Nuôi biển ở Sông Cầu, Phú Yên- Phần 1 : tràn lan nhưng thiếu hiệu quả.

Thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên có vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông được bao bọc bởi các đảo và bán đảo nên mặt biển ít động, rất phù hợp để phát triển nuôi lồng bè trên biển. Từ lâu nơi đây đã phát triển ngành nuôi trồng thủy sản biển, nhưng càng lúc càng nhiều làm ô nhiễm vùng nuôi và khó quản lý.

Những tồn tại, yếu kém trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản mặt nước biển.

Trong thời gian qua, nghề nuôi tôm hùm đã được UBND thị xã quan tâm chỉ đạo và đưa ra nhiều giải pháp nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững, như: các vùng nuôi tôm hùm trọng điểm đều đã được quy hoạch phân vùng gắn với thành lập Ban quản lý vùng nuôi và các Tổ quản lý cộng đồng NTTS để sắp xếp, bố trí và quản lý số lượng lồng nuôi; định kỳ hàng tháng thông báo kết quả quan trắc môi trường và hướng dẫn nuôi trồng thủy sản; hướng dẫn, triển khai hoàn thành công tác đăng ký, đánh số lồng, bè NTTS mặt nước biển; thường xuyên tổ chức tập huấn kỹ thuật NTTS cho người nuôi…

Tôm hùm chết do mưa bão

Tuy nhiên công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản mặt nước biển trên địa bàn thị xã còn nhiều tồn tại, yếu kém; nhất là Công tác quản lý, sắp xếp lồng, bè nuôi trồng thủy sản gặp nhiều khó khăn, không có giải pháp hiệu quả để kiểm soát sự gia tăng số lượng lồng nuôi, dẫn đến tình trạng thả nuôi tràn lan, mật độ lồng bè một số vùng nuôi dày đặc, thả nuôi ngoài vùng quy hoạch, số lượng lượng lồng nuôi đã vượt gấp nhiều lần so với quy định của Phương án phân vùng đã được phê duyệt, ô nhiễm môi trường tại các vùng nuôi ngày càng nghiêm trọng; đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình hình dịch bệnh trên tôm hùm nuôi xảy ra thường xuyên trong thời gian qua.

Hiện trạng nuôi trồng thủy sản mặt nước biển lồng, bè:

Trên địa bàn thị xã hiện có 2.142 hộ nuôi tôm hùm với 1.229 bè (có đăng ký).

Theo thống kê của các xã, phường trong 6 tháng đầu năm 2017 có 7.700 lồng ươm tôm hùm giống các loại, trong đó tôm hùm bông 3.200 lồng và các loại tôm hùm khác (như tôm xanh, tôm sỏi, tôm đỏ,…) 4.500 lồng.

Đối với tôm hùm thịt nuôi từ năm 2016 chuyển sang: trong 6 tháng đầu năm 2017 đã xuất bán 6.600 lồng tôm hùm thịt các loại với sản lượng đạt 190 tấn (bằng 66,7% so với cùng kỳ và bằng 31,7 % so với kế hoạch); số lượng lồng tôm hùm thịt niên vụ 2016 – 2017 còn lại 8.900 lồng tôm các loại (Sản lượng, năng suất tôm hùm giảm mạnh so cùng kỳ là do ảnh hưởng bởi đợt mưa, lũ cuối năm 2016 và  sự cố tôm hùm nuôi chết hàng loạt từ cuối tháng 5/2017).

Đối với tôm hùm thịt thả nuôi trong 6 tháng đầu năm 2017 (từ lồng ươm giống tôm hùm sang lồng nuôi tôm hùm thịt) là 12.000 lồng, trong đó tôm hùm bông 5.800 lồng và tôm hùm khác 6.200 lồng, bằng 2,26 lần so với cùng kỳ. Nguyên nhân nguồn tôm giống nhập từ nước ngoài về nhiều trong khi tôm giống không xuất bán được và được người nuôi chuyển sang nuôi thịt.

Về Nuôi thủy sản mặt nước biển khác: Nuôi cá bớp lồng, bè 250 lồng; nuôi hầu, vẹm xanh xen với ghép trong các vùng nuôi tôm hùm ước khoảng 50 ha; nuôi ốc hương có 5 ha.

Từ giữa năm 2016 đến nay, nghề nuôi tôm hùm lồng, bè ở Sông Cầu bị thiệt hại nặng nề do thiên tai, dịch bệnh và sự cố ô nhiễm môi trường vùng nuôi. Cụ thể:

+ Đợt nắng nóng vào tháng 6/2016 ở vùng nuôi xã Xuân Phương thiệt hại 24.849 kg (tương đương 31.061 con tôm hùm bông), 14.394 kg (tương đương 47.980 con tôm hùm xanh);

+ Đợt mưa, lũ tháng 11 năm 2016: Có 598 hộ nuôi tôm hùm bị thiệt hại 751.423 con (trong đó 21.355 tôm bông/ tương đương 399 lồng và 730.068 tôm các loại/ tương đương 4.675 lồng) và 33 hộ nuôi cá bị thiệt hại 8.463 con.

+ Đợt dịch bệnh sữa trên tôm hùm nuôi ở các xã Xuân Cảnh, Xuân Thịnh, Xuân Phương từ tháng 1-3 năm 2017 đã làm thiệt hại 20% tổng đàn tôm hùm nuôi.

+ Đặc biệt sự cố tôm hùm, cá nuôi chết hàng loạt từ cuối tháng 5/2017 ở 02 xã, phường (Xuân Phương, Xuân Yên) có 1.100 người nuôi thủy sản bị thiệt hại với 2.325.242 con tôm hùm chết, 32.358 con cá (mú, bớp).

Tôm hùm chết do dịch bệnh

Nguyên nhân của việc nuôi nhiều nhưng kém hiệu quả

Để xảy ra tồn tại, yếu kém nêu trên, ngoài nguyên nhân khách quan do thời tiết, thì nguyên nhân chủ quan là do trách nhiệm quản lý của các cơ quan nhà nước và ý thức, trách nhiệm của người nuôi tôm hùm.

Trách nhiệm quản lý nhà nước:

– Chưa có Qui hoạch chi tiết nuôi trồng thủy sản mặt nước biển và chưa ban hành qui định trình tự, thủ tục giao, cho thuê mặt nước biển để NTTS.

– Chưa có giải pháp hiệu quả để kiểm soát sự gia tăng số lượng lồng, bè nuôi, nhất là không kiểm soát được số lượng giống tôm hùm rất lớn từ nước ngoài, dẫn đến nguồn tôm giống thả nuôi không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, đây là nguyên nhân chính làm gia tăng nhanh số lượng lồng nuôi và gây ra dịch bệnh trên tôm nuôi trong thời gian qua.

– Chưa triển khai quyết liệt công tác vận động, tuyên truyền cho người dân nhận thức việc tuân thủ các quy định về nuôi trồng thuỷ sản và vấn đề bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thuỷ sản mặt nước biển.

– Chưa quản lý được việc mua, bán thức ăn tươi sống cho hoạt động NTTS, nhất là tình trạng các xe tải chở thức ăn mua, bán công khai ở các tuyến đường giao thông trên địa bàn thị xã.

– Các Tổ quản lý cộng đồng NTTS đã được thành lập, nhưng chưa thường xuyên chỉ đạo để củng cố, kiện toàn, dẫn đến hoạt động không hiệu quả, nên vùng nuôi chưa được quản lý chặt chẽ theo qui chế đã đề ra, nhất là chưa quản lý được số lượng lồng nuôi, mật độ và bảo vệ môi trường vùng nuôi, nhất là việc thu gom, xử lý chất thải từ hoạt động NTTS.

– Công tác phổ biến, truyền đạt thông tin về hoạt động nuôi trồng thủy sản chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là các thông tin về quan trắc môi trường, cảnh báo dịch bệnh, hướng dẫn NTTS, chưa được truyền đạt kịp thời, sâu rộng đến với người nuôi.

Bè nuôi kín mặt vịnh Xuân Đài

Trách nhiệm của người nuôi tôm hùm.

– Ý thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường vùng nuôi còn nhiều yếu kém là nguyên nhân cơ bản gây nên tình hình dịch bệnh trên các vật nuôi thủy sản trong những năm qua.

– Người nuôi chưa tuân thủ các quy định về nuôi trồng thuỷ sản; nhất là:

+ Công tác quản lý số lượng lồng nuôi, mật độ nuôi chưa được người nuôi quan tâm, làm gia tăng nhanh số lượng lồng nuôi thời gian qua.

+ Nhiều hộ dân tự phát cắm cọc tre, sử dụng lốp xe để nuôi vẹm, hàu làm cản trở quá trình lưu thông nước.

+ Hầu hết các hộ nuôi trồng thủy sản đều không kê khai, đăng ký hoạt động NTTS ban đầu tại UBND các xã, phường theo qui định; làm khó khăn trong công tác quản lý và xác định mức độ thiệt hại để hỗ trợ do thiên tai, dịch bệnh gây ra.

– Công tác tập huấn hướng dẫn kỹ thuật nuôi và phòng, trị bệnh tôm hùm chưa được người nuôi quan tâm, tỉ lệ người tham dự các buổi tập huấn nuôi tôm hùm đều rất thấp so với số lượng triệu tập; sau khi tập huấn không thực hiện theo qui trình kỹ thuật đã được hướng dẫn.

Hiện tượng nước biển nóng lên làm kích cỡ cá biển giảm

Kích cỡ cá biển dự kiến sẽ giảm từ 20% đến 30% nếu nhiệt độ nước biển tiếp tục tăng do biến đổi khí hậu.

Một nghiên cứu mới của các nhà nghiên cứu tại Đại học British Columbia đã đưa ra một giải thích sâu hơn về lý do tại sao cá dự kiến ​​giảm kích thước.

Phó giáo sư William Cheung, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết, các loài cá không thể điều chỉnh được nhiệt độ cơ thể của chúng, khi môi trường nước nóng lên, sự trao đổi chất của chúng sẽ tăng lên và chúng cần thêm oxy để duy trì các chức năng của cơ thể.

Daniel Pauly, tác giả chính của nghiên cứu này và là nhà nghiên cứu chính của Sea Around Us tại Viện Hải dương học, cho biết khi cá phát triển đến độ trưởng thành, nhu cầu oxy tăng lên vì khối lượng cơ thể của chúng lớn hơn. Tuy nhiên, diện tích bề mặt của mang cá – nơi nhận oxy – không phát triển ở tốc độ giống như phần còn lại của cơ thể. Theo ông, nhóm nguyên tắc này giải thích tại sao cá dự kiến giảm kích cỡ.

Chẳng hạn, khi một con cá giống như cá tuyết có tăng trọng lượng cơ thể đạt đến 100%, thì mang cá chỉ tăng đến 80% hoặc ít hơn. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, quy luật sinh học này củng cố dự báo kích thước cá sẽ giảm và thậm chí còn nhỏ hơn so với các nghiên cứu trước đây.

Nước nóng lên làm nhu cầu oxy của cá tăng nhưng biến đổi khí hậu sẽ dẫn đến lượng oxy ít hơn trong các đại dương. Điều này có nghĩa là mang cá sẽ nhận ít oxy hơn để cung cấp cho cơ thể đang phát triển với tốc độ nhanh. Các nhà nghiên cứu cho biết điều này buộc cá ngừng phát triển và dừng lại ở kích thước nhỏ hơn để có thể đáp ứng nhu cầu với lượng oxy giảm.

Một số loài có thể bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi sự kết hợp của các yếu tố này, trong đó có cá ngừ.

Kích cỡ cá giảm sẽ ảnh hưởng đến sản xuất thủy sản cũng như sự tương tác giữa các sinh vật trong hệ sinh thái.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam

Ồ ạt nuôi trồng thủy sản ven bờ

Tình trạng nuôi trồng thủy sản (NTTS) tự phát, ngoài khu vực quy hoạch đang để lại nhiều hệ lụy về môi trường trên vịnh Cam Ranh.

Lồng bè nuôi trồng thủy sản trên vịnh Cam Ranh

Dày đặc ô lồng vùng nước ven bờ

Lâu nay, người dân TP. Cam Ranh và nhiều địa phương lân cận thường đến vịnh Cam Ranh để đầu tư NTTS. Ông Mai Tiều – người dân ở thị trấn Cam Đức (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa), đầu tư nuôi cá trên vùng biển vịnh Cam Ranh cho biết: “Tôi từ Cam Đức vào phường Cam Phúc Nam (TP. Cam Ranh) để đầu tư nuôi cá bớp được mấy năm nay. Những năm trước, việc nuôi trồng khá thuận lợi, hiệu quả mang lại cao nên lồng bè giăng kín một góc vịnh Cam Ranh. Mấy năm gần đây, tuy điều kiện thời tiết khắc nghiệt, môi trường vùng nuôi không đảm bảo nhưng số bè nuôi không có dấu hiệu giảm”.

Ông Hoàng Đình Minh – Chủ tịch Hội Nông dân phường Cam Phúc Nam cho biết: “Thời gian gần đây, số lồng bè NTTS, nhất là nuôi tôm hùm xanh trên vùng biển Cam Phúc Nam tăng đột biến. Hiện nay, toàn phường có 364 bè NTTS, với 4.416 lồng; trong đó số bè nuôi của người dân vãng lai là 59 bè. Nguyên nhân là do tôm hùm xanh đang cho hiệu quả và giống rất rẻ nên người dân đổ xô nuôi”. Cũng theo ông Minh, theo quy hoạch, vùng nước Cam Phúc Nam không còn phát triển NTTS, các chủ bè phải di dời về vùng biển xã Cam Bình. Tuy nhiên, người dân ít lưu tâm mà vẫn vô tư thả nuôi, không chịu di dời nên rất khó quản lý.

Đứng ở ven biển phường Cam Linh, phóng tầm mắt ra vài trăm mét là có thể thấy hàng nghìn ô lồng nuôi tôm hùm san sát, các ghe thuyền phục vụ NTTS phải khó khăn lắm mới có thể luồn lách ra bè. Trên bờ, nhiều lồng nuôi tôm hùm xanh vẫn tiếp tục được làm mới chất đầy đường. Theo ngư dân phường Cam Linh, đầu tư nuôi tôm hùm xanh chi phí ít hơn nhiều so với tôm hùm bông. Tôm hùm xanh giống rẻ, ít dịch bệnh, giá bán khá cao.

Theo bà Nguyễn Thị Châu Pha – Chủ tịch Hội Nông dân phường Cam Linh, cách đây 2 năm, trên địa bàn phường chỉ khoảng 1.500 lồng NTTS, nhưng hiện nay đã lên đến trên dưới 6.500 lồng. Theo quy hoạch, vùng nước khu vực Cam Linh không được NTTS lồng bè. Chính quyền địa phương đã tăng cường tuyên truyền, vận động nhưng người dân vẫn ồ ạt NTTS tại khu vực này.

Không riêng gì ở Cam Linh mà nhiều địa phương khác ven vịnh Cam Ranh cũng có chung tình trạng trên.

Những hệ lụy

Ông Lê Minh Hải – Trưởng phòng Kinh tế TP. Cam Ranh cho biết, thành phố hiện có hơn 33.100 lồng NTTS, trong đó có hơn 80% là lồng nuôi tôm hùm xanh, tăng gần 4.000 lồng so với thời điểm đầu năm 2017, gấp nhiều lần so với quy hoạch phát triển NTTS trên vịnh Cam Ranh. Theo số liệu tổng hợp giám sát dịch bệnh của Trạm Chăn nuôi và Thú y Cam Ranh, từ đầu năm 2017 đến nay, tình hình dịch bệnh trên tôm hùm nuôi tại Cam Ranh diễn biến khá phức tạp. Vào thời điểm tháng 3, tỷ lệ tôm hùm chết (chủ yếu có độ tuổi từ 3 đến 5 tháng) ở một số vùng nuôi lên đến 30%. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do khu vực nuôi lồng bè gần bờ, mật độ nuôi dày, chưa có các quy định hay quy chế vệ sinh chung cho vùng nuôi nên gây ô nhiễm vùng nuôi, dẫn đến phát sinh dịch bệnh trên thủy sản nuôi.

Theo lãnh đạo UBND TP. Cam Ranh, vấn đề cần quan tâm nhất hiện nay đối với NTTS trên vịnh Cam Ranh là yếu tố môi trường. Thực tế, nhu cầu NTTS của người dân rất lớn, trong khi quy hoạch vùng nuôi tại Cam Bình diện tích chỉ 187ha, không đáp ứng được nhu cầu của người dân. Mặt khác, các hộ NTTS cho rằng khu vực quy hoạch xa, nước sâu, sóng gió lớn, trong khi kết cấu lồng bè chưa đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, do chưa có chế tài cụ thể, một số địa phương còn buông lỏng công tác quản lý nên tình trạng NTTS tự phát vẫn diễn ra.

Được biết, hiện nay, TP. Cam Ranh đã triển khai cắm mốc, vận động người dân di dời lồng bè đến vùng quy hoạch ở xã Cam Bình nhưng các hộ NTTS chưa thực hiện. Để giải quyết tình trạng này, UBND TP. Cam Ranh đã đề nghị bổ sung vào Quy hoạch phát triển ngành Thủy sản tỉnh giai đoạn 2016 – 2025, tầm nhìn đến năm 2035 thêm 200ha đến 300ha mặt nước ven bờ phục vụ NTTS.

Theo Đề án Quy hoạch phát triển ngành Thủy sản tỉnh giai đoạn 2016 – 2025 và định hướng đến năm 2035 được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh, đến năm 2020, nuôi thủy sản biển trên vịnh Cam Ranh sẽ tập trung vào các đối tượng chính gồm: tôm hùm 28.000 lồng, cá biển 2.000 lồng. Đối với các vùng nuôi ven bờ sẽ di dời toàn bộ diện tích nuôi lồng bè hiện có ở phía tây vịnh Cam Ranh ra khu vực Cam Lập, Cam Bình; khuyến khích các hộ nuôi chuyển sang nuôi lồng bè công nghiệp khu vực phía đông xã Cam Lập…

Nguồn: tổng hợp bởi Farmtech VietNam

Bột vỏ chanh làm tăng khả năng sinh trưởng và miễn dịch của cá

Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cho thấy bổ sung bột vỏ chanh vào thức ăn có thể kích thích tăng trưởng và hoạt động miễn dịch của cá

.

Tác dụng bột vỏ chanh với động vật thủy sản.

Chanh (Citrus limon) là loài thực vật có múi quan trọng thứ ba trên thế giới, trong đó Tây Ban Nha là quốc gia sản xuất chính ở châu Âu. Nhiều tác dụng có lợi của chanh đã được biết, điều này giải thích việc sử dụng chúng một cách rộng rãi trong y học cổ truyền.

Bột vỏ chanh

Bài báo cáo này mô tả ảnh hưởng của vỏ chanh (sản phẩm phụ của ngành công nghiệp tinh dầu chanh) đối với khả năng tăng trưởng, miễn dịch và chống oxy hoá của cá tráp (Sparus aurata L.) trong thời gian 30 ngày.

Thí nghiệm

Cá được phân chia ngẫu nhiên thành ba bể (mỗi bể 12 cá thể), tương ứng với ba nhóm: đối chứng (chế độ ăn không bổ sung bột vỏ chanh – DLP), chế độ ăn uống bổ sung 1,5% DLP và chế độ ăn uống bổ sung 3% DLP. Cá được cho ăn với lượng thức ăn 1,5% trọng lượng cơ thể/ngày trong 30 ngày.

Kết quả

Cá nuôi có chế độ ăn bổ sung bột vỏ chanh vào thức ăn (1,5% và 3%) trong 15 ngày cho thấy sự tăng trưởng tốt hơn và cả hệ thống miễn dịch (Serum immunoglobulin M) và hoạt động của tế bào (peroxidase và khả năng thực bào) tăng lên đáng kể.

Hoạt tính của các enzyme chống oxy hóa cũng có biểu hiện tăng lên và các gen chống stress trong gan đã được cải thiện theo chế độ ăn. Tuy nhiên sau 30 ngày thí nghiệm, khác biệt lại không có ý nghĩa. Điều này chứng tỏ đáp ứng miễn dịch của chế độ ăn bổ sung bột vỏ chanh đạt được trong thời gian ngắn (15 ngày).

Kết luận

Từ các kết quả nghiên cứu trên, có thể kết luận bột vỏ chanh (DHP) có thể được đưa vào chế độ ăn của cá có để tạo ra các hiệu ứng miễn dịch trong một thời gian ngắn một cách rất hiệu quả.

Nguồn: tạp chí Sciencedirect được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam

Sản xuất thành công giống cá khế vằn: Góp phần đa dạng đối tượng nuôi

Đạt giải nhì trong hội thi Sáng tạo Khoa học – Kỹ thuật tỉnh Khánh Hòa lần thứ VII, đề tài kỹ thuật sản xuất thành công giống nhân tạo cá khế vằn (còn gọi cá bè đưng hoặc cá bè vàng) của kỹ sư Lê Thị Như Phượng đã góp phần làm đa đạng đối tượng thủy sản nuôi cho người dân.
Theo kỹ sư Lê Thị Như Phượng (Doanh nghiệp tư nhân Phương Hải, TP. Nha Trang), Khánh Hòa là tỉnh ít chịu ảnh hưởng của bão lụt nên rất thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là việc sản xuất giống. Hiện nay, người dân các tỉnh ven biển trong cả nước nói chung và ở Khánh Hòa nói riêng nuôi lồng bè chủ yếu các loài như: cá mú, cá bớp, cá chim vây vàng… Các loài cá này đã chủ động được nguồn giống, nhưng gần đây xảy ra nhiều dịch bệnh, làm cho một số hộ nuôi thua lỗ, muốn chuyển sang đối tượng nuôi khác để thay đổi môi trường nuôi và thị trường tiêu thụ.
Nắm bắt được tình hình trên, cùng với sự gợi ý của một vài hộ nuôi thủy sản ở huyện Vạn Ninh, năm 2015, kỹ sư Phượng hình thành nên ý tưởng sản xuất giống nhân tạo cá bè đưng. Đây là loại cá thịt trắng, thơm ngon, có giá trị kinh tế cao, được thị trường nội địa ưa chuộng. Ở Việt Nam, cá bè đưng chỉ phân bố ở huyện Vạn Ninh và đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Loại cá này đã được người dân ở 2 địa phương trên nuôi thương phẩm bằng nguồn giống đánh bắt ngoài tự nhiên. Nhưng nguồn giống này ngày càng khan hiếm, trong khi đó, trên cả nước chưa có cơ sở, viện nghiên cứu nào nghiên cứu sản xuất loại giống cá này để cung ứng nguồn giống ổn định cho người dân.

Kỹ sư Phượng bên cạnh cá bè đưng trưởng thành thành thục

Do sự khan hiếm nguồn cá giống, kỹ sư Phượng phải “nằm vùng” ở huyện Vạn Ninh thời gian dài để tìm mua nguồn cá bố mẹ. Sau khi tìm được 170 cặp bố mẹ, chị tiến hành nuôi, vừa tự nghiên cứu sản xuất các loại thức ăn phù hợp cho cá. Qua 1 năm, khi các cặp cá giống phát triển thành thục được cho sinh sản nhân tạo bằng cách thử nghiệm tiêm kích dục tố với các liều lượng khác nhau. Sau nhiều lần thử nghiệm, các cặp cá bố mẹ đã sinh sản hơn 15 triệu cá bột. “Từ cá bột, chúng tôi ươm nuôi sản xuất được hơn 400.000 con cá giống đạt kích cỡ 4 – 6cm/con và đã xuất bán cho nhiều hộ nuôi ở tỉnh Khánh Hòa, Vũng Tàu, Kiên Giang, Quảng Ngãi, Huế… Qua nuôi thử nghiệm cho thấy, loại cá này dễ nuôi vì ăn tạp, có khả năng sống trong vùng nước lợ, nguồn thức ăn dễ tìm. Đặc biệt, cá sống thành bầy đàn, ăn nổi nên dễ quan sát, dễ quản lý môi trường nuôi hơn so với các loài sống ở tầng đáy hoặc sống ẩn nấp như: cá mú, cá chình. Hiện nay, cơ sở chúng tôi đang tiếp tục hoàn thiện quy trình sản xuất cá giống để đáp ứng các đơn đặt hàng trong và ngoài tỉnh”, kỹ sư Phượng cho hay.
Ông Trịnh Văn Tèo, hộ nuôi thủy sản ở thôn Đầm Môn, xã Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh) cho biết, năm ngoái, biết được kỹ sư Phượng sản xuất thành công giống nhân tạo cá bè đưng, xác định đây là loại có giá trị kinh tế cao nên gia đình ông đặt mua hơn 1.000 con giống để thả nuôi thử nghiệm, song song với nuôi tôm hùm. “Hiện nay, đàn cá phát triển khá tốt. Với giá thương phẩm trên thị trường dao động từ 130.000 đến 150.000 đồng/kg, trừ hao hụt, khi xuất bán với cân nặng khoảng 1,2 – 1,5 kg/con, tôi dự kiến sẽ thu lời được gần gấp đôi vốn bỏ ra”, ông Tèo nói.
Được biết, ngoài sản xuất giống nhân tạo cá bè đưng, từ năm 1999 đến nay, kỹ sư Phượng còn tự mày mò nghiên cứu sản xuất thành công giống nhân tạo cá chẽm mõm nhọn, cá mú, cá bớp, cá gáy biển, cá bè vẩu.
Có thể nói, việc sản xuất thành công loại cá này góp phần thúc đẩy nghề nuôi cá biển, đa dạng hóa đối tượng nuôi và tăng hiệu quả kinh tế cho người nuôi thủy sản ở tỉnh Khánh Hòa nói riêng và cả nước nói chung.

Nữ kỹ sư bên bè cá bè đưng

* Cá bè đưng thân cao, hình quả trám, dẹp hai bên, trán dốc phía trên mặt tạo thành hình rất cong. Vây lưng thứ 2 có 1 tia cứng và 19 – 20 tia mềm. Vây ngực hình lưỡi liềm. Cá có màu vàng với nhiều sọc đen trên thân. Thức ăn của cá là các loại cá, giáp xác và động vật thân mềm. Môi trường sống của cá ở tầng nổi trên cát và đá, thường gặp nhất ở vùng biển ven bờ với độ mặn thấp. Cá bè đưng thường đẻ trứng vào ban đêm tại những thời điểm khác nhau trong năm, tập trung vào những tháng có khí hậu ấm.

Nguồn : Internet, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Nuôi cá công nghiệp trên vùng biển Phú Quốc

Nuôi cá trên biển theo hướng công nghiệp được Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Trấn Phú (Công ty Trấn Phú) triển khai trên vùng biển xã Gành Dầu, huyện Phú Quốc, Kiên Giang. Mô hình này bước đầu đạt được những thành công nhất định, mở ra hướng đi mới cho nghề nuôi cá biển ở huyện đảo này.

Nuôi cá lồng bè ở Phú Quốc

Để khai thác tiềm năng kinh tế biển, cuối năm 2016, sau khi UBND tỉnh Kiên Giang cho chủ trương, Công ty Trấn Phú quyết định đầu tư thực hiện mô hình nuôi cá biển theo quy mô công nghiệp trên vùng biển xã Gành Dầu, huyện Phú Quốc. Giai đoạn I, Công ty Trấn Phú triển khai đầu tư quy mô 3ha mặt biển với 4 lồng tròn nuôi cá thương phẩm theo công nghệ Na Uy. Kinh phí đầu tư cho mỗi lồng nuôi là gần 650 triệu đồng. Toàn bộ quy trình nuôi, chăm sóc và kiểm soát dịch bệnh do Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 chuyển giao.

Trong giai đoạn I, Công ty Trấn Phú thả nuôi 163.000 con cá chim trắng và cá hồng mỹ. Đến nay, sau thời gian nuôi hơn 7 tháng thử nghiệm trên vùng biển cách xa đất liền, cá có khả năng chống chịu tốt với môi trường, nên tỷ lệ cá sống đạt gần 90%. Theo ông Thái Bảo Trấn, Giám đốc Công ty Trấn Phú, đầu tư lồng bè tròn theo công nghệ Na Uy tuy kinh phí cao, nhưng độ bền và chắc chắn, có thể chịu sóng lớn cấp 10, an toàn hơn so với cách nuôi bè truyền thống; đồng thời vừa hạn chế ô nhiễm môi trường trên biển, vừa tạo ra những tấn cá sạch cung cấp thị trường trong và ngoài nước.

Kiên Giang là tỉnh có diện tích ngư trường khá lớn, trên 63.000km2, với gần 200km bờ biển – thuận lợi để phát triển nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Tính đến nay, toàn tỉnh có 2.737 lồng bè nuôi cá trên biển, thu hoạch đạt sản lượng trên 1.300 tấn, chủ yếu thả nuôi các loại cá mú và cá bớp, tập trung chủ yếu ở vùng biển Phú Quốc, Kiên Hải, Kiên Lương và thị xã Hà Tiên. Tuy nhiên, nghề nuôi cá lồng bè thương phẩm hiện nay tại Kiên Giang vẫn còn quy mô nhỏ lẻ. Bè nuôi có kết cấu thô sơ, chủ yếu tự chế bằng gỗ, luôn phải di dời tránh gió bão theo mùa.

Nuôi cá lồng bè ở Phú Quốc

Để nghề nuôi cá lồng bè bền vững tại Kiên Giang, ngoài điều kiện tự nhiên, nguồn thức ăn và cá giống thả nuôi phải đa dạng, thì việc phát triển nghề nuôi này cần tổ chức lại sản xuất theo chuỗi liên kết từ lồng nuôi đến thị trường tiêu thụ. Nuôi cá biển công nghiệp theo công nghệ lồng bè tiên tiến lại thả nuôi xa bờ giúp tránh ô nhiễm nguồn nước so với nuôi lồng bè thô sơ, năng suất lại đạt cao hơn. Tuy nhiên, để mô hình nuôi cá lồng bè trên biển theo hướng công nghiệp phát triển bền vững mở ra hướng đi mới cho ngư dân, vấn đề đặt ra là Kiên Giang cần phải tính đến quy hoạch vùng nuôi ổn định để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, giúp người dân Kiên Giang làm giàu từ biển mà vẫn không làm ảnh hưởng đến môi trường và hoạt động du lịch.

Ông Huỳnh Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, cho biết: Hiện nay, cùng với đầu tư phát triển du lịch, Phú Quốc xác định khai thác đánh bắt và nuôi trồng thủy sản là một trong những lĩnh vực quan trọng, vừa đa dạng các sản phẩm đặc trưng phục vụ du khách, vừa tăng thu nhập cho cư dân trên đảo. Huyện Phú Quốc cũng khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân đầu tư nâng cấp tàu thuyền, ngư cụ, trang thiết bị hiện đại để đánh bắt xa bờ, nâng cao chất lượng thủy – hải sản. Đặc biệt, chú trọng phát triển loại hình câu, thẻ kết hợp với nuôi trồng thủy sản ven bờ, nuôi cá lồng bè trên biển để cung cấp nguồn thủy – hải sản tươi sống có giá trị kinh tế cao đáp ứng nhu cầu ẩm thực của người dân và du khách.

 

 

Nguồn: đã kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật sản xuất giống cá bớp

Cá bớp (cá bóp, cá giò) được nuôi ngày càng nhiều, đặc biệt là ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Phú Yên, Khánh Hòa, Vũng Tàu, Kiên Giang. Cá dễ nuôi, tăng trưởng nhanh, giá trị cao nhưng lại hạn chế về nguồn giống. Do đó, cần đẩy mạnh sản xuất giống cá bớp để đáp ứng nhu cầu về nguồn giống.

Cá bớp

Kỹ thuật sản xuất giống cá bớp

Nuôi vỗ cá bố mẹ

Địa điểm: Lồng nuôi vỗ phải được đặt ở nơi ít sóng gió, dòng chảy nhẹ từ 0,2 – 0,5 m/s, độ mặn 25 – 32‰, độ trong > 2m. Kích thước lồng 3mx6mx3m hoặc 10x10x10m, kích cỡ mắt lưới thích hợp là 2a=10cm.
Tuyển chọn cá bố mẹ: Chọn những con cá bố mẹ khỏe mạnh, trọng lượng từ 8 – 10 kg/con.  Nuôi vỗ với mật độ 5 – 6kg cá/1m3 lồng.
Nuôi vỗ cá bố mẹ: Chia làm 3 thời kỳ:
Nuôi duy trì: Thời gian nuôi vỗ từ tháng 6 – 9, thức ăn là cá tạp tươi, khẩu phần cho ăn bằng 3% trọng lượng thân. Đối với cá đã nuôi vỗ từ năm trước nhưng không cho đẻ thì dùng LRHa (liều lượng 10 – 15mg/kg cá mẹ) tiêm để loại bỏ hết sản phẩm sinh dục cũ, thời gian tiêm từ ngày 5 – 15/7. Đối với cá mới tuyển chọn lần đầu không cần tiêm.
Nuôi vỗ tích cực: Kéo dài từ tháng 10 – 12, lượng cho ăn bằng 5% trọng lượng thân, thức ăn bổ sung một số loại cá có chất lượng cao như mực, cá nục…
Nuôi vỗ thành thục: Từ tháng 1 năm sau cho đến khi cá đẻ. Đây là thời kỳ rất quan trọng, giảm khẩu phần thức ăn xuống từ 2 – 2,5% trọng lượng thân. Tuy nhiên, giai đoạn này cần bổ sung khoáng, các vitamin.

Sau thời gian nuôi vỗ, tiến hành chọn cá đã thành thục sinh dục (10 – 12 kg/con) để tiêm chất kích thích sinh sản: cá cái thành thục sinh dục có biểu hiện bụng căng tròn đều, lỗ sinh dục to và ửng hồng hay có thể dùng que thăm trứng có đường kính 1,2 mm. Khi trứng cá có màu vàng sậm, đường kính trứng đạt từ 0,7 mm trở lên và khi quan sát trứng bằng dung dịch sera nếu thấy nhân lệch hơn 50% trên tổng số trứng quan sát thì ta chọn cá để cho sinh sản. Đối với cá đực, cũng tiến hành lấy sẹ tương tự như lấy trứng, khi sẹ có màu trắng đục và có khả năng hòa tan nhanh trong môi trường nước.

Cá bớp được nuôi vỗ

 Kỹ thuật sinh sản cá bớp

Chuẩn bị bể đẻ: Bể đẻ tốt nhất là hình tròn, thể tích từ 50-150m3, chiều cao 2,5m. Nước được cấp từ dưới đáy bể lên để nước trong bể chảy thành dòng xoáy. Mỗi bể lắp từ 6 – 10 vòi sục khí mạnh. Trước khi đưa cá vào bể đẻ phải cấp nước đầy.

Tiêm kích dục tố LHRH-a với liều lượng 20µg/kg cho cá cái. Không cần tiêm cho cá đực.

 Thu trứng, tách và ấp trứng

Thu trứng: Trứng vớt được phải chuyển ngay vào bể hoặc thùng đựng trứng đặt trong bóng tối và có sục khí.
Tách trứng: Đưa trứng cá vào nước có độ mặn 35 – 36‰, những trứng tốt sẽ trương nước, có kích thước giọt dầu lớn và nổi lên mặt nước. Những trứng chìm và ở sâu trong tầng nước là trứng xấu, phải loại bỏ. Tách trứng từ 3 – 4 lần, mỗi lần cách nhau 3 giờ để loại bỏ hết trứng xấu và cho vào ấp.
Ấp trứng: Môi trường nước ấp trứng cần đảm bảo các điều kiện như độ pH từ 8 – 8,5; độ mặn 35 – 36‰; nhiệt độ nước 24 – 28 độ C. Mật độ ấp từ 400 – 500 trứng/l, bể ấp được sục khí nhẹ và liên tục trong suốt quá trình ấp. Cấp nước có độ mặn 30 – 32‰ liên tục vào bể, khi trứng nở độ mặn sẽ hạ xuống còn 31 – 32‰ (bằng với độ mặn bể ương và có thể chuyển ấu trùng mới nở sang bể ương đã chuẩn bị sẵn)

Ương ấu trùng

Có thể ương ấu trùng cá bớp trong bể xi măng, bể composite hay ao đất. Ao nuôi có diện tích 400 – 500 m2, sâu 1 – 1,2 m. Cần cải tạo kỹ và bón phân để gây màu và thức ăn tự nhiên trong ao nước khi thả ấu trùng ương. Nếu thức ăn tự nhiên kém thì phải bổ sung luân trùng. Mật độ ương trong ao là 1.500 – 2.000 con/m2. Sau 22 – 25 ngày ương, có thể cho ấu trùng ăn thức ăn nhân tạo bổ sung.

Mật độ ấu trùng trong bể ở các giai đoạn khác nhau như sau:

Giai đoạn 1 – 10 ngày tuổi: 70 – 80 con/lít

Giai đoạn 11 – 20 ngày tuổi: 20 – 30 con/lít

Giai đoạn 21 – 30 ngày tuổi: dưới 10 con/lít.

Thức ăn cho ấu trùng ương cho bể bao gồm tảo (Chlorella, Isochrysis, Tetraselmis) với mật độ 40.000 – 60.000 tế bào/ml cho giai đoạn 3 – 8 ngày tuổi, luân trùng 7 – 10 cá thể/ml cho giai đoạn đầu đến 12 ngày tuổi và Artemia 2 – 5 cá thể/ml từ ngày 17 – 18.

Luyện cho cá ăn thức ăn hỗn hợp hay thức ăn công nghiệp từ ngày 11. Khi cá đạt 22 ngày tuổi (2 – 3 cm/con) thì cho ăn chủ yếu thức ăn hỗn hợp hay công nghiệp.

Cần duy trì nước ương với độ mặn 28 – 30‰, nhiệt độ 24 – 300C và tốt nhất không thay đổi quá 1oC trong 1 ngày đêm, pH 7,5 – 8,5. Luôn luôn giữ hàm lượng ôxy trong nước lớn hơn 6 mg/l. Hàng ngày tiến hành tháo rốn bể và xi phông đáy đưa xác cá chết và thức ăn thừa ra khỏi bể ương, vệ sinh trống lọc và vớt váng.

Ấu trùng mới nở dài 2,5 mm và chưa có sắc tố, một ngày tuổi dài 3 mm, trong suốt, dọc lưng có một mảnh màu xanh nhạt và điểm mắt màu đen, tích cực vận động trên mặt nước.

Ngày thứ 10 đã có sự thay đổi lớn so với ấu trùng một ngày tuổi. Miệng, đầu, mắt đã phát triển hoàn chỉnh, vây ngực hiện rõ, chưa có vây bụng, cơ thể có màu nâu nhạt và dài khoảng 5 – 10 mm.

Từ ngày tuổi 25, cá bắt đầu phân đàn nhanh, vì thế phải thường xuyên phân cỡ cá để tránh hiện tượng chúng ăn thịt lẫn nhau (Chú ý: Khi cá còn nhỏ dùng gáo múc cả cá và nước không dùng vợt để vớt, khi cá lớn 5 – 6 cm trở lên mới được dùng vợt để vớt).

Cá bớp giống

Sau 30 ngày tuổi cá đã giống với cá trưởng thành: Vây đuôi xòe rộng dạng nan quạt, xuất hiện hai dải sắc tố màu vàng nhạt hai bên thân chạy dọc cơ thể từ đầu đến cuối đuôi, cá dài 6 – 9 cm thì chuyển nuôi thương phẩm. Tỷ lệ sống giai đoạn ương 0 – 25 ngày tuổi khoảng 15 – 20% và 25 – 50 ngày tuổi là 40 – 50%.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Tìm hiểu về bệnh ở cá ngừ nuôi lồng và biện pháp phòng trị

Cá ngừ đại dương là một trong các đối tượng thủy sản xuất khẩu chủ lực của nước ta, đứng hàng thứ ba về giá trị xuất khẩu sau tôm sú và cá tra/cá basa. Tuy nhiên, sản phẩm cá ngừ dành cho xuất khẩu hiện nay đều được khai thác từ ngoài biển khơi.

 cá ngừ nuôi lồng

Cho đến nay, ở nước ta chưa có nghề nuôi cá ngừ đại dương. Nói chính xác hơn, đã có một vài doanh nghiệp tiến hành nuôi thử nghiệm cá ngừ trong lồng lưới ở ngoài vịnh và bước đầu đã rút ra được những bài học kinh nghiệm quý giá.

Do vậy, để đáp ứng đòi hỏi của tiêu thụ nội địa và chủ động trong việc tạo nguồn nguyên liệu để chế biến xuất khẩu, gia tăng giá trị cho sản phẩm và giảm áp lực lên khai thác nguồn lợi thủy sản tự nhiên, trong tương lai rất cần hình thành và phát triển nuôi cá ngừ đại dương – một nghề mang lại nhiều lợi ích cả về phương diện kinh tế và xã hội.

Trong quá trình triển khai thực hiện đề tài cấp nhà nước “Nghiên cứu nuôi thương phẩm cá ngừ vây vàng (Thunnus albacares) và cá ngừ mắt to (Thunnus obesus) tại Việt Nam”, nhóm cán bộ nghiên cứu của Viện nghiên cứu Hải sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đã tiến hành nuôi cá ngừ trong lồng đặt tại vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Trong thời gian nuôi đã phát hiện một số cá thể bị chết vì những nguyên nhân khác nhau như cá bị mắc lưới hoặc cá có dấu hiệu bị bệnh. Ngoài ra, cũng có những cá thể bị chết không rõ vì lý do gì (?).

Riêng đối với cá ngừ bị chết do có dấu hiệu bệnh lý, đề tài đã tiến hành thu mẫu để tìm hiểu các bệnh thường gặp ở cá nuôi lồng như bệnh ký sinh trùng, bệnh vi khuẩn, bệnh nấm, bệnh virus, và nhận thấy cá ngừ nuôi chủ yếu mắc bệnh ký sinh trùng. Bên cạnh đó còn một số cá thể mắc bệnh vi khuẩn.

  1. Bệnh ký sinh trùng

Cá ngừ nuôi lồng bị nhiễm ký sinh trùng thường có các dấu hiệu bệnh lý sau: Cá xuất hiện các vết thương ở trên thân cá và có biểu hiện ngứa ngáy, bơi nhanh xung quanh lồng rồi bơi lên mặt lồng, thỉnh thoảng bắt gặp cá bị mù mắt (được gọi là hiện tượng “nổ mắt”).

Đã phát hiện 3 loài ký sinh trùng nhiễm trên cá ngừ nuôi lồng có dấu hiệu bệnh được thu mẫu, gồm: trùng quả dưa nước mặn Cryptocaryon irritans ký sinh ở mang cá với tỷ lệ nhiễm là 36%, trùng lông Paranophrys sp. ký sinh ở mang và da cá với tỷ lệ nhiễm 28%, và rận cá Caligus sp. ký sinh ở da cá với tỷ lệ nhiễm 24%. Cả 3 loài ký sinh trùng này đều nhiễm trên cá ngừ nuôi với cường độ thấp. Điều đáng nói là chỉ phát hiện thấy cá ngừ nuôi bị nhiễm ký sinh trùng khi chúng có kích cỡ dưới 15 kg và vào những lúc môi trường nước biển bị đục, độ trong của nước thấp (chỉ từ 1,5 đến 2 mét).

  1. Bệnh vi khuẩn

Cá ngừ nuôi lồng mắc bệnh vi khuẩn do bị nhiễm Vibro sp. gây bệnh xuất huyết, và thường xuất hiện các dấu hiệu bệnh lý như vây bị ăn mòn, thối rữa, mắt bị lồi và xuất huyết. Khi mổ cá thấy cá có dấu hiệu đặc trưng của bệnh do vi khuẩn gây ra là dưới cơ thịt cá bị xuất huyết.

* Một số biện pháp phòng trị bệnh cho cá ngừ nuôi lồng:   

Công tác quản lý sức khỏe và phòng trị bệnh cho các đối tượng thủy sản nuôi là rất cần thiết nhằm tránh rủi ro vì dịch bệnh gây ra, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả nuôi và tạo ra sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Với cá ngừ nuôi lồng cũng vậy. Trong quá trình nuôi cá, phải theo dõi chặt chẽ chế độ cho ăn hàng ngày, quan sát mọi hoạt động của cá để có những biện pháp xử lý đúng và kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra. Tuy nhiên, do cá ngừ có đặc điểm bơi liên tục và với tốc độ cao nên nếu xảy ra hiện tượng cá bị bệnh, người nuôi sẽ vô cùng khó khăn (nếu không nói là không thể thực hiện được) khi bắt cá ra khỏi lồng để chữa trị. Do đó, một việc vô cùng quan trọng là phải tích cực phòng bệnh và nâng cao sức đề kháng với bệnh của cá ngừ nuôi.

Để phòng trị bệnh cho cá ngừ nuôi, cần áp dụng một số biện pháp sau:

– Khử trùng khu vực nuôi cá: Treo thuốc khử trùng dạng viên sủi có hoạt chất chính là trichloisocyanuric axit ở xung quanh lồng, với liều lượng 4 viên (100 gam) cho một lồng hình trụ tròn (đường kính 16 mét, chu vi miệng lồng 50 mét, chiều cao lưới 10 mét) để khử trùng vùng nuôi. Việc treo thuốc được thực hiện liên tục trong suốt thời gian nuôi cá.

– Nâng cao sức đề kháng và phòng bệnh cho cá nuôi bằng cách bổ sung các vitamin C và E vào thức ăn của cá 2 lần mỗi tuần với liều lượng bằng 0,5% khối lượng thức ăn cho cá.

– Cần đặt lồng nuôi cá ngừ ở vùng nước có độ trong lớn (thường trên 5 mét) và xa các khu vực nuôi cá lồng bè khác. Cũng cần sử dụng lồng nuôi có kích thước lớn hơn, chu vi miệng lồng hơn 100 mét, để cá ngừ có khoảng không gian bơi lội rộng hơn, phù hợp với đặc điểm vận động của cá, giảm nguy cơ cá lao đầu vào lưới xung quanh lồng và bị chết.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Cá dìa – loài nuôi nước lợ đáng giá

Đặc điểm sinh học

Cá dìa có hình bầu dục dẹt 2 bên, mắt to tròn, đầu nhỏ, thân trơn nhẵn, màu hơi đen, trên thân có những chấm vàng sẫm, bụng màu bạc, vây lưng và vây hậu môn có gai cứng. Cá trưởng thành dài 25 – 30cm, trọng lượng 1 – 2kg, ngoài tự nhiên thường bắt được cá khoảng 0,5 – 0,7kg.

cá dìa

Ở nước ta, cá dìa có ở hầu hết các tỉnh ven biển; trong đó nhiều nhất tại các vùng biển Quảng Thái (Thừa Thiên – Huế), vùng hạ lưu sông Thu Bồn và các bãi bồi thuộc tỉnh Quảng Nam, vùng hạ lưu sông Hiếu và sông Bến Hải (Quảng Trị)…

Cá dìa là loại di cư và sống theo bầy đàn. Chúng thành thục sau 1 – 2 năm tuổi, sinh sản ở vùng nước lợ. Khi còn nhỏ, chúng sống chủ yếu ở vùng đầm phá cửa sông, trưởng thành thì di cư ra biển, tìm đến các ghềnh đá, bãi san hô… để sinh sản. Mùa sinh sản (tháng 5 – 6 dương lịch), trứng cá nở thành cá bột theo thủy triều dạt vào các bãi bồi để sinh trưởng và phát triển. Cá dìa thích ứng nồng độ muối trong nước biển từ 5 đến 37‰ và sinh trưởng thích hợp nhiệt độ 24 – 280C.

Cá dìa hoạt động và kiếm mồi ban đêm, thức ăn chủ yếu là thực vật thủy sinh, mùn bã hữu cơ; trong điều kiện nuôi, chúng có thể ăn thức ăn tổng hợp.

Ngoài tự nhiên, cá dìa sau 1 năm tuổi có thể đạt trọng lượng trung bình 0,4 kg/con. Trong điều kiện nuôi, chúng có thể đạt trọng lượng 0,5kg sau 6 tháng. Cá sử dụng tốt thức ăn tự chế và thức ăn công nghiệp với hàm lượng đạm 20 – 25%.

Đối tượng nuôi đa dạng

Nhờ đặc tính ăn tạp nghiêng về thực vật và mùn bã hữu cơ, cá dìa được nuôi ghép với tôm sú. Trong ao nuôi, cá dìa tận dụng tốt nguồn rong, tảo và một phần thức ăn thừa cùng mùn bã hữu cơ, giúp môi trường nước nuôi sạch hơn, giảm thiểu dịch bệnh. Với giống lớn, mật độ thả ghép thưa (0,5 – 1 con/m2) sau 4 – 5 tháng nuôi cùng tôm, cá dìa có thể cho thu hoạch 0,8 – 1 tấn/ha, tỷ lệ sống 60% trở lên lợi nhuận ước đạt 70 – 80 triệu đồng/ha. Quan trọng hơn cả, khi nuôi ghép với tôm sú, tôm vẫn phát triển tốt, ít dịch bệnh, giảm được chi phí thuốc và hóa chất trong quá trình nuôi.

Ngoài ra, cá dìa còn là đối tượng nuôi chính trong ao nuôi tôm bị dịch bệnh; vừa mang lại hiệu quả kinh tế, đồng thời giúp tiêu diệt mầm bệnh tồn lưu trong ao tôm. Với mật độ thả 2 – 3 con/m2, sử dụng thức ăn tự chế hoặc cám công nghiệp, sau 10 – 12 tháng nuôi, cá có thể đạt trọng lượng 0,6 – 1 kg/con. Đặc biệt, cá dìa ăn tạp nên tính cạnh tranh của cá thấp, tỷ lệ sống cao.

Hiện nay, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I, Đại học Huế, Đại học Nha Trang, Đại học Cần Thơ đã thử nghiệm sản xuất giống cá dìa nhân tạo thành công, nhưng số lượng con giống còn hạn chế. Do vậy, nguồn giống cá dìa vẫn chủ yếu từ tự nhiên, hàng năm vào tháng 6 – 7 dương lịch, hoặc tháng 9, 10, tập trung nhiều ở các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Khánh Hòa, Bình Thuận, giá bán 3 – 4 nghìn đồng/con, kích cỡ 3 – 4cm.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Một số lưu ý khi nuôi cá biển lồng bè

Thời gian qua, bà con ở một số địa phương người dân nuôi cá biển lồng bè bị thiệt hại khá nặng nề vì nhiều lý do như ô nhiễm chất thải, chọn vị trí nuôi chưa phù hợp, công tác quản lý chăm sóc không tốt chưa thật sự bảo đảm các yếu tố cần thiết dẫn đến cá chậm lớn, bỏ ăn thậm chí là chết…. Để phòng tránh một số thiệt hại không đáng có, xin lưu ý bà con nuôi cá biển lồng bè một số vấn đề sau:

  1. Chọn địa điểm nuôi.Người nuôi chú ý chọn khu vực gần cửa biển, nơi có nhiều động thực vật phù du và chọn nơi có các yếu tố như độ mặn, pH, hàm lượng ôxy phù hợp; Độ sâu phải bảo đảm đáy lồng cách đáy biển, đáy sông ít nhất 2 – 3m; Tránh nơi sóng to, gió lớn như sóng cao trên 2m và tốc độ dòng chảy lớn vì như vậy có thể làm hư hỏng lồng nuôi, trôi thức ăn, làm cho cá hoạt động yếu gây chậm lớn và dễ sinh bệnh; Cần tránh xa những nơi gây ô nhiễm dầu, ô nhiễm chất thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt và tàu bè qua lại nhiều; Nơi nằm trong vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản lồng bè của chính quyền địa phương, thuận lợi giao thông, dễ dàng vận chuyển, với các thông số:

– Độ sâu: Độ sâu lý tưởng cho các khu nuôi cá biển ven bờ là ở các vùng nước cửa biển, nơi có độ sâu dao động từ 8m trở lên.

– Độ mặn: Ở ngưỡng từ 10-33 %o. Nhưng tốt nhất ở ngưỡng 25-28%o.

– pH: Ngưỡng pH tốt nhất là ở khoảng 7,9 – 8,2.

– Dòng chảy: Tốc độ dòng chảy thích hợp từ 0,2-0,6m/giây.

– Hàm lượng Oxy hòa tan. Hàm lượng oxy tốt nhất từ 4-6mg/lít.

– Độ trong: Độ trong tốt nhất khoảng 30 – 40cm.

– Ít có các loại khí độc. (H­2S, NH3).

– Nhiệt độ nước: Nhiệt độ nước tốt nhất ở ngưỡng 20-300C, Nếu nhiệt độ trong ngày thay đổi cao hơn 50C giữa ngày và đêm thì cần phải đề phòng cá bỏ ăn, nổi đầu, ngớp liên tục …. Và người nuôi cần có các biện pháp can thiệp kịp thời như cung cấp ô xy, ngưng cho ăn, tránh xáo trộn lồng nuôi.

  1. Chuẩn bị công trình nuôi.

a/ Cấu trúc bè nuôi: 

cấu trúc lồng bè kiểu mới.

 Khung bè: Dùng gỗ chịu mặn có đường kính 06 x 12cm, dài 4 – 4,5m, nối kết với nhau bằng bùloong dài 12-15cm, thường kết cấu theo hình vuông 6 x 6m, diện tích khoảng 40 m2, tính cả thành lồng. Lót bên trên là gỗ ván xẻ chịu nước thuộc nhóm gỗ 2 hoặc 3. Ván xẻ dài khoảng 6m, rộng 0,20m, dày 1,2 – 1,5cm, hoặc ghép theo chiều ngang (xem hình 01, 02) Ván gỗ ghép vào khung lồng bằng đinh hoặc buloong, khoảng 08 cây gỗ ghép lại thì được một ô lồng nuôi. Nhiều ô lồng ghép lại thành bè (hình 01.02). .

  Phao: Khung bè được nâng nổi lên trên mặt nước nhờ hệ thống phao. Phao là thùng nhựa hoặc phao xốp. Thường dùng là phao 200 lít loại phi nhựa có đường kính 57-60cm x chiều cao 90-92cm, còn nguyên vẹn và có nắp đậy, dùng 6-8 chiếc cho một ô lồng. Nếu sử dụng phao xốp thì dùng loại 80 x 60 x 50cm có sức nổi 250kg. Phao buộc dưới khung lồng bằng dây chắc chắn.

Neo: (Dây nháng)Thường 4 góc bè có neo cố định, dùng dây nylon có đường kính khoảng 25-30mm để neo bè (hình 03, 04). Ngoài ra để bảo đảm an toàn, với các loại bè có trên 10 lồng, người nuôi còn thiết kế thêm từ 2-6 dây neo (Dây nháng)cột ở bên các mặt của bè cá nhằm tăng sức chịu lực khi có gió bão.

Nhà ở, nhà kho và công trình phụ: Trên bè thường dành một diện tích nhất định làm nhà ở và làm việc, nhà kho (chứa thức ăn, lưới cụ, máy bơm…), và các chòi, ô bảo vệ nếu các bè có diện tích rộng.

Lưới: (Giai) Dùng lưới nylon sợi thô 1-2mm, mắt lưới 2a = 0,5-8cm may thành giai, tùy vào kích cỡ của từng loại cá và từng giai đoạn tăng trưởng. Đáy giai có hai lớp lưới để bảo vệ. (nắp giai là lưới thưa dùng bảo vệ cá nhỏ). Lưới được cố định trong khung gỗ bởi các dây giềng ở các góc. Đáy giai cách nền đáy tốt nhất 3-5m, phần ngập trong nước là 2,5m, phần cao hơn mặt nước là 0,5m. Mỗi giai có thể tích 80-100m3.

  1. Chọn giống.Bà con nên chọn mua giống những nơi có uy tín, có chứng nhận rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ, giống đã làm xét nghiệm các loại bệnh tại các cơ quan, đơn vị có chức năng xét nghiệm giống thủy sản trước khi thả nuôi. Chọn giống kích cỡ đồng đều, có màu sắc sáng đẹp, không dị tật, phản ứng tốt khi bắt lên khỏi mặt nước. Đối với cá bớp giống (Cá giò) thả đạt >12cm, trọng lượng khoảng từ 20- 25g/con.
  1. Trong nuôi lồng cá biển lồng bè, dù có nhiều ưu điểm như dễ chăm sóc, quản lý, song vẫn còn có một số trở ngại cụ thể như sau: Các lưu ý khác khi nuôi cá biển lồng bè.

Bẩn lồng: Lồng nuôi cá bị bẩn nặng trong quá trình nuôi là vấn đề khó có thể tránh khỏi, đặc biệt là ở giai đoạn cá nhỏ phải sử dụng lưới có kích thước mắt lưới nhỏ, sau khoảng 1 tháng nuôi, sự lưu thông nước giảm nhanh chóng do các sinh vật bám như hào, sun, rong, tảo, thức ăn dư thừa, nếu không thay hoặc dùng các biện pháp vệ sinh khác, lưới có thể giảm lưu thông nước đến 60%.

Thức ăn: Do việc nuôi cá lồng bè bị phụ thuộc chủ yếu vào nguồn thức ăn là cá tạp, phế phẩm của các nhà máy chế biến thủy sản… Vì thế nguồn cung cấp thức ăn sẽ bị động nếu xảy ra các sự cố bất khả kháng, ngoài ra, thức ăn là cá tạp không đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng cho cá nuôi, nếu cá tạp kém chất lượng cũng dễ gây ra bệnh cho cá, cho môi trường nước và kể cả sức khỏe con người.

– Cần cho cá ăn vào các giờ cố định, lúc nhiệt độ thấp, tốt nhất là vào buổi sáng và buổi chiều lúc trời mát, thức ăn cần chế biến nên vừa với miệng cá, khuyến cáo người nuôi nên sử dụng thêm thức ăn viên công nghiệp nhằm chủ động trong chăn nuôi khi gặp các điều kiện bất lợi.

 Chất lượng nước thay đổi: Việc nuôi cá lồng bè bị ảnh hưởng mạnh bởi sự thay đổi dòng chảy, sóng gió, và các yếu tố khác như độ mặn, pH, độc tố do nhiễm bẩn, tảo nở hoa… Vì thế, trước khi nuôi, cần xem xét và chọn vị trí thích hợp, luôn có các phương án dự phòng cho bè cá của mình khi gặp các vấn đề khó khăn hay sự cố môi trường bất lợi.

 Địch hại: Nhiều quan sát cho thấy rằng nuôi cá trong lồng có nhiều địch hại như rắn biển, mực, cá dữ phá lồng hay vào lồng gây hại cho cá nuôi, các loại chim ăn cá cũng là địch hại nguy hiểm cho cá khi lồng không được bảo vệkỹ và đặc biệt là giai đoạn cá giống mới thả.

 Bệnh cá: Cá biển nuôi lồng thường mắc một số bệnh ký sinh và vi khuẩn.

Các vấn đề cần lưu ý để đảm bảo sức khỏe cho cá trong nuôi lồng:

– Chọn giống khoẻ mạnh và kích cỡ hợp lý, loài nuôi ít mẫn cảm với bệnh tật, phù hợp với điều kiện vùng nuôi.

– Chọn vị trí cẩn thận, tránh các vùng cạn nước, điều kiện bất lợi, xa đường giao thông, điện nước, nguồn thức ăn tươi và khô …

– Thường xuyên theo dõi, chăm sóc cá nuôi để chuẩn đoán tình trạng sức khoẻ cá, kiểm tra sức lớn của cá và có sự phân chia, san thưa hợp lý nhằm kích thích tối đa sự phát triển và sinh trưởng theo từng giai đoạn phù hợp.

– Mật độ nuôi vừa phải theo từng giai đoạn, tránh để cá quá chật trong lồng.

– Không cho cá ăn quá thừa cũng như quá thiếu tránh tình trạng gây lãng phí và ô nhiễm môi trường, thức ăn là cá phải còn tươi, nên rửa sạch trước khi cho cá ăn, định kì bổ sung các loại chất khoáng, Vitamin… vào thức ăn cho cá, đặc biệt là giai đoạn cá còn nhỏ, đang trong giai đoạn phát triển.

– Ngăn ngừa địch hại như chim ăn cá, các loại rắn biển…

– Vệ sinh dụng cụ thường xuyên, sử dụng xong phải vệ sinh sạch sẽ, phơi khô và để nơi khô ráo, sắp xếp trật tự trong kho.

Ngoài ra, khi cá nuôi có các dấu hiệu, triệu chứng bất thường thì bà con cũng nên kịp thời báo cho cơ quan chuyên môn tại địa phương là Chi cục Thú y hay Chi cục Thủy sản để được tư vấn, hỗ trợ kịp thời tránh xảy ra các thiệt hại không đáng có.

 Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam