều sẽ làm tôm, cá khó hô hấp và giảm khả năng bắt mồi. Tốt nhất là nên cấp nước vào ao lắng trước khi cung cấp cho các ao đang nuôi. Trong trường hợp cấp bách có thể dùng vôi để lắng bớt các chất lơ lửng trong nước.

Màu nâu đen

Nước có màu nâu đen do trong nước có chứa nhiều vật chất hữu cơ. Màu nước này thường thấy ở các ao nuôi có hệ thống cấp, thoát nước không tốt, trong quá trình nuôi không quản lý tốt môi trường, cho ăn dư thừa nhiều sẽ dể làm nước ao nuôi có màu nâu đen. Trường hợp này hàm lượng oxy hòa tan rất thấp, vì vậy cần có biện pháp xử lý ngay.

Nước màu nâu đen

Có thể thay nước nhiều lần đến khi hết màu nâu đen, hoặc kết hợp sử dụng thêm các loại chế phẩm sinh học, hóa chất có thể hấp thu khí độc. Bên cạnh đó, nếu thấy tôm, cá có hiện tượng thiếu oxy cần sử dụng quạt đảo nước hoặc các loại hóa chất cung cấp oxy tức thời, nhằm làm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại.

Nước quá trong

Nước ao quá trong, độ trong trên 50cm, có khi thấy cả đáy ao.

Nước ao quá trong

Do tảo trong ao không phát triển hoặc do tảo đáy phát triển. Ngoài ra có thể do nước ao, đáy ao có tính axit do bị nhiễm phèn. Có thể bón vôi để tăng pH cho nước ao và dùng vi sinh để gây màu nước.

Quan sát màu nước trong ao nuôi là phương pháp dễ thực hiện và mang lại hiệu quả cao. Nếu người nuôi có đầy đủ kiến thức về các loại màu nước sẽ có thể đánh giá chính xác được hiện trạng chất lượng nước

Nguồn : Internet, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Sát thủ giấu mặt gây chết ở tôm – H2S

Trong quá trình nuôi tôm, lượng chất thải hữu cơ tạo ra được tích tụ trong đáy ao bị vi khuẩn phân hủy kị khí thành  H2S. Đây là loại khí độc nguy hiểm nhất trong ao, có thể gây chết tôm ở bất cứ thời điểm nào. Do đó cần khống chế loại khí này trong toàn vụ nuôi.

Trong vụ nuôi, chất thải được lắng đọng xuống nền đáy, quá trình phân hủy xảy ra 2 trường hợp. Trường hợp phân giải kỵ khí (không có ôxy) nên vi khuẩn khử lưu huỳnh tạo ra H2S, nằm ở phía dưới lớp bùn đáy và thường có màu đen. Trường hợp phân giải hiếu khí (có ôxy) các phản ứng ôxy hóa xảy ra ở bề mặt lớp bùn đáy nên lớp bùn này có màu sáng. Lớp bùn sáng này tuy mỏng nhưng có tác dụng như lớp màng ngăn, hạn chế khí độc thoát ra ngoài môi trường nước.

Khí độc H2S có mùi trứng thối, càng nhiều bùn đen thì càng nhiều khis độc H2S. Nó được gọi là “sát thủ” vì độ độc H2S cao gấp nhiều lần so với NH3 và NO2, chỉ cần 0,01 ppm là có thể giết chết tôm. Còn “giấu mặt” vì cho đến nay, vẫn chưa có dụng cụ kiểm tra hàm lượng khí độc H2S trong ao nuôi.

Khí  H2S nguy hiểm với tôm như thế nào?

Khí độc H2S sẽ kết hợp với Hemoglobin ngăn cản việc vận chuyển ôxy trong máu, ngăn không cho tôm lấy ôxy, gây stress và giảm sức đề kháng. Nó cũng có thể gây phá hủy mô, tổn thương các cơ quan mềm như mang, ruột, thành dạ dày và gan tụy. Nếu tiếp xúc H2S trong thời gian ngắn, tôm yếu dần, bơi chậm chạp, dễ tổn thương và nhiễm bệnh. Trường hợp tiếp xúc với lượng lớn H2S, tôm sẽ chết nhanh hàng loạt.

Các triệu chứng tôm bị ảnh hưởng bởi độc tính H2S

Tôm sú bị mềm vỏ khi tiếp xúc lâu với H2S, dẫn đến stress và giảm ăn

Miệng và mang tôm thẻ bị đen do tiếp xúc với H2S khi tìm kiếm thức ăn ở khu vực đáy ao

Những điều kiện thuận lợi sinh ra H2S

  • Ao nước trong trước khi thả giống, ánh sáng chiếu xuống làm cho rêu đáy phát triển. Sau một thời gian, tảo phát triển và ngăn ánh sáng chiếu xuống đáy ao làm cho rêu đáy chết, gây ô nhiễm đáy ao
  • Ao đáy cát và đất xốp, chất thải rút sâu vào lòng đáy, tạo môi trường yếm khí sinh ra H2S
    Đối với ao lót bạt, bên dưới lớp bạt là môi trường thiếu ôxy, H2S được sinh ra khi chất hữu cơ thấm xuống bên dưới lớp bạt theo vết rò rỉ
  • Ao có mực nước sâu, thiếu oxy sẽ tạo điều kiện cho H2S sản sinh
  • Ao bị tảo tàn và nhiều thức ăn thừa, cũng như ao phèn có pH thấp và nhiều chất thải rất thuận lợi tạo ra H2S
  • Ao chứa các chất hữu cơ lơ lửng, khi các chất này lắng lại ở đáy ao sẽ tạo điều kiện thuận lợi sinh ra H2S

Một số trường hợp và cách khắc phục

  • Mưa lớn

Trong cơn mưa lớn, các thông số nước sẽ thay đổi, thúc đẩy việc tạo ra H2S. Mưa làm giảm nhiệt độ, ôxy hòa tan và pH. Mưa còn làm giảm khoáng chất và độ kiềm trong nước. Âm thanh và sóng tạo ra bởi gió cũng khiến tôm stress và phải di chuyển xuống đáy và khu vực chất thải. Các yếu tố này làm tôm chết.

Người nuôi nên xử lý như sau: Ngưng cho ăn khi có mưa

– Kiểm tra pH nước và tạt vôi để duy trì điều kiện tối ưu

– Bật quạt nước chạy xuyên suốt

– Bổ sung khoáng vào nước và trộn khoáng với thức ăn sau những cơn mưa

– Sử dụng vi khuẩn tiêu thụ H2S để kiểm soát H2S

  • Tảo tàn

Khi tảo tàn, pH ngay lập tức hạ thấp, lượng chất hữu cơ tăng lên đột ngột tiêu thụ một lượng lớn ôxy hòa tan. Khí độc sản sinh và vi khuẩn tăng lên nhanh chóng. Người nuôi phải xử lý theo các bước sau đây:

– Cắt giảm 50 – 60% thức ăn

– Tạt vôi để duy trì độ pH

– Chạy quạt để gom chất hữu cơ về khu vực giữa đáy ao

– Si-phông bùn đáy giữa ao, thay nước mới

– Sử dụng các chế phẩm phân hủy chất hữu cơ để làm sạch nước ao

– Sử dụng vi khuẩn tiêu thụ H2S để kiểm soát H2S

  • Thời tiết lạnh

Khi thời tiết trở lạnh, tôm khỏe có khả năng chống chịu tốt hơn và tránh xa khu vực chất thải. Trong khi đó, tôm yếu chịu lạnh kém sẽ tiến đến khu vực chất thải (nhiệt độ ấm hơn) và bắt đầu nhiễm độc bởi khí H2S. Khi thời tiết ấm trở lại, vi khuẩn phân hủy chất thải với tốc độ nhanh hơn và tiêu thụ một lượng lớn ôxy. Hàm lượng ôxy thấp sẽ làm cho tôm sống ở khu vực này bị nhiễm độc bởi khí H2S. Cách khắc phục:

– Khi thời tiết trở lạnh (25 – 26oC), lượng thức ăn nên được giảm 20 – 30%.

– Tăng cường quạt nước để cung cấp đầy đủ ôxy trong cả ngày.

– Trộn vitamin, khoáng vào thức ăn để hỗ trợ tôm khỏe hơn.

– Rải vôi quanh vùng rìa đống chất thải.

Đáy ao bị xáo trộn

Bình thường bề mặt của đống chất thải được tiếp xúc đủ ôxy nên tạo ra lớp bùn sạch. Lớp này rất mỏng, có màu tương đối sáng, bao phủ bùn đen thiếu ôxy bên dưới và hạn chế khí độc H2S ở bùn đen thoát lên. Nhưng khi lớp bề mặt này bị trốc ra, một lượng lớn khí độc H2S đột ngột thoát vào nước. Những con tôm ở gần đó sẽ chết do bị nhiễm bởi khí độc này. Để hạn chế trường hợp này cầ chú ý:

– Không nên khuấy động đống chất thải ở đáy ao

– Cố gắng kiểm soát pH nước (bón vôi)

– Cắt giảm thức ăn (60 – 70%)

– Tăng cường quạt nước tối đa để cung cấp ôxy và ngay lập tức đưa vi sinh PondDtox® 2 kg/ 10.000 m2 xuống ao.

Ngăn ngừa khí độc H2S

  • Duy trì ôxy hòa tan ở đáy ao cao hơn 3 ppm có thể giúp ngăn cản việc sinh ra H2S
  • Kiểm soát chặt chẽ lượng thức ăn
  • Không nên nuôi ở vùng đất xốp, đáy cát và khu vực xì phèn nặng
  • Khu vực miền Tây cần lưu ý đáy ao phần lớn nằm trong vùng xì phèn, người nuôi cần xử lý đáy bằng vi sinh định kỳ để kìm hãm sự phát triển của H2S
  • Giữ pH trong khoảng 7,8 – 8,3 trong suốt vụ nuôi. Khoảng dao động pH trong ngày phải nhỏ hơn 0,4. Vùng đất xì phèn, pH khu vực giữa ao luôn thấp hơn so với ven bờ
  • Người nuôi nên cẩn thận và phải có hành động kịp thời khi mưa lớn, tảo tàn và lột xác

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam

Xử lý nước ao tôm nuôi trước vụ nuôi

Nhằm hạn chế thiệt hại và dịch bệnh trong nuôi tôm, ngoài việc chọn nguồn tôm giống rõ ràng, sạch bệnh thì việc xử lý nước trước khi đưa vào vụ nuôi cũng rất quan trọng. Sau đây là bài hướng dẫn về phương pháp xử lý nước ao tôm trước vụ nuôi.

Trước khi cấp nước, cần cải tạo ao trước.

Cải tạo ao

Đối với ao mới: công việc chuẩn bị thực hiện dễ dàng hơn: phơi ao cho khô, làm vệ sinh, xử lý các loại thực vật xung quanh. Cố gắng không để hoá chất xử lý còn lại dư lượng trong ao sẽ gây hại cho tôm giống. Sau đó đo pH đất, pH phù hợp sẽ ở trong khoảng 7,5 – 8. Nếu pH của đất thấp hơn 6 nên dùng vôi bột (Canxi hydroxyt) rắc khắp hồ với tỷ lệ 100 kg/hecta. Nếu pH của đất lớn hơn 6 nhỏ hơn 7.5, dùng zeolite tỷ lệ 30-50 kg/hecta.

Đối với ao cũ: Việc dọn tẩy lớp bùn đáy trong ao được thực hiện bằng một trong hai cách là dọn tẩy khô và dọn tẩy ướt. Trong phương pháp dọn tẩy khô, lớp bùn đáy sau khi được phơi khô sẽ được dọn bỏ bằng cơ giới hay bằng tay. Phương pháp dọn tẩy ướt được thực hiện bằng cách dùng máy bơm nước áp lực mạnh để rửa trôi lớp bùn đáy còn ướt. Sau đó phơi đáy ao 1 -2 ngày và bón vôi tương tự như ao mới.

Nước được bơm từ nguồn nước bên ngoài vào ao lắng thông qua túi lọc bằng vải nhằm loại bỏ tạp chất, sinh vật gây hại.

Đối với những vùng vụ trước có dịch bệnh xảy ra trong quá trình xử lý nước nên sử dụng Chlorine 30 kg/1 hecta. Chlorine có tác dụng diệt tảo độc, tảo sợi, cả vi sinh vật có lợi và vi sinh vật không có lợi làm nước trong. Tuy nhiên, Chlorine  thường để lại dư lượng trong nước. Do vậy, trước khi bơm sang ao nuôi nên phơi nước ao 1 -2 ngày và kiểm tra dư lượng Chlorine. Cách kiểm tra dư lượng Chlorine : lấy 1 ml nước ao, nhỏ 1-2 giọt Potasium iodine . Nếu nước trong nghĩa là nước ao nuôi tôm thẻ chân trắng không còn dư lượng chlorine, nếu đổi sang màu nâu vàng tức là trong nước còn dư lượng.

Sau khi xử lý Chlorine phải phơi ao và chạy quạt để làm mất hết dư lượng trong nước

Sau khi bơm nước vào ao nuôi, công việc cuối cùng trước khi thả tôm là gây màu nước.

Có 3 phương pháp gây màu theo VietGAP như sau :

Phương pháp thứ nhất: Theo công thức 2:1:2 (thành phần gồm 2 kg cám gạo hoặc cám ngô + 1 kg bột cá + 2 kg bột đậu nành). Trộn đều hỗn hợp trên sau đó nấu chín, ủ kín từ 2 – 3 ngày. Dùng cám ủ bón để gây màu, liều lượng 3 – 4 kg/1.000 m3 nước, bón liên tục trong 3 ngày, cho đến khi đạt độ trong cần thiết (30 – 40 cm). 7 ngày sau bón bổ sung, liều lượng giảm 1/2 so với ban đầu (căn cứ màu nước để bổ sung).

Phương pháp thứ hai: Theo công thức 3:1:3 (thành phần gồm 3 kg mật đường + 1 kg cám gạo (hoặc cám ngô) + 3 kg bột đậu nành). Công thức này không cần nấu chín, trộn đều sau đó ủ kín trong 12 giờ. Dùng cám ủ bón để gây màu, liều lượng 2 – 3 kg/1.000 m3 nước, bón liên tục trong 3 ngày, cho đến khi đạt độ trong cần thiết (30 – 40 cm), 7 ngày sau bón bổ sung, liều lượng giảm 1/2 so với ban đầu (căn cứ màu nước để bổ sung).

Phương pháp thứ ba: Sử dụng chế phẩm EM

Chế phẩm sinh học EM gốc

Lợi ích của việc sử dụng chế phẩm EM

Đối với con nuôi thủy sản:

Tăng sức đề kháng và khả năng chống chịu của con nuôi với các điều kiện ngoại cảnh bất lợi.

Tăng cường khả năng tiêu hóa và hấp thụ các loại thức ăn của con nuôi.

Kích thích tăng trưởng của con nuôi.

Tăng sản lượng và chất lượng.

Tiêu diệt các vi sinh vật có hại.

Hạn chế ô nhiễm môi trường.

Điều kỳ diệu là EM có tác dụng tốt đối với mọi loài động vật thủy sản.

Đối với môi trường:

Tiêu diệt các vi sinh vật gây ô nhiễm (H2S, SO2, NH3,…) nên khi phun EM vào rác thải, cống rãnh, chuồng trại, ao nuôi,… sẽ khử mùi hôi nhanh chóng.

Giảm số lượng ruồi, muỗi, côn trùng trong môi trường.

Khử mùi rác hữu cơ và tăng tốc độ mùn hóa.

Ngăn chặn quá trình gây thối, mốc trong bảo quản nông sản.

Hiệu quả cao, an toàn với môi trường và giá thành rẻ.

Sản xuất EM2 từ EM gốc (nhằm hạ thấp chi phí sản xuất):

Nguyên liệu (với thùng chứa 50L): 1 kg mật đường, 2 kg cám gạo hoặc bột ngô, 10 g muối ăn, 1 lít EM gốc, 46 lít nước sạch khuẩn

Cách tiến hành:

Vô trùng các thùng chứa

Lấy 46 lít nước ngọt, sạch khuẩn (nước sôi để nguội càng tốt)

Cho 1 kg mật đường, khuấy đều

Cho 2 kg cám gạo hoặc bột ngô, khuấy đều

Cho vào 10 g muối ăn, khuấy đều

Cho vào 1 lít EM gốc, khuấy đều

Đậy nắp ủ yếm khí trong thời gian 7 ngày

Với các thể tích lớn hơn (100L, 200L, 500L,…) thì tăng các loại nguyên liệu theo tỷ lệ tương ứng với tăng thể tích.

Cách sử dụng:

Xử lý nước: 50 lít EM2/1.000 m3 nước

Xử lý đáy ao: 10 lít EM2/1.000 m2 đáy ao

Sử dụng định kỳ trong các ao nuôi: 50 lít EM2/1.000 m3 nước, trong tháng nuôi đầu 5 – 7 ngày/lần, tháng thứ 2 sử dụng 3 – 5 ngày/lần, tháng thứ 3 trở đi 2 – 3 ngày/lần.

Sử dụng xử lý mùi hôi thối: Dùng bình xịt phun EM2 trực tiếp lên bề mặt các nơi sinh ra mùi hôi thối.

Sản xuất EM5 từ EM gốc:

Nguyên liệu: 1 lít EM gốc,1 lít mật đường,1 lít giấm, 2 lít rượu

Cách tiến hành:

Dùng bình có nắp đậy, sạch khuẩn

Thứ tự cho các nguyên liệu vào: 2 lít rượu → 1 lít giấm → 1 lít mật đường → 1 lít EM gốc → khuấy đều → đậy kín.

Ủ yếm khí trong 3 ngày

Cách sử dụng:

Xử lý đáy ao: 5 lít EM5/1.000 m2.

Xử lý nước: 4 lít EM5/1.000 m3, định kỳ 7 ngày/lần, khi tôm lớn tăng số lần sử dụng.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Ứng dụng của vi khuẩn quang hợp trong nuôi tôm

Quản lý chất lượng nước có vai trò quyết định sự thành bại của vụ nuôi. Đặc biệt vấn đề quản lý khí độc phát sinh trong quá trình nuôi do lượng chất thải hữu cơ tích tụ là vấn đề nan giải cần được chú trọng.

Vi khuẩn quang hợp (PSB). Là một loại vi khuẩn có thể tiến hành quang hợp (khác với quang hợp trên thực vật). Vi khuẩn quang hợp dùng H2S để cung cấp H, dùng CO2 để cung cấp nguồn C, qua phản ứng quang hợp sản sinh ra chất hữu cơ, không tạo ôxy.
PSB thường dùng trong NTTS là loài có sắc tố quang hợp màu đỏ. Đây là chủng vi khuẩn có lợi tác dụng phân hủy các chất thải hữu cơ thông qua các quá trình tổng hợp thức ăn và có tác dụng xử lý triệt để khí độc H2S sinh ra trong ao nuôi tôm, cá.

PSB khi sử dụng trong ao nuôi thủy sản (rộng muối) được kích hoạt nhanh chóng và sống trong nhiều điều kiện khắc nhiệt. 

Tác dụng và nguyên lý của vi khuẩn quang hợp

Tác dụng của vi khuẩn quang hợp và nguyên lý của nó trong nghề nuôi trồng thuỷ sản chủ yếu có mấy mặt sau :

– Làm thuốc làm sạch chất nước của nước nuôi trồng

Trong quá trình nuôi trồng thuỷ sản, do sự tăng lên của cặn bã thức ăn vật phế thải của đối tượng nuôi tăng lên, chất nước bị ô nhiễm. Phương pháp truyền thống trước đây là thay một lượng nước lớn, xả bỏ nước cũ bị ô nhiễm, bơm vào nước sạch mới. Song do sự hạn chế của hàng loạt nguyên nhân, biện pháp này chỉ trị ngọn chứ không trị từ gốc, theo sự ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng của sông, cái gọi là thay nước chỉ là nói một cách tương đối thôi, nước ô nhiễm thải ra từ trên thượng du, ở hạ du lại trở thành nước sạch được đưa vào nguồn nước nuôi. Cứ tiếp tục như thế, không ngừng ô nhiễm, nước sau khi bị ô nhiễm, vật hữu cơ tăng lên, nồng độ các ion NH3, N tăng lên có thể ảnh hưởng đến việc kiếm mồi sinh trưởng của tôm cá mà dẫn đến bệnh tật. Cho nên nói nuôi cá trước hết là nuôi nước là vì vậy, nước trong sạch, loài cá ăn mồi nhiều, sinh trưởng nhanh, bệnh tự nhiên ít, và ngược lại. Nếu trong quá trình nuôi, định kỳ cho một lượng vi khuẩn quang hợp thích hợp vào nước nuôi, có thể làm mất ion N trong nước và các vật sinh ra do phân giải vật hữu cơ khác từ đó đạt tới việc không thay nước mà vẫn có thể giữ được môi trường nước tốt. Ðiều đó chủ yếu là do vi khuẩn quang hợp ở trong nước có thể lợi dụng vật hữu cơ làm vật cung ứng H để tiến hành tác dụng quang hợp, đồng thời với việc loại bỏ vật ô nhiễm, bản thân vi khuẩn quang hợp cũng sinh sôi tăng trưởng, đạt tới tác dụng tuần hoàn ưu việt.

Trong công nghiệp, vi khuẩn quang hợp thường dùng để xử lý nước ô nhiễm. Trong tự nhiên, nước bẩn nồng độ cao, trước tiên do vi khuẩn dị dưỡng phân giải các carbohydrate, lipid, protein thành vật chất phân tử cấp thấp như axit béo cấp thấp, aminô axit. Tiếp đó vi khuẩn quang hợp lợi dụng chất hữu cơ phân tử, lượng nhỏ như axit béo cấp thấp mà sinh sôi rất nhanh, xử lý nước bẩn BOD 95% trở lên. Sau đó, do loài tảo và vi sinh vật bùn đất hoạt tính làm cho BOD xuống tới tiêu chuẩn xả bỏ. Quá trình làm sạch nước bẩn vật hữu cơ trong công nghiệp chia thành 3 bước :

Vật hữu cơ cao phân tử nồng độ cao khuẩn dị dưỡng axit béo phân tử thấp.

* Axit béo phân tử thấp vi khuẩn quang hợp vật hữu cơ nồng độ thấp.

* Vật hữu cơ nồng độ thấp loài tảo, bùn đất hoạt tính nước thải được làm sạch.

– Dự phòng và điều trị bệnh

Do sự sinh sôi nhanh chóng của vi khuẩn quang hợp, mà hạn chế sự sinh sôi của khuẩn khác gây bệnh. Theo thông báo, vi khuẩn quang hợp có tác dụng rõ rệt đối với bệnh đỏ vỏ tôm, bệnh đen mang, bệnh khuẩn dạng sợi. Và khuẩn quang hợp trong quá trình chuyển hoá có thể sinh ra loại men chống độc tố bệnh (men phân giải trypsin, có tác dụng dự phòng và chữa trị bệnh tôm cá).

– Làm thức ăn cho ấu thể tôm cá

Vi khuẩn quang hợp có giá trị dinh dưỡng rất cao hàm lượng prôtêin đạt trên 60%, đồng thời còn chứa vitamin nhóm B phong phú và folacin, sinh vật tố và chất thúc lớn sinh vật chưa biết, chấy lượng của nó thì men không có cách gì so sánh được. Còn khuẩn thể của vi khuẩn quang hợp rất nhỏ (chỉ là 1/20 của tảo tiểu cầu), do đó, còn là thức ăn vừa miệng nhất của ấu thể cá, tôm, nhuyễn thể có vỏ. Trong quá trình nuôi ấu thể cá, tôm, nhuyễn thể có vỏ ứng dụng vi khuẩn quang hợp có thể nâng cao tỷ lệ sống, tăng nhanh sự sinh trưởng, giảm bớt lượng nước thay. Cuối cùng nguyên nhân của nó, một là làm sạch nước, cải thiện môi trường nước, hai là làm thức ăn cho ấu thể, ba là vi khuẩn quang hợp sau khi trở thành loài ưu thế của khối nước, vật chất sinh trưởng do nó giải phóng ra có thể làm cho một số nguyên nhân bệnh khó tồn tại, có thể giảm bớt bệnh của ấu thể, từ đó nâng cao tỷ lệ sống của ấu thể.

– Làm chất phụ gia cho thức ăn có chất lượng

Vi khuẩn quang hợp gồm vật chất sống có nhiều loại công năng thúc đẩy sinh trưởng và vật hoá hợp chất béo (nhân tố sinh trưởng) v.v Do đó, nó có thể trực tiếp làm chất phụ gia cho thức ăn. nếu trong thức ăn cho thêm vi khuẩn quang hợp thì không cần phải thêm chất phụ gia vào thức ăn nưã. Vì giá thành không cao, thông thường trong thức ăn tăng 0,5 -1% là có thể tăng rõ rệt hiệu quả thức ăn và tỷ lệ tăng trọng.

Phương pháp sử dụng vi khuẩn quang hợp và những vấn đề cần chú ý

– Phương pháp sử dụng

* Cách dùng trong

Sử dụng làm chất phụ gia của thức ăn, lượng dùng dạng nước là 1%, lượng dùng dạng bột là 0,5%. Nếu khi là thức ăn nở hoặc thức ăn của tôm, căn cứ vào số lượng thức ăn cho ít vi khuẩn quang hợp, sau đó để thức ăn thấm vi khuẩn quang hợp rồi cho ăn. Khi cho ăn thức ăn hạt thông thường, trước hết dùng một lượng ít nước sau khi làm thưa vi khuẩn quang hợp, làm ướt thức ăn rồi cho ăn, nếu khi là thức ăn cho ăn dạng bột, nhào vi khuẩn quang hợp với chất kết dính, cùng với thức ăn làm thành nắm cho ăn.

* Cách tưới vãi

Khi làm sạch nước dự phòng trị bệnh, có thể trực tiếp đem vi khuẩn quang hợp đã làm thưa tưới vãi đều trong nước. Lượng dùng dạng nước là mỗi mẫu mỗi mét nước sâu 3 kg; dạng bột mỗi mẫu mỗi mét nước sâu 1kg, cứ cách 15 ngày vãi lại một lần.

-Khi sử dụng vi khuẩn quang hợp phải chú ý một số vấn đề dưới đây

* Vi khuẩn quang hợp phải bảo quản ở nơi râm mát tránh ánh sáng.

* Trước khi sử dụng vi khuẩn quang hợp phải lắc đều nước sử dụng; vi khuẩn quang hợp chưa sử dụng hết phải nút kín cất giữ.

* Hàm lượng vi khuẩn quang hợp do Trung Quốc sản xuất có sự khác nhau nhiều, số hoạt khuẩn mỗi ml có từ mấy chục triệu đến mấy trăm triệu, do đó khi sử dụng phải chú ý. Thông thường khi dùng tưới vãi toàn ao mỗi m3 hàm lượng vi khuẩn quang hợp trên 1 tỷ khuẩn thể, lượng phụ gia thức ăn mỗi kg nên có từ 1 tỷ khuẩn thể trở lên.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam

Ứng dụng của trùn quế trong ao nuôi tôm

Người nuôi tôm hiện nay đang gặp nhiều rủi ro về dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu… Việc tìm ra phương pháp nuôi cải tiến giúp tôm khỏe mạnh, mau lớn, tăng sức đề kháng được chú trọng hơn cả.

Trùn quế có tên khoa học là Perionyx excavatus, chi Pheretima, họ Megascocidae

Với hàm lượng chất dinh dưỡng cao, trùn quế được xem như là một món ăn tự nhiên khoái khẩu trong môi trường nước ngọt (ao, hồ, sông suối,..) đối với các loài cá, kì nhông, tôm, nhện nước, tôm hùm và một số loài bọ nước. Có thể sử dụng trùn trong cả môi trường nước lợ.

Tác dụng của trùn quế

Trong thịt trùn tươi chứa hàm lượng Protein cao, nhiều vi khuẩn có lợi Bacillus, các chất dinh dưỡng như đạm, khoáng, axit amin, Vitamin B, B3, B6, B12… Vì vậy trùn quế là loại thức ăn rất tốt cho tôm, bổ sung vi khuẩn Baccilus kích thích tiêu hóa, ngăn ngừa bệnh đường ruột và bệnh về gan. So với thức ăn thông thường thì thức ăn có trộn dịch trùn giúp tôm sú phát triển nhanh hơn, sức đề kháng mạnh hơn. Phân trùn là loại hữu cơ sinh học, có hàm lượng dinh dưỡng cao. Trong phân trùn quế có chứa những vi sinh vật có hoạt tính cao, là chất xúc tác sinh học như: vi khuẩn, nấm mốc, đặc biệt là hệ vi khuẩn cố định đạm tự do, vi khuẩn phân giải lân, phân giải cellulose. Đặc điểm chính của phân trùn làm môi trường ao nuôi trong sạch, tảo ổn định do tác dụng của các vi khuẩn có lợi có trong phân trùn: Vi khuẩn cố định đạm, vi khuẩn nitơ hóa… các chỉ tiêu môi trường ao nuôi ổn định giúp tôm khỏe mạnh, nhanh lớn.

Tỷ lệ chất béo/protein của trùn quế là lý tưởng nhất (chất béo thấp, protein cao)

Kỹ thuật nuôi trùn quế

Phương pháp nuôi trùn quế khá đơn giản, chỉ cần sử dụng thùng gỗ có kích thước 0,2 – 0,4 m2, chiều cao 0,3 m, hoặc có thể tận dụng thau, chậu có sẵn. Các thùng được đặt nơi hạn chế ánh sáng và phải có các lỗ thoát nước. Chất nền để nuôi trùn yêu cầu tơi xốp, sạch, giàu dinh dưỡng.

Trùn giống được mua ở một số trại giống về sau 2 ngày thì bắt đầu cung cấp thức ăn cho trùn. Trùn quế thường sử dụng mùn bã hữu cơ như phân gia súc làm thức ăn. Lượng thức ăn tùy thuộc vào mật độ trùn hiện có. Chỉ bổ sung lượng thức cho trùn khi thức ăn cũ đã hết hoặc còn ít.

Quy trình nuôi tôm

Ao nuôi tôm được chuẩn bị, cải tạo đúng theo tiêu chuẩn kỹ thuật theo những mô hình nuôi tôm thông thường.

Sử dụng lượng phân trùn từ 15 – 20 kg/1.000 m2 để gây màu nước hoặc cải thiện màu nước trong ao nuôi tôm. Khi sử dụng phân trùn quế để gây màu nước thì động vật phù du phát triển rất mạnh. Sinh khối lượng thức ăn tự nhiên cho tôm nhiều, đặc biệt là copepoda, một loại thức ăn ưa thích cho tôm nuôi.

– Tôm được nuôi với mật độ 40 – 50 con/m2.

– Trong 7 – 10 ngày nuôi đầu tiên, tôm sử dụng hoàn toàn thức ăn tự nhiên trong ao nên không cho tôm ăn.

– Sau 10 ngày nuôi, sử dụng trùn quế băm nhỏ, cho vào sàng ăn đưa xuống ao để tôm ăn. Trùn quế trước khi làm thức ăn cho tôm cần được ngâm trong nước khoảng 2 giờ rồi rửa sạch.

– Trong thời gian 20 – 40 ngày nuôi, bắt đầu bổ sung thức ăn công nghiệp với lượng 30%, thịt trùn 70%. Thịt trùn được xay nhuyễn trộn với thức công nghiệp, dùng sàng cho tôm ăn.

– Trong thời gian nuôi 40 – 60 ngày, bổ sung thức ăn công nghiệp với lượng 50%, thịt trùn 50%.

– Trong thời gian nuôi từ 60 ngày đến khi thu hoạch, sử dụng 70% lượng thức ăn công nghiệp, 30% thịt trùn.

– Thường xuyên theo dõi sàng ăn để điều chỉnh lượng thức ăn cho tôm nuôi phù hợp. Sang tháng nuôi thứ 2, lượng chất thải hữu cơ gia tăng. Sử dụng chế phẩm sinh học EM liều lượng 2 lít/1.000 m3, loại bỏ các chất lơ lửng, làm sạch môi trường ao nuôi, tăng cường vi khuẩn có lợi,  hạn chế sự phát triển của vi sinh vật gây hại.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam

Tasmania là nơi có trại sản xuất tôm hùm giống đầu tiên trên thế giới

Trường đại học Tasmania  hợp tác với công ty nuôi trồng thủy sản biển PFG đang tìm cách thương mai hóa nghiên cứu sản xuất giống tôm hùm đá và mở trại sản xuất giống tôm hùm đầu tiên trên thế giới.

Tôm hùm đá có giá trị kinh tế cao nhưng do vòng đời dài và phức tạp đã gây khó khăn cho việc sản xuất giống thương mại. Tuy nhiên Viện nghiên cứu biển và Nam Cực (IMAS) thuộc trường đại học Tasmania được hỗ trợ bởi trung tâm nghiên cứu ARC về phát triển thương mại hệ thống nuôi tôm hùm đang tìm cách vượt qua những thử thách này.

PFG đã đầu tư vào một công ty công nghệ spin-out để đảm bảo quyền cấp phép của Úc  cho nghiên cứu này.

Phó giáo sư trường đại học Brigid Heywood cho biết nghiên cứu thành công sẽ trở thành biểu tượng của trường đại học Tasmania, dưới sự lãnh đạo của cựu sinh viên – Michael Sylvester, Tổng giám đốc của PFG – đã đồng ý giúp đỡ thực hiện dự án 15- cộng với nhiều năm làm.

“Chúng tôi rất đam mê với vai trò của nghiên cứu trong việc cung cấp một nền tảng cho đổi mới kinh tế và tạo ra các lĩnh vực hoàn toàn mới. Đây là một ví dụ rất hay về hành động”.

Heywood cho biết: “Sự hợp tác này mở đường cho Tasmania trở thành nơi sinh ra một ngành công nghiệp nuôi tôm hùm đá trên toàn cầu”.

Trong hai năm tiếp theo, các nhà khoa học làm việc tại IMAS Taroona sẽ hoàn thành công việc hai năm cuối cùng của trung tâm dưới sự hỗ trợ của Hội đồng Nghiên cứu Úc, tập trung vào việc tối ưu hóa công nghệ để tiến tới sản xuất số lượng lớn.

Cam kết của PFG bao gồm việc xây dựng trại sản xuất giống quy mô thương mại.

Sylvester cho biết “Quan hệ đối tác sẽ tạo cơ hội cho các sản phẩm và dịch vụ hiện có trong đó mở ra những thị trường xuất khẩu hoàn toàn mới. Bên cạnh đó, việc ngành công nghiệp sản xuất giống thành công sẽ tạo ra việc làm cho người dân Tasmania và cho phép chúng tôi xuất khẩu tài nguyên trí tuệ của mình ra toàn thế giới”.

PFG dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất thương mại đầu tiên tại cơ sở sản xuất giống mới trong vòng bốn năm tới.

Nguồn: Seafoodsource được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam

 

Ngư dân Nha Trang trúng mùa cá cơm

Các ngư dân tại Hòn Rớ, Nha Trang – Khánh Hòa phấn khởi cho biết mùa cá cơm năm nay đạt sản lượng cao hơn năm ngoái, thu nhập của bạn ghe (người đi biển cùng chủ ghe) từ 6 -8 triệu đồng/10 ngày.

Tháng 6 và tháng 7 Âm lịch được xem là tháng cao điểm thu hoạch cá cơm, sản lượng cá bắt đầu thưa dần cho đến tháng Chạp. Thông thường, các ghe sẽ rời cảng từ 1 – 2 giờ sáng để ra hòn Nội, hòn Ngoại cách bờ biển Nha Trang khoảng 10 hải lý để đánh bắt và trở về cảng vào khoảng 8 giờ sáng. Trung bình mỗi chuyến đi ghe cá thu hoạch khoảng 800kg đến 1 tấn vào giai đoạn này.

Hiện tại khu vực Hòn Rớ có khoảng 25 ghe chuyên đánh bắt cá cơm.


Khi ghe vào bờ, các ngư dân sẽ dùng thanh tre nhỏ phía đầu có gắn xốp đập mạnh vào lưới, cá rớt xuống tấm mành để thu hoạch.


Cá cơm dính lưới bị hất tung khi bị thanh tre đập mạnh.


Do cá được đánh bắt trong buổi sáng nên tươi rói, cong cứng. Nhiều con vẫn khỏe búng tách tách.

Hiện giá cá cơm bán tại cảng tầm 16 -18 nghìn đồng/kg.


Theo các ngư dân, các đầu nậu thu mua cá chủ yếu sấy khô để bán, chỉ một số ít làm nước mắm.


Một số ít người mua cá tại cảng để về bán lẻ ở các chợ. Giá bán cá cơm lẻ từ 20 – 22 nghìn đồng/kg


Ông Kiệt, một ngư dân tại đây cho biết, mùa cá cơm năm nay có sản lượng cao hơn năm ngoái nên ai cũng phấn khởi.

Vào mùa này, ghe “no” có thể thu hoạch trên 1 tấn, ghe “đói” cũng vài tạ.

Các ngư dân kỳ vọng mùa cá cơm năm nay sẽ đem lại cho họ cuộc sống tốt hơn.


Công việc rũ cá thường kết thúc vào khoảng 10h30, sau khoảng thời gian này các ngư dân vá lưới, rửa ghe để chuẩn bị cho chuyến đi vào sớm mai.

Nguồn : Internet, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Nuôi tôm thẻ chân trắng thành công bằng vi sinh + tỏi

Trong điều kiện như hiện nay, việc nuôi tôm (đặc biệt là tôm thẻ chân trắng) ngày càng khó, nhiều người trắng tay trước những biến động của thời tiết, mùa vụ. Tuy nhiên, cũng không ít người thành công sau nhiều phen mạo hiểm mang đầm tôm ra “thử nghiệm”.

Farmtech Vietnam xin chia sẻ kinh nghiệm của anh Nguyễn Ngọc Tuấn (Tấm) ở ấp Trí Đồ, xã Bình Đông, thị xã Gò Công, Tiền Giang  đã nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT) thành công bằng vi sinh kết hợp với chanh và tỏi.


Tỏi là chất kích thích miễn dịch tự nhiên cho tôm, với rất nhiều hoạt tính kháng vi khuẩn gram âm và dương, hoạt tính kháng virus, kháng nấm, tăng cường hệ miễn dịch cho động vật thủy sản. Tỏi kích thích quá trình thực bào, đại thực bào. Việc bổ sung tinh dầu tỏi cho động vật thủy sản nuôi có thể gia tăng chỉ số hồng cầu, lượng hemoglobin, bạch cầu và tiểu cầu. Như vậy tỏi dùng trong nuôi thủy sản có thể coi như một chất thay thế kháng sinh và các yếu tố trị liệu hóa học.

Allin và Allicinase là hai chất có sẵn trong tỏi, khi tỏi bị đập dập, hai chất này sẽ kết hợp với nhau tạo thành chất Allicin (một kháng sinh tự nhiên có khả năng kháng khuẩn và nấm). Allicin có khả năng kháng khuẩn bằng 1/5 thuốc Peniciline và bằng 1/10 thuốc Ocytetracylin. Ngoài ra, thành phần của tỏi còn chứa diallyl disulfide, chất này có tác dụng nhanh và mạnh hơn hai dòng kháng sinh Erythromycin và Ciprofloxacin. Bên cạnh đó, tỏi còn có công hiệu trị sán, giun kim, các bệnh nấm.

Sử dụng tỏi để phòng và trị bệnh trên tôm an toàn, hiệu quả

Phương pháp sử dụng

Phòng bệnh phân trắng và chết sớm bằng tỏi

Lấy 10 kg tỏi, lột sạch vỏ rồi giã nhuyễn, để trong 24 giờ đến khi tỏi có màu vàng nghệ. Lấy 10 kg rượu 450 trộn chung với tỏi rồi xay nhuyễn, sau đó cho vào bình đậy kín nắp, 7 ngày sau vắt lấy nước cho tôm ăn. Liều lượng: 10 ml/kg thức ăn, ngày 3 cữ, cho ăn từ lúc mới thả giống đến khi thu hoạch.

Phần bã tỏi trộn với vi sinh E.M và rỉ đường. Liều lượng: 6 kg bã tỏi + 1 lít E.M gốc +1,5 kg rỉ đường, cho vào bình 20 lít, rồi đổ đầy nước sạch. Sau 30 ngày, vắt lấy nước cho tôm ăn với liều lượng 20 ml/kg thức ăn/ngày. Sau quá trình nuôi tôm sử dụng tỏi, thấy đường ruột tôm lớn, tôm không mắc bệnh chết sớm và bệnh phân trắng, TTCT 88 ngày đạt kích cỡ 45 con/kg; tỷ lệ sống 100%, năng suất 15 tấn/ha.

Phòng đục cơ cong thân bằng trái chanh

Chanh có chứa nhiều chất có lợi như axit xitric, canxi, magiê, Vitamin C, flavonoid sinh học, pectin, limonin, kali 248 ml các chất hỗ trợ miễn dịch và kháng khuẩn. Cách sử dụng: Dùng khoảng 50 g chanh trộn với 3 kg thức ăn (hoặc lấy 5 ml nước cốt chanh trộn với 1 kg thức ăn) cho tôm ăn ngày 3 lần.

Vi sinh E.M: E.M là tập hợp các loại vi sinh vật gồm khoảng 80 – 120 loài cả kỵ khí và hiếu khí thuộc 10 chi khác nhau. Chúng bao gồm các vi khuẩn quang hợp (tổng hợp chất hữu cơ từ CO2 và H2O), vi khuẩn cố định Nitơ (sử dụng chất hữu cơ của vi khuẩn quang hợp để chuyển N2 trong không khí thành các hợp chất hữu cơ), xạ khuẩn (sản sinh chất kháng sinh ức chế vi sinh vật gây bệnh và phân giải chất hữu cơ), vi khuẩn Lactic (chuyển hóa thức ăn khó tiêu thành dễ tiêu), nấm men (sản sinh vitamin và các axit amin), các vi sinh vật trong E.M tạo ra một hệ thống vi sinh thái với nhau, chúng hỗ trợ lẫn nhau, cùng sinh trưởng và phát triển.

Trị tảo lam: Sử dụng 30 lít E.M cấp 2 + 10 kg rỉ đường dùng cho 2.000 m3, xử lý 3 ngày liên tục.

Cách làm E.M cấp 2: Sử dụng 1,5 lít E.M cấp 1 + 3 kg rỉ đường cho vào bình chứa 30 lít, để trong mát 7 ngày. Hạn sử dụng E.M cấp 2 từ 3 đến 6 tháng và E.M cấp 1 từ 6 đến 12 tháng.

Để giảm khí độc NH3, H2S và ổn định môi trường nước, sử dụng 30 lít E.M cấp 2 + 6 kg rỉ đường dùng cho 2.000 m3, 2 ngày/lần. Sau khi thu hoạch tôm thấy lượng bùn đáy giảm. Phân tích thấy mật độ vi khuẩn có lợi nhiều, ức chế sự phát triển của vi khuẩn có hại.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam

Sử dụng thức ăn tươi trong nuôi trồng thủy sản: Những hệ lụy

Thời gian gần đây, thức ăn tươi phục vụ nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa khan hiếm, giá tăng cao khiến chi phí đầu tư nuôi cá, tôm và một số đối tượng khác tăng theo. Ngoài ra, việc sử dụng thức ăn tươi cũng để lại nhiều hệ lụy, gây ô nhiễm môi trường làm chết thủy sản nuôi.

Chi phí tăng

Mới đây, khi đến các vùng trọng điểm NTTS trên địa bàn tỉnh như: Cam Ranh, Cam Lâm, Ninh Hòa, Vạn Ninh, Nha Trang, chúng tôi được các chủ bè nuôi cá, tôm hùm chia sẻ, thời gian gần đây, các loại thức ăn tươi khan hiếm, giá tăng cao, riêng giá cá tạp lên đến 12.000 đồng/kg (trước đây cao nhất chỉ 7.000 đồng/kg) khiến chi phí đầu tư đội lên, lợi nhuận sau khi xuất bán thủy sản không cao.

Giá thức ăn tăng cao khiến chi phí đầu tư nuôi trồng thủy sản của người dân tăng lên

Ông Lê Văn Minh, người nuôi cá chẽm ở xã Cam Thành Bắc (huyện Cam Lâm) cho biết: “Gia đình tôi nuôi 40.000 con cá chẽm trên 4 đìa nuôi, mỗi ngày cho ăn cả tấn thức ăn tươi. Mới đây, tôi xuất bán 1 đìa, sản lượng 10 tấn, giá bán 63.000 đồng/kg, thu được 630 triệu đồng, trong đó chi phí mua thức ăn từ khi thả giống đến khi thu hoạch đã mất 450 triệu đồng, tiền điện 50 triệu đồng, tiền giống 70 triệu đồng, tính ra cả vụ nuôi tôi chỉ lãi vài chục triệu đồng. Nếu giá thức ăn không tăng cao như hiện nay thì lợi nhuận sẽ cao hơn”.

TP. Cam Ranh hiện nay có gần 30.000 lồng bè, trong đó có 20.000 lồng nuôi tôm hùm, số còn lại là nuôi cá bớp, cá mú… Mỗi ngày, lượng thức ăn tươi phục vụ NTTS tại địa phương này lên đến hàng trăm tấn. Có mặt tại bến thuyền phục vụ NTTS tại lăng Ông Nam Hải (phường Cam Phúc Bắc, TP. Cam Ranh), chúng tôi được bà Nguyễn Thị Bốn, người chuyên cung cấp thức ăn tươi cho các bè nuôi cá ở địa phương cho biết: “Tại khu vực này có 3 vựa bán thức ăn tươi cho các bè nuôi cá, mỗi ngày tiêu thụ khoảng 10 tấn cá tạp các loại. Thời gian gần đây, do các ghe giã cào trong tỉnh khai thác đạt sản lượng thấp nên thức ăn cho thủy sản chủ yếu mua từ Bình Thuận, Ninh Thuận. Chất lượng cá tạp lúc tốt, lúc xấu và giá tăng cao hơn trước đến 30 – 40%. Tuy nhiên, để duy trì nghề nuôi, người dân vẫn chấp nhận. Hiện tại, hàng chục điểm bán thức ăn tươi ven vịnh Cam Ranh đều chung tình trạng này”.

Hiện nay, tuy đã có thức ăn công nghiệp phục vụ cho các đối tượng NTTS nhưng chỉ có người nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng và một số ít hộ nuôi cá sử dụng, còn lại các hộ nuôi cá bớp, cá chim, tôm hùm, ốc hương, cá mú, cá chẽm… vẫn dùng thức ăn tươi là các loại cá tạp, sò, tôm loại nhỏ… Ông Phan Tấn Tý, người nuôi cá bớp ở xã Ninh Ích (thị xã Ninh Hòa) cho biết: “Một số hộ nuôi cá ở vịnh Vân Phong đã chuyển sang sử dụng thức ăn công nghiệp. Tuy loại thức ăn này có nhiều ưu điểm về chất lượng, song chi phí cao hơn khoảng 30%, trong khi giá bán thủy sản không tăng nên nhiều hộ nuôi chọn sử dụng thức ăn tươi”.


Nhìn chung giá của thức ăn tươi sống rẻ hơn so với thức ăn công nghiệp

Những hệ lụy

Một thực tế hiện nay, khi thức ăn tươi khan hiếm, các loại cá tạp không đảm bảo chất lượng từ các địa phương khác cũng được đưa về để phục vụ NTTS trên địa bàn tỉnh. Điều này đã để lại nhiều nỗi lo cho người nuôi. Một trong những nguyên nhân khiến thủy sản nuôi trên địa bàn tỉnh chết ở nhiều vùng nuôi từ giữa năm 2016 đến nay một phần là do thức ăn không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng.

Một hệ lụy khác, việc sử dụng thức ăn tươi không đảm bảo chất lượng gây ô nhiễm nguồn nước vùng nuôi. Theo thống kê của Chi cục Thủy sản, toàn tỉnh có 9.893ha NTTS, trong đó có 1.200ha nuôi thủy sản nước ngọt, gần 5.000ha nuôi thủy sản nước lợ, nuôi mặt nước ven biển khoảng 3.785ha. Riêng cá bè có khoảng 4.500 lồng, tôm hùm khoảng 25.000 lồng. Với diện tích nuôi lớn như vậy, lượng thức ăn hàng ngày cho thủy sản nuôi toàn tỉnh rất lớn. Trong khi đó, việc người dân không theo dõi kỹ khả năng bắt mồi của đối tượng nuôi, cho thừa thức ăn đã tác động lớn đến môi trường vùng nuôi. Đó là chưa kể thức ăn không đảm bảo chất lượng còn gây ra dịch bệnh khiến thủy sản nuôi bị chết.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn – Phó Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh, hiện nay, nhiều vùng NTTS ven vịnh Cam Ranh đã bị ô nhiễm nặng, lớp bùn tích tụ lâu ngày từ NTTS và một số hoạt động khác có nơi lên đến gần 0,5m. Đó là chưa kể việc người nuôi vứt bừa bãi các túi ni lông đựng thức ăn khiến những thứ này trôi dạt khắp nơi, tấp vào bờ gây ô nhiễm. Từ thực tế trên, bà Trần Thanh Thúy – Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo, người dân nên chuyển sang sử dụng một phần thức ăn công nghiệp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường; đối với thức ăn tươi cần chọn cá tươi, bảo quản đúng cách để đảm bảo chất lượng. Trong quá trình nuôi, cần chú ý theo dõi tình trạng hoạt động, mức độ bắt mồi của đối tượng nuôi để tránh cho thừa thức ăn, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường vùng nuôi.

Nguồn : Internet, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam