Chế phẩm sinh học và thảo dược là tương lai của chăn nuôi

Những sản phẩm này không chỉ giúp tăng chất lượng, giảm chi phí sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh mà còn xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng, góp phần phát triển nền nông nghiệp sạch.

Giữa bối cảnh có nhiều bê bối về dư lượng hóa chất trong thực phẩm khiến cho con người ngày càng có biểu hiện kháng kháng sinh, nhiều bệnh truyền nhiễm trước đây có thể chữa trị trở nên kháng trị và lây lan thì việc sử dụng các chế phẩm sinh học, thảo dược là tương lai của ngành chăn nuôi, thủy sản.

Đi theo xu hướng ấy, mới đây tại huyện Ứng Hòa, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã tổ chức hội thảo “Ứng dụng chế phẩm sinh học và thảo dược trong Chăn nuôi, Thủy sản trên địa bàn Hà Nội”.

 

Các mô hình nổi bật

Phát biểu tại hội thảo, bà Vũ Thị Hương– Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết, năm 2019, đơn vị đã triển khai mô hình sử dụng thảo dược trong nuôi gà thả vườn và 3 dạng mô hình thủy sản là nuôi thủy sản theo hướng VietGAP, áp dụng công nghệ sông trong ao và nuôi chạch thương phẩm.

Phát biểu của Bà Vũ Thị Hương– Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội

 

Các mô hình đều hướng tới nền sản xuất nông nghiệp bền vững hạn chế sử dụng hóa chất, thuốc kháng sinh tạo ra sản phẩm an toàn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Mô hình sử dụng thảo dược trong chăn nuôi gà thả vườn, Trung tâm đã cấp 50.000 con gà mía 1 ngày tuổi (trong đó ngân sách Thành phố hỗ trợ 50%, 50% người dân đối ứng), hỗ trợ 50% thức ăn và 50% thảo dược (250 lít). Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn kỹ thuật nuôi, cách dùng thảo dược cho các hộ chăn nuôi.

Đến nay, sau 3 tháng nuôi, đàn gà khỏe mạnh, lông mượt, mã đẹp, tỷ lệ nuôi sống trung bình 95%, trọng lượng 1,7 – 1,8 kg/con, dự kiến đến lúc xuất bán gà đạt trọng lượng từ 2,1 – 2,2 kg/con. Với giá bán gà thảo dược từ 90.000 – 100.000 đồng/kg, lợi nhuận bình quân của 1.000 con gà đạt khoảng 60 triệu đồng.

Mô hình Nuôi thủy sản theo hướng VietGAP có quy mô 25ha với số lượng 375.000 con cá chép giống (trong đó hỗ trợ 50%, 50% người dân đối ứng), hỗ trợ 50% thức ăn và 50% chế phẩm sinh học (Aquaclear – S). Sau 5 tháng nuôi, cá trung bình đạt từ 0,7 – 1,5 kg/con, tỷ lệ sống đạt 81%. Năng suất dự kiến khi thu hoạch đạt hơn 12 tấn/ha, cho lãi 80 triệu đồng/ha, cao hơn 20% so với nuôi thông thường.

Đại diện cho các hộ nuôi thủy sản theo mô hình “Ứng dụng công nghệ sông trong ao” tại huyện Ứng Hòa, ông Đặng Văn Duân cho biết: “Trước đây, gia đình nuôi các loài cá truyền thống nhưng năng suất không cao. Môi trường ô nhiễm, thời tiết không thuận lợi, cá nuôi xuất hiện nhiều bệnh, thậm chí chết hàng loạt gây thiệt hại lớn về kinh tế.

Với quy mô 1 ha, chúng tôi được hỗ trợ 50% con giống, thức ăn và chế phẩm sinh học. Đặc biệt, gia đình đã sử dụng chế phẩm sinh học vào việc xử lý môi trường và ủ men tỏi cho cá ăn định kỳ nhờ đó chúng ăn khỏe, lớn nhanh, đều con và hệ số tiêu tốn thức ăn ít hơn…”.

Bà Vũ Thị Hương khẳng định, việc ứng dụng chế phẩm sinh học và thảo dược góp phần phát triển nền nông nghiệp sạch, tăng hiệu quả kinh tế nông nghiệp, tăng sức cạnh tranh của nông nghiệp Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Đồng thời, đóng góp vào việc cung cấp các sản phẩm an toàn phục nhu cầu tiêu dùng.

“Nông nghiệp sạch giúp nông dân tăng thu nhập, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới xây dựng nông thôn mới bền vững. Tuy nhiên, việc sử dụng chế phẩm sinh học và thảo dược vẫn còn tồn tại một số hạn chế như sử dụng chưa đồng bộ và triệt để, giá cả chưa cao, chưa tạo được lòng tin của người tiêu dùng…

Vì vậy, người nuôi cần chú trọng đầu tư chuồng trại, ao nuôi đảm bảo. Các hộ cần nắm vững một số kiến thức cơ bản về môi trường nuôi, cách kiểm tra các chỉ số môi trường, kỹ thuật nuôi hiện đại. Đồng thời, tuân thủ nghiêm túc quy trình sử dụng các chế phẩm sinh học và thảo dược trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản”, bà Hương khuyến cáo.

 

Giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững

Tại buổi hội thảo, bàn về giải pháp chăn nuôi bền vững, TS. Vũ Ngọc Sơn – nguyên GĐ Trung tâm Bảo tồn vật nuôi – Viện Chăn nuôi khẳng định, chăn nuôi bền vững là chăn nuôi an toàn sinh học đi đôi với sử dụng hợp lý chế phẩm sinh học.

Nuôi lợn an toàn sinh học

 

Chăn nuôi an toàn sinh học là áp dụng các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn nguy cơ mắc bệnh của vật nuôi cũng như sự lây lan mầm bệnh của ổ dịch. Sử dụng chế phẩm sinh học giúp vật nuôi tiêu hóa thức ăn tốt hơn, giảm lượng kháng sinh, cải thiện môi trường chuồng nuôi sạch sẽ. Từ đó, tạo ra nguồn thực phẩm sạch và an toàn.

Hiện nay, tổng giá trị GDP của ngành nông nghiệp ở Hà Nội chiếm 2,5%. Thu nhập mỗi năm hơn 40 nghìn tỷ. Nông nghiệp có sự chuyển dần sang chăn nuôi với tỷ lệ chiếm 55%. Trên cả nước, Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu về chăn nuôi.

Tuy nhiên, tính bền vững chưa cao, còn nhiều vấn đề cần giải quyết như các dịch bệnh như dịch tai xanh, dịch tả châu Phi ở lơn, dịch cúm ở gia cầm… Chất lượng sản phẩm nông nghiệp chưa đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Lý giải cụ thể về việc sử dụng chế phẩm sinh học giải quyết các vấn đề không an toàn trong chăn nuôi, TS. Vũ Ngọc Sơn cho rằng: Căn nguyên cơ bản nhất làm vật nuôi giảm sức đề kháng là ô nhiễm tiểu khí hậu chuồng nuôi khiến con vật ngạt thở, dẫn tới viêm đường hô hấp. Khi sử dụng chế phẩm sinh học sẽ giải quyết được vấn đề ô nhiễm chuồng nuôi.

Đồng thời, việc sử dụng thuốc thú ý để phòng và chữa bệnh cho vật nuôi cũng trở thành nguy cơ gây mất an toàn. Theo khảo sát, hiện nay tỷ lệ sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi chiếm 8 – 10%, trong khi chăn nuôi an toàn chỉ được phép chiếm 2 – 3%. Điều này gây ra sự tồn dư các chất kháng sinh trong thịt vượt mức cho phép. Do đó, sử dụng các hoạt chất sinh học sẽ thay thế dần kháng sinh trong chăn nuôi.

Ngoài ra, nếu muốn chăn nuôi sản phẩm hữu cơ, các hộ dân không được sử thuốc kháng sinh, thuốc trị bệnh, thuốc kích thích tăng trưởng dụng để làm thức ăn chăn nuôi. Thức ăn chăn nuôi không sử dụng sản phẩm biến đổi gen, thức ăn có nguồn đạm động vật như bột xương, bột thịt cá…

Hội thảo còn có tham luận của TS. Nguyễn Văn Năm, Giám đốc Công ty Công nghệ sinh học Việt Nam về vấn đề chăn nuôi an toàn sinh học.

TS. Nguyễn Văn Năm chia sẻ: Chế phẩm sinh học chứa các họa chất tăng cường miễn dịch tự nhiên giúp vật nuôi khỏe mạnh. Các kháng sinh thảo dược có nguồn gốc tự nhiên như Curcumin (chiết xuất nghệ), Allicin (chiết xuất tỏi, Berberin (cây Hoàng Liên, Hoàng Đằng) có tác dụng ức chế nhiều loại virus. Thay vì áp dụng các phương pháp mạnh như tiêu độc khử trùng bằng hóa chất, kháng sinh thì sử dụng chế phẩm sinh học hướng đến nền chăn nuôi và tiêu dùng an toàn.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Chế phẩm vi sinh từ nuôi cho đến bảo quản

Ở Quảng Nam mô hình sử dụng chế phẩm sinh học EM chuối và chế phẩm dịch chiết gừng bảo quản sản phẩm tôm đã chứng minh tính thiết thực và hiệu quả cao có thể hướng đến nhân rộng để ngành sản xuất tôm bền vững.

EM chuối trộn vào thức ăn tăng cường sức đề kháng cho tôm.

Nuôi tôm cho sản lượng cao, an toàn

Lâu nay, nông dân Nguyễn Xuân Cần (thôn Kỳ Trần, xã Bình Hải, Thăng Bình) nuôi tôm không nhiều nhưng được những hộ khác khâm phục vì các vụ nuôi luôn thành công. Ở vụ vừa qua, với 6 ao nuôi có tổng diện tích 18.000m2, ông Cần thu hoạch 10 tấn tôm, bán được 1,6 tỷ đồng, qua đó thu lợi 1 tỷ đồng.

Bí quyết thành công của nông dân này là ứng dụng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm. “Sử dụng hóa chất và kháng sinh không phải là giải pháp nuôi tôm bền vững vì gây hại môi trường và sản phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Thay vào đó tôi sử dụng chế phẩm sinh học EM chuối – sản phẩm độc đáo xuất xứ từ Nhật Bản” – ông Cần chia sẻ.

Sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm và bảo quản sản phẩm tôm nuôi đang là lựa chọn hiệu quả và hướng đến bền vững.

Chế biến EM chuối theo cách ông Cần hướng dẫn cũng khá đơn giản: xay nhuyễn 1kg chuối tây đã lột vỏ rồi khuấy đều với 1 lít EM trong bình có nắp đậy chặt. Sau 24 giờ có thể sử dụng 1 lít chế phẩm sinh học EM chuối trộn với 10kg thức ăn nuôi tôm. Nguyên tắc sử dụng chế phẩm sinh học của ông Cần là sử dụng đúng liều lượng, thời gian sử dụng vào buổi sáng, khoảng 8 – 10 giờ, lúc nắng ấm là phù hợp nhất vì hàm lượng ô xy hòa tan cao. Chế phẩm EM chuối có tác dụng tăng cường sức đề kháng và khả năng chống chịu của tôm nuôi khi có các điều kiện ngoại cảnh bất lợi, tăng cường khả năng tiêu hóa và hấp thụ thức ăn cho tôm. Bên cạnh đó, EM chuối còn giúp tiêu diệt vi sinh vật có hại, hạn chế ô nhiễm môi trường.

Nuôi tôm ở vùng triều có nhiều hạn chế về nguồn nước, nhưng cũng nhờ sử dụng chế phẩm sinh học, hộ các ông Nguyễn Nam, Đỗ Văn Lành (khối phố Phú Sơn, phường An Phú, TP.Tam Kỳ) vẫn thu được sản lượng lớn, lãi hàng trăm triệu đồng sau mỗi vụ nuôi.

Ông Nguyễn Nam cho biết, ông sử dụng chế phẩm sinh học trong toàn bộ quá trình nuôi tôm, từ giai đoạn cải tạo ao nuôi đến khi thu hoạch. “Ban đầu tôi nuôi tôm thẻ chân trắng bằng hình thức quảng canh vì vùng triều ven sông không có lợi thế về quản lý môi trường nuôi tôm như trên cát. Sau đó, tôi đã chuyển sang thâm canh nhờ sử dụng chế phẩm sinh học có tính tương thích cao nên nuôi tôm rất trúng vụ” – ông Nam nói.

Ông Đỗ Văn Lành cho biết thêm, thời tiết càng khắc nghiệt nông dân càng nên dùng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm. Như chuẩn bị cho vụ nuôi mới năm 2018, ông sẽ dùng chế phẩm sinh học để xử lý bùn đáy hồ bằng cách pha với nước phun tiêu độc trong vòng 10 ngày. Tùy theo từng vụ nuôi, ông dùng các loại chế phẩm sinh học khác nhau phù hợp, được kiểm chứng kỹ càng.

Hiệu quả bảo quản

Mới đây, cơ sở thu mua tôm thương phẩm Thúy Ty (xã Tam Anh Bắc, Núi Thành) tiến hành thu mua tôm thẻ chân trắng ở ao nuôi của bà Nguyễn Thị Luận (xã Tam Hải, Núi Thành). Thay vì chỉ dùng đá ướp lạnh như mọi khi, doanh nghiệp này đã sử dụng chế phẩm sinh học gồm 50% dịch chiết gừng trong cồn 50%, cùng 50% dịch chiết riềng trong cồn 60% và các phụ gia an toàn là nisin nồng độ 200ppm, chitosan có nồng độ 0,5% để bảo quản sản phẩm theo tỷ lệ 1 lít chế phẩm sinh học pha với 2 lít nước biển và 7kg nước đá để bảo quản cho 10kg tôm thương phẩm.

Kết quả là tôm không có điểm đen nào trên thân; không bị rách vỏ; thịt tôm có màu sắc đặc trưng, săn chắc; đầu tôm dính chặt vào thân và không dập nát. Cơ sở Thúy Ty cho biết, nếu bảo quản bằng nước đá đơn thuần, chỉ sau 2 ngày tôm sẽ suy giảm chất lượng, giá bán ra bị giảm đến 30%. Trong khi đó, bảo quản bằng chế phẩm sinh học, thời gian giữ chất lượng sản phẩm tôm lâu hơn.

Nguồn: Báo Quảng Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Sản xuất chế phẩm sinh học từ bột bã mía

Sau khi tốt nghiệp đại học năm 2014, chàng trai Trần Phúc Hậu về quê lập nghiệp với dự án khởi nghiệp là sản xuất chế phẩm sinh học bằng bột bã mía nhằm giúp người nuôi tôm giảm chi phí sản xuất, cải thiện môi trường nuôi.

Ban đầu, Hậu mở cửa hàng kinh doanh thuốc thủy sản để cung cấp cho người dân nuôi tôm trong vùng. Tuy nhiên, năm đó dịch bệnh tràn lan làm tôm nuôi chết hàng loạt, Hậu lỗ mấy trăm triệu đồng vì người nuôi thua lỗ không có tiền trả. Thấy việc sử dụng thuốc thủy sản chi phí cao, người nuôi ít có lãi nên Hậu tìm cách tạo ra chế phẩm sinh học để chính mình sử dụng và bán cho bà con.

Sản xuất chế phẩm sinh học từ bã mía

Hậu kể: “Lúc đó khi tìm hiểu trên mạng internet thấy tác dụng của bã mía có một số chất có thể tạo màu nước, kích thích tảo có lợi phát triển, cải thiện môi trường nuôi nên tôi tìm tòi nghiên cứu. Khi đó, không có bã mía nên tôi nhờ người đi thu gom từ những xe bán nước mía trong vùng rồi mua máy xay về xay nhuyễn, ủ men vi sinh để thử nghiệm”.

Hậu thử nghiệm chính ao nuôi của gia đình và những hộ bà con ở xung quanh. Sau 2 tháng thử nghiệm thành công chàng thanh niên mạnh dạn sản xuất để chào hàng, cung cấp cho người nuôi tôm. Khi đó, bột bã mía được ủ lên men 72 giờ với các thành phần như mật đường, men vi sinh có lợi, nước sạch…

Sau khi thành phẩm sẽ cung ứng cho người dân sử dụng trong ao tôm với giá 5.000 đồng/kg. Người nuôi tôm sẽ sử dụng chế phẩm sinh học này bón vào ao tôm ngay sau khi làm ao để phân hủy bùn hữu cơ; ngay trong thời điểm nuôi để tạo màu nước, kích thích tảo có lợi phát triển…

Hậu cho biết: “Bột bã mía có nguồn gốc từ thiên nhiên nên sử dụng rất tốt để cải tạo môi trường nuôi sau thời gian dài nuôi tôm bằng các sản phẩm thuốc thủy sản. Khi sử dụng, người nuôi không chỉ giảm 50% so với sử dụng thuốc thủy sản mà còn giúp kích thích tảo có lợi phát triển, ổn định màu nước, ngăn ngừa khí độc, cung cấp hệ vi sinh đường ruột giúp tôm nuôi phát triển, phân hủy bùn bã hữu cơ dưới đáy ao…”.

Bột bã mía được xay nhuyễn

Ban đầu người nuôi khá dè dặt khi sử dụng chế phẩm từ bột bã mía của Hậu. Tuy nhiên, sau nhiều vụ thành công, người nuôi trong vùng và cả các tỉnh xung quanh đã tìm đến đặt hàng mang chế phẩm sinh học này về sử dụng trong ao nuôi tôm. Hậu bắt đầu mở rộng quy mô sản xuất, không mua xác mía về xay nữa mà đặt hàng bã mía từ nhà máy đường đem về ủ để cung cấp cho người dân. Hiện tại, mỗi ngày Hậu bán được 500 kg bột bã mía cho người nuôi trong vùng và cung ứng khoảng 5 tấn/tháng cho người nuôi ở các tỉnh lân cận như: Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu.

Theo Hậu, nếu trừ chi phí nhân công, nguyên liệu sẽ thu lợi nhuận khoảng 2.000 đồng/kg từ sản phẩm bột bã mía. Tính ra, mỗi tháng Hậu “bỏ túi” từ 30 đến 40 triệu đồng từ mô hình độc đáo này. Hiện tại, nhu cầu của thị trường khá lớn nên dự kiến Hậu sẽ mở rộng sản xuất để hạ giá thành, nghiên cứu các chế phẩm khác để phục vụ cho người nuôi tôm.

Ông Mai Văn Hưng (ngụ xã Bình Thới, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) cho biết: “Nhờ người giới thiệu nên tôi mua bộ bã mía của Hậu về sử dụng thấy hiệu quả khá cao. Bột bã mía này làm cải thiện môi trường nước, kích thích tảo có lợi phát triển. Thời gian gần đây dịch bệnh tràn lan, môi trường nuôi bị ô nhiễm nên theo tôi việc sử dụng bột bã mía sẽ rất hiệu quả để cải thiện môi trường nuôi và giảm chi phí nuôi”.

Hiện tại, Hậu đang kêu gọi đầu tư để xây dựng nhà máy sản xuất vi sinh nhằm giảm giá thành sản xuất, giúp người nuôi tăng thêm lợi nhuận. Chàng thanh niên 8X này đang quyết tâm cùng nông dân làm giàu trên chính quê hương của mình và tìm ra giải pháp cải thiện môi trường nuôi trong hoàn cảnh dịch bệnh, ô nhiễm ngày càng tăng như hiện nay.

Nguồn dantri.com.vn được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.

 

Tại sao trị bệnh cho tôm khó?

Tôm là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao tuy nhiên rủi ro cũng rất lớn. Nhiều nhà nông đã trở thành triệu phú nhưng cũng có nhiều người đổ nợ vì con tôm. Đặc biệt khi tôm đã bị bệnh thì rất khó phát hiện và chữa trị. Do đó người dân cần có kiến thức để phòng tránh, nhận biết và chữa trị một cách nhanh chóng, kịp thời nhất.

Dưới đây là một số nguyên nhân giải thích vì sao chữa bệnh cho tôm lại khó khăn:

Đặc điểm của tôm

Nuôi tôm khác với nuôi các loài động vật trên cạn vì phương pháp chữa bệnh cho tôm chủ yếu trộn vào thức ăn chứ không phải tiêm trực tiếp như động vật trên cạn. Do đó việc điều trị bệnh cho tôm không thể kiểm soát chính xác liều lượng thuốc được đưa vào từng cá thể tôm. Vì phần lớn thuốc bị hấp thu vào nước và liều đưa vào mỗi cá thể không xác định được do con ăn nhiều, con ăn ít, con không ăn.

Hơn nữa, tôm sống ở trong ao nên bình thường người nuôi khó quan sát. Khi đã tôm đã chết hoặc bơi lên bờ thì mới phát hiện nhưng lúc này đã quá muộn.

Tôm sú nổi đầu bơi vào gần bờ

Thay đổi thời tiết

Tôm là động vật biến nhiệt nên nhiệt độ cơ thể không ổn định mà phụ thuộc vào nhiệt độ môi trường nước. Khi thời tiết thay đổi bất thường làm cho tôm bị yếu và có thể bị bệnh.

Nếu nắng nóng kéo dài (nhiệt độ nước trên 32oC): Tôm bắt mồi nhanh nhưng thải nhiều phân sống làm nước ô nhiễm. Vi khuẩn có hại hoạt động mạnh thường gây ra dịch bệnh phân trắng.

Vào mùa lạnh (nhiệt độ nước dưới 25oC): Tôm bắt mồi yếu, thậm chí ngưng ăn. Virus hoạt động mạnh thường gây ra dịch bệnh đốm trắng.

Mầm bệnh lây lan nhanh

Do sống trong môi trường nước nên mầm bệnh xuất hiện rất dễ lây lan và không cách lý được. Tôm bị bệnh chết đi trở thành thức ăn của tôm khỏe và ngoài ra việc sử dụng sục khí, quạt nước góp phần phát tán mầm bệnh nhanh chóng.

Sức đề kháng kém

Tôm là động vật bậc thấp, không có hệ miễn dịch đặc hiệu nên khả năng đề kháng mầm bệnh kém, không có vaccine phòng bệnh. Tôm yếu rất dễ bị bệnh virus (đốm trắng, Taura) và vi khuẩn (Vibrio).

Thuốc không vào được tôm bệnh

Tôm bệnh thường bỏ ăn. Thuốc được trộn vào thức ăn sẽ không vào được cơ thể tôm bệnh. Vì thế, sử dụng thuốc chủ yếu là phòng bệnh cho tôm vừa chớm bệnh hay tôm còn khỏe.

Nhiều tác nhân cơ hội

Khi tôm bị bệnh, cơ thể yếu, không còn sức đề kháng, các mầm bệnh cơ hội trong nước đồng loạt tấn công khiến tôm càng yếu nhanh. Thực tế, hầu hết tôm bệnh khi kiểm tra đều nhiễm nhiều loại vi khuẩn, kí sinh trùng, virus, nấm và các yếu tố môi trường bất lợi (khí độc, ôxy hòa tan thấp…) nên sẽ khó xác định tác nhân chính gây bệnh và kéo dài thời gian xét nghiệm.

Cách xử lý những ao tôm bệnh

Nếu chẳng may ao có tôm bị bệnh, việc phát hiện càng sớm thì cơ hội trị bệnh càng cao và cách ứng phó hiệu quả là:

  • Tăng cường quạt nước: cung cấp nhiều ôxy cho tôm, tạo môi trường thuận lợi cho vi sinh phân hủy chất thải và giải phóng khí độc.
  • Cắt giảm mạnh thức ăn thừa: giảm áp lực chất thải gây ô nhiễm môi trường ao, giảm khí độc tích tụ, giảm mật độ vi khuẩn gây bệnh phát triển.
  • Chữa bệnh đúng thuốc, đúng liều, đúng thời gian: tùy loại thuốc mà sử dụng buổi sáng hay buổi chiều (xử lý vi sinh vào giữa buổi sáng), tùy thời gian đào thải ra cơ thể tôm mà sử dụng bao nhiều lần (sau 6 giờ thì cứ 6 giờ bổ sung 1 lần theo các cữ ăn; sau 12 giờ thì bổ sung vào 1 cữ sáng và 1 cữ chiều; sau 24 giờ thì bổ sung vào 1 cữ ăn trong ngày).
  • Tăng cường sức đề kháng và phục hồi biến dưỡng cho tôm: bổ sung vitamin C, hoạt chất butaphosphan, các vitamin và khoáng chất khác .
  • Không thay nước từ nguồn bên ngoài: tránh lây lan và tạp nhiễm thêm mầm bệnh.
  • Kết hợp cải thiện chất lượng môi trường: đây là việc cấp thiết trong can thiệp xử lý ao tôm bệnh. Sử dụng vi sinh để phân hủy chất thải, xử lý khí độc; khoáng giúp cho nước ao tăng hệ đệm, ổn định độ kiềm, pH và tảo.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam

Xử lý nước ao tôm nuôi trước vụ nuôi

Nhằm hạn chế thiệt hại và dịch bệnh trong nuôi tôm, ngoài việc chọn nguồn tôm giống rõ ràng, sạch bệnh thì việc xử lý nước trước khi đưa vào vụ nuôi cũng rất quan trọng. Sau đây là bài hướng dẫn về phương pháp xử lý nước ao tôm trước vụ nuôi.

Trước khi cấp nước, cần cải tạo ao trước.

Cải tạo ao

Đối với ao mới: công việc chuẩn bị thực hiện dễ dàng hơn: phơi ao cho khô, làm vệ sinh, xử lý các loại thực vật xung quanh. Cố gắng không để hoá chất xử lý còn lại dư lượng trong ao sẽ gây hại cho tôm giống. Sau đó đo pH đất, pH phù hợp sẽ ở trong khoảng 7,5 – 8. Nếu pH của đất thấp hơn 6 nên dùng vôi bột (Canxi hydroxyt) rắc khắp hồ với tỷ lệ 100 kg/hecta. Nếu pH của đất lớn hơn 6 nhỏ hơn 7.5, dùng zeolite tỷ lệ 30-50 kg/hecta.

Đối với ao cũ: Việc dọn tẩy lớp bùn đáy trong ao được thực hiện bằng một trong hai cách là dọn tẩy khô và dọn tẩy ướt. Trong phương pháp dọn tẩy khô, lớp bùn đáy sau khi được phơi khô sẽ được dọn bỏ bằng cơ giới hay bằng tay. Phương pháp dọn tẩy ướt được thực hiện bằng cách dùng máy bơm nước áp lực mạnh để rửa trôi lớp bùn đáy còn ướt. Sau đó phơi đáy ao 1 -2 ngày và bón vôi tương tự như ao mới.

Nước được bơm từ nguồn nước bên ngoài vào ao lắng thông qua túi lọc bằng vải nhằm loại bỏ tạp chất, sinh vật gây hại.

Đối với những vùng vụ trước có dịch bệnh xảy ra trong quá trình xử lý nước nên sử dụng Chlorine 30 kg/1 hecta. Chlorine có tác dụng diệt tảo độc, tảo sợi, cả vi sinh vật có lợi và vi sinh vật không có lợi làm nước trong. Tuy nhiên, Chlorine  thường để lại dư lượng trong nước. Do vậy, trước khi bơm sang ao nuôi nên phơi nước ao 1 -2 ngày và kiểm tra dư lượng Chlorine. Cách kiểm tra dư lượng Chlorine : lấy 1 ml nước ao, nhỏ 1-2 giọt Potasium iodine . Nếu nước trong nghĩa là nước ao nuôi tôm thẻ chân trắng không còn dư lượng chlorine, nếu đổi sang màu nâu vàng tức là trong nước còn dư lượng.

Sau khi xử lý Chlorine phải phơi ao và chạy quạt để làm mất hết dư lượng trong nước

Sau khi bơm nước vào ao nuôi, công việc cuối cùng trước khi thả tôm là gây màu nước.

Có 3 phương pháp gây màu theo VietGAP như sau :

Phương pháp thứ nhất: Theo công thức 2:1:2 (thành phần gồm 2 kg cám gạo hoặc cám ngô + 1 kg bột cá + 2 kg bột đậu nành). Trộn đều hỗn hợp trên sau đó nấu chín, ủ kín từ 2 – 3 ngày. Dùng cám ủ bón để gây màu, liều lượng 3 – 4 kg/1.000 m3 nước, bón liên tục trong 3 ngày, cho đến khi đạt độ trong cần thiết (30 – 40 cm). 7 ngày sau bón bổ sung, liều lượng giảm 1/2 so với ban đầu (căn cứ màu nước để bổ sung).

Phương pháp thứ hai: Theo công thức 3:1:3 (thành phần gồm 3 kg mật đường + 1 kg cám gạo (hoặc cám ngô) + 3 kg bột đậu nành). Công thức này không cần nấu chín, trộn đều sau đó ủ kín trong 12 giờ. Dùng cám ủ bón để gây màu, liều lượng 2 – 3 kg/1.000 m3 nước, bón liên tục trong 3 ngày, cho đến khi đạt độ trong cần thiết (30 – 40 cm), 7 ngày sau bón bổ sung, liều lượng giảm 1/2 so với ban đầu (căn cứ màu nước để bổ sung).

Phương pháp thứ ba: Sử dụng chế phẩm EM

Chế phẩm sinh học EM gốc

Lợi ích của việc sử dụng chế phẩm EM

Đối với con nuôi thủy sản:

Tăng sức đề kháng và khả năng chống chịu của con nuôi với các điều kiện ngoại cảnh bất lợi.

Tăng cường khả năng tiêu hóa và hấp thụ các loại thức ăn của con nuôi.

Kích thích tăng trưởng của con nuôi.

Tăng sản lượng và chất lượng.

Tiêu diệt các vi sinh vật có hại.

Hạn chế ô nhiễm môi trường.

Điều kỳ diệu là EM có tác dụng tốt đối với mọi loài động vật thủy sản.

Đối với môi trường:

Tiêu diệt các vi sinh vật gây ô nhiễm (H2S, SO2, NH3,…) nên khi phun EM vào rác thải, cống rãnh, chuồng trại, ao nuôi,… sẽ khử mùi hôi nhanh chóng.

Giảm số lượng ruồi, muỗi, côn trùng trong môi trường.

Khử mùi rác hữu cơ và tăng tốc độ mùn hóa.

Ngăn chặn quá trình gây thối, mốc trong bảo quản nông sản.

Hiệu quả cao, an toàn với môi trường và giá thành rẻ.

Sản xuất EM2 từ EM gốc (nhằm hạ thấp chi phí sản xuất):

Nguyên liệu (với thùng chứa 50L): 1 kg mật đường, 2 kg cám gạo hoặc bột ngô, 10 g muối ăn, 1 lít EM gốc, 46 lít nước sạch khuẩn

Cách tiến hành:

Vô trùng các thùng chứa

Lấy 46 lít nước ngọt, sạch khuẩn (nước sôi để nguội càng tốt)

Cho 1 kg mật đường, khuấy đều

Cho 2 kg cám gạo hoặc bột ngô, khuấy đều

Cho vào 10 g muối ăn, khuấy đều

Cho vào 1 lít EM gốc, khuấy đều

Đậy nắp ủ yếm khí trong thời gian 7 ngày

Với các thể tích lớn hơn (100L, 200L, 500L,…) thì tăng các loại nguyên liệu theo tỷ lệ tương ứng với tăng thể tích.

Cách sử dụng:

Xử lý nước: 50 lít EM2/1.000 m3 nước

Xử lý đáy ao: 10 lít EM2/1.000 m2 đáy ao

Sử dụng định kỳ trong các ao nuôi: 50 lít EM2/1.000 m3 nước, trong tháng nuôi đầu 5 – 7 ngày/lần, tháng thứ 2 sử dụng 3 – 5 ngày/lần, tháng thứ 3 trở đi 2 – 3 ngày/lần.

Sử dụng xử lý mùi hôi thối: Dùng bình xịt phun EM2 trực tiếp lên bề mặt các nơi sinh ra mùi hôi thối.

Sản xuất EM5 từ EM gốc:

Nguyên liệu: 1 lít EM gốc,1 lít mật đường,1 lít giấm, 2 lít rượu

Cách tiến hành:

Dùng bình có nắp đậy, sạch khuẩn

Thứ tự cho các nguyên liệu vào: 2 lít rượu → 1 lít giấm → 1 lít mật đường → 1 lít EM gốc → khuấy đều → đậy kín.

Ủ yếm khí trong 3 ngày

Cách sử dụng:

Xử lý đáy ao: 5 lít EM5/1.000 m2.

Xử lý nước: 4 lít EM5/1.000 m3, định kỳ 7 ngày/lần, khi tôm lớn tăng số lần sử dụng.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Nuôi tôm thẻ chân trắng thành công bằng vi sinh + tỏi

Trong điều kiện như hiện nay, việc nuôi tôm (đặc biệt là tôm thẻ chân trắng) ngày càng khó, nhiều người trắng tay trước những biến động của thời tiết, mùa vụ. Tuy nhiên, cũng không ít người thành công sau nhiều phen mạo hiểm mang đầm tôm ra “thử nghiệm”.

Farmtech Vietnam xin chia sẻ kinh nghiệm của anh Nguyễn Ngọc Tuấn (Tấm) ở ấp Trí Đồ, xã Bình Đông, thị xã Gò Công, Tiền Giang  đã nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT) thành công bằng vi sinh kết hợp với chanh và tỏi.


Tỏi là chất kích thích miễn dịch tự nhiên cho tôm, với rất nhiều hoạt tính kháng vi khuẩn gram âm và dương, hoạt tính kháng virus, kháng nấm, tăng cường hệ miễn dịch cho động vật thủy sản. Tỏi kích thích quá trình thực bào, đại thực bào. Việc bổ sung tinh dầu tỏi cho động vật thủy sản nuôi có thể gia tăng chỉ số hồng cầu, lượng hemoglobin, bạch cầu và tiểu cầu. Như vậy tỏi dùng trong nuôi thủy sản có thể coi như một chất thay thế kháng sinh và các yếu tố trị liệu hóa học.

Allin và Allicinase là hai chất có sẵn trong tỏi, khi tỏi bị đập dập, hai chất này sẽ kết hợp với nhau tạo thành chất Allicin (một kháng sinh tự nhiên có khả năng kháng khuẩn và nấm). Allicin có khả năng kháng khuẩn bằng 1/5 thuốc Peniciline và bằng 1/10 thuốc Ocytetracylin. Ngoài ra, thành phần của tỏi còn chứa diallyl disulfide, chất này có tác dụng nhanh và mạnh hơn hai dòng kháng sinh Erythromycin và Ciprofloxacin. Bên cạnh đó, tỏi còn có công hiệu trị sán, giun kim, các bệnh nấm.

Sử dụng tỏi để phòng và trị bệnh trên tôm an toàn, hiệu quả

Phương pháp sử dụng

Phòng bệnh phân trắng và chết sớm bằng tỏi

Lấy 10 kg tỏi, lột sạch vỏ rồi giã nhuyễn, để trong 24 giờ đến khi tỏi có màu vàng nghệ. Lấy 10 kg rượu 450 trộn chung với tỏi rồi xay nhuyễn, sau đó cho vào bình đậy kín nắp, 7 ngày sau vắt lấy nước cho tôm ăn. Liều lượng: 10 ml/kg thức ăn, ngày 3 cữ, cho ăn từ lúc mới thả giống đến khi thu hoạch.

Phần bã tỏi trộn với vi sinh E.M và rỉ đường. Liều lượng: 6 kg bã tỏi + 1 lít E.M gốc +1,5 kg rỉ đường, cho vào bình 20 lít, rồi đổ đầy nước sạch. Sau 30 ngày, vắt lấy nước cho tôm ăn với liều lượng 20 ml/kg thức ăn/ngày. Sau quá trình nuôi tôm sử dụng tỏi, thấy đường ruột tôm lớn, tôm không mắc bệnh chết sớm và bệnh phân trắng, TTCT 88 ngày đạt kích cỡ 45 con/kg; tỷ lệ sống 100%, năng suất 15 tấn/ha.

Phòng đục cơ cong thân bằng trái chanh

Chanh có chứa nhiều chất có lợi như axit xitric, canxi, magiê, Vitamin C, flavonoid sinh học, pectin, limonin, kali 248 ml các chất hỗ trợ miễn dịch và kháng khuẩn. Cách sử dụng: Dùng khoảng 50 g chanh trộn với 3 kg thức ăn (hoặc lấy 5 ml nước cốt chanh trộn với 1 kg thức ăn) cho tôm ăn ngày 3 lần.

Vi sinh E.M: E.M là tập hợp các loại vi sinh vật gồm khoảng 80 – 120 loài cả kỵ khí và hiếu khí thuộc 10 chi khác nhau. Chúng bao gồm các vi khuẩn quang hợp (tổng hợp chất hữu cơ từ CO2 và H2O), vi khuẩn cố định Nitơ (sử dụng chất hữu cơ của vi khuẩn quang hợp để chuyển N2 trong không khí thành các hợp chất hữu cơ), xạ khuẩn (sản sinh chất kháng sinh ức chế vi sinh vật gây bệnh và phân giải chất hữu cơ), vi khuẩn Lactic (chuyển hóa thức ăn khó tiêu thành dễ tiêu), nấm men (sản sinh vitamin và các axit amin), các vi sinh vật trong E.M tạo ra một hệ thống vi sinh thái với nhau, chúng hỗ trợ lẫn nhau, cùng sinh trưởng và phát triển.

Trị tảo lam: Sử dụng 30 lít E.M cấp 2 + 10 kg rỉ đường dùng cho 2.000 m3, xử lý 3 ngày liên tục.

Cách làm E.M cấp 2: Sử dụng 1,5 lít E.M cấp 1 + 3 kg rỉ đường cho vào bình chứa 30 lít, để trong mát 7 ngày. Hạn sử dụng E.M cấp 2 từ 3 đến 6 tháng và E.M cấp 1 từ 6 đến 12 tháng.

Để giảm khí độc NH3, H2S và ổn định môi trường nước, sử dụng 30 lít E.M cấp 2 + 6 kg rỉ đường dùng cho 2.000 m3, 2 ngày/lần. Sau khi thu hoạch tôm thấy lượng bùn đáy giảm. Phân tích thấy mật độ vi khuẩn có lợi nhiều, ức chế sự phát triển của vi khuẩn có hại.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam

Sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm

Sử dụng chế phẩm sinh học (hay còn gọi men vi sinh) trong nuôi trồng thủy sản được xem là một giải pháp góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trong ao, giảm thiểu tình trạng vật nuôi bị nhiễm bệnh, gia tăng sản lượng…

Thu hoạch tôm tại vùng nuôi xã Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc)

Gần 1 năm nay, ông Nguyễn Đăng Nhân, chủ đùng tôm tại ấp Ông Tô, xã Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc) đã sử dụng chế phẩm sinh học trong các ao nuôi tôm thẻ. So với việc sử dụng kháng sinh hay hóa chất, việc sử dụng chế phẩm sinh học giúp tôm hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn, lớn nhanh, khỏe mạnh, ít bị dịch bệnh. Chi phí sử dụng chế phẩm sinh học cũng thấp hơn, chưa đến 1 triệu đồng/ao nuôi, trong khi sử dụng kháng sinh chi phí lên đến 4-5 triệu đồng/ao nuôi. Sản phẩm tôm thương phẩm khi xuất bán luôn đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng để xuất khẩu.

Tại phường 12, TP.Vũng Tàu, hiện đã có 28 hộ nuôi tôm sú theo mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học. Ông Nguyễn Văn Sơn, chủ đùng tôm ở địa chỉ 1708 đường 30-4, phường 12 cho biết: Với mô hình nuôi tôm sú sử dụng chế phẩm sinh học, trước khi nuôi phải cải tạo ao đầm. Sau đó, sử dụng chế phẩm sinh học để tạo môi trường, giúp tôm khỏe, hay ăn, chóng lớn, tăng sức đề kháng, chất lượng tôm ngon hơn, sản lượng tăng 20% so với mô hình nuôi tôm thông thường.

Theo ông Vũ Đức Chính, Trạm phó Trạm Khuyến ngư huyện Xuyên Mộc, chế phẩm sinh học là những vi sinh vật có lợi, sống ở trong nước. Những vi sinh vật này khi sống ở trong nước sẽ tiết ra chất xúc tác sinh học giúp phân hủy các chất hữu cơ độc hại, chất thải dư thừa trong ao, giúp ao nuôi được sạch hơn. Khi sử dụng chế phẩm sinh học thay thế kháng sinh hoặc hóa chất có thể hạn chế được việc ô nhiễm môi trường ao nuôi.

Tuy nhiên, người nuôi cần lưu ý, không được sử dụng chế phẩm sinh học cùng với các loại hoá chất có tính diệt khuẩn như thuốc tím, Chlorine, i-ốt, kháng sinh; đồng thời không được sử dụng khi các chất trên đang hiện diện trong môi trường nước hay trong thân tôm. Ngoài ra, chế phẩm sinh học thực chất cũng là vi sinh vật, vì vậy không nên sử dụng quá mức cho phép, sẽ dẫn đến việc cạnh tranh oxy trong ao nuôi, gây ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của vật nuôi. Người nuôi phải thường xuyên theo dõi khay thức ăn và kiểm tra bùn đáy ao để xử lý liều vi sinh thích hợp.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam

Giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Hoạt động nuôi trồng thủy sản đang phát triển khá mạnh, cùng đó là quá trình phát sinh các nguồn chất thải rắn, lỏng, khí gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Làm thế nào để đảm bảo môi trường nuôi an toàn là vấn đề bức xúc cần có giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Nuôi thủy sản kết hợp giúp giảm ô nhiễm môi trường

Xử lý các chất ô nhiễm

Một lượng lớn các chất dinh dưỡng trong thức ăn tôm, cá không được hấp thụ vào cơ thể để tạo sinh khối mà bị thải ra ngoài môi trường xung quanh dưới dạng thức ăn dư thừa, phân và chất thải, là nguồn gây ô nhiễm chính cho môi trường.

Hệ thống xử lý: Cần đầu tư hệ thống xử lý nước thải ao nuôi trước khi xả ra môi trường. Diện tích ao xử lý nước thải tối thiểu bằng 30% diện tích ao nuôi. Bùn thải trong nuôi thủy sản phải có khu chứa riêng trong cơ sở nuôi, hay có phương án xử lý phù hợp như: Bồi đắp nền nhà, tôn cao bờ đê, san lấp mặt bằng… Tránh tình trạng bơm bùn thải trực tiếp ra các kênh rạch, dẫn đến tình trạng ô nhiễm hữu cơ, để lại dư lượng hóa chất trong đất, nước và gây ra tình trạng bồi lắng các kênh rạch trong vùng nuôi.

Dùng chế phẩm sinh học: Vi sinh vật nói chung và vi khuẩn nói riêng đóng một vai trò quan trọng trong quá trình luân chuyển vật chất như phân hủy các chất hữu cơ, chuyển đổi các hợp chất vô cơ từ dạng này sang dạng khác. Do đó, cần đưa các vi sinh vật có lợi như vi khuẩn, xạ khuẩn, nấm men vào trong ao nuôi giúp phân giải lượng lớn thức ăn dư thừa cũng như các chất thải trong quá trình nuôi. Trên thực tế, có rất nhiều chế phẩm sinh học đã và đang được sử dụng hiệu quả trong nuôi tôm nước lợ ở Việt Nam.

Nuôi trồng kết hợp: Sử dụng một số động vật thân mềm hai mảnh vỏ, rong biển, một số loài cá có khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng dư thừa từ các ao nuôi tôm thâm canh. Cụ thể, Châu Minh Khôi và cộng sự (2012) đã nghiên cứu khả năng xử lý các chất thải dinh dưỡng dư thừa trong nước thải ao nuôi cá tra thâm canh bằng cây lục bình (Eichhorina crassipes) và cỏ Vetiver (Vetiver zizanioides). Kết quả nghiên cứu cho thấy, lục bình và cỏ Vetiver có khả năng hấp thụ các chất thải dinh dưỡng dư thừa và làm giảm 85 – 88% N và 99 – 100% P hữu cơ trong nước thải của ao nuôi cá tra sau 4 tuần. Tiếp đó, Nguyễn Văn Trai (2013) đã nghiên cứu thử nghiệm dùng vọp (Geloina coaxans) và hàu (Crassostrea sp.) để xử lý nước thải từ các ao nuôi tôm thâm canh ở huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh. Kết quả cho thấy, với các bể xử lý bằng vọp (kích cỡ 37 + 6,6 g, mật độ 60 con/m3, cấp nước thải từ các ao nuôi tôm, sục khí liên tục rất hiệu quả trong việc hấp thụ các chất dinh dưỡng dư thừa, thể hiện qua việc giảm hàm lượng các thông số COD (92,7%), TSS (81,8%), TN (82,4%) và TP (89%) trong mẫu nước sau khi xử lý.

Sử dụng bùn ao làm phân hữu cơ phục vụ nông nghiệp: Nhiều hộ nuôi ở vùng ĐBSCL đã và đang sử dụng bùn đáy ao nuôi cá tra thâm canh để bơm cho các khu cây trồng như ruộng lúa, vườn cây, làm giảm ô nhiễm môi trường và tăng năng suất và lợi nhuận thu được từ các vườn cây, ruộng lúa. Hình thức này càng được nhiều người dân ủng hộ, áp dụng hiệu quả. Tuy nhiên, cần có quy hoạch tổng thể lại vùng nuôi cá tra và vùng đất nông nghiệp, hệ thống thủy lợi cũng như xem xét các cây trồng, mùa vụ hợp lý để thúc đẩy mô hình này phát triển. Trương Quốc Phú và cộng sự (2012) đã tiến hành xử lý bùn đáy ao nuôi cá tra thâm canh để sản xuất phân hữu cơ bón cho cây trồng và kết quả bước đầu đáng ghi nhận.

Thực hành tốt quy trình

Trong công tác quản lý môi trường cần kiểm tra, giám sát định kỳ đối với các tổ chức, cá nhân; thường xuyên tuyên truyền, vận động các hộ nuôi cam kết thực hiện đúng theo quy định. Hỗ trợ các cơ sở sản xuất giống, nuôi thủy sản thương phẩm áp dụng thực hành hình thức nuôi tốt, nuôi có tránh nhiệm (GAP, VietGAP, GlobalGAP, BAP), Biofloc, nuôi an toàn sinh học không sử dụng hóa chất, kháng sinh… nhằm giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường nuôi xung quanh.

Giám sát, quan trắc môi trường

Việc giám sát, quan trắc môi trường vùng nuôi cũng góp phần không nhỏ nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường. Chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm theo dõi, giám sát môi trường tại cơ sở nuôi trồng thủy sản; thu thập, ghi chép đầy đủ các số liệu, thông tin có liên quan và kịp thời cung cấp thông tin, số liệu về môi trường khi có yêu cầu. Cùng đó, áp dụng các biện pháp xử lý, phòng ngừa, khắc phục theo hướng dẫn của cơ quan quản lý yêu cầu.

Nâng cao ý thức người dân

Chấp hành nghiêm luật môi trường là giải pháp lâu dài và bền vững cho môi trường nói chung và môi trường nuôi trồng thủy sản nói riêng. Người nuôi hạn chế lạm dụng thuốc và hóa chất trong kiểm soát bệnh tôm, xử lý nước, xử lý đáy ao. Giám sát chặt chẽ việc thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường trên toàn quốc. Nâng cao ý thức, trách nhiệm của hộ nuôi, chủ cơ sở nuôi về bảo vệ môi trường thông qua tuyên truyền, giáo dục, khuyến khích các doanh nghiệp và các tổ chức nỗ lực ngăn chặn, kiểm soát ô nhiễm môi trường.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam

Mô hình nuôi tôm hùm bằng chế phẩm sinh học

Tôm hùm là loài có FCR (tỷ lệ chuyển đổi thức ăn thành trọng lượng cơ thể) cao. Do đó, nuôi tôm hùm tốn rất nhiều chi phí cho thức ăn. Mặt khác, lượng thức ăn dư thừa trong lồng nuôi có thể làm môi trường nước bị ô nhiễm, gây bệnh cho tôm. Để khắc phục tình trạng này, nên kết hợp sử dụng chế phẩm sinh học với thức ăn giúp tôm chuyển hóa thức ăn tốt hơn và hạn chế ô nhiễm môi trường.

Mô hình nuôi tôm hùm bằng chế phẩm sinh học

Chuẩn bị lồng nuôi

Vệ sinh lồng, kiểm tra khung sắt, lưới bọc khung trong, ngoài, sau đó di chuyển đến vị trí nuôi, là nơi kín gió, nguồn nước trong sạch, không bị ảnh hưởng của chất thải công nghiệp, nông nghiệp, đô thị, nước lưu thông tốt, chất đáy là cát, cát bùn có lẫn đá san hô nhỏ, vỏ động vật thân mềm. Sau đó đặt lồng trên nền đáy đã được dọn sạch, bằng phẳng.

Vùng nuôi có độ sâu: 7 m.

Độ mặn ổn định, dao động trong khoảng 30 – 350/00.

Lồng đặt cách đáy: 3 m.

Chọn giống:

Tôm hùm giống mới nở (tôm trắng)

Tôm trắng phải được kiểm tra kỹ, chọn mua ở nơi uy tín, nguồn giống khai thác tại địa phương nhằm tránh sự khác biệt về điều kiện môi trường, con giống chính vụ, khoẻ mạnh, bơi búng nhanh nhẹn, vỏ sáng bóng, có đầy đủ râu, chân và các phụ bộ khác, phát triển cân đối, đều cỡ, vì đây là giai đoạn tôm rất nhạy cảm với môi trường, sức đề kháng yếu, nếu chọn giống loài xoài, các đại lý thu gom nhiều ngày, lưu dưỡng cho đủ lượng để xuất bán thì sau này ương nuôi sẽ rất khó, tôm phát triển chậm, tỷ lệ sống thấp.

Vận chuyển giống:

Buổi sáng sớm, dùng thùng xốp, kích cỡ 30 x 20 x 25 (cm), cho nước biển sạch vào 2/3 thùng, cho vào thùng 500 – 1.000 con, sục khí, vận chuyển đến vùng nuôi.

Xuống giống:

Khi tôm vận chuyển đến lồng nuôi, tiến hành thuần nhiệt độ cho đến khi gần bằng với nhiệt độ môi trường nuôi bằng cách cho dần dần nước từ môi trường nuôi vào thùng chứa tôm, sau 30 – 60 phút, tôm hồi phục sức khỏe hoàn toàn, tiến hành thả tôm ra lồng nuôi.

Mật độ ương nuôi:

Đối với tôm trắng: 90 con/m2. Sau 60 ngày, san thưa tôm với mật độ: 20 – 30 con/m2. Sau 90 ngày, san thưa tôm với mật độ: 15 – 20 con/m2.

Khi san thưa mật độ đồng thời phải phân đều theo cỡ tôm.

Quản lý, chăm sóc

Mỗi ngày cho tôm ăn 1 lần thức ăn + chế phẩm sinh học E.M trùn (E.M trộn với trùn) vào buổi sáng. Lượng cho ăn 01 ngày: 15 – 20% trọng lượng đàn tôm (5 – 7 g/100 con tôm mới thả nuôi). Thành phần thức ăn: cá tạp, giáp xác (tôm, cua): 100%.

Chế phẩm sinh học E.M

Trộn đều 25 – 50 ml E.M trùn với 1 kg thức ăn cắt nhỏ, để 15 – 20 phút cho thuốc thấm đều vào thức ăn, sau đó cho tôm ăn.

Hàng ngày lặn xuống kiểm tra lồng, tình trạng hoạt động, sức khỏe tôm, kiểm tra lượng thức ăn thừa hay thiếu để có hướng xử lý kịp thời.

Định kỳ 7 – 10 ngày vệ sinh lồng nuôi một lần đảm bảo môi trường nuôi sạch sẽ, thông thoáng.

nuôi tôm hùm, nuôi tôm hùm bằng chế phẩm sinh học, dùng chế phẩm sinh học nuôi tôm, nuôi tôm, kỹ thuật nuôi tôm

Chuẩn bị thức ăn cho tôm hùm nuôi

Thu hoạch

Sau 3 tháng ương nuôi, tôm trắng chuyển sang giai đoạn tôm bò cạp, (tôm hùm xanh đạt 50 – 60 g/con, tôm hùm bông đạt 100 – 150 g/con), tổ chức thu hoạch chuyển qua lồng nuôi thương phẩm.

Thực hiện quy trình, khi cho tôm ăn “Thức ăn + chế phẩm sinh học E.M trùn” các phản ứng chủ yếu làm sạch môi trường, tối ưu hóa sức đề kháng cho tôm hùm nuôi xảy ra như sau: Phản ứng E.M trùn làm sạch môi trường, tăng sức đề kháng cho tôm nuôi; Phản ứng phân hủy khí độc NH3 làm sạch môi trường. Như vậy, chế phẩm sinh học E.M trùn vừa làm sạch môi trường, biến chất độc thành chất không độc, có lợi, vừa giúp tôm tăng sức đề kháng, ăn mạnh, lớn nhanh, không bị bệnh, quá trình nuôi phát triển hiệu quả, bền vững.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Gây nuôi thức ăn tự nhiên theo công nghệ copefloc cho năng suất cao

Copefloc sử dụng copepods (giáp xác chân chèo), các hạt biofloc và các động vật thân mềm sống đáy (giun nhiều tơ,…) như là một nguồn thức ăn chính yếu cho tôm nuôi và hoàn toàn không sử dụng thức ăn viên công nghiệp.

Công nghệ Copefloc – công nghệ gây nuôi thức ăn tự nhiên

Để gây nuôi thức ăn tự nhiên theo công nghệ Copefloc cho năng suất cao, sau khi lấy nước vào ao nuôi từ ao lắng (nước được xử lý, lắng lọc ở ao lắng trong một thời gian dài) đến khi đạt độ sâu từ 1.2 – 1.5 m, tiến hành gây nuôi copepods, các loài phiêu sinh động vật, giáp xác nhỏ khác (krill) và động vật thân mềm sống đáy (barnacle, giun nhiều tơ, các loài hai mảnh vỏ, và các loài động vật thân mềm sống đáy khác) bằng cách dùng cám gạo lên men với chế phẩm sinh học (probiotics).

Tuyệt đối không cung cấp nguồn copepods hay các sinh vật khác từ bên ngoài vào ao nuôi để tránh trường hợp chúng mang mầm bệnh vào ao nuôi, tất cả các loài thức ăn tự nhiên có trong hệ thống nuôi tự nó sẽ phát triển khi có các điều kiện thích hợp. Cám gạo được cho vào trong chậu (bể) lớn, cho nước ao nuôi và chế phẩm sinh học vào và sụt khí mạnh trong 24 – 48 giờ.

        Giun nhiều tơ và các loài động vật thân mềm sống đáy trong ao nuôi copefloc

Sau đó cho hỗn hợp cám gạo lên men vào trong túi vải dài (dạng giống như ống bơm nước), chuyển xuống ao nuôi và thường xuyên đảo túi vải để dịch cám gạo lên men với probiotic lan tỏa khắp ao nuôi. Ao nuôi được sụt khí liên tục trong thời gian từ 7 – 10 ngày trước khi thả giống tôm.

Sử dụng cám gạo lên men ban đầu với liều lượng khoảng 300 kg hoặc 30 ppm trên 1 hecta để gây tạo thức ăn tự nhiên trong ao. Cám gạo lên men sẽ là nguồn thức ăn cho copepod, động vật thân mềm và các loài sinh vật khác trong ao.

Trong quá trình nuôi không cần cho ăn; thay vào đó người nuôi phải quản lý, duy trì quần thể và mật độ thức ăn tự nhiên, lượng biofloc trong ao nuôi. Thu mẫu và tính toán mật độ copepod hằng ngày bằng cách dùng xô, chậu lấy 50 – 100 lít nước ở các vị trí khác nhau trong ao nuôi.

     Đây là nguồn dinh dưỡng tự nhiên rất tốt cho tôm nuôi. 

Sau đó lọc qua lưới phiêu sinh, kích thước mắt lưới 50 – 70 µm, cho vào lọ 60 ml, cố định bằng formol 2 – 4%. Dùng pipet lấy 1 ml và đếm dưới kính hiển vi ở độ phóng đại 10X, 40X, bằng phương pháp di chuyển buồng đếm theo tọa độ. Từ đó tính toán được mật độ của copepod và điều chỉnh lượng chế phẩm sinh học bón xuống ao làm thức ăn cho copepod và sinh vật trong ao nuôi.

Để kích thích sự hình thành và duy trì tính ổn định của biofloc, cần bổ sung biofloc mồi và bổ sung nguồn cacbon vào hệ thống nuôi. Có rất nhiều nguồn cung cấp cacbon: bột ngũ cốc, mật rỉ đường, bột bã mía, rơm, cỏ. Duy trì hàm lượng biofloc < 1 ml/l trong suốt chu kỳ nuôi.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam